Yếu tố ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 81)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.3.Yếu tố ngôn ngữ

Một nhà văn đích thực phải luôn ý thức mình là một nhà ngôn ngữ vì ngôn ngữ là “yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử của anh ta, là phương tiện bắt buộc để anh ta giao tiếp với bạn đọc” [ 63 ]. Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong sáng tác của Ma Văn Kháng chúng ta không thể bỏ qua yếu tố ngôn ngữ. Truyện ngắn Ma Văn Kháng thường không có cốt truyện li kì, gay cấn, đồng thời ông cũng không chú trọng miêu tả hành động nhân vật. Để khắc họa chân dung nhân vật, bên cạnh yếu tố ngoại hình, nghề nghiệp, tâm linh, Ma Văn Kháng đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ là chất liệu, phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ mỗi thể loại, mỗi thời đại lại được sử dụng khác nhau. Ngôn ngữ sử thi thường dài dòng, lời nói nhân vật chưa được cá thể hóa. Giống với tiểu thuyết, ngôn ngữ truyện ngắn là thứ ngôn ngữ gần tới mức tối đa với đời sống. “Tác giả không chỉ miêu tả ngôn ngữ ấy mà còn nói bằng ngôn ngữ ấy” [66]. Thông qua hệ thống ngôn ngữ tính cách nhân vật được bộc lộ. Ma Văn Kháng ít chú ý đến việc miêu tả nội tâm của nhân vật, vì thế ông ít sử dụng ngôn ngữ độc thoại mà chủ yếu dùng ngôn ngữ đối thoại. Thông qua ngôn ngữ ấy, tính cách phẩm chất nhân vật được bộc lộ rõ nét.

Trong thế giới nhân vật của Ma Văn Kháng, nhân vật phụ nữ và ngôn ngữ của họ luôn được nhà văn khai thác một cách thấu triệt và dành sự ưu ái hơn cả. Nhân vật phụ nữ thường được nhà văn chia làm hai loại người với hai thái cực: người phụ nữ rất đẹp và người phụ nữ rất xấu. Ngôn ngữ của những phụ nữ đẹp thường rất mực tế nhị, đúng mực và dịu dàng. Chị Thảo (Heo may

giữ thái độ bình tĩnh, lời lẽ đúng mực. “Thôi, cậu mợ và cháu để tôi đi… lên chơi thăm mộ ông bà, thấy cậu mợ và cháu Thúy khỏe mạnh, tiến bộ là mừng rồi. Ở nhà quê, mà ở đâu cũng vậy thôi, khổ cực là điều… Tôi không nói hơn nói kém… Thật tình sống với nhau, có lúc không phải. Nó cũng vì…” [22, tr. 386]. Những câu nói bỏ lửng ngập ngừng cho thấy sự cảm thương của chị Thảo đối với thói tệ bạc của người em dâu. Đằng sau lời nói ấy là sự bao dung, chịu đựng và hy sinh quên mình của người khác.

Trong thế đối nghịch với ngôn ngữ của những người phụ nữ đẹp, ngôn ngữ của những người phụ nữ xấu thường táo tợn, chỏng lỏn, ngoa ngoắt, độc địa. Đó là thứ ngôn ngữ của những người phụ nữ đã xấu người lại thiếu văn hóa. Mụ Sấn (Nhiên, nghệ sỹ múa), Tý Ngọ (Cái Tý Ngọ), Nhần (Suối mơ)… là những nhân vật như thế. Sấn ghen ghét trước vẻ đẹp của Nhiên, nghệ sỹ múa, nên mở miệng là mụ nói những lời cạnh khóe, xóc mói, cay nghiệt. Sấn gọi cô ta là “ả bồng bềnh”, gán cho Nhiên, những lời bỉ ổi: “Kỳ thực thì nhàu nát cả rồi… chẳng là gì đâu! Nhân tình một thằng đại úy đặc công, nó vần vò cho chán chê cho thủng trống long chiêng, rồi nó chết ngỏm rồi. Chứ cao sang mĩ vị đ.gì” [15, tr. 664]. Chỉ qua lời ăn tiếng nói của Sấn, chúng ta đã có thể hiểu mụ là một kẻ chuyên đi rình mò, đặt điều, nói xấu người khác. Đó còn là những lời nói bộc lộ sự lăng loàn đàng điếm đầy cay độc và vô học của vợ Hoằng (Người giúp việc): “Anh bảo ai là đĩ điếm ma cô. Anh nghe con mụ già hớt lẻo, hở”. “À, con mẹ phò già này, nó là cái đứa đẻ ra anh mà! Hèn nào cùng một đồng một cốt với nhau” [23, tr. 358]. Tính cách phản trắc của cái Tý Ngọ (Cái Tý Ngọ) đã được tác giả hé mở qua cách nói năng: táo tợn, láu cá, ranh ma: “Ối trời cao đất dày ơi, sao thân tôi khổ thế này. Các bà tử tế đ.gì. Các bà đừng về hùa với nó. Nó cho tôi một, nó lột tôi mười. Nó gạ gẫm tôi bao nhiêu lần tôi đều ghi sổ đây. Ôi giời, lão già dê cụ có bằng. Nay có anh giám đốc mới, tôi mới có quyền ăn quyền nói” [23, tr. 578]. Nó đùa bọn con

trai hay bờm xờm “Anh ơi anh đỡ đầu em chứ đừng đỡ đít em nhé”… Chỉ qua vài nét ngôn ngữ, Ma Văn Kháng đã khắc họa rất nhanh tính cách của loại người dị hình, dị nhân ma quái này. Nhà văn đã rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ để khắc họa bản chất và làm nổi bật tính cách nhân vật. Nhân vật trong truyện ngắn của ông hiện lên vừa mang vẻ đẹp của tinh thần nhân văn nhưng cũng rất đời trong dòng thế sự này.

Xây dựng những nhân vật trí thức chân chính, nhà văn lại sử dụng thứ ngôn ngữ mang đậm chất nho học của kẻ sĩ. Các nhân vật này tỏ ra thông tường kim cổ. Trong giao tiếp họ hay xen vào những câu trong luận ngữ, những điển tích, điển cố hay những câu tục ngữ, thành ngữ đầy hàm ý. Đó là cách nói chữ của thầy Khiển bộc lộ qua bài giảng và qua giao tiếp với học trò, bạn bè. Trong những cuộc trò truyện thầy thường hay nói chữ và viện dẫn Tây Tàu. Khi nói về cuộc sống thiếu thốn, thầy viện lời của Khổng Tử: “Kẻ sỹ gặp thời thì đi ngựa đi xe, không gặp thời thì đội nón đi bộ, các em ạ” [23, tr. 730]. Có khi trong bài giảng thầy đọc thơ của Lamartin, kể chuyện của Huygô, kịch Coornây… Mỗi lời nói của thầy đều bộc lộ lòng nhiệt huyết với nghề và một tâm hồn cao đẹp, một tài thức uyên thâm. Đó là ngôn ngữ đầy triết lý, trang trọng của ông Thực (Dao sắc nhờ cán) “Nhẫn nhục phụ trọng!... Phụ là gánh vác. Trọng là gánh nặng. Anh hiểu chứ. Làm quan là để gánh vác việc nặng. Tư cách người làm quan là vậy. Vì mục tiêu là làm ích quốc lợi dân nên phải biết nâng cao mình lớn hơn sự xúc phạm” [60]. Đó còn là thứ ngôn ngữ mang đậm chất nho học của kẻ sĩ, văn nhân xưa qua các nhân vật ông Huỳnh, ông Khoa (Phiên chợ hoa áp tết), ông Thại (Tóc huyền màu bạc

trắng), ông Dụng (Bệnh nhân tâm thần)…

Có thể nói ngôn ngữ trang trọng cổ kính xen lẫn thứ triết lý đời sống đầy tinh tế đã mang đến cho văn chương Ma Văn Kháng một vẻ đẹp rất riêng, không phải là không hấp dẫn. Nó đối trọng lại cái vẻ lọc lõi tinh đời, thứ ngôn

ngữ đầu đường xó chợ, thô bỉ của những nhân vật cơ hội, giả danh trí thức trong truyện ngắn của ông. Bên cạnh những trí thức chân chính còn những kẻ giả danh trí thức. Ma Văn Kháng cá thể hóa các nhân vật này bằng thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ, dị hợm, thô bỉ. Chiên, Sự (Thầy Khiển) xuất thân là kẻ chèo đò, bán cháo lòng, giờ nhảy tót lên địa vị cao sang. Danh phận thay đổi nhưng ngôn ngữ của bọn chúng lại khiến chúng lộ nguyên hình là những kẻ đầu đường xó chợ. Đó là thứ ngôn ngữ hầm hè, đe dọa và ít hàm lượng trí tuệ. “Thế mới biết nàm ông thầy là khó nắm!... Khó ở chỗ nào ông giáo có biết không?” [52, tr. 657]. Còn Bân (Trăng soi sân nhỏ) là một nhà báo nhưng từ hành động đến lời nói đều buông tuồng, suồng sã. Trong quán ăn Nam thấy xấu hổ cho Bân. Bân sùm sụp ăn và gọi bia ầm ĩ, quát tháo: “Quạt đâu? Để khách chết thiêu, chết đốt thế này à?... Đặc sản mà ăn như cái đầu b.”, “Vứt! Ai uống cái thứ bia rởm này. Bia lon Halida đâu?”. Ngôn ngữ cùng hành động của Bân thể hiện sự tha hóa của nhân vật này. Dường như ngòi bút nhà văn tỏ ra dị ứng, căm ghét đối với kiểu trí thức này.

Như vậy ngôn ngữ như một yếu tố quan trọng để Ma Văn Kháng khắc họa nhân vật. Qua ngôn ngữ, chân dung nhân vật hiện ra rõ nét, sinh động hơn. Đặc biệt trong truyện ngắn Ma Văn Kháng mỗi loại nhân vật lại thường gắn với một kiểu ngôn ngữ nhất định và hầu như không có sự thay đổi. Qua việc khảo sát các loại nhân vật trên chúng ta lại nhận thấy thêm một nét đặc sắc nữa trong thi pháp nhân vật của Ma Văn Kháng.

Tóm lại trên con đường đi đến thế giới nghệ thuật riêng của mình, Ma Văn Kháng coi con người là đối tượng, là chất liệu để nhận thức và sáng tạo nghệ thuật, là chuẩn mực để soi chiếu và đánh giá hiện thực. Trong quá trình ấy, Ma Văn Kháng đã có những tìm tòi, sáng tạo trong việc tạo dựng chân dung các nhân vật. Với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của mình, ông đã góp phần không nhỏ vào việc đổi mới nền văn học đương đại Việt Nam. Hơn

thế những nhân vật ấy góp phần thể hiện sâu sắc những quan niệm nghệ thuật của ông về con người và cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 81)