Văn hoá xuất hiện cùng với loài người nhưng mãi đến thể kỷ XX thì việc nghiên cứu về văn hoá mới được đặt ra một cách nghiêm túc. Thuật ngữ văn hoá học do Wilhelm Ostwald, một triết gia người Đức dùng đầu tiên vào năm 1909 đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên khắp thế giới. Từ đó đã có rất nhiều định nghĩa, khái niệm về văn hoá mà cho đến nay vẫn chưa thể nào thống nhất được. Có lẽ trong khoa học xã hội và nhân văn chưa có một khái niệm nào đa dạng đến mức mơ hồ như khái niệm văn hoá.
Văn hoá được biểu thị bằng các ngôn ngứ châu Âu như tiếng Anh, Pháp là culture, tiếng Đức là Kultur. Các chữ này đều bắt nguồn từ chữ
Latinh cultus xuất hiện từ thời cổ đại La Mã có ý nghĩa gốc là “trồng trọt”. Về sau, ý nghĩa này làm cơ sở cho ý nghĩa phái sinh liên quan đến ưu điểm của cá nhân và sự hoàn thiện của con người: cultus animi là trồng trọt tinh thần, tức là sự giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con người.
Tổ chức UNESCO đưa ra thông điệp về văn hóa như sau: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến những tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" [44, 21].
Ở Việt Nam từ văn hoá xuất hiện muộn hơn so với thế giới, khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Người đầu tiên đưa ra khái niệm về văn hoá là học giả Đào Duy Anh. Tuy nhiên cho đến nay có rất nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá ở Việt Nam nhưng vẫn chưa thống nhất quan niệm về văn hoá.
Theo Từ điển tiếng Việt, văn hoá có năm nghĩa sau đây:
- Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử
- Những hoạt động của con người nhắm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần – nói một cách tổng quát.
- Tri thức, kiến thức khoa học – nói khái quát.
- Trình độ cao trong sinh hoạt văn hoá xã hội, biểu hiện của văn minh. - Nền văn hoá của thời kỳ lịch sử cổ xưa , được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.
Trên cơ sở phân tích các cách hiểu khác nhau về hiện tượng văn hoá, GS- TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một định nghĩa về văn hoá như sau: “Văn hoá là một hệ thống hữa cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội”.[44, tr.27]
Có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa, song theo như định nghĩa trên, chúng tôi cho rằng văn hóa là những tài sản vật chất và tinh thần do con
người sáng tạo ra, mang theo những đặc điểm đại diện cho một dân tộc, làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác.