- Tràng An: Xuất bản mỗi tuần 2 kỳ (thứ ba và thứ sáu), phát hành số
2.3.3. Phan Khôi phê bình Nho giáo
Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa, chứ không phải phát sinh ở Việt Nam. ở Việt Nam, Nho giáo không phải trải qua quá trình thai nghén, sinh thành, phát triển từng bước liên tục, trọn vẹn theo quy luật vận động nội tại, có quan hệ ăn khớp với hạ tầng cơ sở như ở bản địa. Nó được du nhập chậm – hay được tiếp nhận chậm – qua nhiều đợt, có khi là ngẫu nhiên, có khi là qua lựa chọn sau khi ở bản địa. Tại Trung Hoa, Nho giáo đã trải qua một thời kỳ phát triển lâu dài, từ Khổng Mạnh qua Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho. Khi các triều đại Lý, Trần có ý thức dùng Nho giáo phục vụ cho vương triều thì Nho giáo từ lâu đã phát triển đến giai đoạn kinh viện, tiên chú, đã tồn tại với cả những thể chế xã hội, những phong tục tập quán: ta đưa Nho giáo vào là với cả những kinh điển đã được Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho chú giải, cùng với những quy chế học tập, thi cử, cùng với những tổ chức thờ cúng tiên thánh, tiên hiền, tổ chức văn hội, sĩ hội, cùng với cả những công thức biểu đạt về mặt văn học. ở Việt Nam, Nho giáo tồn tại như những tín điều chỉ để học tập, noi theo, ứng dụng, không cần tranh cãi, không cần bổ sung, phát triển. Người học phải học thuộc, nhớ kỹ, chỉ cần nhắc qua vài ba chữ là phải nhớ ra cả trên, cả dưới. Nho giáo tuy được đưa vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, nhưng đến thế kỷ XV
mới thực sự có ảnh hưởng chi phối. Khi được đặt lên vị trí hệ tư tưởng chính thống thì một mặt, thứ Nho giáo được truyền bá đã trải qua hàng ngàn năm hỗn tạp nhiều yếu tố của các hệ tư tưởng khác: Âm Dương, Đạo gia, Phật giáo... và mặt khác, trước thực tế Việt Nam, những quan hệ mới, vấn đề mới cũng đòi hỏi nó phải thích ứng. Ta gặp trong thực tế một thứ Nho giáo không thuần nhất, đã luôn luôn dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, tập quán, tư tưởng địa phương nên khi tác động đến từng mặt của đời sống ở Việt Nam thì sắc thái Nho giáo của nó cũng không nguyên vẹn mà đậm nhạt khác nhau. Lớp nhà Nho Việt Nam ra đời cũng chậm. Tuy thời Bắc thuộc đã có loại Trương Trọng, Lý Cầm, Lý Tiến, nhưng Nho sĩ còn học và thi ở tận Trung Quốc. Phải đến đời Trần, Nho sĩ mới có một vai trò tương đối độc lập. Nhưng ngay cả đời Lê, trước cả thời Lê Thánh Tông, nhà Nho cũng vẫn chưa có số lượng đáng kể. Nhà Nho là tầng lớp trí thức, thuộc một đẳng cấp xã hội và đồng thời cũng là người tín đồ, tôn thờ một học thuyết. Trong xã hội, họ có thể làm quan, làm thày và thường là có viết văn, làm thơ. Nho giáo trang bị cho mỗi nhà Nho một quan niệm thế giới, một phương pháp suy nghĩ, một quan niệm làm người. Mục đích cả cuộc đời họ là thi đỗ, làm quan. Đó là con đường duy nhất trong xã hội phong kiến nước ta trước đây làm cho họ thỏa mãn được ước mong, nói một cách văn hoa, lý tưởng là an dân, giúp vua, nói một cách thật thà là no ấm, vinh hoa, phú quý.
Thế nhưng, đầu thế kỷ XX, vua đã trở thành bù nhìn. Trong một xã hội coi Nho giáo là ý thức hệ chính thống, người trẻ trở thành con cháu, nguời có tuổi trở thành cha chú, chỉ có những gia đình lớn nhỏ mà không có con người công dân; mọi người chỉ lo xử lý các quan hệ với người trên và người dưới, tìm sự hòa thuận êm ấm, không hướng con người vào việc tìm tự do và hạnh phúc trong việc cải tiến tổ chức xã hội và làm chủ các lực lượng tự nhiên thì cuộc tiếp xúc với văn hóa Pháp đã khiến vai trò của nhà Nho trở nên chông chênh. Và như vậy, việc nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu về Nho giáo trong bối cảnh mới là nhu cầu được đặt ra cấp thiết.
Đầu năm 1930, Trần Trọng Kim cho xuất bản cuốn I của bộ Nho giáo của ông, trình bày khá cặn kẽ về thân thế, sự nghiệp và học thuyết Khổng Tử cùng trường phái Nho giáo với mục đích bênh vực và phục hưng Nho giáo. Trong công trình này, Trần Trọng Kim đánh giá cao vai trò của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và không nhận thấy bất kỳ tính chất tiêu cực nào của nó, cũng không thấy phần trách nhiệm lớn của nó trong việc mất nước. Trần Trọng Kim cho rằng Nho giáo là một học thuyết khả thủ và sở dĩ nó không phải chỉ đem lại toàn điều hay là vì người sử dụng đã học sai, hiểu sai, thực hành sai. Trần Trọng Kim cũng cho rằng tinh tuý cốt yếu của Nho giáo, điều cao siêu của Nho giáo là “trực giác”, là quan niệm “thiên nhân tương dữ”, qua đó, Trần Trọng Kim cũng hạ thấp lý trí.
Phan Khôi là người đầu tiên phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim. Trên
Phụ Nữ Tân Văn số 54, ngày 29/5/1930, sau khi ca ngợi công lao của Trần Trọng Kim, đã công kích ông này lầm lẫn Khổng học với Tống Nho. Từ bài phê bình sách Nho giáo, rất nhiều học giả tên tuổi lúc bấy giờ đã “nhảy” vào cuộc, dẫn đến cuộc bút chiến trên báo chí. Cuộc tranh luận này đã gợi mở, mổ xẻ những vấn đề về triết học Nho giáo bấy lâu nay vẫn bị hiểu mù mờ.
Thế rồi phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim, Phan Khôi cũng phê bình Nho giáo Khổng Tử. Trên Phụ Nữ Tân Văn, số 57 (19/6/1930), Phan Khôi đã có thái độ rất công tâm. Khi viết bài “Người mở đường cho luận lý học á Đông – Khổng Tử và cái thuyết chánh danh của ngài”, ông vẫn đánh giá cao những điểm khả thủ trong luận thuyết chính danh của Khổng Tử. Chỉ có điều, Phan Khôi tiếp cận theo một cách khác. Ông so sánh luận thuyết chính danh ấy với luận lý học phương Tây để phát hiện ra rằng tư tưởng của Khổng Tử từ mấy ngàn năm trước lại rất gần với... phương Tây! Phan Khôi viết: “Luận lý học của Tây dạy rằng mỗi khi biện luận về một sự vật gì, trước hết phải cấp cho sự vật ấy một cái định nghĩa, một giới thuyết (définition). Cái giới thuyết hoặc cái định nghĩa đó, là cốt làm cho cái danh và cái thực của sự vật ấy tương đương với nhau, rồi mới có đường mà biện luận. Bằng chẳng vậy, một bên nói trời một bên nói đất, cãi nhau hết hơi mà rốt lại chẳng vỡ ra lẽ gì, chẳng ích lợi gì. Cho biết
sự định nghĩa hay là lập giới thuyết là sự cần lắm cho người ta trong khi biện luận”.
Trần Trọng Kim đã theo dõi việc làm của Phan Khôi và để tâm suy nghĩ về những lời lẽ công kích ông. Chính vì vậy mà Trần Trọng Kim đã lên tiếng trả lời Phan Khôi trong bài “Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo" (Phụ Nữ Tân Văn, số 60, 10/7/1930). Trong bài này, Trần Trọng Kim có chịu là Phan Khôi có lý ở nhiều điểm, nhưng không trả lời đúng vào cái điểm mà Phan Khôi đã công kích ông. Có lẽ vì vậy mà trên Phụ Nữ Tân Văn số 62, 24/7/1930, trong bài "Cảnh cáo các nhà học phiệt", cho dù mục đích công kích Phạm Quỳnh, Phan Khôi cũng vẫn trách khéo cả Trần Trọng Kim cố ý lẩn tránh vấn đề. Và sau đó, cũng trên Phụ Nữ Tân Văn số 63, 31/7/1930, trong bài "Mời Trần Trọng Kim tiên sanh đến nhà Mr Logique chơi, tại đó, chúng ta sẽ nói chuyện", Phan Khôi vạch rõ những điểm mà Trần Trọng Kim đã né tránh không chịu trực tiếp trả lời, đồng thời Phan Khôi cũng chê trách Khổng Tử và Mạnh Tử là thiếu óc luận lý. Lần này, Trần Trọng Kim không còn giữ yên lặng nữa. Trên ba số báo
Phụ Nữ Tân Văn, Trần Trọng Kim đã lên tiếng trả lời Phan Khôi trong bài "Mời Phan Khôi tiên sinh trở về nhà học của ta mà nói truyện" (số 71, 25/9/1930, và số 72, 2/10/1930) với bài "Khổng giáo với khoa học", số 74, 16/10/1930). Trần Trọng Kim tỏ ra phục thiện, chịu lỗi là đã sơ ý mà trở thành bông lông, không trả lời đúng vào các điểm mà Phan Khôi công kích. Nhưng rồi Trần Trọng Kim cũng minh xác với Phan Khôi nhiều điểm, nhất là điểm Phan Khôi trách triết gia Đông phương thiếu óc suy luận khoa học. Vấn đề Phan Khôi nêu ra năm 1930, và đến năm 1932, khi cho tái bản Nho giáo, Trần Trọng Kim đã cho sửa chữa, thì Ngô Tất Tố lại khơi lại để công kích Trần Trọng Kim năm 1940.
Tuy nhiên, trên diễn đàn báo chí Việt Nam lúc bấy giờ, chưa khi nào có một loạt bài phê bình Nho giáo và chưa bao giờ Nho giáo bị công kích kịch liệt như trong những bài viết của Phan Khôi. Ví như về sách Đại học và thuyết minh đức tân dân, Phan Khôi cho rằng mấy trăm năm nay, thuyết này chỉ làm hại cho sĩ phu, nhất là trong thời buổi khoa cử thịnh hành. Thuyết này chỉ giúp người ta ôm vọng hão huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm nên ông nọ bà kia, sẽ
ra kinh bang tế thế, rồi sẽ “thượng trí quan, hạ trạch dân”, làm nên công danh ghi vào sử sách đời đời, thế mà hễ thi không đậu thì lại thất vọng, thiếu điều ngã ngửa người ra, bủn rủn chân tay. Trong khi đó, kẻ đắc thời thì lại ỷ rằng mình đã học giỏi rồi, chẳng cần học nữa. Bởi vậy mới có những ông thượng thư bộ Hộ mà chẳng làm nổi bốn phép toán, thượng thư bộ Binh mà cả đời chẳng biết đến cái lưng con ngựa, cái cò khẩu súng là gì!
Thật ra, Phan Khôi công kích toàn bộ Nho giáo chứ không phải chỉ công kích Hán Nho, Tống Nho. Mười năm sau, ở sách Khổng giáo phê bình tiểu luận, Đào Duy Anh nhận xét rằng Phan Khôi chỉ “phê bình ngọn, chứ không truy cứu đến gốc”. Và ngay tại thời điểm công kích Nho giáo, Phan Khôi cũng nhận được không ít ý kiến chỉ trích. Tác giả Hoàng Sơn đã viết một loạt 8 bài trên báo Thần Chung tháng 1 năm 1930 để công kích lại sự công kích của Phan Khôi. Chẳng hạn, về thuyết “minh đức tân dân”, Hoàng Sơn không cho rằng thuyết ấy làm hại cho sĩ phu, mà phải hiểu ngược lại, chính sĩ phụ tự hại mới thì đúng hơn, chứ bản thân thuyết “minh đức tân dân” không có tội tình gì. Tuy phê bình sự công kích Nho giáo của Phan Khôi, nhưng Hoàng Sơn cũng thanh minh rằng thật ra mình không muốn bảo hộ cho Nho giáo, mà vì Phan Khôi lập luận cực đoan nên mới lên tiếng.