6. Cấu trúc luận văn
2.2.2 Nhân vật bi kịch
Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Truyện ngắn ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. “Số phận con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn, thể hiện cái nhìn dân chủ đối với sự phức tạp của tính người. Nhiều tác phẩm đã hướng tới miêu tả số phận của những con người bình thường với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái thanh lọc và cái tha hóa, giữa cái nhân bản và cái phi nhân bản". [63]. Cuối những năm 80, cảm hứng bi kịch với nhiều hình thức, thể loại đã mang đến nhiều nét mới cho văn học. Trước hết đời sống xã hội từ khi chuyển qua cơ chế thị trường đã trở nên căng thẳng, phức tạp “hàng ngày hàng giờ diễn ra một cuộc đối chứng giữa hai mặt nhân cách và phi nhân cách, giữa cái hoàn thiện và chưa hoàn thiện”… Hiện thực đã khơi gợi cảm hứng bi kịch nơi các nhà văn, vì đó là những xung đột mâu thuẫn điển hình đầy tính bi kịch. Nguyễn Khải từng nói, bi kịch là tình huống trạng thái phổ biến và thường trực trong xã hội vào mọi thời kỳ “đã gọi là một kiếp người thì không chỉ có vui mà còn có buồn, thường là buồn nhiều hơn vui, không chỉ có thắng mà còn có bại, thường bại nhiều hơn, không chỉ có đúng mà còn có lầm lẫn, thường là lầm lẫn nhiều hơn. Có những kiếp người cả đời đau buồn, một đời thất bại, một đời lầm lẫn, nhưng tiếng kêu thống thiết của họ còn vang vọng tới tận hôm nay” .
Ở giai đoạn sáng tác sau đổi mới, Ma Văn Kháng cũng đi sâu khám phá thế giới tâm hồn con người và làm nổi bật bi kịch mà họ gặp phải. Có thể nói Ma Văn Kháng là nhà văn đặc biệt quan tâm đến số phận con người. Giữa cái
vô tận vô cùng của vũ trụ và cuộc đời, nhà văn cảm thấy con người thật nhỏ bé, hữu hạn. Thế nên sáng tác của ông luôn là sự trăn trở, lo âu cho số phận bất ổn của con người trong xã hội đầy những bất trắc, phải trái trắng đen lẫn lộn. Nhiều truyện ngắn của ông luôn chứa đựng nỗi ám ảnh về con người bị mưu phản mưu hại, bị các ác săn đuổi. Hàng loạt các nhân vật của ông luôn có những kết cục số phận đầy bất ngờ, ngẫu nhiên, phi lí. Đó là thân phận của ông Huỳnh (Phiên chợ hoa áp tết), “đương kim một học giả đầu ngành, uy tín về học thuật và đức độ không ai bì. Vậy mà, chỉ vì một tí sơ sẩy là lập tức lãnh trọn vai kẻ thất cơ ngã ngựa giữa đường” [41, tr. 467], là số phận chị Cả
(Thanh minh trời trong sáng) “một thời thanh nữ huy hoàng, bảy năm liền là
chiến sỹ thi đua ngành dệt, lên đến trưởng phòng, ngấp nghé anh hùng lao động… vì cơn cớ gì mà rũ tuột mọi công việc và vinh quang để trở về…” [41, tr. 310], là ông Hoàn (Cái Tý Ngọ) cả cuộc đời ăn ở nhân hậu bao dung, chẳng bao lâu ông Hoàn bị bọn phù thủy biến thành kẻ lợi dụng đểu giả, thậm chí bần tiện…” [41, tr. 439]. Đó còn là ông Thực (Dao sắc nhờ cán), ông Dụng
(Bệnh nhân tâm thần), thầy Huân (Người đánh trống trường), bà Sẹc (Miền
an lạc vĩnh hằng)… Tất cả những con người đều chịu chung một số phận là bị
đồng nghiệp, bị kẻ dưới quyền, kẻ ganh ghét địa vị và tài năng hãm hại đến nỗi đang từ đỉnh cao của sự thành đạt và danh vọng rơi tuột xuống nấc thang cuối cùng, trở thành những thân phận hết sức nhỏ bé bình thường.
Không chỉ mang trong mình nỗi ám ảnh về thân phận con người bị mưu phản, mưu hại, Ma Văn Kháng còn luôn bị ám ảnh, day dứt, xót xa cho kiếp người nhỏ bé, hữu hạn giữa cuộc đời đầy bất trắc, ngẫu nhiên, phi lý. Anh Thiều (Anh thợ chữa khóa) là một con người tài hoa và đem cái tài hoa ấy giúp ích cho đời. Vậy mà, bỗng chốc cái chết oan uổng đã đến với anh. Anh bị hai tên cướp đâm chết anh, chặt đứt đôi bàn tay vàng ngọc của anh, khoét đôi mắt anh, rồi ném cả thi thể anh cùng hòm đồ nghề, chiếc xe đạp của anh
xuống sông” [41, tr. 381]. Thật là “cái sống thì nhỏ nhoi, cái chết thật tùy tiện, vô nghĩa”. Anh Thiều xuất hiện “như một cái bóng và mất đi vô tăm tích như một sợi khói tan”.
Truyện ngắn sau đổi mới Ma Văn Kháng thường viết về đề tài thế sự, đời tư. Trọng tâm của đề tài này là gia đình với mối quan hệ vợ - chồng, mẹ - con, anh - em. Gia đình là hạt nhân của xã hội và bị chi phối bởi các yếu tố về kinh tế, tài chính. Lấy bối cảnh là những năm khi mà đất nước đang trong thời kỳ quá độ, có được cuộc sống đầy đủ, sung túc đối với con người còn là một điều mơ ước. Trong bối cảnh ấy, với những mâu thuẫn trong gia đình ấy, con người dễ rơi vào bi kịch. Truyện Bồ nông ở biển đề cập đến xung đột giữa Thoa (vợ Lương) và mẹ chồng. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu tưởng là “xưa cũ như trái đất”, vậy mà oái oăm vẫn xảy đến với gia đình Lương. Nghĩa là mối bất hòa thoạt đầu chỉ là những cái li ti nhỏ nhặt. Nghĩa là thoạt đầu chỉ là những máy móc vặt vãnh, những tức tối con con từ thời nảo thời nao bới ra nhưng kết cục là lăn xả vào nhau, mắng nhiếc nhau không tiếc lời và sau rốt là Lương phải ngửa ngực ra hứng nhận các ngọn giáo công kích từ hai phía [41, tr. 423]. Hàng ngày phải chứng kiến mối bất hòa của mẹ và vợ, Lương càng thêm nhức nhối. Anh đã tỏ rõ sự bất lực trong việc giải quyết mối quan hệ gia đình, chứ không nói gì đến việc gìn giữ cho hạnh phúc tổ ấm của mình.
Có phần giống với hoàn cảnh của Lương, Đoan trong Heo may gió lộng
đã gặp phải bi kịch tương tự. Đứng trước một bên là tình máu mủ ruột thịt, một bên là tình nghĩa vợ chồng, cả hai thái cực Đoan đều không dung hòa được, không thể hiện được vai trò trụ cột gia đình để chi phối một cách rành rẽ và hợp đạo lý. Cấn cá về lối ứng xử và thái độ hằn học, vô lễ của người vợ nhưng Đoan cũng không thể có hành động quyết liệt hơn để bảo vệ và bao bọc người chị gái ruột (chị Thảo) của mình đang ở nhờ tại nhà anh để chữa bệnh. Anh phản ứng yếu ớt và kinh sợ trước sự xấn xổ, tàn nhẫn của vợ. Sự
xuất hiện của chị Thảo trong nhà anh đã khiến vợ anh “bực bội khó chịu hết sức”. Nghe những lời nói cạn tàu ráo máng, mất tình mất nghĩa, phũ phàng tàn tệ của vợ, Đoan chỉ biết “nghiến răng để khỏi kêu trời” [23, tr. 381]. “Tôi – không – thích – dính – với – ai – cả. Nghe rõ chưa” (lời vợ Đoan), trước sự giận dữ vô lý của vợ mặt Đoan “há hốc vì kinh sợ”. Chấm dứt xung đột kinh hoàng ấy là khoảng lặng. Đoan cũng im lặng, Đoan thương chị nhưng không biết nói sao, không biét giải thích như thế nào để vợ hiểu. Anh bị bế tắc, đau đớn.
Ở một loạt truyện ngắn khác của Ma Văn Kháng ta lại bắt gặp những con người không làm chủ được hoàn cảnh số phận, luôn tỏ ra nhu nhược, hèn yếu trước hoàn cảnh như Lợi, Hào (Lỡ làng), Quý (Chọn chồng), Thuấn
(Trăng soi sân nhỏ), Hoằng, bà cụ Mạ (Người giúp việc), Bướm (Cái Bướm
tung tăng), Huấn (Một chốn nương thân)… đều là những con người không
vượt qua được chính mình để thay đổi số phận, để cuộc đời ngả sang một ngã rẽ mang màu sắc bi kịch. Bướm (Cái bướm tung tăng) do hoàn cảnh cuộc đời, do tự ái với tình yêu thuở ban đầu, Bướm đã ghép cuộc đời mình với một người đàn ông làm nghề đạp xích lô, hắn triền miên say sỉn trong rượu chè và luôn chửi bới đánh đập cô. Khi gặp Kha, một thầy giáo có tâm hồn thanh khiết và giàu lòng nhân ái bao dung, Bướm đã yêu Kha và tìm thấy ở anh niềm tin và tình yêu đích thực của cuộc đời mình nhưng rồi rốt cuộc Bướm đã không dám đấu tranh để vượt qua chính mình, để tìm và giữ lấy hạnh phúc của cuộc đời mình. Cô, một lần nữa, lại rơi về đúng hoàn cảnh do mình tự giăng mắc, buông xuôi phó mặc cho số phận.
Trong Một chốn nương thân, Huấn lại lâm vào hoàn cảnh khác. Anh bị rơi vào bế tắc, bị dồn đến chân tường, không lo được một nơi ở cho gia đình. Dắt díu vợ con lên ở nhờ cơ quan khi không còn nơi “nương thân” nào khác, anh “đứng lặng để cho nước mắt tràn qua hai gò má gầy”. Nhìn cảnh vợ mình
cãi nhau, chửi nhau với một chị cùng cơ quan chỉ vì chỗ ở mà anh chua xót. Chua xót bởi sự bất lực của chính bản thân mình.
Bên cạnh những con người không vượt qua nổi chính mình, không dám vượt qua cái chéo ngoe, dang dở và cay đắng trong chính bến cuộc đời của mình để dang tay đón lấy quả ngọt, niềm hạnh phúc, điều đáng lẽ con người có thể chiếm lĩnh được – còn có những con người luôn cố gắng vươn tới cái đẹp, hạnh phúc nhưng đổi lại, cuộc đời luôn quay lưng với họ, mọi khát khao đối với cuộc sống của họ trở nên bất lực và bế tắc. Đó là khát vọng về một tình yêu, một mái ấm gia đình đã trở thành bi kịch đối với số phận của những người phụ nữ đẹp như Nhiên (Nhiên, nghệ sỹ múa), Thiên (Chị Thiên của tôi),
My (Lũ tiểu mãn ngập bờ)…
Đúng là đứng trước cuộc đời con người thật nhỏ bé. Xây dựng nên những nhân vật bi kịch, Ma Văn Kháng muốn góp tiếng nói xót thương cho những con người cô đơn, lạc lõng và bất hạnh ở đời. Mỗi con chữ trăn trở, vật vã, cồn lên nỗi xót xa cho thân phận con người và để lại nỗi ám ảnh, day dứt trong tâm hồn người đọc. Điều đáng quý là miêu tả những cảnh đời u uất, những số phận bất hạnh, long đong, những con người vỡ mộng nhưng sáng tác của Ma Văn Kháng không làm người đọc thấy bi quan, chán ghét cuộc sống, xã hội. Trái lại, ẩn sau những trang văn buồn xót đó là trái tim biết xúc động trước nỗi đau của người xa lạ - một biểu hiện chân chính của lòng nhân ái, tính người của nhà văn.