Hình ảnh Lửa

Một phần của tài liệu Thơ Thanh Thảo nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 60)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.1.2. Hình ảnh Lửa

Đối lập với hình ảnh cỏ xanh yếu mềm mà dữ dội thì hình ảnh lửa đỏ trong thơ Thanh Thảo lại mãnh liệt và ồn ào. Ngọn lửa xuất hiện trong thơ Thanh Thảo khoảng 157 lần, là biểu tượng rực rỡ cho ý chí kiên cường và sức mạnh chiến đấu, niềm tin và hy vọng, tình yêu và lý tưởng của nhân dân ta trong thời kỳ chiến tranh gian khổ.

Ngọn lửa xuất hiện với rất nhiều biến thể sinh động như mái chèo nhúng lửa, ngọn lửa rực hồng, ngọn lửa đằm trong mắt, lửa của lồng ngực,..

với nhiều những tầng nghĩa khác nhau, lửa đã hoá thân vào ý chí và tâm hồn dân tộc. Ngọn lửa đã trở thành chút sự sống mong manh mà những chiến sĩ cộng sản gắng gượng gìn giữ: mỗi bữa ăn nhín lại chút cơm khô/ cắn răng chịu đau để dành ít thuốc/ ủ ngọn lửa qua mùa mưa bấc [Bùng nổ mùa xuân, tr.68], ngọn lửa đã trở thành ngọn lửa của lòng can trường tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vượt qua những thăng trầm bao năm tháng chiến khu/ không dập nổi ngọn lửa đằm trong mắt [Những người đi tới biển, tr.23]. Hình ảnh ngọn lửa âm ỉ cháy như niềm tin dai dẳng, như ý chí của người chiến sĩ không bao giờ nao núng trước đòn roi và bom đạn của quân thù. Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng từ lòng căm thù giặc và trái tim sắt đá không dễ gì lung lạc ở những người con yêu nước. Ý chí kiên trung bất khuất đó đã làm nên sức mạnh chiến đấu vô địch, từ những ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ trong mỗi trái tim đã cùng bùng lên đúng lúc làm thành sức mạnh vô địch thiêu đốt quân thù: qua mặt nước lặng yên xanh ngắt/ những ngọn núi đang vùng vẫy chào đời/ tiếng nổ vỡ những dòng nham thạch/ vọt lên từng khối lửa khổng lồ/ ấy là giờ/ từ cát sỏi vô danh vỏ sò trôi dạt/ bỗng hoá thân thành kim cương [Bùng

nổ mùa xuân, tr.91]. Sức mạnh của lửa là sức mạnh của sự huỷ diệt và tàn

phá, sức mạnh của sự bùng cháy đầy bất ngờ mà quả quyết, đó là sức mạnh được tích tụ, dồn nén từ sự kìm kẹp của kẻ thù. Những hình ảnh cánh chim

lửa, đám lửa bùng lên từ đám là tối trời thể hiện sức mạnh muốn phá tan gông cùm, không chịu nô lệ của một dân tộc nhỏ bé. Nói về thế hệ những người lính năm xưa, Thanh Thảo viết: Thế hệ chúng tôi trắng từng đêm lội nước/ sình bết từ chân bết đến đầu/ nên giọng nói có nhiều khi ngang dọc/ nên cái nhìn có lắm phen gai góc/ vì ngọn lửa chịu sình là lửa thực/ đã bùng lên/ dám cháy tận sức mình [Một người lính nói về thế hệ mình, Khối vuông rubic –tr.33]. Ngọn lửa là lửa của nhiệt huyết tuổi trẻ dám sống thực là chính mình, dám hy sinh bản thân mình vì nghĩa cử cao đẹp.

Ngọn lửa còn lung linh trong niềm tin bất diệt về tương lai hoà bình, hạnh phúc. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, niềm tin và hy vọng như là nguồn động lực giúp cho dân tộc ta đương đầu với khó khăn thử thách. Những ngọn lửa luôn được nhen nhóm trong lòng dân tộc ngay cả trong đêm trường lạnh lẽo và tăm tối nhất của nhà tù cộng sản: chúng con là đàn chim mà quân thù hòng trói cánh/ nhưng chúng con quyết tháo cũi sổ lồng/ đêm tối dù mênh mông/ bình minh sẽ tới trên đôi cánh lửa/ lửa nuôi trong xà lim ngoài sở gỗ sở đá/ dọc những nẻo rừng đầy chướng khí [Bùng nổ mùa xuân, tr.67]. Niềm tin về một bình minh sẽ đến đã tiếp thêm sức mạnh cho người tù cộng sản quên mọi đớn đau về thể xác để tìm thấy tự do trong tâm hồn, tự do trong lý tưởng, niềm tin về “đôi cánh lửa” hay một hình ảnh của lửa trong biến thể chuông mặt trời rung như báo tin vui là niềm tin bất diệt. Niềm tin gắn kết với lý tưởng, những mơ ước cất cánh vượt qua gian khổ hy sinh đã làm nên chiến thắng diệu kỳ của toàn dân tộc sau chuỗi ngày trường kỳ kháng chiến: “ Những đớn đau mơ ước hy sinh/ Không riêng của một trái tim nào nữa/ Bài ca và ngọn lửa/ Tôi đi trong ánh sáng mọi người”

(Những người đi tới biển)

Ngọn lửa còn biểu tượng cho tình yêu và lý tưởng của những lứa đôi. Trong chiến tranh tình yêu đôi lứa luôn gắn với lòng yêu nước, khát vọng lứa

đôi luôn gắn với khát vọng hoà bình cho toàn dân tộc. Ngọn lửa của tình yêu chỉ toả sáng khi cả hai cùng chung nhịp đập và hoà chung nhịp tim mọi người chung tay giải phóng quê hương. Sự hoà nhập của cái riêng vào tình cảm chung đã được Thanh Thảo viết trong những dòng thơ đậm chất trữ tình: anh nhớ/ anh nhớ gì hôm nay/ cả những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất/ của hai ta – cũng soi vào đất nước/ bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình [Những người đi tới biển, tr.11]. Tình cảm riêng tư đã nhường chỗ cho những tình cảm lớn, lớp lớp thanh niên thời đó đã yêu như thế, lãng mạn, giàu đức hy sinh và nhiều lý tưởng. Tình yêu thăng hoa trong những nỗi chờ đợi, nhớ mong, những sự chờ đợi có khi đã hoá thành bất tử, những con người ra đi không tiếc xương máu và những người ở lại cũng chờ đợi không tiếc tuổi xuân mòn mỏi, hao gầy, đó là lý tưởng tình yêu cao đẹp, cháy mãi trong lòng dân tộc: dõi theo từng bước anh đi/ tình yêu em hoá thành cây lá đỏ/ suốt bốn mùa cháy hoài ngọn lửa...” [Những người đi tới biển, tr.12]

Lửa đã trở thành hình ảnh biểu tượng đẹp, giàu lý tưởng trong thơ Thanh Thảo. Những ngọn lửa biểu trưng cho ý chí dân tộc, cho niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, cho tình yêu bất diệt của con người hay chính là ngọn lửa lòng của nhà thơ đang bùng cháy mãnh liệt khi chứng kiến những hiện thực chiến tranh đa chiều, hay lòng tự hào dân tộc đã hoà nhịp vào thơ Thanh Thảo như một sự hoá thân kỳ diệu.

Thanh Thảo đã chỉ ra những chuyển hoá bí mật của lửa và màu xanh, của ngọn lửa biểu tượng cho sức mạnh niềm tin, sức mạnh chiến đấu, sức mạnh chiến thắng và những cây cỏ mọc tràn dưới bàn chân tưởng như vô danh mà nhọn sắc, yếu mềm mà dữ dội mãnh liệt vươn lên, mãnh liệt giành sự sống. Đây là hai hình ảnh biểu tượng tưởng như đối lập nhưng thực sự chúng là sự chuyển hoá lẫn nhau, cỏ yếu mềm nhưng cồn cào sức sống như ngọn lửa

bền bỉ cháy để một ngày bùng lên đám lửa dữ dằn thiêu đốt quân thù xâm lược.

Một phần của tài liệu Thơ Thanh Thảo nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)