Tác động từ hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đến cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 40)

đến cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây ở Việt Nam

Tiền đề kinh tế:

Việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cùng với việc xây dựng những cơ sở vật chất, kinh tế, kỹ thuật, trong một chừng mực nào đó đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp.

ở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, mục đích chính của tư bản Pháp là bóc lột thậm tệ người dân Việt Nam để thu lợi nhuận, nhưng về mặt khách quan, chúng đã đẩy nền kinh tế Việt nam đi theo hướng tư bản chủ nghĩa và phát triển lên một bước so với trước. Lấy thí dụ, trong công nghiệp chế biến, năm 1903, Việt Nam chỉ có 82 nhà máy, nhưng đến năm 1914 đã có tới trên 130 nhà máy dệt, xi măng, nước ngọt, rượu bia, giấy, da thuộc, in, v.v... Một số trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, Hồng Gai, Hà Nội, Nam Định, Vinh – Bến Thuỷ, Đà Nẵng đã dần dần hình thành. Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp chế biến và thương mại quan trọng. Còn trong ngành nông nghiệp, cả diện tích canh tác lẫn xuất khẩu gạo đều tăng mạnh. Nếu như năm 1890, diện tích canh tác là 10.900 ha thì năm 1900 đã tăng lên 301.000 ha, năm 1912 tăng lên 470.000 ha ở Bắc kỳ. Năm 1907, Pháp lập 244 đồn điền, phần lớn trồng lúa. Ngoài ra còn có đồn điền trồng cao su, cà phê, chè. Diện tích trồng cao su tăng lên 7201 ha từ năm 1897 đến năm 1920. Năm 1900, xuất khẩu được 180 tấn chè. Cà phê được trồng ở khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam từ năm 1888. Từ những năm đầu thế kỷ XX, sản lượng cà phê ngày càng tăng và là một nguồn lợi đáng kể cho tư bản Pháp [55; 122].

Ngày 22/2/1902, Toàn quyền Paul Doumer tự đắc báo cáo về Pháp:

“Đông Dương ngày nay là một thuộc địa lớn, hoàn toàn bình định và có tổ chức, có một nền tài chính rực rỡ, một nền thương mại quan trọng, một nền nông nghiệp phát triển nhanh chóng, số thực dân ngày một tăng và có những phương tiện hoạt động cao đẳng, một thiết bị kinh tế hùng hậu đang được xây dựng... Có thể nói rằng thuộc địa Đông Dương của chúng ta đã làm rạng rỡ văn minh nước Pháp”.

Trong khi đó, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, cơ cấu và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước chuyển biến theo hướng hiện đại hóa so với thời kỳ trước. Nếu trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, số vốn đầu tư của tư bản Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành khai mỏ và giao thông vận tải, thì vào thời kỳ này, tư bản Pháp lại đổ xô vào kinh doanh nông nghiệp song song với hoạt động khai thác khoáng sản.

Nếu như năm 1924, số vốn đầu tư vào nông nghiệp là 52 triệu francs thì năm 1927, con số này đã lên tới 400 triệu francs, chủ yếu là lĩnh vực trồng và khai thác cao su. Với số vốn không nhỏ cùng chính sách ăn cướp ruộng đất, hàng trăm đồn điền rộng tới hàng ngàn ha đã xuất hiện. Trong nông nghiệp, sự chuyển biến mạnh mẽ nhất là sự chuyển đổi trong cơ cấu cây trồng. Ngoài những đồn điền trồng lúa, các đồn điền trồng cao su, trồng chè, cà phê, hồ tiêu... cũng xuất hiện. Còn ngành công nghiệp, dù không cân đối và què quặt nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ đã có một nền công nghiệp với hai bộ phận công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Vào những năm 1920, địa hạt này được tăng cường theo hai hướng chính: mở rộng về quy mô, về cường độ các xí nghiệp, nhà máy đã có từ trước và xây dựng thêm những xí nghiệp, những công ty mới. Như vậy, so với thời kỳ trước, ngành công nghiệp đã có bước tiến về chất. Chẳng hạn, trong khai khoáng, đi đôi với việc thành lập các công ty mới như công ty than Hạ Long, công ty than và mỏ kim khí Đông Dương, đã xuất hiện một số cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc ở Hải Phòng, Cao Bằng – những loại hình công nghiệp còn vắng bóng trước chiến tranh. Cùng với sự điều chỉnh công nghiệp nặng, khu vực công nghiệp nhẹ cũng trở nên sôi động hơn, không chỉ tăng về số lượng các nhà máy chế biến nông sản tại chỗ, mà còn được nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất. Nhà máy dệt Nam Định được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, thì trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, nó được mở rộng, nâng cấp để trở thành một trung tâm dệt nổi tiếng trên toàn Liên bang Đông Duơng với một tổ hợp nhà máy khép kín từ đầu đến cuối. Giao thông vận tải, một thành tố trong cơ sở hạ tầng, đã được thực dân Pháp chú ý đầu tư xây dựng ngay từ đầu, nay được tiếp tục đầu tư vốn và kỹ thuật để hoàn tất những công trình đang dang dở và nâng cấp một số phương tiện giao thông vận tải mới. Đến năm 1930, Pháp đã mở được 15.000 km đường bộ, trong đó có 2.000 km đường rải nhựa, và đến năm 1931, thì xây dựng xong 2389 km đường sắt trên đất Việt Nam. Nếu như đường sắt, đường bộ có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đối nội thì đường thủy đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế đối ngoại. Nó là phương tiện giao thông duy nhất lúc đó nối Việt Nam với các nước bên ngoài.

Vì thế, cùng với quá trình hiện đại hóa các hải cảng đã có như cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Pháp cho xây dựng các hải cảng mới như Hòn Gai, Bến Thuỷ... Mạng lưới vận tải đường sông ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long cũng được khai thác triệt để. Thương nghiệp gồm nội thương và ngoại thương cũng có những bước tiến mới, đó là sự ra đời của các công ty lớn, các chủ tư bản người Việt. Năm 1917, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đã có tới 200 thợ, 30 tàu lớn nhỏ (mua lại của người Pháp, Mỹ), có xưởng đúc, mỏ than Bí Chợ, máy in, thuê cả nhân công, kỹ sư người Pháp. Thời kỳ này, ở Việt Nam xuất hiện các chợ lớn như chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Tuy nhiên, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của tư bản Pháp không đơn giản là quá trình đầu tư vốn và mở rộng quy mô khai thác, mà kèm theo đó là sự đầu tư các nhân tố kỹ thuật và nhân lực sản xuất.

Như vậy, có thể nói, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến sâu sắc theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Về hình thức, đó là một cơ cấu kinh tế thuộc địa, đã mang sắc thái hiện đại, nhưng về thực chất, đây chính là một cơ cấu kinh tế thuộc địa mất cân đối, què quặt được biểu hiện rõ nét ở tỷ lệ giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp, với một nền nông nghiệp nặng nề, cổ hủ bên cạnh nền công nghiệp mỏng manh, yếu ớt; giữa khu vực công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ và giữa các vùng miền với sự phát triển kinh tế ít nhiều ở miền Bắc và miền Nam, một vài chuyển biến có tính chất cục bộ ở miền Trung, còn lại hầu như các vùng miền khác vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Những chuyển biến về kinh tế cũng chính là một trong những nhân tố chủ yếu chi phối sự chuyển biến về cơ cấu xã hội, quan hệ xã hội và đời sống tinh thần, tư tưởng của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời tạo đà cho cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây diễn ra nhanh chóng.

Tiền đề vật chất – kỹ thuật:

Trong buổi đầu thiết lập chế độ thuộc địa, để thực thi công cuộc xâm lăng văn hóa, thực dân Pháp đã chủ động nhập cơ sở vật chất kỹ thuật ấn loát, tạo điều kiện để văn minh phương Tây chế ngự dần, loại bỏ dần chữ Hán và Nho

học, cũng có nghĩa là loại bỏ dần ảnh hưởng của văn hóa Hán, tạo thuận lợi cho việc “khai sáng” của người Pháp. Thực dân Pháp cũng đưa máy in hiện đại vào Sài Gòn, xuất bản báo tiếng Pháp, rồi báo chữ Quốc ngữ (sẽ trình bày ở phần sau) với mục đích tuyên tuyền cho chủ nghĩa thực dân, cho văn hóa, văn minh Pháp. Chính quyền thuộc địa còn tận dụng vốn của các công ty và cá nhân để mở rộng các dịch vụ văn hóa – thông tin. Nhờ đó, các cơ sở hoạt động văn hóa cũ được tăng thêm vốn, các công ty văn hóa mới ra đời. Qua chi nhánh Trước bạ và Tem Hải Phòng, một công ty in ấn – Tin tức Hải Phòng, được thành lập ở Hải Phòng từ năm 1908, với số vốn ban đầu là 60.000 francs đã tăng vốn gấp 9 lần vào năm 1930, với 550.000 francs. Qua chi nhánh Trước bạ và Tem Hà Nội, trước năm 1919 mới chỉ có 2 công ty kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, vốn 611.800 francs, trong đó Nhà in Viễn Đông, lập năm 1907, vốn 1 triệu francs, tăng lên 300.000 đồng, tương đương 3 triệu francs vào năm 1930. Từ năm 1919 đến năm 1930, có 6 công ty xuất bản, báo chí được thành lập tại Hà Nội, với số vốn tổng cộng 635.269 francs, là: Công ty Thực nghiệp (năm 1921) khai thác tờ báo chữ Quốc ngữ Thực nghiệp dân báo; Công ty Đông Pháp (năm 1921) khai thác tờ Đông Pháp; Công ty Đông Dương Cộng Hòa (năm 1925) khai thác tờ báo cùng tên; 1 Hí viện khai thác tuồng và nhạc dân tộc (năm 1925); Công ty Hợp Dung Đại (năm 1926); Công ty Công nghệ ảnh và buôn bán máy ảnh (năm 1923); Công ty Sán Nhiên Đài Chấn Hưng (năm 1927) thành lập các nhà hát và ban nhạc. Qua chi nhánh Trước bạ và Tem Đà Nẵng, Công ty Huỳnh Thúc Kháng (năm 1927) – Công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, trụ sở tại Huế, mua một nhà in để khai thác báo Tiếng dân và mọi hoạt động liên quan đến in ấn, với số vốn 30.000 đồng, tương đương 300.000 francs vào năm 1930. Qua chi nhánh Trước bạ và Tem Sài Gòn, trước năm 1919 chỉ thấy có 1 công ty báo với số vốn ban đầu 48.245.537 francs, nhưng năm 1930 tăng lên 233.575.780 francs, tức là gấp gần 5 lần [121; 257-258]. Như vậy, so với giai đoạn trước, trong những năm 1919-1930, số công ty và cơ sở liên quan đến các hoạt động văn hóa đã tăng hơn hẳn. Dù số tiền đầu tư vào các ngành văn hóa không thể so sánh được với số tiền các nhà tư bản đầu tư vào các ngành kinh tế, song điêu đó cũng phần nào chứng

tỏ sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực này và cũng có thể coi đây là một chỉ số chứng tỏ sự tăng trưởng của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, dưới ảnh hưởng của hai cuộc khai thác thuộc địa, một hệ thống thành thị kiểu phương Tây đã ra đời và phát triển (Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn). Những đô thị này phát triển theo kiểu đô thị công thương nghiệp, không còn mang nặng tính chất trung tâm hành chính văn hóa như thời kỳ trước. Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam đã có 3 cấp độ thành thị: Thành phố cấp 1 (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng); thành phố cấp 2 (Hải Dương, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Chợ Lớn); thành phố cấp 3 (những thị xã trực thuộc tỉnh) và dưới đó là hàng trăm thị trấn và thị tứ. ở Hà Nội, năm 1899, đã có 73 nhà công thương Việt nam gồm 60 nhà buôn, 12 chủ xưởng và 1 thầu khoán. ở Hải Phòng, năm 1893, có 41 nhà công thương Việt Nam gồm 27 nhà buôn, 5 nhà thầu khoán, 8 hiệu may, 1 hiệu giặt. Sài Gòn năm 1896 có 366 nhà công thương Việt Nam, gồm 26 hiệu kim hoàn, 15 hiệu đồng hồ, 24 hiệu may, 113 hiệu buôn. Chợ Lớn năm 1896 có 306 nhà công thương Việt Nam, gồm 10 hiệu kim hoàn, 15 xưởng đóng thuyền, 16 nhà máy xát gạo, 74 nhà buôn [55; 127]. Cùng với sự lớn mạnh của các đô thị, số thị dân cũng tăng lên nhanh chóng, do tác động của các chính sách khai thác thuộc địa. Năm 1928, Hà Nội có 130.000 dân, Huế có 41.600 dân, Sài Gòn có 125.000 dân, Chợ Lớn có 192.000 dân. Nếu vào đầu những năm 20, số dân ở thành thị mới chiếm 3,6% thì đến những năm 1930, số dân thành phố đã chiếm 8-10% dân số cả nước. Riêng khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, số dân thành thị chiếm tới 14%.

Trong quá trình sinh tồn, thị dân đã tạo ra một lối sống riêng, một phong tục tập quán riêng, vừa kế thừa những giá trị truyền thống, nhưng lại vừa có những nét khác biệt so với lối sống của nông dân. Như vậy, một hệ thống thành thị phát triển, một bộ phận thị dân đông đúc với những đặc trưng riêng trong sinh hoạt xã hội là những tiền đề, điều kiện để tiếp nhận văn hóa phương Tây. Từ đó, trong các dạng thức sinh hoạt chính trị và văn hóa mới có các đảng phái

chính trị, các nhà xuất bản, các dòng báo chí, các thể loại văn học nghệ thuật, v.v...

Tóm lại, với sự hình thành và hoàn thiện một hệ thống thành thị kiểu phương Tây, trong xã hội Việt Nam, một nền văn minh đô thị, một nền văn minh tiến bộ đã xuất hiện.

Tiền đề xã hội – tư tưởng

Những biến đổi của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX trước hết chịu sự chi phối của quá trình phát triển kinh tế, nhưng đồng thời còn trực tiếp chịu ảnh hưởng của các chính sách xã hội do chính quyền thực dân phong kiến thi hành.

Trong lĩnh vực giáo dục, ngay khi chiếm được Việt Nam, việc học như thế nào đã được người Pháp chú trọng. Và cũng để phụng sự cuộc khai thác thuộc địa được lâu bền, Pháp đã nhắm tới việc phải cho ra đời một tầng lớp trí thức Tây học người Việt. Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau thực hiện một chính sách thuộc địa rộng rãi thông qua những cải cách trong lĩnh vực giáo dục ở Đông Dương. Song cuộc cải cách này không đáp ứng những yêu cầu mà Pháp đặt ra. Phạm Quỳnh đã nhận xét trên tờ Nam Phong: “Sự học cũ cải cách lại không những là không tốt hơn mà lại thấp kém hơn xưa, thật là đủ khiến người có bụng tồn cổ sinh thất vọng trong lòng... Cứ xem những học trò đậu mấy khóa sau này cựu học không dày, tân học cũng mỏng, mới không ra mới, cũ không ra cũ, thời đủ biết thực như lời Tây gọi là những quả lép của cái cây đã đến ngày cỗi vậy” [Nam Phong, số 12, ra tháng 6/1918]. Vì thế, ở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, Pháp chủ trương đẩy mạnh giáo dục để chuẩn bị nhân công có trình độ cho công cuộc làm giàu của chính quốc. Bằng việc tăng cường dạy tiếng Pháp và tuyên truyền văn minh Pháp tại thuộc địa, chính quyền thực dân muốn tạo ra một thế hệ trí thức lệ thuộc Pháp, khiếp sợ trước sức mạnh của chính quốc, hàm ơn đối với công “khai hóa” của mẫu quốc và do đó sẵn sàng phục tùng. Hơn nữa, việc phát triển các trường Pháp – Việt, đào tạo một cách có hệ thống từ bậc tiểu học đến đại học còn là để thu hút thanh niên, tránh việc du học, ngăn chặn từ xa ảnh hưởng của những luồng tư tưởng tiến bộ, tư tưởng cộng sản

và cũng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của các đế quốc khác ở thuộc địa. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn ái Quốc đã nhắc đến Nghị định ngày 20/6/1921 như sau: “Người bản xứ nào, vô luận là dân thuộc địa hay dân xứ bảo hộ Pháp muốn sang chính quốc du học phải được quan Toàn quyền cho phép. Quan Toàn quyền sẽ quyết định sau khi hỏi ý kiến người đứng đầu cấp xứ và Giám đốc Nha học chính” [60; 180]. Ngày 1/2/1924, Toàn quyền Merlin cho

Một phần của tài liệu Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 40)