Yếu tố tâm linh

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Yếu tố tâm linh

Mỗi nhà văn qua tác phẩm của mình đều thể hiện những thế mạnh khác nhau trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nói đến nghệ thuật miêu tả đời sống nội tâm, chúng ta phải kể đến Nam Cao như một nghệ sĩ bậc thầy. Tài năng miêu tả tâm lý của Nam Cao thể hiện ở chỗ ông có khả năng nắm bắt những biến thái tinh vi, những rung động tinh tế trong tâm hồn con người và đưa ra những nhận xét tâm lý chính xác và sắc sảo. Với Ma Văn Kháng, ông quan tâm nhiều đến hoạt động nhân vật trong ảnh hưởng của hoàn cảnh sống. Đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau tính cách nhân vật được xác định khá rõ ràng. Tuy thế thế giới nội tâm nhân vật của Ma Văn Kháng không phải không được chú ý, tạo dựng với những nét phong phú, đặc sắc. Ma Văn Kháng đặc biệt chú ý khai thác thế giới tâm linh nhân vật. Theo nhà văn Bùi Hiển: trong truyện ngắn của mình Ma Văn Kháng thường đề cập tới “thế giới tâm linh của con người với bao nỗi lo âu, phấp phỏng”.

Trước kia thế giới tâm linh ít được đề cập trong văn học bởi người ta cho rằng là mê tín dị đoan. Thế giới tâm linh, theo chúng tôi là một cụm từ mới xuất hiện trong những năm gần đây trong nghiên cứu phê bình văn học. Khai thác thế giới tâm linh là một vấn đề mới, ít thấy xuất hiện trong văn học, nằm trong ý đồ sáng tạo của nhà văn. Yếu tố tâm linh như “linh tính”, “giấc mộng” thật ra không phải là không có trong văn xuôi giai đoạn trước nhưng nó không thuộc về quan niệm đa chiều phức tạp. Nó có mục đích làm nổi bật phẩm chất người hơn là nói về cái bí ẩn của “con người bên trong con người”. Khoa học tự nhiên thường nhìn nhận khái niệm “tâm linh” theo nghĩa “giác quan thứ sáu”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Tâm linh là khả năng đoán trước những điều sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm”. Có lẽ nhiều vấn đề thuộc cõi tâm linh đến nay vẫn còn bí ẩn khoa học chưa giải thích được. Các nhà văn ít đưa ra định nghĩa trực tiếp nhưng trong cách thể hiện họ có thiên

hướng hiểu tâm linh theo nghĩa rộng. Ma Văn Kháng cũng như nhiều nhà văn khác họ đến với khái niệm tâm linh ở ngoài phạm vi của cụm từ “mê tín dị đoan”. Tâm linh là những khả năng, những năng lực, nhân tính thiêng liêng của con người phù hợp với cái thiện, cái đẹp, nhưng dường như lại nằm ngoài khu vực lý trí. Thế giới tâm linh là cõi huyền hoặc, hư vô và vô hình của con người. Bằng tâm tưởng mới có thể cảm nhận được thế giới tâm linh. Ma Văn Kháng thường tạo ra môi trường khác lạ, khác thường, đẩy nhân vật vào cõi hư vô, hoang sơ. Nhân vật sống trong những trạng thái khác nhau: đang sống thực nhưng cũng như đang sống trong cõi mộng ảo. Sự ám ảnh đè nặng của tâm lý chi phối mạnh mẽ hành động, suy nghĩ của nhân vật. Nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường bị ám ảnh bởi định mệnh, nghiệp chướng, thường bị chi phối bởi những nguyên nhân sâu sa nằm trong bản năng, tiềm thức.

Với ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng) khi bị vào tù mà chẳng hề rõ lý do thì ông đã rất tin vào lời người bạn tù họa sĩ: “Cậu ta bảo tướng mình cực kì quý tướng nhưng bị triệt từ cạn kiệt tận gốc và cái nghiệp khinh bạc lẫn vào một nét khuất trong pháp lệnh” [22, tr. 15]. Tin vào số mệnh, ông tự an ủi mình và vượt lên trên số phận bằng suy nghĩ: “hóa ra tai ương nằm trong định mệnh, trăm sự là từ nghiệp chướng thân mình mà ra. Làm hết sức mình nhưng kết quả thế nào giao phó cho số mệnh. Họa không thể tránh, phúc không thể cầu thì oán hận ai, oán hận làm gì” [22, tr. 15]. Và cũng chính nhờ tin vào vận số, nghiệp chướng nên nhân vật của Ma Văn Kháng thường mang phẩm chất của kẻ sĩ, ung dung tự tại, bất chấp vòng quay luân hồi bể dâu của cuộc đời đa đoan. Tôn giáo, với Ma Văn Kháng đôi khi cũng trở thành cứu cánh trong cuộc đời đầy nỗi buồn phiền.

Còn với Quý trong Chọn chồng, Kiến cũng có sự ám ảnh ghê gớm. Mặc dù Kiến ở tù, song hình ảnh Kiến lúc nào cũng hằn in trong tâm trí Quý.

Dáng đi vặn vẹo như rắn của Kiến là một sự hiện diện của định mệnh khắc nghiệt. Nhiều khi Quý nhìn con, nhầm con là chồng. Quý sợ Kiến, sợ luôn cả thằng con có dáng đi vặn mình xà giống bố. “Thằng Giảng đi vai trái hơi lệch, mỗi bước đi thoáng oằn oại kiểu vặn mình xà, hệt bố nó” [22, tr. 163]. Quý luôn luôn sống trong sợ hãi lo lắng. Ngay cả trong những giấc mơ cô cũng mơ thấy những thứ quái quỷ, dị thường. Quý yêu Tốn, một tình yêu nồng nàn đích thực và sắp có con với anh. Thế mà Quý vẫn sẵn sàng gạt bỏ để trở về với Kiến do sự ám ảnh đè nặng của tâm lý. Quý đã nhận biết được chân thiện, giả dối, đã xin được xá tội… song vẫn không đủ dũng cảm, vẫn lao đầu vào trong vòng luẩn quẩn mà không hề có sự mách bảo của lý trí. Phải chăng hành động, số phận của Quý bị chi phối bởi một thế lực vô hình nào đó?

Trong Xóm giềng, Ma Văn Kháng đã tái hiện vợ chồng mụ Bí táo tợn, thất học, tham lam vô văn hóa và có những hành động toan tính độc ác, hành động nhỏ mọn. Chúng luôn rình rập, phá phách và ăn cắp trong nhà cụ Lý cứ như đó là sự thôi thúc của bản năng ghen ghét, đố kị, ích kỉ, không muốn ai hơn mình. Song đôi lúc chúng cũng thấy sợ, trông thật là thảm hại. Nói chuyện với bà cụ Lý, với Hiên mà chúng cứ tưởng như đang nói chuyện với ma quỷ. Đôi lúc chúng cảm thấy ân hận, chúng giày vò, hối lỗi, cầu xin sự tha thứ. Song chính bản thân chúng không hiểu vì sao chúng lại sợ hãi, lại sám hối, lại thú tội. Suy nghĩ của vợ chồng Bí như bị chi phối bởi một sức mạnh hư vô nào đó từ trong tiềm thức khiến hco chúng không thể hành động theo lý trí được.

Hay như với bà cụ Mạ trong Người giúp việc, cũng bởi một sự ám ảnh nào đó từ trong sâu thẳm bản năng tiềm thức bà cụ khao khát được trở lại kiếp phận nô lệ dù con cháu bà nào có phải kham khổ, thiếu thốn, dù cho bà bị lừa gạt.

Viết về thế giới tinh thần phong phú, bí ẩn của nhân vật, Ma Văn Kháng hay nói tới giấc mơ. Giấc mơ trong trạng thái mê hoặc chính là sự ám ảnh đè nặng tâm lý con người, có một ý nghĩa quan trọng trong biểu đạt tính cách số phận nhân vật của họ. Quý (Chọn chồng) luôn bị ám ảnh bởi một giấc mơ quái dị về một “vong nam” rách rưới, tả tơi, hầu như đêm nào cũng quấy quả, cưỡng hiếp cô. Chính sự vây bủa của giấc mơ ấy mà Quý chấp nhận cuộc sống hiện tại, từ bỏ tình yêu đích thực vừa tìm thấy, như một định mệnh đã an bài. Quý đã không thoát khỏi được vòng cương tỏa của số kiếp. Mụ Bí (Xóm

giềng) cũng có những phút mê hoặc, hay bà cụ Vi (Mẹ già) có những thời

điểm lẫn lộn thực hư. Những gì bí ẩn, sâu kín trong đời sống con người đều phản ánh vào giấc mơ. Có khi giấc mơ như một điềm báo về số phận cuộc đời nhân vật. Sề Sào Lỉn (Móng vuốt thời gian) “đêm nào cũng mơ thấy một đám tang lớn. Lớn lắm…”. Trong giấc mơ Sề Sảo Lỉn nghe thấy bà lão lần tràng hạt đáp “chúng tôi đưa thổ ty Sề Sào Lỉn về nơi yên nghỉ cuối cùng”. Giấc mơ này luôn ám ảnh Sề Sào Lỉn. Và nó như một điềm báo về cái chết của lão. Qua những giấc mơ, qua những cơn mộng mị, Ma Văn Kháng muốn hé mở thế giới bên trong của con người, tìm kiếm những gì sâu thẳm, kín đáo nhất của con người, trong con người. Sự khai thác thế giới tâm linh là một điều khẳng định thể hiện sự chiếm lĩnh ngày càng sâu đối tượng con người của văn học.

Ở một số tác phẩm khác, Ma Văn Kháng đề cập tới khả năng bí ẩn của con người, sự “thông linh” giữa người sống với người chết, giữa cõi âm với cõi dương. Trong Thanh minh trời trong sáng, đứa bé gái có bố chết trận, khi theo mẹ viếng mộ bố đã nhìn thấy bố về giữa khói hương. Không ai nhìn thấy gì, kể cả người mẹ, chỉ cháu bé đột nhiên thét lên: “Bố ơi! Con nhìn thấy bố rồi. Mặt bố có vết máu. Đầu bố cuốn băng trắng, tay trái bố cũng cuốn băng, quần áo bố rách nát hết” [22, tr. 65]. Dường như người chết không phải là hết

sự sống, nhất lại là người liệt sỹ. Cũng trong truyện ngắn này, Ma Văn Kháng còn đưa ra bàn luận nhiều về cái chết của con người. Cái chết như một phát minh vĩ đại của tạo hóa: “Chết là cái đức của trời, là cái tất yếu buồn rầu, là sự ngắt đoạn một dòng sinh hóa liên tục tuôn chảy dạt dào” [22, tr. 66]. Các nhân vật trong truyện luôn có sự ám ảnh về cái chết, có mối liên hệ về cái chết. Từ nghĩa trang ra về con người rơi vào trạng thái: “Mỗi người lúc này đang chia hai. Một nửa ở lại với những ngôi mộ, nơi cư ngụ của những linh hồn những người đã đi về cõi hư không nhưng được quan niệm như một xứ sở có thật và gần gũi” [22, tr. 68]. Mỗi con người đang sống thực, đang tồn tại ở cuộc đời, vậy mà ở họ có một mối dây liên hệ vô hình với một thế lực nào đó ở ngoài họ. Ngoài ra qua truyện ngắn Thanh minh trời trong sáng, Ma Văn Kháng muốn đưa ra một tư tưởng, một quan niệm mới: “Người chết còn tạo lập với người sống mối liên hệ vô hình nhưng bất tử và vô cùng thiêng liêng” [22, tr. 66].

Đi sâu khai thác thế giới tâm linh của nhân vật là một đóng góp lớn của Ma Văn Kháng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Có lẽ vì thế mà nhân vật của Ma Văn Kháng không còn thuần túy là con người của các xung đột, quan hệ xã hội mà còn là con người của những quan hệ thầm kín, bí ẩn với các lực lượng siêu hình, với thế giới tâm linh của cá nhân họ. Con người cho đến hôm nay vẫn chưa đủ sức hiểu rõ bản thân mình để lý giải được cặn kẽ nhu cầu tình cảm cùng tính cách, số phận của chính mình. Quan niệm ấy, suy nghĩ ấy sẽ luôn thôi thúc nhà văn kiếm tìm “cách giải mã” thế giới nội tâm nhân vật.

Cùng với Nguyễn Minh Châu trong Phiên chợ Giát với bao lần hóa thân lúc làm bò, lúc như cầy báo, khi nào cũng bị ám ảnh bởi kiếp thú vật của lão Khùng, cùng với Nguyễn Huy Thiệp trong Chút thoáng Xuân Hương,

Đưa sáo sang sông, Con gái Thủy thần… Ma Văn Kháng là một trong những

tại trong thế giới tinh thần của con người. Nghệ thuật miêu tả đời sống tâm linh đem lại vẻ đẹp đầy chất hiện đại cho nhà văn Ma Văn Kháng và đem lại sức sống cho hình tượng nhân vật trong sáng tác của ông.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới (Trang 76)