Giọng triết lý, tranh biện

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 109)

6. Cấu trúc luận văn

3.4.2.Giọng triết lý, tranh biện

Nhà nghiên cứu Lã Nguyên khi nghiên cứu về truyện ngắn Ma Văn Kháng có nhận xét: “Truyện Ma Văn Kháng có rất nhiều câu viết theo kiểu đá ngang, tạt móc để nêu vấn đề và cất lên giọng đối thoại tranh biện”. Nhà văn “viết ra như là để nối lời, tiếp lời, đúng hơn là để đối thoại, tranh biện với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật của thời đại” [21, tr. 19].

Giọng điệu triết lý, tranh biện trong truyện ngắn Ma Văn Kháng bắt nguồn từ “tính công khai bộc lộ chủ đề” của nhà văn. Trên những trang viết của mình, chúng ta hay bắt gặp nhà văn sử dụng các kiểu câu trần thuật biểu hiện sự khẳng định hay phủ định một ý thức nào đấy cùng với việc sử dụng một loạt các từ, cụm từ có tính chất đối thoại, tranh biện, ví như: nào phải, nào đâu, đâu phải, thì ra, hóa ra, hay là… Giọng triết lý tranh biện của Ma Văn Kháng vừa được cất lên từ mạch trần thuật, ngôn ngữ nhân vật, từ những hình tượng được xây dựng cứ như là để đối chọi lại với các hiện tượng trong sáng tác của ai đó” (Lã Nguyên). Giọng điệu này trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường được thể hiện qua cuộc đối thoại của nhiều chủ thể, hay

những lời trữ tình, ngoại đề của nhà văn. Đó là nét hấp dẫn đặc trưng của truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Ở tác phẩm Thanh minh trời trong sáng, trong chuyến đi tảo mộ của chị em họ Đinh qua cuộc đối thoại trò chuyện của các nhân vật nhà văn như đang bày tỏ quan điểm của mình về sự sống và cái chết. Với mẹ con người phụ nữ trẻ đi cùng xe với gia đình chị cả, người có chồng hi sinh thì chết là sống ở một thế giới khác. Với Chương, người lính từng xông pha trận mạc, hàng ngày phải chứng kiến, đối mặt với cái chết thì cái chết chỉ như là “chuyến xe không có khứ hồi”, “cái chết là bạn bè thân thuộc cầm tay nhau. Cái chết bản thân nó chẳng thể là đáng kinh tởm hay rực rỡ ánh hào quang đáng tôn vinh” [22 , tr.61]. Còn với Hoan, một ông giáo nhiều chữ nghĩa, thì cho rằng “chết là phát minh vĩ đại của tự nhiên. Chết là một đức lớn của trời, là cái tất yếu buồn rầu, là sự ngắt đoạn đời sống của cá thể trong dòng sinh hóa liên tục tuôn chảy dào dạt” [22 , tr.64]. Theo ông giáo, chết là phát minh vĩ đại bởi không có chết thì không có sự sống. Khác với ông giáo nhiều lý luận, nhiều chữ nghĩa, chị cả, người đã từng trải qua bao đau đớn trước cái chết của những người thân nhưng lại là người có sức sống quật cường hơn cả thì cho rằng “người chết không phải là người còn sống, nhưng cũng không phải là người chết hẳn, vô tăm tích; người chết còn tạo lập với người sống một mối liên hệ vô hình, nhưng bất tử và vô cùng linh thiêng” [22 –67]. Vì thế chị là người nghĩ nhiều đến cái sống hơn cả cái chết. “Đất nước này, chết là việc thường xuyên, cứ đau thương sụt sùi mãi thì sống thế quái nào được” [22].

Giọng triết lý, tranh biện trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thường được bộc lộ nhiều hơn cả trong những đoạn trữ tình ngoại đề. Cũng nói về sự sống và cái chết, trong truyện ngắn Anh thợ chữa khóa, Ma Văn Kháng trước cái chết của anh Thiều đã thốt lên: “Hỡi ôi! Cuộc sống phi logic, cái sống thì nhỏ nhoi, cái chết thì tùy tiện, vô nghĩa thế này. Hay bấy nay, cái sống nó vốn

phù vân vậy, thật thà và tự nhiên như vốn dĩ mà ta cứ bị học thuật ràng buộc mà chẳng nhận ra” [22, tr. 136]. Có thể nói, từ cái nhìn tri ân đối với con người, từ sự quan tâm đến số phận con người, Ma Văn Kháng là nhà văn có nhiều suy tư, trăn trở về kiếp người, về sự sống và cái chết trên cõi đời này. Trong một tác phẩm khác, Ma Văn Kháng lại triết lý về sức mạnh, về khả năng tiềm tàng của con người: “Con người là con vật có lí trí và rất uyển chuyển. Nó biết sống cả trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất” [22]. Nói về nỗi đau, Ma Văn Kháng có những lí lẽ khá bất ngờ. Thông thường, nỗi đau và mất mát chỉ khiến cho con người ta thêm hận thù, vậy mà đối với Ma Văn Kháng, nỗi đau có khi lại: “xóa tan hận thù, đập tắt lửa ghen, khiến con người xích lại gần nhau hơn”. Khi nói về tình yêu của con người, Ma Văn Kháng cũng có những lý lẽ sâu sắc: “Hóa ra mãnh lực của tình yêu không phải phụ thuộc vào tính cách của đôi bên nam nữ, càng không phải ở sức quyến rũ mãnh liệt của tính giao… Tình yêu thực sự bao giờ cũng có đặc trưng mang tính tuyệt đối, hoàn toàn trọn vẹn trong hòa hợp và điều đó về cơ bản không có ở đời thực, nó chỉ có trong sách vở…” [22]. Vậy là Ma Văn Kháng quan tâm đến mọi khía cạnh của con người. Ông viết về con người với tất cả lòng tri ân và yêu quý.

Qua cái giọng đối thoại tranh biện ấy, nhà văn muốn làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề về cuộc sống và con người. Giọng điệu ấy giúp cho nhà văn có điều kiện đi sâu phân tích, khám phá mổ xẻ vấn đề một cách sâu sắc, đồng thời bộc lộ những quan điểm, nhận định chủ quan của mình về vấn đề ấy. Đặc biệt thông qua ngôn ngữ đối thoại, Ma Văn Kháng có thể đi sâu vào đời sống bên trong của nhân vật, khám phá bề sâu tâm hồn con người, trên cơ sở đó phân tích diện mạo tinh thần của họ. Khi tiếp xúc với tác phẩm của ông, người đọc vừa có thể đối thoại, vừa có thể đồng sáng tạo cùng nhà văn về những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Đó cũng là nét riêng độc đáo tạo nên diện mạo Ma Văn Kháng hôm nay.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 109)