Kiểu nhân vật tha hóa

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 48)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1Kiểu nhân vật tha hóa

Nếu trong văn học trước 1975, các nhân vật loại hình đã thể hiện tập trung những phẩm chất ưu tú của dân tộc, thời đại, trở thành những hình mẫu lý tưởng (nhân vật lý tưởng) của xã hội và được miêu tả trong vẻ đẹp kì diệu khác thường thì đến văn học đổi mới trong bối cảnh đất nước hòa bình, con người đã bước ra khỏi ánh hào quang của chiến thắng để trở về với đời sống xã hội, phải đối diện với mọi nhu cầu cá nhân, khi ấy con người trở nên thật hơn rất nhiều. Thực tế đời sống thiếu thốn, khó khăn đã có tác động trực tiếp đến tính cách con người. Cuộc sống hôm nay biến đổi với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhiều người bị cuốn theo những lợi ích về tiền bạc, danh lợi. Con người trong sự rượt đuổi về tiền bạc, danh vọng về mưu cầu một cuộc sống đủ đầy, tròn trịa đã vượt qua những giới hạn cho phép có nguy cơ đánh mất mình. Nó biến một bộ phận người này thành một kiểu

người trở nên lãnh cảm, trơ lạnh, một bộ phận người kia trở thành người tha hóa, “mòn đi, ruỗng ra”, vụ lợi, nhỏ nhen, bần tiện…

Tha hóa có nghĩa là biến đổi, sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Con người tha hóa tức là đã mất đi bản tính “thiên lương” vốn có của mình. Con người là tổng hòa của phần tự nhiên và phần xã hội, của phần Con và phần Người. Khi lí trí bị phần con lấn lướt thì con người mất đi nét văn hóa, phẩm chất của mình, trở thành một kẻ thấp hèn, bản năng và mông muội. Vì lợi ích của bản thân, những con người ấy sẵn sàng hành động, làm bất cứ việc gì để đem lại lợi ích cho mình.

Kiểu nhân vật tha hóa đã từng xuất hiện nhiều trong văn học thế giới với những tác giả tiêu biểu như: Banzăc, HuyGô, Xtangđan…Ở Việt Nam, kiểu nhân vật này gắn liền với trào lưu văn học hiện thực phê phán với một số tác giả như: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… Và văn học sau 1975, kiểu nhân vật tha hóa xuất hiện trở lại. Trong xu hướng chung của văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Ma Văn Kháng cũng viết nhiều về nhân vật tha hóa. Thông qua những nhân vật tha hóa, nhà văn muốn cảnh báo về tình trạng xuống cấp của đạo đức con người, thậm chí dẫn tới hoại suy nền tảng đạo đức xã hội. Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Ma Văn Kháng bao gồm đầy đủ các tầng lớp trong xã hội, đó có thể là trí thức

(Trăng soi sân nhỏ, Quê nội), là nhân viên (Cái Tý Ngọ), là nông dân (Xóm

giềng, Suối mơ)…

Những nhân vật tha hóa hiện lên đa dạng về phương diện biểu hiện, phong phú về tính chất. Có thể là tha hóa về lối sống, tha hóa tinh thần, quyền lực, dục vọng… nhưng cũng có những nhân vật vì không làm chủ được bản thân trước những biến đổi của hoàn cảnh mà rơi vào con đường tội lỗi. Với kiểu nhân vật này, Ma Văn Kháng đã thực sự thành công và đặc biệt tinh tế khi phân tích, khai thác mọi dạng thái tồn tái của kiểu tha hóa; lật xới ở những

tầng vỉa biểu hiện của chúng và bóc dần lớp vỏ che đậy sự tha hóa trong những hoàn cảnh cụ thể nhất. Khi cái đẹp, cái thiện được lên ngôi, được ca tụng, che chở, bênh vực thì ở mặt đối lập với nó, cái chưa thiện, chưa đẹp, cái xấu và sự tha hóa luôn bị lên án, thanh trừ. Sự tha hóa dường như lại biểu hiện, gần gũi và trở thành một thứ bản năng luôn gắn với con người, không tách khỏi con người. Bởi vì con người là một thực thể phong phú, phức tạp, đan xen giữa tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn, rồng phượng – rắn rết, thiền thần – ác quỷ. Có thể, ở cùng một con người, có một chút cái ghen ghét, một chút đố kị, một chút phản trắc, tà ngụy ma quái nhưng do ở mỗi hoàn cảnh khác nhau biểu hiện của thứ bản năng ấy mới trở nên lộ thiên và hình rõ khối. Trong con người, ai cũng có ham muốn sinh tồn. Hành động của họ nhiều khi bị chi phối bởi một thói quen, một bản năng nào đó. Ma Văn Kháng đặt ra hàng loạt vấn đề cũ mà chưa có lời giải đáp cuối cùng, mà vẫn làm nhức nhối hàng ngày: Tại sao con người hay đố kị, ghen ghét, sống ích kỉ dẫn đến cái trò vu cáo, hạ bệ, luôn luôn mưu hại lẫn nhau? Tại sao mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, dì ghẻ - con chồng vẫn mãi bất hòa, xung đột? Tại sao có những kẻ có học thức lại làm những điều bỉ ổi? Truy nguyên những hành động và mối quan hệ đó, nhà văn đã nhận ra một điều “con người không chỉ sống bằng lý trí mà còn sống bằng bản năng vô thức tiềm ẩn nhưng có sức chi phối lớn đến con người”. Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng có rất nhiều cảnh đốn mạt, ma quái tà ngụy, nhếch nhác đến thảm hại của con người. Ở nhiều truyện ngắn của ông, sự thiếu hụt nhân tính, thói vụ lợi tầm thường, thói đạo đức giả, thói đố kỵ ghen ghét, tính ích kỷ thâm căn, đang từng phút từng giây đeo bám con người, tàn sát một cách không thương tiếc cái phần người cao quý của họ.

Cái Tý Ngọ trong truyện ngắn cùng tên là điển hình cho sự tha hoá về nhân cách làm người. Cái Tý Ngọ nhỏ bé còi cọc, xấu xí, dung mạo bần hèn, lại có tật xấu tắt mắt, xấc xược nhưng nó được ông Hoàn giám đốc cơ quan

thương cảm bênh vực. Ông Hoàn đã bảo vệ nó trước sự ghét bỏ của mọi người. Vậy mà khi ông vừa nộp đơn từ nhiệm, cái Tý Ngọ đã quay lưng lại với ông. Nó ra sức xiểm nịnh với lão Mãi, vị giám đốc mới lên thay ông, và để chiếm được cảm tình của vị giám đốc mới này, cái Tý Ngọ đã trơ tráo vu cho ông Hoàn đủ mọi tội danh, nào là “con dê cụ”, nào là “cho nó một thì lột nó mười”… để hạ bệ ông. Thói xu nịnh kẻ đương quyền, thói “tráo trở”, “đặt điều”, “qua cầu rút ván” đã biến cái Tý Ngọ trở nên bỉ tiện, dị hợm về nhân cách. Khác với cái Tý Ngọ, Nhần (Suối mơ), một phụ nữ tỉnh lẻ ra phố, “sống bằng nghề đi ở và gánh nước thuê”, “nhưng tính tình đua đòi tơ tuốt” và “hay lên mặt đài đệ”. Nhần được chồng hết sức cưng chiều, hết lòng yêu thương, bênh vực, vậy mà, “đền đáp” lại thứ tình nghĩa đáng quý ấy của chồng, thị ứng xử bằng cách quay ra rỉa rói, khinh bỉ, coi thường anh là đồ “quê kệch… là vai u thịt bắp mồ hôi dầu, là đồ ăn gio bỏ trấu ỉa ra than” rồi thị đi ngoại tình để mặc chồng ốm liệt giường. Bằng con mắt phân tích sắc sảo, Ma Văn Kháng đã chỉ ra tính vô sỉ và không có tình người của Nhần khi đối xử tệ bạc với Rư. Do quen được nuông chiều, Nhần coi sự hi sinh của người khác là lẽ đương nhiên. Không những thế sự tàn nhẫn vô thức và tự cho mình cái quyền được rủa xả, phản bội lại chồng ở Nhần đã thấm nhiễm vô tình trở thành tội ác.

Truyện ngắn Xóm giềng, lại đề cập đến thói xấu của những người hàng xóm, những người mà được tôn sùng với thứ tình cảm "tối lửa tắt đèn có nhau". Vợ chồng mụ Bí trong cải cách ruộng đất đã vu cáo trắng trợn ông cụ Lý, người đã cưu mang chúng những ngày đói khát. Và chỉ vì ghen ăn tức ở, vì lòng tham cố hữu, vì thói ích kỷ mà vợ chồng Bí gắp lửa bỏ tay người khiến cho cụ Lý phải treo cổ tự tử. Sau này khi là láng giềng của nhau, vợ chồng mụ Bí vẫn không buông tha, vẫn luôn rình mò để nhăm nhe ăn cắp, vơ vét của nhà cụ Lý từ con cá mè ranh đến quả cà, quả ổi, mấy cây rau rền, rau

ngót, bể nước mưa, cái cối đá… Chúng rình rập vơ vét không phải chỉ vì lòng tham mà còn vì khoái cảm của sự chiếm đoạt, khoái cảm của sự phá hoại nhằm làm cho người khác không thể hơn mình. Sự tha hoá của gia đình mụ Bí mang bản tính bản năng không thể thay đổi được. Những lợi ích vụn vặt về vật chất đã làm cho họ loá mắt, làm mất đi sự kiểm soát của lí trí. Họ sống mà không cần đến sự tôn trọng cũng như tình thương của người khác. Họ sống hoàn toàn dựa vào bản năng.

Ngay trong mỗi gia đình, những xung đột, mâu thuẫn do sự ghen ghét, đố kị, lòng ích kỷ cũng thường xuyên diễn ra. Nguyên nhân sâu xa của mối xung đột này là do “khả năng không thể yêu thương người khác ngoài mình, ngoài huyết thống mình… đều có cái mầm nguyên thủy, đều là nghiệp căn trong tăm tối, bền dai như sự sống, vì chính nó đảm bảo cho sự sống của mỗi cá thể con người. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong các truyện Bồ nông ở

biển, Phép lạ ngày thường được lý giải từ góc nhìn ấy. Bà cụ Lương (Bồ nông

ở biển) và người con dâu đã từng có mối quan hệ tốt đẹp nhưng không biết từ

bao giờ giữa họ đã xảy ra mâu thuẫn, xung đột không thể hòa giải. Và phải đến khi bà cụ Lương chết, người con dâu mới cảm thấy ân hận. Hay như cái Tũn (Dấn thân vào chốn hiểm nguy) lại không từ cả quan hệ họ hàng quay ra vu cáo người chú đã cưu mang, săn sóc, dành cho nó tình cảm cha con.

Tất cả họ đều là những con người thủ đoạn, cơ hội, bất chấp tất cả để đem lại quyền lợi cho bản thân. Sẵn sàng chà đạp lên kẻ khác, kể cả đó là ân nhân của mình. Hưởng sự an nhàn, no ấm trên sự đau khổ, nghèo đói của kẻ khác. Trước đồng tiền của cải vật chất họ bị mờ mắt, bỏ qua sĩ diện bản thân và tự đánh mất mình. Chỉ ra điều này, Ma Văn Kháng muốn con người hãy cảnh giác với chính mình bởi cái ác có thể nảy sinh trong mỗi con người một cách vô thức từ nhu cầu thiết yếu. Quan trọng hơn con người phải biết vượt qua để hướng đến một tình yêu đồng loại.

Sự tha hóa của con người còn hiện diện trong Trung du chiều mưa buồn, đó là cái thói hợm mình, miệt thị lăng nhục người khác, thái độ lạnh lùng thờ ơ với nỗi khốn khổ của người khác. Bà Nhàn, kẻ đã may mắn có được một cuộc sống dư giả, một người chồng quan chức và bản thân bà cũng có một “chức tước cỏn con”, điều đó càng khiến bà thêm hãnh tiến, hợm hĩnh đến ngu xuẩn, càng khiến bà lún sâu vào lối sống ích kỷ và thói vô cảm vốn không phải bẩm sinh. Thói vô cảm đó đã khiến bà hoàn toàn không mảy may thương xót với chính người em ruột của mình trong cơn hấp hối tha thiết được gặp chị lần cuối cùng. Thậm chí trước cái chết đau thương của người em, dù đã đọc hết bức thư của người em rể gửi lên, bà Nhàn “vẫn không gợn một thương xót”, “mặt bà vẫn ánh ỏi nắng gió và niềm vui trên bờ biển nhà nghỉ nọ”. Gieo vào lòng người đọc là sự phẫn nộ, giận dữ đối với một nhân cách đã bị tha hóa đến không thể cứu vãn như bà Nhàn. Bà Nhàn không chỉ là sự hiện thân của sự tha hóa về dục vọng, tha hóa về quyền lực mà còn là minh chứng sâu sắc sự tha hóa về đạo nghĩa của con người, vốn là điều khó được chấp nhận. Sự tha hóa còn thấp thoáng trong các truyện Đất mầu, Mảnh đạn, Mẹ già, Chị em gái, Lênh đênh sóng nước miền Tây, Mối tình si.

Sự tha hóa của Phùng trong Đất mầu lại bắt nguồn từ sự hãnh tiến và ham mê quyền lực. Quyền lực dẫn đến sự tha hóa của con người khi nó chỉ gắn liền với lợi ích cá nhân mà quên mất phần nghĩa vụ của quyền lực đó. Đi chiến trường trở về, Phùng làm nghề thuyết minh chiếu bóng rồi được đề bạt làm trưởng phòng phát hành phim và bây giờ “sau năm năm ở chức vị này, một vận hội mới dang mở ra trước mắt Phùng. Cơ quan khuyết chân phó giám đốc vì vị phó giám đốc này vừa đột quỵ”. Để có thể đạt được mục tiêu là được đặt vào vị trí lãnh đạo ấy, Phùng đã dùng mọi cách “Phùng thực hiện một cách sống khắc khổ cực đoan với mục đích hoàn toàn vụ lợi. Lúc nào cũng tỏ ra là kẻ mẫn cán… Cách nhà riêng chưa đầy hai cây số mà y ở dịt cơ quan tối

ngày, cả tuần, cả tháng liền, không đoái hoài gì đến mẹ già vợ trẻ. Trong y chỉ nung nấu một cao vọng duy nhất là giành lấy bằng được chức vị phó giám đốc nọ bằng mọi giá mà thôi”. Bằng mọi giá, nghĩa là bất chấp mọi vất vả nhọc nhằn và mọi sự khinh rẻ trong việc lấy lòng từng vị cấp trên, những kẻ có thẩm quyền.

Khiền (Lênh đênh sóng nước miền Tây) lại biểu hiện tập trung sự tha hoá về nhân tính. Nguyên nhân đều có thể bắt đầu từ những cái bình thường trong cuộc sống quanh ta, ai cũng nhận thấy, nhìn thấy đó là tiền - tình - và sự tha hoá của đạo đức. Khiền trong Lênh đênh sóng nước miền Tây đã vì tiền mà liên tiếp gây tội ác. Hắn đã hãm hiếp và giết chết một nữ xinh, bị án tử hình trốn trại đam chết một đại uý quân đội rồi chạy trốn vào tận vùng Tây Nam bộ. Cả thiên truyện là cuộc truy tìm, rượt đuổi cái ác, nhưng cái ác ấy vẫn không bị tiêu diệt, nó vẫn tồn tại như một sự thách thức. Cái ác trong

Lênh đênh sóng nước miền Tây là một lời cảnh báo sự tồn tại của nó trong đời

sống con người.

Nhìn vào những nhân vật tha hoá trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng chúng ta dễ nhận thấy nguyên nhân là do sự chế ngự của đồng tiền, của danh vọng, của những ham muốn vật chất. Xây dựng nhân vật tha hóa với những biểu hiện phong phú phức tạp, nhà văn Ma Văn Kháng thể hiện những chuyển biến trong cách tiếp cận đời sống và quan niệm nghệ thuật về con người. Hiện thực đối với nhà văn không phải là hiện thực xuôi chiều mà là hiện thực nguyên dạng của đời sống đầy “đa đoan”, “đa sự”, chen lẫn bóng tối – ánh sáng, thiên thần – ác quỷ. Con người hiện lên sinh động cứ chảy trôi giữa đôi bờ thiện – ác, tốt – xấu. Viết về cái xấu, về nhân vật tha hóa, nhà văn muốn cất lên một tiếng nói riêng thức tỉnh lương tâm con người, cảnh báo con người trước vực thẳm của cái xấu xa. Nhà văn kêu gọi phần người, phần tình nằm sau trong tiềm thức để xã hội này tốt đẹp hơn trong các quan hệ, con người

gần nhau hơn, có thể nương tựa vào nhau. Bởi vì "người với người sống để yêu nhau". Đó là cái tình của ngòi bút Ma Văn Kháng dành cho cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 48)