II. NGỮ CẢNH VÀ NGÔN CẢNH CỦA PHÁT NGÔN HỎI CẦU KHIẾN
2. Ngôn cảnh của phát ngôn hỏi cầu khiến
Phát ngôn cầu khiến và phát ngôn hỏi - cầu khiến đều tồn tại trong một ngữ cảnh cụ thể. Tuy nhiên, ngoài ngữ cảnh, phát ngôn hỏi - cầu khiến còn bị phụ thuộc vào ngôn cảnh bởi vì chúng không có những đặc điểm riêng để nhận ra tính chất cầu khiến. Trong khi đó, phát ngôn cầu khiến lại có một bộ những đặc điểm để nhận dạng lời cầu khiến. Đó là: 1. Hãy, đừng, chớ 2. Các tiểu từ cầu khiến: đi, với, đã, xem, thôi, nào, nhé 3. Động từ tình thái: cần, nên, phải 4. Các động từ ngôn hành cầu khiến: yêu cầu, ra lệnh, đề nghị… 5. Các động từ cầu khiến: giúp, hộ, để…
Như trên đã nói, phát ngôn hỏi - cầu khiến không có các đặc điểm về hình thức để nhận diện câu cầu khiến, mà phải phụ thuộc vào ngữ cảnh, ngôn cảnh. Ví dụ:
Bà Phán ngắt lời:
- Tôi muốn đem con anh về ngay hôm nay. Tôi muốn thế… Loan nhìn chồng thong thả nói:
- Đem nó về làm gì. Tôi xin nói thật: thày thuốc bảo không tài nào cứu sống được nữa.
(Đoạn tuyệt, Nhất Linh)
Ngoài ngữ cảnh, nếu không có ngôn cảnh “Tôi muốn đem con anh về ngay hôm nay. Tôi muốn thế…” và “Tôi xin nói thật: thày thuốc bảo không tài nào cứu sống được nữa” thì người nghe hiểu phát ngôn “Đem nó về làm gì” là một phát ngôn hỏi. Trong trích đoạn trên, nó là một lời khuyên đối ngôn không nên làm một hành động vô ích, quá muộn sẽ chẳng đem lại kết quả gì cả.
Chính vì không có các đặc điểm để nhận ra ý nghĩa cầu khiến thông qua các phát ngôn có đặc trưng hỏi nên sự xuất hiện của nó không lớn hơn so với sự xuất hiện của các phát ngôn cầu khiến chính danh.