Lẽ thường, khi nói về ngữ nghĩa của một câu tục ngữ là người ta nói đến nội dung của chúng. Xét về ngữ nghĩa, phần lớn tục ngữ Việt đều có nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nghĩa đen là nghĩa bề mặt, nghĩa cụ thể ban đầu khi người ta gọi tên sự vật và hiện tượng. Nội dung của câu tục ngữ được toát ra từ chính bản thân nó mà không có một ngụ ý nào khác, là sự tổng hợp ý nghĩa của từng từ trong câu, là "tổ hợp nghĩa trên bề mặt với những yếu tố được hiện thực hóa bằng từ [29; tr.73]. Nghĩa đen là nghĩa gốc, còn gọi là nghĩa tường minh. Trong các câu tục ngữ: "Kiến tha lâu cũng đầy tổ; Tre non dễ uốn; Tức nước vỡ bờ"... nếu xét về từ ngữ thì khá đơn giản. Các từ đều có nghĩa rõ ràng, hiển mi nh. Hiểu theo nghĩa đen, tục ngữ mô tả những nhận xét của nhân dân thông qua
đặc tính của cây tre non, về cái bờ bị vỡ. Vì vậy, nghĩa khởi thủy của tục ngữ được "toát ra từ bản thân sự vật hiện tượng do tục ngữ ghi lại" [4, tr 25].
Nghĩa bóng của nhiều câu tục ngữ là nghĩa hàm ngôn được phát triển từ nghĩa định danh. Từ quan sát trực tiếp vẻ bề ngoài của một sự vật và hiện tượng cụ thể (nghĩa đen), các tác giả dân gian đã khái quát thành bản chất chung cho nhiều sự vật và hiện tượng khác. Nghĩa bóng là nghĩa ẩn dụ, thường "lặn sâu" đằng sau nghĩa bề mặt, nghĩa hiển ngôn, chẳng hạn như các câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim; Kiến tha lâu cũng đầy tổ; Tích tiểu thành đại”. Các tác giả dân gian thường lấy các hiện tượng, sự vật và sự việc
trong tự nhiên (nghĩa đen) để nói về con người và cuộc sống của con người (nghĩa bóng). Chẳng hạn: Cá không ăn muối cá ươn; Có công mài sắt có ngày
nên kim; Con gà tức nhau tiếng gáy; Đời cha ăn mặn, đời con khát nước…Như vậy, từ nhận thức trực quan cảm tính, con người tiếp cận đến
nhận thức lý tính, giai đoạn đầu của tư duy trừu tượng. Không chỉ dừng lại ở những nhận xét bề nổi, tục ngữ có xu hướng đi sâu vào bên trong để phát hiện ra bản chất sự vật, khái quát từ những hiện tượng cá biệt, cá thể, bề ngoài của một sự vật.