Sông Hương, Tràng An, Phụ Nữ Tân Văn, Đông Tây tuần báo
Theo kết quả khảo sát bước đầu của chúng tôi, thời kỳ nổi bật nhất trong sự nghiệp báo chí của Phan Khôi là những năm 1928-1937. Thời gian này ông đã viết hàng ngàn bài báo trên các tờ Thần Chung, Trung Lập, Đông Pháp thời báo, Sông Hương, Tràng An, Phụ Nữ Tân Văn, Đông Tây tuần báo.
Đông Pháp thời báolà tờ báo có từ 4 đến 8 trang, khổ lớn 65x40cm, xuất bản 3 kỳ/tuần (thứ hai, tư, sáu), số đầu ra ngày 2/5/1923, số cuối (số 809) ra ngày 22/12/1928. Ban đầu Đông Pháp thời báo do Nguyễn Kim Đính điều khiển, sau vì thua lỗ nên phải bán lại cho hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá (từ số 635, thứ sáu 14/10/1927). "Hai ông này đã biến đổi hoàn toàn tờ báo", biến nó từ chỗ "có khuynh hướng thân chính phủ" trở nên "có khuynh hướng đối
lập" và "là tờ báo có rất nhiều người đọc" [63 ; 185]. Chính Diệp Văn Kỳ đã đổi kỳ hạn ra báo sang các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần. Cũng chính Diệp Văn Kỳ quyết định ra các phụ trương ở cả ba kỳ trong tuần: phụ trương thể thao, phụ trương phụ nữ và trẻ em, phụ trương văn chương. Và cũng chính Diệp Văn Kỳ đã có sáng kiến mời Tản Đà và Ngô Tất Tố ở Bắc vào Nam, tăng cường cho Ban Biên tập báo.
Chưa rõ Phan Khôi cộng tác với Đông Pháp thời báo từ khi nào, song theo khảo sát của chúng tôi thì dường như Phan Khôi chỉ có bài đăng ở Đông Pháp thời báo từ khi Diệp Văn Kỳ làm chủ báo. Sau khi Diệp Văn Kỳ chấm dứt
Đông Pháp thời báo để ra tờ Thần Chung (đầu năm 1929), Phan Khôi vẫn tiếp tục cộng tác.
Thần Chung (từ gốc Hán: thần - buổi sáng; chung - tiếng chuông; báo cũng có tên bằng tiếng Pháp là La Cloche du Matin - tiếng chuông buổi sáng) là nhật báo xuất bản mỗi buổi sáng các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy; mỗi kỳ báo gồm từ 4 đến 6 trang khổ lớn (65 x 40 cm). Trên Thần Chung, các tin tức thời sự, các bài mục mang tính báo chí chỉ chiếm toàn bộ trang 1 (trang đầu) và phần lớn trang 2 (trang cuối); còn lại, các trang ruột (từ trang 6 hoặc 4 trở về trang 3) đều dành đăng quảng cáo xen kẽ với truyện nhiều kỳ.
Về nhiều mặt, Thần Chung là sự tiếp tục của Đông Pháp thời báo (1923- 1928). Sau khi mua lại từ tay Nguyễn Kim Đính (tháng 10/1927), Diệp Văn Kỳ và các cộng sự đã chuyển Đông Pháp thời báo theo hướng một tờ báo đối lập, và Đông Pháp thời báo đã trở thành tờ báo có rất đông bạn đọc. Hơn một năm sau, lúc đã xin được giấy phép xuất bản một tờ báo mới mang tên Thần Chung, Diệp Văn Kỳ bèn chấm dứt tờ Đông Pháp thời báo vào ngày 22/12/1928 (số 809), để, hai tuần sau, với hầu như nguyên vẹn Ban biên tập cũ của Đông Pháp thời báo, ngay tại tòa soạn cũ của báo này ở góc đường Filippini và Espagne, Sài Gòn, vào ngày 7/1/1929, Thần Chung ra mắt số 1. Độc giả đương thời có thể cảm thấy rõ việc Đông Pháp thời báo được đổi tên thành Thần Chung qua những điều rất cụ thể, chẳng hạn khuôn khổ tờ báo, nội dung các trang, bài
quảng cáo, các truyện đăng nhiều kỳ Đảng X., Nặng vì tình vẫn được đăng tiếp ở đây.
Thần Chung có một bộ biên tập gồm những nhà báo xuất sắc. Chủ nhiệm là Diệp Văn Kỳ, chủ bút là Nguyễn Văn Bá (nguyên giáo sư Cao đẳng sư phạm, từng làm báo An Nam của Phan Văn Trường); các trợ bút trong bộ biên tập đều là những cây bút tên tuổi: Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Phan Văn Hùm. Về mặt kỹ thuật, đây là tờ báo có sự quản lý và tổ chức quy củ, với một “bộ biên tập gồm những người có năng lực, phân công rõ rệt, với nhiều cộng sự viên xứng đáng và một ban giám đốc có tinh thần khoa học, trong khi các nhật báo khác còn hoạt động trong tình trạng luộm thuộm, tiểu công nghệ và chỉ huy theo tinh thần gia đình” [63; 211-212]. Xu hướng chính trị của Thần Chung là “tinh thần chống chính quyền thực dân” cùng với một “ý thức quốc gia dân tộc biểu lộ quá rõ rệt”. Đây là điều được giải thích như lý do sâu xa khiến tờ báo này sớm bị đóng cửa, theo nghị định ngày 22/3/1930 của Toàn quyền Đông Dương.
Ngòi bút Phan Khôi dự vào Thần Chung ngay từ số đầu và hầu như cho đến số cuối, trước hết là ở mục Câu chuyện hằng ngày. Tất nhiên, như đã được khởi từ Đông Pháp thời báo, bút danh Tân Việt ở Câu chuyện hằng ngày thuộc về cả ông Khôi lẫn ông Kỳ và đến Thần Chung, bút danh này hình như có lúc còn được chia sẻ bởi ông Bá nữa. Tân Việt có lúc viết rằng mình là “tam vị nhất thể”: là chủ nhiệm, là chủ bút và là trợ bút. Nhưng thường thì chủ nhiệm và chủ bút phải đảm trách những bài bình luận thời sự chính trị dài, ký tên riêng hoặc tên tờ báo, cho nên có lẽ trợ bút Phan Khôi vẫn là tay viết chính cho Câu chuyện hằng ngày, và là tay bút có những nét quyết định phác họa diện mạo ký giả Tân Việt.
Trên Thần Chung Phan Khôi có đôi bài ký Chương Dân, C.D., nhưng đáng chú ý là bút danh Khải Minh Tử, vốn được ông dùng khi viết bài đăng
Quần báo chữ Hán của Hoa kiều ở Chợ Lớn. Ông cũng ký họ tên thật Phan Khôi trên Thần Chung (từ tháng 10/1929, với bài luận kéo dài 21 kỳ về ảnh
hưởng của Khổng giáo ở Việt Nam), nhưng muộn hơn khá lâu sau khi đã ký họ tên thật của mình trên Phụ Nữ Tân Văn (từ tháng 5/1929).
Có lẽ hoạt động của ngòi bút Phan Khôi trên Thần Chung không chỉ giới hạn ở những bài có bút danh xác định kể trên. ở một số bài không ký tác giả, cũng có những chi tiết cho biết nó là do Phan Khôi viết. Loại bài “đáng ngờ” như vậy (không ký tên tác giả hoặc ký “Thần Chung”) hẳn không ít. Vả lại, còn có những công việc của tòa soạn mà chắc hẳn Phan Khôi có tham dự, nhưng không thể kể như bài viết riêng, ví dụ việc Thần Chung tổ chức cuộc thi về quốc sử. Nhìn vào 30 bản tóm tắt sự tích và công trạng 30 nhân vật trong sử Việt mà Thần Chung lần lượt đăng tải để dùng làm đề cho độc giả dự thi lựa chọn, có thể dự đoán về sự tham dự soạn thảo của những trợ bút thạo về sử như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, v.v...
Phụ Nữ Tân Văn là tuần báo xuất bản vào ngày thứ năm hằng tuần; số 1
ra ngày 2/5/1929; số cuối (số 273), ra ngày 21/4/1935; mỗi số khoảng 32 trang 21 x 29 cm. Người sáng lập là bà Nguyễn Đức Nhuận (Cao Thị Khanh); đứng tên chủ nhiệm là ông Nguyễn Đức Nhuận; chủ bút một thời gian dài là nhà báo Đào Trinh Nhất; tòa soạn và trị sự đặt ở nhà số 42, phố Catinat, Sài Gòn. Cuối năm 1930, sau số 82, báo bị chính quyền thuộc địa buộc phải đình bản; 5 tháng sau mới ra tiếp từ số 83 (21/5/1930). Có một thời gian ngắn, từ 3/6/1932 (số 133) đến 2/7/1932 (số 157), bên cạnh các số thường (dày trang, ra ngày thứ năm), Phụ Nữ Tân Văn còn ra báo ngày, mỗi số gồm 4 trang khổ lớn. Mục đích ra hàng ngày được tòa soạn giải thích là để đáp lại những luồng dư luận không công bằng xung quanh Hội chợ phụ nữ do báo Phụ Nữ Tân Văn và hội Dục Anh Sài Gòn đồng tổ chức (tháng 5/1932).
Về chính trị, Phụ Nữ Tân Văn giữ thái độ tương đối ôn hòa. Về xã hội, báo cổ động cho việc cải cách một số phong tục, tập quán, nếp sống liên quan đến người phụ nữ, đến hôn nhân và gia đình. Ngoài việc làm báo, Phụ Nữ Tân Văn còn tổ chức lập học bổng tài trợ cho học sinh nghèo sang Pháp du học, lập ký nhi viện, triển lãm nữ công, lập quán ăn cho dân lao động và dân thất nghiệp. Nói chung, một đường lối duy tân cải lương ôn hòa được thể hiện rõ rệt ở Phụ
Nữ Tân Văn. Qua hoạt động của Phụ Nữ Tân Văn có thể thấy tờ này chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân và ảnh hưởng của cuộc Ngũ Tứ vận động ở Trung Hoa.
Phan Khôi là một trong những người cộng tác đắc lực với Phụ Nữ Tân Văn. Hàng trăm bài báo của ông đã đăng trên các số của tuần báo này trong các năm 1929, 1930, 1931, 1932. Năm 1933 ông ra Hà Nội làm báo Phụ Nữ thời đàm; cho đến cuối năm 1934 ông lại liên tục có bài đăng Phụ Nữ Tân Văn các số cuối cùng. Chính trên Phụ Nữ Tân Văn đã diễn ra các cuộc tranh luận về Nho giáo, về quốc học, về việc dùng chữ quốc ngữ, trong đó Phan Khôi là cây bút châm ngòi. Cũng chính trên Phụ Nữ Tân Văn, Phan Khôi đã thủ “vai ngự sử trên đàn văn”. Lại cũng chính từ Phụ Nữ Tân Văn đã khai mở phong trào Thơ Mới - một phong trào cải cách thơ ca gây chấn động đời sống văn học thế kỷ XX.
Trên các sưu tập báo Phụ Nữ Tân Văn có thể tìm bài vở lớn nhỏ của Phan Khôi căn cứ vào các bút danh xuất phát từ họ tên thật và tên hiệu của ông. Đó là: Phan Khôi, Ph.Kh., P.K., K., Chương Dân, C.D., C., D.; cũng có những bài ông viết và ký tên báo (Phụ Nữ Tân Văn, P.N.T.V.), và có lẽ còn một số bài vở khác nữa mà ta có thể ngờ là thuộc ngòi bút Phan Khôi, chẳng hạn các bài ngắn trong mục “ý kiến chúng tôi đối với vấn đề thời sự”.
Nhật báo Trung Lập: Thoạt đầu, Trung Lập là ấn bản tiếng Việt của tờ báo tiếng Pháp Impartial (tờ báo tiếng Pháp này được xuất bản ở Đông Dương từ 1918, tồn tại đến 1945 và còn được tục bản trong năm 1947). ấn bản tiếng Việt của nó, tờ Trung Lập, ra mắt từ đầu năm 1924. Nguyên cả 2 tờ này được sáng lập bởi Henri de Lachevrotière, một người Pháp lai, Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Về sau, khoảng 1925–1926, cả Trung Lập tiếng Việt lẫn
Impartial tiếng Pháp đều được bán đứt vào tay nhóm tài phiệt Octave Homberg.
Trung Lập được coi là tờ nhật báo lớn nhất ở Sài Gòn, chủ yếu nghiêng về thông tin thương mại, tức là loại báo “tự nhận mình không làm chính trị, đứng trung lập, có sao nói vậy, không thiên vị dân chúng hoặc chính quyền, có chủ đích rõ rệt là thương mại nhưng ít nhiều vẫn theo khuôn khổ của chính quyền thuộc địa” [63; 398].
Là báo hàng ngày, đương nhiên Trung Lập phải dành phần lớn diện tích đăng tải cho tin tức và bình luận thời sự xã hội chính trị các xứ Đông Dương và nước ngoài, nhất là thời sự chính trường Pháp và thời cuộc Trung Hoa. Nhưng sự phong phú thực sự của tờ báo tùy thuộc đóng góp của các cây bút cộng tác viên, tùy thuộc khả năng tổ chức bài vở của Bộ Biên tập. Trong năm 1931, trên
Trung Lập có thêm các chuyên mục mới: Phụ nữ tu tri, Pháp luật vấn đáp, Phụ trương văn chương, Xem qua các báo… và các chuyên mục thường kỳ đã có từ năm trước: ý kiến Trung Lập với Bùi Thế Mỹ hoặc Tôn Hiền, Những điều nghe thấy với Thông Reo. Có khi báo mở đến những nội dung như bài dài hàng chục kỳ về nước Nhật mới, hàng chục kỳ về nước Mỹ, về những ông vua báo chí…, có khi đăng lược dịch nhiều kỳ Tư bản luận của K. Marx. Để xen kẽ với các nội dung quảng cáo trên 4 trang ruột, báo phải có các “đoản thiên tiểu thuyết”, các “feuilleton” (truyện đăng đều kỳ); vì thế từ giữa tháng 8/1931, Trung Lập được thêm một lợi thế mới: nhà văn Phú Đức (một cựu bỉnh bút của Trung Lập cũ) do bất bình riêng đã từ chức chủ bút Công luận báo, sau đó nhận lời tham gia biên tập Trung Lập, chủ yếu dành các tiểu thuyết của mình đăng đều kỳ trên báo này. Vậy là Trung Lập có thể đăng tải song song hai tiểu thuyết khác nhau: một của Phú Đức, một của Vân Trình hoặc Michel Trần Thiện Thành hoặc tác giả khác.
Phụ trương văn chương ra vào ngày thứ bảy, bắt đầu từ 2/5/1931 nhân kỷ niệm 1 năm của Trung Lập mới, mỗi lần chiếm khoảng 2 trang báo, là nét mới của nhật báo này, gợi nhớ đến Phụ trương văn chương của Đông Pháp thời báo
năm 1928, cũng vào hồi có Phan Khôi tham gia. Chính ở phụ trương này ngay từ số 2 (ra 9/5/1931) đã nêu vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Phải nói rằng uy tín của Phan Khôi trong công chúng lúc này là khá lớn. Sự cộng tác thường xuyên của Phan Khôi với Trung Lập dường như cũng là cần cho uy tín tờ báo, vì vậy khi có lời đồn có hại, báo vội cải chính ngay, ví dụ lời cải chính sau của Chủ bút Bùi Thế Mỹ: “Một tờ tuần báo xuất bản trễ xuống kia mới đăng một cái tin tầm bậy mà tôi xin vì một số ít độc giả nhẹ dạ phải cải chánh ngay mới được. ấy là cái tin ông Tú Phan Khôi thôi viết Trung Lập. Tôi nói quả quyết rằng tin ấy là bậy. Vừa rồi nhơn vì có việc riêng nên ông Phan phải
tạm nghỉ mà đi Quy Nhơn. Nhưng trong ít hôm ông lại sẽ trở vào và giúp cho bổn báo như cũ”.
Đông Tây Tuần Báo (từ 1/4/1931 là Đông Tây), ban đầu là tuần báo, từ 1/4/1931 là báo ra 2 kỳ/ tuần; số 1 ra ngày 15/12/1929; số cuối cùng, số 222 ra ngày 25/7/1932 [90; 194]. Người sáng lập và quản lý là Hoàng Tích Chu (1900- 1933), một nhà báo có đóng góp đáng kể vào việc hiện đại hóa nghề làm báo ở Việt Nam, nhất là báo chí ở phía Bắc những năm 1920-1930.
Sự tham dự của Phan Khôi vào tờ Đông Tây bắt đầu từ năm 1930. Cuộc tranh luận về Quốc học, vốn khởi phát từ những nhận xét của Trịnh Đình Rư (đăng trên Đông Tây) về sách Bạch Vân am thi văn tập do Lê Dư biên soạn; Lê Dư không tán thành những nhận xét, đánh giá của Trịnh Đình Rư về di sản, từ đây nảy sinh tranh cãi. Các học giả Phạm Quỳnh, Phan Khôi nhập cuộc khiến cuộc tranh luận mở rộng quy mô. Các bài tranh luận Quốc học thường được nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc đăng tải, nhưng những “cứ điểm” của nó là ba tờ báo: Đông Tây ngoài Bắc, Trung Lập và Phụ Nữ Tân Văn trong Nam, cả ba tờ đều có Phan Khôi tham gia.
Tuần báo Sông Hương: Xuất bản hằng tuần vào ngày thứ bảy, phát hành
số 1 ngày 1/8/1936 và tự đình bản vào số 32 (27/3/1937). Chủ bút Sông Hương là Phan Khôi. Tòa soạn: số 80, đường Gia Hội, sau chuyển đến số 96 cùng đường.
Sông Hương là tờ báo xuất bản ở Huế chuyên về văn chương, khoa học và mỹ thuật. Những người Cộng sản đã mua lại giấy phép xuất bản tờ báo này vì Phan Khôi gặp khó khăn tài chính, và tờ Sông Hương (tục bản) số 1 ra ngày 19/6/1937 vẫn đề tên Phan Khôi là sáng lập viên, nhưng Nguyễn Cửu Thạnh là chủ nhiệm và Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Sông Hương tục bản được 14 số. Ngày 14/10/1937, báo Sông Hương bị thu hồi giấy phép.