6. Cấu trúc luận văn
2.2. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng
Nhân vật chính là hình thức nghệ thuật cơ bản, đầu tiên để nhà văn xây dựng thế giới nghệ thuật bằng hình tượng. Nói tới nhân vật là nói tới “con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học” [8]. Nhân vật xuất hiện một cách đầy đủ từ ngoại hình đến nội tâm thậm chí cả số phận, có nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua đủ để gửi gắm thông điệp nghệ thuật, lại có nhân vật ẩn đi trên bề mặt câu chữ… Là con đẻ tinh thần của người nghệ sĩ, nhân vật văn học vừa thể hiện cái nhìn của nhà văn về cuộc sống và con người, vừa là nơi kí thác những nỗi niềm, những trăn trở, những
ước mơ được biểu đạt ở dạng khái quát nhất. Truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ nhỏ hướng tới thể hiện bản chất hiện thực cuộc sống và tâm hồn con người qua những “lát cắt”, “khoảnh khắc” của quan hệ nhân sinh. Muốn làm được điều đó nhà văn phải thông qua hệ thống nhân vật của mình “suy nghĩ về cuộc sống qua các hình thức duy nhất của nhân vật và cũng dựa vào nhân vật để biểu hiện cái tư tưởng tiến bộ của mình. Nhân vật là sứ giả truyền đi cái thế giới quan, nhân sinh quan của mình” [52]. Như vậy truyện ngắn “sống” được là nhờ nhân vật, nhân vật yếu tố đầu tiên, cơ bản giúp chúng ta đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Qua nhân vật người đọc hiểu được giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, đánh giá được cá tính sáng tạo của tác giả.
Với Ma Văn Kháng, thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông trước những năm 1980 là hình ảnh đồng bào dân tộc vùng cao. Chúng ta bắt gặp trong nhiều truyện ngắn là hình ảnh người thanh niên dân tộc có ý thức trách nhiệm, ham hiểu biết, tích cực làm chủ cuộc đời. Qua những nhân vật đó, Ma Văn Kháng muốn khẳng định và ngợi ca phẩm chất của con người mới. Nhân vật con người mới gắn liền với việc khẳng định xu thế chung của cách mạng, sự phát triển đổi đời của đồng bào dân tộc trong hoàn cảnh mới, gắn liền với âm hưởng ngợi ca, khẳng định của truyện ngắn. Tuy vậy những truyện ngắn giai đoạn này còn nhiều hạn chế như nhà văn từng nói “nó bị chi phối bởi những cảm quan ấu trĩ, thô thiển, chốc lát do đó đa phần đều kém cỏi”. Từ những năm 1980 trở lại đây, đặc biệt là sau đổi mới, truyện ngắn của ông có nhiều thành tựu rực rỡ, nhân vật của ông được xây dựng phong phú hơn. Người đọc có thể gặp gỡ ở đó rất nhiều những gương mặt người với các vai trò xã hội của nó. Họ là những nông dân, công nhân, trí thức, những người thợ, những người giúp việc, những đánh xe, công an, người quét chợ, người đánh trống trường, phóng viên, giáo viên… tựu trung đều sinh động và rất
“đời” trong sáng tác của nhà văn. Nói như nhà nghiên cứu Lã Nguyên: “Nhân vật của Ma Văn Kháng dù phức tạp đến đâu, có những biểu hiện phong phú như thế nào, sau khi tiếp xúc ta có thể nhận diện. Nếu ở tiểu thuyết, số phận của các nhân vật được trải dài theo cuộc đời của nhân vật, thì ở truyện ngắn đôi khi đó là những mảnh vỡ. Mảnh vỡ số phận của con người trong thế giới nhân vật của Ma Văn Kháng mang đầy màu vẻ, và chúng tôi đứng ở góc độ nghiên cứu lại muốn cô chúng trong một số kiểu loại nhân vật, có nghĩa rằng, các kiểu nhân vật của Ma Văn Kháng không gọi tên theo nghề nghiệp, theo chức phận xã hội của nó mà được gọi theo một “mô hình con người” [ 21]. Căn cứ vào tác phẩm cụ thể, đồng thời gắn chúng với những quan niệm của nhà văn về con người trong quá trình xây dựng nên thế giới nhân vật phong phú ấy, chúng tôi tạm phân định thành ba kiểu loại nhân vật: nhân vật tha hóa, nhân vật bi kịch và nhân vật vượt lên số phận.