Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

Một phần của tài liệu Tìm hiều việc sử dụng từ thuần Việt và Hán Việt trong tục ngữ Việt Nam (Trang 47)

3.1.2.1. Nhận xét chung.

Văn hoá thể hiện qua nhiều cách thức, trong đó, ngôn ngữ là phương tiện quan trọng để thể hiện văn hoá. Mọi nghiên cứu về văn hoá cũng không thể không nghiên cứu chất liệu ngôn ngữ. Như thế, từ chất liệu ngôn ngữ để đi tìm lịch sử dân tộc, văn hoá dân tộc là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Chất liệu đó càng cổ xưa thì chúng ta càng có điều kiện để thấy rõ hơn cội nguồn, nhất là khi tìm về những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống. Tất cả những gì con người tạo ra đều có tính văn hoá, đều có dấu ấn của ngôn ngữ. Chính vì vậy khi giải mã về văn hoá người ta có thể căn cứ vào nhiều thông số khác nhau. Nhưng chiếc chìa khoá rất quan trọng để có thể giải mã văn hoá của dân tộc thì đó chính là ngôn ngữ của dân tộc ấy. Nói khác đi, ngôn ngữ là công cụ chuyển tải văn hóa.

Do vậy, sự hình thành ngôn ngữ là một trong những tiền đề đa diện để hình thành văn hóa. Các nhà khoa học đều thừa nhận rằng, giữa ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ dân tộc và văn hóa dân tộc, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Ngôn ngữ là một bộ phận không thể tách rời văn hóa. Sự liên quan hữu cơ giữa ngôn ngữ và các khía cạnh khác của nền văn hóa gần gũi tới mức, không một bộ phận nòa thuộc về văn hóa của một nhóm người cụ thể lại có thể tách rời khỏi các biểu tượng ngôn ngữ. Bản thân văn hóa là một hệ thống tín hiệu, đa dạng, bao trùm mọi hoạt động cộng đồng người, trong đó có ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội vì nó là công cụ của tư duy. Nó phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, có thể coi ngôn ngữ là một loại hình thái ý thức của xã hội. Theo cách nói của Ănghen, rõ ràng ngôn ngữ không chỉ là tiền đề tạo ra đối tượng văn hóa, mà hơn thế nữa, từ trong chiều sâu,

trước hết nó là tiền đề tạo ra "con người". Sở dĩ con người có trí tuệ là bởi chỉ có con người mới có khả năng đặc biệt "khả năng biểu trưng hóa trong hoạt động ý thức" bằng ngôn ngữ. Khả năng này cho phép con người sáng tạo và sử dụng những biểu tượng khác nhau. Khi con người hiện thực khả năng biểu trưng hóa vào đời sống xã hội bằng những biểu tượng (bắt đầu từ lời nói thành tiếng) thì con người thoát khỏi thế giới động vật - thế giới tối tăm ngu muội, để bước vào thế giới của ánh sáng trí tuệ. Và như vậy thì ngôn ngữ - một loại biểu tượng của văn hóa, nằm trong phạm trù văn hóa. Từ đó, con người tiếp tục tạo ra cho mình những đối tượng văn hóa khác.

Ở nhiều cấp độ khác nhau, ngôn ngữ làm tiền đề cho văn hóa phát triển, và đến lượt mình, sự phát triển của văn hóa lại quay trở lại làm tiền đề cho ngôn ngữ phát triển. Đó là mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Nhưng điều quan trọng nhất: văn hóa và ngôn ngữ đều là một thiết chế xã hội. Nét đặc thù của thiết chế này ở chỗ: giá trị nhận thức có được về chúng bao giờ cũng được quy định bởi tính ước lệ,, vốn được tạo ra bởi một cộng đồng xã hội xác định gắn với một trạng thái không gian và thời gian xác định.

Ngôn ngữ vừa là sản phẩm của toàn xã hội, đồng thời cũng là sản phẩm của từng cá nhân trong xã hội đó sáng tạo nên. Bởi vì, trước hết ngôn ngữ sản sinh ra một mặt nhằm để phục vụ cho cá nhân riêng lẻ trong xã hội, mặt khác từ đó nó chính là cầu nối để gắn kết các cá nhân trong cùng một xã hội lại với nhau. Hoạt động sáng tạo ra ngôn ngữ của mỗi cá nhận chỉ có giá trị khi tiến hành giao tiếp trong cộng đồng xã hội. Lúc ấy trong ngôn ngữ đã chứa đựng những biểu hiện tinh thần của văn hóa cộng đồng. Vậy nên, ở mỗi một con người bản chất của ngôn ngữ quyết định thuộc tính văn hóa dân tộc của con người đó. Với tư cách là đặc điểm đặc thù của một nền văn hóa dân tộc, vai trò ngôn ngữ tác động theo hai hướng: “ hướng nội” - khi ngôn ngữ đóng vai trò nhân tố chính thống nhất cộng đồng người trong dân tộc và “hướng ngoại” - trong trường hợp khi mà ngôn ngữ là dấu hiệu làm phân ly

một dân tộc thành những bộ phận khác nhau. Chính trong ngôn ngữ có sự kết hợp biện chứng hai chức năng đối lập như vậy nên ngôn ngữ đã thực sự là phương tiện giao tiếp để bảo toàn sự thống nhất của một dân tộc, và đồng thời cũng là phương tiện dùng để tách biệt dân tộc này khỏi các nền văn hóa của dân tộc khác hay một dân tộc thành những dân tộc khác nhau.

Ngôn ngữ vừa là phương tiện giao tiếp giữa các cá thể trong cộng đồng, lại là phương tiện liên hệ kế thừa giữa các thế hệ trong sự phát triển tinh thần của họ trong lịch sử. Sở dĩ như vậy là bởi vì kinh nghiệm lịch sử - xã hội của một dân tộc về cơ bản tàng trữ và lưu truyền trong không gian và thời gian ở hình thức ngôn từ. Chính trong ý nghĩa của từ đã lưu giữ lại sự hiểu biết về thế giới khách quan ở trình độ xã hội có thể đạt được trong giai đoạn lịch sử nhất định. Nhờ đó mà con người có thể thu nhận được ở dạng kinh nghiệm xã hội được tất cả các thế hệ tiền bối đúc kết, tích lũy và hệ thống hóa. Ngôn ngữ bên cạnh các chức năng khác, còn có một chức năng quan trọng là tích lũy tri thức. Ngôn ngữ tục ngữ là ngôn ngữ thuộc loại có chức năng tích lũy ấy.

Tóm lại, ngôn ngữ là công cụ chuyển tải những thông tin văn hóa quan trọng nhất, nó chính là hệ thống tín hiệu văn hóa của các dân tộc. Văn hóa mỗi dân tộc thẩm thấu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội và được biểu hiện ra trên bề mặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ gắn kết các cá nhân trong xã hội đương thời, mà còn là một phương tiện để kết nối và kế thừa giữa các thế hệ khác nhau của một cộng đồng văn hóa - ngôn ngữ khác nhau.

3.1.2.2. Giá trị của ngôn ngữ tục ngữ đối với văn hóa

Ngôn ngữ là bộ phận của văn hóa, bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào cũng chuyển tải nội hàm văn hóa của dân tộc ấy một cách sâu sắc nhất và triệt để nhất. Bất kể ở phương diện nội dung hay phương diện hình thức, tục ngữ đều chứa đựng một cách cô đọng nhất, tinh hoa nhất, phản ánh đậm đà văn hóa của từng dân tộc. Tục ngữ có quan hệ vô cùng mật thiết với văn hóa dân tộc, vì bản thân tục ngữ của một ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với bối cảnh lịch sử, môi trường

tự nhiên, đời sống xã hội, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc đó. Tục ngữ là những tinh hoa của ngôn ngữ, cũng là tinh hoa của văn hóa. Vì thế chúng thể hiện được đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Đó là những câu tục ngữ phản ánh môi trường sống, điều kiện tự nhiên, thời tiết - khí hậu, những loài động vật, thực vật mang đậm nét văn hóa của đất nước. Hoặc đó là những câu tục ngữ phản ánh rất nhiều nét văn hóa từ các góc độ khác nhau như ăn mặc, y phục, trang điểm…

Một phần của tài liệu Tìm hiều việc sử dụng từ thuần Việt và Hán Việt trong tục ngữ Việt Nam (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)