6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Vấn đề tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình
Trong thời kỳ đổi mới, vấn đề tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình trong văn học nói chung và trong truyện ngắn Ma Văn Kháng nói riêng là đề tài đang được nhiều nhà văn quan tâm chú ý. Bên cạnh đó văn học thời kỳ đổi mới song song với việc “giải phóng cá nhân”, “bênh vực quyền lợi và nhân cách con người” đã khơi dậy khát vọng sống bình yên, hạnh phúc của con người. Từ sau cuộc chiến đấu cho quyền sống của dân tộc thì đấu tranh cho quyền sống của con người đã trỗi dậy. Con người tự ý thức và tự quyết định hạnh phúc cá nhân, gia đình của mình. Song, trong cuộc sống tự do, thoải mái về tình cảm thì nhiều người đã lạm dụng điều đó gây đau khổ cho nhiều người thân trong gia đình và cho cả bản thân mình.
Tình yêu nam nữ, hôn nhân gia đình luôn là sự quan tâm và mong đợi của con người nhưng tình yêu cũng có lúc hạnh phúc, có lúc đau khổ, đó là quy luật không tránh khỏi. Tình yêu cho con người những giây phút ngọt ngào còn gia đình là bến bờ hạnh phúc đó. Tuy nhiên sự bất hạnh trong tình yêu, hôn nhân gia đình đã tạo nên nhiều tấn bi kịch đời tư. Đối với con người hiện đại thì cuộc sống như cuộc săn tìm hạnh phúc. Nhiều lúc nó trở nên bức bối và nhức nhối, nhất là khi lối sống thực dụng và chủ nghĩa vật chất len lỏi vào ngõ ngách của lối sống gia đình và mọi tình cảm riêng tư khiến cho tình yêu, chuyện hôn nhân gia đình không tránh khỏi bi kịch. Quan niệm “xây dựng hạnh phúc bằng lâu đài trên cát” và “một túp lều tranh hai trái tim vàng” không còn phù hợp và thiết thực nữa. Tình yêu của thời mở cửa, của nền “kinh tế thị trường” đòi hỏi “có thực mới vực được đạo” để nhằm đáp ứng
nhu cầu sống thỏa mãn về tinh thần và vật chất. Đồng tiền lại trở thành chìa khóa vạn năng có thể mua được tình cảm và tình cảm lại trở thành thứ hàng hóa trao đổi cho con người. Với sức mạnh tưởng như vô hình mà lại hữu hình, đồng tiền đã gây ra biết bao sóng gió cho tình yêu và hôn nhân gia đình: tình yêu thì chia lìa, hôn nhân đổ vỡ. Bên cạnh đó, đồng tiền còn gây nên nhiều đau đớn, bất hạnh cho con người làm cho cuộc sống gia đình của họ bị chao đảo, nghiêng ngả. Trong rất nhiều truyện ngắn của mình, nhà văn đề cập đến vấn đề này: Chị Thiên của tôi, Heo may gió lộng, Suối mơ, Chọn chồng,
Nhiên, nghệ sĩ múa, Một mối tình si…
Tình yêu vốn là niềm khao khát cháy bỏng, một niềm đam mê mà ai cũng muốn chiếm giữ, muốn được hưởng thụ trọn vẹn. Có thể trong suốt cuộc đời, người ta chỉ đi tìm cho mình hạnh phúc, hạnh phúc đích thực. Chị Thiên
(Chị Thiên của tôi) cũng là một phụ nữ như thế. Chị đẹp “eo thon, ngực nở,
vai tròn, kín đáo, ý nhị, kìm nén mà vẫn rừng rực gợi tình. Mắt đen láy… tướng vượng phu ích tử, mặt cao sang mà tận tụy hiến dâng” [22, tr. 476]. Chị đẹp đến “cỏ cây cũng phải động lòng mê mẩn, đức hạnh miễn chê”. Vậy mà “lại ôm gối nằm không suốt mấy chục năm dài”. Đã có bao người đàn ông đến với chị, già có, trẻ có, cao sang có, thấp hèn có, nhưng chị đều tìm ra những khuyết điểm của họ để từ chối. Đến khi tuổi ngoại tứ tuần, tâm hồn chị lại xao động. Ánh mắt chị đã bắt gặp ánh mắt bác thợ cả “một anh chàng trạc ngũ tuần, tóc pha sương, mặt gẫy, sống mũi cao, mắt xanh biếc, mình gầy lép vẻ phong trần” [22, tr. 481] đến xây dựng công trình phụ cho gia đình. Tưởng như tình yêu đã đến với chị, chị sẽ được sống những tháng ngày còn lại trong hạnh phúc. Nhưng thật đau buồn, chị rơi vào bi kịch xót xa, đau đớn. Sau vụ đánh ghen, đầu chị Thiên “bị cắt nham nhở, lam nham chỗ đen chỗ trắng. Nơi má mỏng mỏng một vết dao rạch sâu, xẻ banh còn chưa khép miệng”. Nỗi đau thể xác đã làm nỗi đau tinh thần của chị thêm hằn sâu. Cái khát vọng có
được một tổ ấm cho cá nhân như chiếc hố sâu, có nguy cơ bị khoét mãi, rộng hoác và thăm thẳm. “Tình yêu thật sự muôn thuở vẫn là chốn mạo hiểm, có nhiều hiểm nguy” [22, tr. 489] con người tưởng tìm được hạnh phúc cho mình nhưng kết quả lại rơi vào cay đắng, ê chề, chua xót.
Khát vọng về một tình yêu đích thực đã trở thành bi kịch đối với số phận của Nhiên (Nhiên, nghệ sỹ múa). Nhiên là một nghệ sĩ múa, một người phụ nữ đẹp “từ gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú” [22, tr. 314] Nhiên không chỉ đẹp mà còn hết sức thông minh. “Trong cái vòng không gian do Nhiên tạo lập [22, tr. 315] kể không hết những kẻ si tình đang say mê Nhiên và coi nàng là đối tượng trung tâm của mọi chú ý. Từ Chiên nghiện, Hóa còi, Long hói, Tư Thành mắt trố, Khoản rỗ… và cả ông Diệc, một nhân viên thường trực của cơ quan Nhiên công tác… đều dành sự quan tâm đến Nhiên. Và cũng “không ít đàn ông tìm đến với nàng”, nhưng toát ra từ “vẻ đẹp đã hoàn bị” này, “ở mắt nàng, ở gương mặt nàng, một ánh cô đơn trống trải, một thoáng trễ nải bâng khuâng” [22, tr. 325]. Suốt cuộc đời, tâm hồn Nhiên chỉ hướng tới một tình yêu duy nhất với “cậu trung úy” và “nàng vô cảm trước mọi quyến rũ”. Nhưng sự “thủy chung như nhất” của Nhiên đã rơi vào bi kịch. Đáp lại sự chờ đợi của Nhiên trong hơn 20 năm qua vẫn là sự im lặng, vẫn không có một tin tức gì của cậu trung úy. Nỗi đau của Nhiên là nỗi đau của sự chờ đợi tình yêu trong tuyệt vọng. Bi kịch của sự chờ đợi vô vọng về một tình yêu đẹp đã đi qua đời nàng thuở thanh nữ.
Bi kịch số phận của My (Lũ tiểu mãn ngập bờ) dường như có dự báo trước. Là một phụ nữ đẹp “vừa đẹp người vừa tốt nết” [23, tr. 124], một phó chủ tịch xã đầy triển vọng, dự kiến giới thiệu vào “Hội đồng nhân dân huyện”. Nhưng số phận đã không công bằng với My, “có chồng cũng như không”. Hàng ngày phải đối mặt với sự thờ ơ, ghẻ lạnh của chồng, khiến cuộc sống của cô lâm vào bi kịch. Nhiều lần My muốn tự tử cho xong. Nhà cô có
cái dớp tự tử. Mẹ bị chồng phụ uống nước vôi tự tử. Cô ruột treo cổ tự vẫn. My, nhiều lần muốn chết vì không thể sống trong sự ghẻ lạnh của người chồng bạc bẽo như thế. Kết thúc bi kịch số phận của My cũng là lúc cuộc đời nàng thực sự khép lại: “My đã tự vẫn bằng cách treo cổ mình lên cành cam” [23, tr. 139], phải tìm đến cái chết vì “không thể sống mà không có lòng tự trọng và càng không thể chịu đựng nổi nếu cứ trăn trở đau đớn mãi” [23]
Bi kịch cuộc đời của Rư (Suối mơ) có phần nào đó giống với My (Lũ
tiểu mãn ngập bờ), họ đều là những con người luôn gắng gỏi vun đắp hạnh
phúc gia đình nhưng đổi lại, cuộc đời luôn quay lưng với họ; mọi khát khao nỗ lực của họ đối với cuộc sống đều trở nên bất lực và bế tắc. Rư vốn là một giáo viên cấp 1, rồi nhận điều động của Ty giáo dục, anh đảm nhiệm chân văn thư của trường Sư phạm tỉnh. Là người lam làm, chịu khó, lao động đối với Rư là “thú vui trần gian cao cả, là cơn say đắm hồn nhiên” [22, tr. 365] vì vậy anh làm không biết mệt nhọc, làm như thèm khát” [22, tr. 365]. Số phận cũng đã ưu ái cho anh được “duyên trời” với Nhần, hai người lập tức gắn bó. Những tưởng sự sắp xếp đôi lứa tròn trịa của duyên tiền định, cho dù có hơi muộn, sẽ khiến Rư được hưởng trọn vẹn bữa tiệc hạnh phúc của mình nhưng dường như số phận đã làm phép thử đầy khắc nghiệt với anh. Mọi cố gắng của Rư nhằm tạo lập một cuộc sống tốt cho người vợ yêu quý của mình, thậm chí “anh quyết biến cải hoàn cảnh để vợ anh được hưởng sự sung sướng, thuận lợi” [22, tr. 373] hoặc “nhường nhịn vợ hết mực”… đều trở thành vô nghĩa lý và dần đẩy anh đến ngưỡng cửa của một bi kịch khủng khiếp. Đáp lại sự nhiệt tâm và tình yêu của chồng, Nhần hoàn toàn vô cảm, bỏ mặc và bỉ bai anh hết lời, thậm chí Nhần đã “bỏ đi công khai tằng tịu” và chạy theo một “cuộc tình trăng gió vô luân” với tên thuế vụ. Có thể nói ở số phận Rư là hai lần bi kịch: bi kịch của tình yêu mù quáng và sự phản bội. Khép lại thiên truyện là cái chết đầy đau thương khủng khiếp của Rư. Không chịu nổi sự
phản bội của người vợ, Rư đã đâm đầu xuống chính cái giếng anh đào để quyên sinh.
Hay trong Một mối tình si là một cảnh ngộ khác. Oanh là một cô giáo, Oanh luôn tôn thờ và yêu chồng với một tình yêu si mê, say đắm. Cô luôn luôn hãnh diện về người chồng hoàn hảo về mọi mặt của mình – một người chồng đã đem lại niềm sung sướng, hạnh phúc cho cô. Thế mà tất cả đã đảo lộn hoàn toàn. Một người chồng đẹp đẽ, giỏi giang, khỏe mạnh là vậy còn bây giờ sau một vụ tai nạn, anh ta đã trở thành một gã đàn ông tàn tật, xấu xí, một thứ đồ vô dụng, một kẻ trắng tay, một kẻ thiểu năng. Đức – chồng Oanh đã không còn mang lại niềm kiêu hãnh cho nàng, anh ta không có khả năng đem lại sự thỏa mãn về thể xác cho nàng. Và điều gì đến sẽ phải đến. Vì nhu cầu theo đuổi sự sung sướng cho bản thân, Oanh đã dứt khoát rời bỏ chồng và ngang nhiên cặp bồ với Khoản – gã lái xe của chồng nàng. Từ bi kịch cuộc đời của Rư (Suối mơ) và Đức (Một mối tình si) người đọc có thể đặt ra câu hỏi: trong thời đại hiện nay, có bao nhiêu con người đã và sẽ mắc phải thứ bệnh trầm kha về thiếu tình người mà coi thường sự hi sinh và cư xử tệ bạc, thiếu đạo nghĩa với người thân?
Bên cạnh đó, trong truyện ngắn Ma Văn Kháng ta còn bắt gặp những con người mặc dù đã có sự “bừng ngộ” về ý thức kiếm tìm hạnh phúc nhưng cuối cùng đều không vượt qua trở ngại quyền lực hay sức cuốn hút của đời sống giàu sang quyền quý cũng như không vượt qua được chính mình để thay đổi số phận. Quý (Chọn chồng) là con nhà gia giáo, có nhan sắc, là một sinh viên đại học, chỉ vì phút dại khờ, vì sự bồng bột ngây thơ của tuổi trẻ, chị đã đánh mất mình. Tưởng yêu và lấy được Kiến chị sẽ hạnh phúc, nhưng cuộc đời vốn dĩ nghiệt ngã, lấy phải kẻ đầu trộm đuôi cướp, chị đã đánh mất tuổi trẻ, công việc và cuộc sống của mình. Đến khi gặp Tốn, một thầy giáo có tâm hồn và đạo đức tốt, Quý đã tìm thấy tình yêu thực sự với anh nhưng chị không
dám giành lấy hạnh phúc của mình vì e sợ một quyền lực vô hình nào đó. Chị chấp nhận sống trong bi kịch gia đình, bi kịch tình yêu và chấp nhận với những gì mình đã lựa chọn. Giống như Quý, Hoan (Thầy dạy tư) không thể từ bỏ người chồng thô lậu để sống với Niên, tình yêu thực sự mà Hoan ao ước, sở cầu chỉ vì cô không từ bỏ được cám dỗ vật chất.
Qua những số phận bi kịch của Nhiên, Rư, My, Quý, Đức… Ma Văn Kháng đã nhìn thấy nỗi đau lớn nhất của bao người, đặc biệt là nỗi bất hạnh của con người trong cuộc sống gia đình và khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Phần lớn sáng tác của Ma Văn Kháng đề cập đến nỗi đau khổ, bất hạnh nhiều hơn niềm vui, hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân gia đình của con người. Đứng trước cơn áp đảo của nền kinh tế thị trường, Ma Văn Kháng muốn nói với tất cả chúng ta hãy biết nâng niu quý trọng, giữ gìn hạnh phúc gia đình mình. Thông qua cuộc đời, số phận của nhân vật trong tác phẩm, nhà văn muốn khẳng định “gia đình, hình như đó mới là nơi con người cố thủ để bảo về phẩm giá…gia đình là nơi không có sự chi phối của đồng tiền, ở đó con người sống với nhau bằng những tình cảm thực sự”. [27]