Đông Dương tạp chí, 1914-1917.
Đông Pháp thời báo, 1923 – 1925.
Lục tỉnh tân văn, 1919.
Nam Phong tạp chí, 1918-1919.
Phụ Nữ Tân Văn, năm 1929 – 1935.
Sông Hương báo, năm 1936.
Thần Chung, năm 1929.
Tràng An báo, năm 1935-1936.
Tao Đàn, 1939.
Phụ lục
Một số tác phẩm đăng báo của Phan Khôi
Nên xưng Việt Nam là phải
Về vấn đề quốc hiệu nước ta
Gần nay trên báo Trung lập có đem cái vấn đề quốc hiệu nước ta ra nói mấy lần. Ông giáo Nguyễn Ngọc Thọ bảo nên kêu là Việt Nam. Ông giáo Linh Chiểu bảo chớ nên tự xưng là An Nam. Hai ông nói đều phải cả, thế nhưng nhập luôn hai bài của hai ông lại cũng còn chưa ráo lý, còn có chỗ nên nói thêm.
Đến như ông Bùi Thế Mỹ chủ trương cái nghĩa “lành áo hơn tốt danh”, bảo kêu gì cũng được, kêu “an” mà miễn là không an thì thôi, không hại gì, cái thuyết của Bùi quân đó có riêng một ý nghĩa, nhưng về sự giải quyết vấn đề thì nói như vậy chưa phải là giải quyết.
Rốt lại họ Bùi cũng phải phàn nàn về một nước bằng bụm tay mà nhiều tên quá, muốn mau mau xúm nhau lại lựa một cái tên. Vậy cho biết sự xưng nước mình lấy một tên mà đừng xưng lộn xộn, là sự cần lắm, chính cái người không quý danh mà quý thiệt kia cũng đương cầu giải quyết.
Vậy ta hãy giải quyết đi.
Để riêng cái sự thiệt tiễn như Bùi quân đã nói ra, dầu sự ấy là cần lắm, nhưng là vấn đề khác. Đây đương nói vì danh thì hẵng cứ nhè danh mà nói.
Theo ý tôi thì cũng như hai ông giáo trên kia, người nước mình không nên tự xưng nước mình là An Nam mà phải xưng là Việt Nam.
Nói như vậy, cần phải nói đến cái sở dĩ. Vậy tôi xin nói cái sở dĩ.
Ta không nên xưng nước ta là An Nam, là vì cái tên ấy không do ta đặt cho ta, mà do người ngoài đặt cho ta, lại có ý chinh phục ta nữa. Nếu mình dùng hai
chữ An Nam mà tự xưng nước mình, ấy là mình cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục. Bị chinh phục, là sự cực chẳng đã ; chớ còn an tâm ở cái địa vị bị chinh phục, thế là tự mình làm mất cái bổn tánh tự do độc lập của Trời phú cho đi, không còn xứng đáng là loài người.
Theo lịch sử, hồi nước ta thuộc về nhà Đường bên Tàu, họ đặt một quan nha cai trị xứ ta, kêu bằng “An Nam đô hộ”, quan nha ấy cũng như Đông Pháp toàn quyền phủ bây giờ. Chữ “An Nam” đó nghĩa là làm cho phương Nam an đi. “An Nam đô hộ” nghĩa là : Cái chức quan Đô hộ ấy có cái trách nhiệm phải làm cho phương Nam an đi. Xét sử Tàu hồi bấy giờ, không những đặt An Nam đô hộ mà thôi. Họ đánh yên mấy nước nhỏ ở Tây Vực (gần đỗi Tiểu á tế á) đặt ra An Tây đô hộ ; đánh yên nước Bách Tế và Triều Tiên, đặt ra An Đông đô hộ nữa, cùng đều có ý như “An Nam” vậy.
Mãn thời kỳ đô hộ, nghĩa là đến lúc người mình lấy nước lại mà độc lập rồi, tuy mình xưng tên nước mình là gì trối kệ, nhưng vì mình còn thần phục và triều cống họ, cho nên họ có quyền đặt tên cho nước mình. Bấy giờ dầu bãi đô hộ rồi mà cái tên An Nam họ vẫn giữ, họ lấy mà đặt tên nước mình là An Nam quốc, và phong cho vua mình là An Nam quốc vương. Nước ta mà có cái tên An Nam là từ đó. Và từ đó người Tàu quen kêu người mình là người An Nam.
Người phương Tây giao thông với các nước á Đông là bắt đầu giao thông với nước Tàu trước. Vì vậy nên người Tây bắt chước người Tàu kêu nước mình là An Nam, mà không kêu theo tên nước mình như chính người mình đã đặt, hoặc Đại Việt, hoặc Đại Nam, hoặc Việt Nam.
Nói riêng về người Pháp thì từ lúc đầu họ kêu cả nước mình là nước An Nam ; đến khi chinh phục được, họ chia nước mình ra làm ba, lấy chữ “An Nam” kêu khúc giữa, có ý nói rằng cái nước An Nam thuộc về nhà vua là chỉ còn chút đó.
Tự người Pháp muốn trời muốn đất gì lại không được, song người mình kêu theo như thế là vô lý.
Bởi vậy từ nay ta nên bỏ tiệt hai chữ An Nam đi, đừng dùng mà xưng tên nước ta nữa. Cái khúc giữa của nước ta, ta cũng kêu bằng “Trung kỳ”, dầu trong khi viết bằng Pháp văn cũng cứ xưng như thế.
Còn tại sao mà bảo kêu bằng “Việt Nam” ?
Cái tên Việt Nam do vua Gia Long đặt ra sau khi ngài đã nhứt thống toàn quốc từ Nam chí Bắc. Theo sử nói thì ban đầu ngài đặt là "Nam Việt" song vua Tàu sửa lại là "Việt Nam". Từ đấy về sau thì vua Tàu, khi ban chiếu sắc, không kêu nước ta bằng An Nam nữa mà kêu Việt Nam ; song dân Tàu nói thường thì vẫn kêu ta là An Nam cho đến bây giờ.
Sau cái tên Việt Nam còn có cái tên Đại Nam, ấy là từ đời vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng, sau khi bảo hộ Cao Man rồi, ngài thấy nước ta bản đồ càng rộng ra, ngài bèn đặt là Đại Nam để đối địch với Tàu là Đại Thanh cho oai chơi. Nhưng cái tên Đại Nam đó chỉ xài trong nước mình chớ còn khi dâng biểu qua Tàu thì lại vẫn xưng là Việt Nam quốc như trước.
Hiện ngày nay đây, giấy mực việc quan ở Trung kỳ vẫn xưng là Đại Nam. Vua Bảo Đại đối với nước Pháp vẫn tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Vậy thì, theo nhà vua, cái tên Việt Nam hình như đã mất rồi, vì ngày nay không còn triều cống bên Tàu, không có dịp đem ra mà dùng nữa.
Dân ta, người nước ta, cũng nên theo như nhà vua mà kêu là Đại Nam chăng ? Kêu cũng được, nhưng nghe nó ngượng miệng một chút, và cũng hổ ngươi nữa. Không ai nói như vầy mà xuôi tai được : Chúng tôi là dân nước Đại Nam, bị nước Pháp bảo hộ !
Vậy thì ta nên kêu nước ta là Việt Nam, là phải hơn hết. Tại sao mà phải ?
Những cái tên "Nam Việt" hay "Đại Cồ Việt" ngày xưa chưa hề gồm có phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, không đại biểu cho toàn quốc ngày nay được. Duy có cái tên "Việt Nam" do vua Gia Long đặt ra, cái tên ấy mới có bao gồm phía nam Trung kỳ và cả Nam kỳ vào, cho nên dùng nó mà chỉ cả nước ta như bản đồ chữ S ngày nay là hiệp lắm.
Tôi lặp lại lần nữa :
Từ rày về sau, chúng ta không nên kêu nước mình bằng An Nam. Từ rày về sau, chúng ta nên kêu nước mình bằng Việt Nam.
Phan Khôi
Hán học ở bên Pháp
Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris
Sinh ra trong nước Việt Nam, nước người ta bảo nhau rằng có văn hiến bốn ngàn năm, nước theo đạo Khổng Mạnh, nước từ xưa mỗi ba năm lấy đậu hàng ba trăm cử nhân, hai chục trở lên cho đến năm sáu chục tấn sĩ, mà đến ngày nay có kẻ nào muốn nghiên cứu Hán học cho đến nơi đến chốn, phải sang đến tận bên Tây, bên Paris ! Ôi ! trong đời có sự kỳ quái như vậy, ngẫm lại xiết bao là ngao ngán !
“Hán học”, theo đúng cái danh từ học thuật thông hành bên Tàu lâu nay, là chỉ về cái học của một bọn học giả đời Mãn Thanh, kể từ Cố Viêm Võ cho tới Chương Bính Lân, nghĩa là cái học của bọn ấy đã gạt bỏ Tống nho Minh nho mà vói tìm lên đến Hán nho, bởi cho rằng Hán nho là gần với Khổng Mạnh hơn hết, có thể y cứ được – cho nên gọi là Hán học. Nhưng chữ “Hán học” tôi dùng trong bài đây, chẳng qua theo thói quen của người mình, phiếm chỉ là cái học của thánh hiền bên Tàu đó thôi.
Cái học đã là của thánh hiền bên Tàu, mà ta đây từ trước vẫn chuyên theo cái học ấy, ngày nay dầu không theo nữa cũng còn có sách vở, còn sư nho, muốn học thì dạy nhau trong nước cũng được chớ sao lại phải băng ngàn vượt biển, sang tận bên Tây, là nơi chưa hề có dính dấp gì với Hán học ?
Chỗ ngao ngán là ở trong câu hỏi đó. Cho được trả lời câu hỏi ấy, phải vẽ rõ cái chân tướng Hán học của ta hồi xưa ra thế nào ; khi vẽ rõ ra, sẽ thấy mà càng thêm ngao ngán !
Chúng ta kêu rằng “Hán học” đó có hai phương diện khác nhau. Một là cái học về nghĩa lý, tức là cái học của thánh hiền ; một là cái học về từ chương khoa cử, cũng kêu là tục học. Hồi Khổng Mạnh bắt đầu đề xướng ra, nguyên chỉ có cái học nghĩa lý mà thôi ; đến sau lần lần một ngày một sai đi, mới thành ra cái học từ chương khoa cử.
Nói rằng cái học nghĩa lý là nói gọn cho dễ nghe, chứ trong đó bao hàm nhiều việc lắm. Trong đó có một phần lớn tức ngày nay ta kêu bằng "triết học", xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là sự cần thiết cho sự sống của loài người ; lại một phần nữa kêu là “tu thân” dạy về sự làm người cho đứng đắn ; lại một phần nữa kêu là “kinh tế”, dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ.
Đó là rút lại mà cắt nghĩa cho hiểu qua cái học của thánh hiền đời xưa là thế đó ; ngoài ra còn có những cái tên "kinh học", "sử học" hay là "lý học", "đạo học" gì gì nữa cũng đều thu vào trong cái học nghĩa lý ấy.
Bên Tàu từ đời Hán về sau, nhà vua lập ra phép thi, tức là khoa cử. Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu ; nhưng sau rồi mỗi ngày một sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên phần nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nên nói luôn là từ chương khoa cử.
Chính bên Tàu đã bày ra cái lối học từ chương khoa cử ấy ; họ cũng bị cái học vô dụng ấy làm hại đến hai ngàn năm chẳng phải ít. Song còn nhờ có một điều, là, tuy đời nào cũng trọng cái học từ chương khoa cử, mà đời nào cũng có nhiều người chuyên trị cái học nghĩa lý. Như trong đời Hán có nhiều tay danh nho chú thích các kinh đời xưa, đã đành rồi ; cho tới về sau, nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh, là lúc khoa cử thịnh hành lắm mà các nhà nho chuyên học về cái học nghĩa lý lại cũng nhiều hơn nữa.
Xét ra là do cái quan niệm của người đi học bên Tàu từ đời xưa đến đời nay cũng vậy : họ vẫn lấy sự thi đậu làm quan làm vinh diệu, nhưng không lấy nội chừng nấy làm đủ ; họ còn muốn cái thân của mình có quan hệ đến xã hội đời sau ; muốn vậy thì duy có gieo mình vào cõi học mới được. Cho nên có nhiều người đã làm đến bậc đại thần, công danh rực rỡ, mà cũng còn chen chân vào đám học giả mới nghe, ấy là như Tăng Quốc Phiên và Nguyễn Nguyên, người đời Thanh mới đây vậy.
Lại còn những người cả đời theo học vấn mà nhất định không thèm thi cử, không thèm tranh cái danh tầm thường với đời, chỉ chăm một đường khảo cứu, trước thuật, hiến thân cho sự học.
Nhờ vậy đó mà bên Tàu, sĩ phu dầu bị cái học khoa cử làm hư đi cũng nhiều, song cái học nghĩa lý của thánh hiền đời xưa vẫn không đến nỗi mờ tối. Trong khoảng non ba trăm năm về đời Mãn Thanh mới rồi, có nhiều bậc danh nho ra đời, xiển minh đạo thánh, lại còn chói sáng hơn trước nữa, đến nay người ta đem sánh với “thời đại Tái sanh” (Renaissance) bên Âu châu.
ở nước ta, khi sách vở của đạo Nho truyền sang, chính vào thời đại Bắc thuộc (Sĩ Nhiếp, ngang đời Đông Hán), chẳng khác nào bây giờ Đông Dương thuộc quyền thống trị của nước Pháp, thì lại rước lấy cái học của Âu châu. Do đây suy đó thì biết rằng cái giáo dục đời bấy giờ cũng là lối giáo dục “chấm câu”, cái học nghĩa lý của thánh hiền thật chửa thấm khắp trong óc người mình chút nào. Học "chấm câu" như vậy non ngàn năm, đến lúc nước mình độc lập, lại vội vàng lập ngay ra phép khoa cử. Từ đó Hán học ở nước ta chỉ biết có từ chương khoa cử mà thôi, không hề biết đến cái học nghĩa lý.Theo lịch sử Việt Nam thì có hai thời kỳ mà người ta cho là nho học rất thịnh, là hồi triều Lê và triều Nguyễn, ngang chừng sáu bảy mươi năm trước đây. Nhưng thịnh đó là chỉ thịnh về đằng từ chương khoa cử ; nếu bảo rằng nho học thịnh thì oan cho nho học lắm, vì nho học tức là cái học nghĩa lý, mà ở nước ta nó hầu như không có.
Tôi nói như vậy, chắc lắm người cho là tôi nói vu. Họ sẽ kể ra cho tôi nghe những ông gì ông gì đã làm ra những sách gì sách gì, để chứng rằng nước ta chưa từng không có học nghĩa lý. Song tôi xin lắc đầu mà đáp lại rằng nội mấy người đó và mấy bộ sách đó không đủ kể, vì cái học từ chương đến vạn phần mà cái học nghĩa lý chỉ có một phần, thì có cũng như không. Nói tắt một lời, cái học nghĩa lý không đủ thành ra một cái “học phong” trong nước, thì một phần rất ít ấy cũng bị kể như là không cả vậy.
Thế không phải là nói quá. Thử đem mấy ông tiền bối của ta ra mà xét thì đủ biết. Đừng kể những kẻ đậu cái tú tài về nằm nhà hay là đậu cái cử nhân hàng, miễn cho có đường ra tòng chánh làm chi. Kể mấy ông khôi thám, có tiếng hay
chữ rậy trời, mà đến khi cầm lấy bút phê được rồi, là không quan tâm đến chuyện học nữa. Tiến lên một bậc, ấy là người đỗ đạt rồi mà vẫn còn ưa đọc sách ngâm thơ. Lại tiến lên một bậc nữa, ấy là người có làm được ít nhiều bài thi, văn, in thành tập, một quyển hay là mấy quyển, chớ mấy chục quyển thì cũng vẫn là ít.
Những người như Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, lấy nghiêm cách mà nói, nghĩa là đem so với người Tàu kể cũng là hạng trước thuật thường, chớ không vào hạng học giả chân chánh được ; nhưng ở nước ta thì nhân vật ấy cũng đã là tuyệt trần rồi. Kỳ dư có trước thuật thì toàn là cái lối trước thuật Vũ Phạm Khải. Ông này người đời Tự Đức, hay chữ đến vua cũng phải khen. Khi tôi ở Hà Nội, có tìm xem được văn tập của ông, rõ thật là thất vọng, vì trong đó toàn là những bài văn ứng thù, tức là thi ứng chế, biểu tạ ơn, câu đối mừng hoặc phúng cùng bài thuật, bài trướng mà thôi. Xem mà tức mình, vì từ đầu chí cuối, chẳng có chỗ nào tìm ra được cái tư tưởng, cái kiến thức và cái nhân cách của một vị nổi tiếng văn hào một thời, là ông Vũ Phạm Khải cả !
Thật ở nước Việt Nam là nước văn hiến bốn ngàn năm này, tôi chưa hề thấy có một cuốn sách nào của người Nam làm bằng chữ Hán mà trong đó nói như cuốn sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim mới xuất bản năm ngoái đây !
Không nên đổ tội cho ai, chỉ nên đổ tội cho cái quan niệm về sự học của