Hành vi rủ rê

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngữ nghĩa - ngữ pháp của phát ngôn hỏi - cầu khiến trong tiếng Việt (Trang 50)

V. PHÁT NGÔN HỎI CẦU KHIẾN VÀ TÍNH LỊCH SỰ

2. Nội dung ngữ nghĩa (chia theo hành vi)

2.1. Hành vi rủ rê

 Tên tôi là Jeyson - Hôm nay chúng ta đi ăn tối với nhau chứ? (Trở về Êđen, R. Miles)

 Một lát, bác Tân giục: - Thế ta đi chứ?

Hai anh em đi.

(Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan)

 Thế ta vào thôi chứ?

(Vỡ bờ, Nguyễn Đình Thi)

 Chúng ta ăn chứ?

Cô ăn một cách khoan khoái và cứ khen ngon mãi.

(Hai số phận, J. Archer)

Trong hành vi rủ rê, vị thế xã hội của người nói ngang bằng, hoặc cao hơn người nghe, trái lại, vị thế giao tiếp giữa họ ngang bằng nhau. Sắc thái cầu cao hơn sắc thái khiến.

2.2. Hành vi mời mọc

 Cô Erơ, mời cô xơi điểm tâm chứ?

(Jên Erơ, Ch. Bronte)

 Ông uống một chút gì chứ?

(Hai số phận, J. Archer)

 Thưa ông, dùng cà phê chứ ạ?

(Hai số phận, J. Archer)

Có thể dùng trực tiếp động từ cầu khiến “mời” trong “Cô Erơ, mời cô xơi điểm tâm chứ?” để thực hiện hành vi mời mọc khi người có vị thế xã hội thấp nói với người có vị thế xã hội cao hơn. Do vậy, sắc thái thân mật sẽ kém hơn so với trường hợp không có động từ cầu khiến “mời”. Lúc này, sắc thái khiến cao

Giữa những người có vị thế xã hội ngang bằng nhau thì hầu như không có sự xuất hiện các đại từ chỉ ngôi. (Cà phê chứ?).

Người có vị thế xã hội cao hơn mời người có vị thế xã hội thấp hơn thì lời mời cũng mang sắc thái thân mật. Sắc thái cầu và sắc thái khiến ngang bằng nhau.

Tuy nhiên, đúng như tác giả Vũ Thị Thanh Hương đã nói, nếu dùng lời mời gián tiếp thì có vẻ kém nhiệt tình hơn là dùng lời mời trực tiếp, mang tính áp đặt cao, có lợi về phía người nghe. Vì thế, nó được coi là thể hiện sự chân thành của người nói. So sánh:

 Ông uống một chút gì chứ? (cầu khiến gián tiếp bằng cấu trúc hỏi với

“chứ”)

 Ông uống một chút gì đi ạ. (cầu khiến trực tiếp với tiểu từ cầu khiến

“đi”)

Lại so sánh:

 Ông uống một chút gì đi ạ.

 Mời ông uống một chút gì chứ ạ?

Dùng trực tiếp động từ cầu khiến “mời” trong hành vi mời mọc cũng sẽ làm cho lời mời trở nên chân thành như khi dùng lời cầu khiến trực tiếp.

2.3. Hành vi thúc giục

 Đắc thắng, ông Chánh quay sang lại phía tổ máy chữ, vang vang: - Ô kìa, dàn nhạc chơi đều đi chứ?

Ba cái máy chữ đổ như mưa rào.

(Mưa mùa hạ, Ma Văn Kháng)

 Xếp các giấy gói sang một bên, Liên quay lại bảo Huệ: - Chúng mình bầy cỗ đi chứ?

(Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam)

 Đổng sốt ruột hỏi phóng: - Thế nào, quyết đi chứ?

(Đất làng, Nguyễn Thị Ngọc Tú) Với việc có thêm tiểu từ cầu khiến “đi”, lời cầu khiến trong ba ví dụ trên mang sắc thái thúc giục. Bởi vì, theo Nguyễn Thị Hoàng Chi, “đi” với tư cách

là một tiểu từ tình thái, nó biểu thị sự thúc giục của người nói đối với người nghe, yêu cầu người nghe phải thực hiện một hành động nào đó mà người nói cho là cần thiết, nên làm”.

So sánh:

(1). Thế nào, quyết đi chứ? (2). Thế nào, quyết chứ?

Rõ ràng, (1) có sắc thái thúc giục hành động hơn là (2). Lại so sánh:

(1). Thế nào, quyết đi chứ? (3). Quyết đi!

(1) có cấu trúc sắc thái: hỏi hàm ý cầu khiến. (3) có cấu trúc sắc thái: cầu khiến.

Ở (1) chủ ngôn vẫn để một khả năng nhỏ cho đối ngôn được lựa chọn. Còn ở (3) chủ ngôn áp đặt người nghe phải thực hiện ngay hành động và không để cho người nghe có quyền lựa chọn khả năng làm hoặc không làm.

Tóm lại, phát ngôn hỏi - cầu khiến cấu trúc “P + đi chứ?” mang sắc thái khiến cao, sắc thái cầu thấp.

2.4. Hành vi xin phép

(1). Chị cho phép tôi ngồi chung với chứ?

(Trở về Êđen, R. Miles) (2). Bà cho phép tôi ngồi chứ ạ?

(Trở về Êđen, R. Miles) (3). Bà cho phép tôi gặp họ được chứ?

Hành vi xin phép được thực hiện qua động từ cầu khiến “cho phép”. Nếu không có động từ cầu khiến “cho phép” thì các phát ngôn trên trở thành những lời thỉnh cầu.

(1a). Tôi ngồi chung với chứ? (2a). Tôi ngồi chứ ạ?

(3a). Tôi gặp họ được chứ?

Hành vi xin phép được người có vị thế xã hội thấp hơn nói với người có vị thế xã hội cao hơn để được phép làm gì hoặc cho phép mình cùng làm cái gì với người có vị thế xã hội cao hơn (khi sử dụng “với”).

Cụ thể, ở câu (2) người nói xin phép người nghe “được ngồi”, còn ở câu (3) thì được “gặp họ”. Do vậy, vị thế giao tiếp của người nói cũng thấp hơn vị thế giao tiếp của người nghe. Vị thế xã hội và vị thế giao tiếp trùng nhau ở cả người nói và người nghe.

Đối với câu (1), việc xuất hiện tiểu từ tình thái cầu khiến “với” đứng cuối phát ngôn trước trợ từ “chứ” nên ở đây người nói xin phép người nghe cho mình cùng “ngồi chung” với người nghe. Điều này xuất phát từ bản chất của tiểu từ “với”. Theo Nguyễn Thị Hoàng Chi, “Với là một tiểu từ làm phương tiện biểu thị tình thái cầu khiến với nội dung yêu cầu người đối thoại làm gì đó cho mình hoặc cho phép mình cùng làm cái gì”. Sự xuất hiện của “với” có ảnh hưởng như thế nào tới sắc thái nghĩa của toàn câu?

So sánh:

(4). Chị cho phép tôi ngồi chung chứ? (5). Chị cho phép tôi ngồi chung với chứ?

(4) là phát ngôn hỏi - cầu khiến. Phát ngôn nghiêng về sắc thái cầu, còn sắc thái khiến “mờ nhạt”. Người nói tha thiết mong người nghe cho mình được “ngồi chung”.

(5) là hành vi cầu khiến gián tiếp thông qua hình thức hỏi. Sự góp mặt của “với” làm tăng mức độ tha thiết của lời xin phép hơn so với (4). Nhìn

2.5. Hành vi đề nghị

(6). Anh cũng vào chứ, Rét? - Không, chàng nói và lại lên xe.

(Cuốn theo chiều gió, M. Mitcheln) (7). Cô cho mượn xe Honđa. Cháu về làng bằng xe Honđa được chứ?

(Truyện ngắn lãng mạn 2001)

Trong ví dụ (6), người có vị thế xã hội thấp đề nghị người có vị thế xã hội cao hơn làm một việc có lợi cho mình, còn bản thân người nghe bị thiệt. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi vị thế xã hội nên người nói phải dùng hình thức hỏi - cầu khiến nhằm giảm tính áp đặt đối với người nghe, có sắc thái cầu tương đối cao.

Trong ví dụ (7), người có vị thế xã hội cao, nhằm giảm thiểu tính áp đặt nên đã chọn cách hỏi cầu khiến dùng “chứ” có sắc thái trung hòa, không có tính ra lệnh tuy trên thực tế, họ có thể dùng cách nói cầu khiến trực tiếp với tiểu từ cầu khiến “đi” “Cháu về làng bằng xe Honđa đi”.

2.6. Hành vi yêu cầu

 Các anh nghe rõ cả rồi chứ? Không ai nói gì.

(Hai số phận, J. Archer)

Hành vi yêu cầu rất hiếm được sử dụng trong kiểu loại này do ngữ nghĩa của từ “chứ”. “Chứ” thiên về hành vi đề nghị, là kiểu hỏi có định hướng: hỏi nhưng theo ý muốn của mình. Do vậy, sắc thái của “chứ” có sự trung hòa.

Riêng hành vi ra lệnh thì cấu trúc ngữ nghĩa phải thể hiện được sắc thái ra lệnh. Trong ví dụ trên, sắc thái yêu cầu thể hiện rất rõ qua thành phần bổ ngữ có ý nghĩa nhấn mạnh thông tin mệnh lệnh “rõ cả rồi”. Sắc thái khiến rất đậm nét, còn sắc thái cầu không có. Nhìn chung, hành vi yêu cầu rất hiếm xuất hiện trong cấu trúc hỏi với từ “chứ” có ý nghĩa cầu khiến.

Phát ngôn hỏi - cầu khiến thường có sự kết hợp giữa các yếu tố: chủ ngữ ngữ pháp (D2: người nghe, D1: người nói), vị từ, bổ ngữ, các tiểu từ cầu khiến.

Một phần của tài liệu Đặc trưng ngữ nghĩa - ngữ pháp của phát ngôn hỏi - cầu khiến trong tiếng Việt (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)