tiến trình lịch sử Việt Nam
1.3.1. ý nghĩa
Từ hai cuộc khai thác thuộc địa với quy mô sâu rộng của thực dân Pháp ở Việt Nam, xã hội Việt Nam đã có những bước thay đổi đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Từ việc chính quyền thuộc địa phải đẩy mạnh một số hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế để đào tạo ra một tầng lớp trí thức Tây học thân pháp, một đội ngũ công chức bản xứ phục vụ đắc lực cho chính quyền, một bộ phận nhân công giá rẻ bán sức lao động trong các cơ sở kinh tế của Pháp; từ việc chính quyền thực dân phải bày ra một số hoạt động văn hóa để tuyên truyền cho văn minh phương Tây, để “Pháp hóa” đội ngũ trí thức, tạo tâm lý nể sợ chủ nghĩa thực dân, phục tùng chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề, lôi kéo đại bộ phận người dân thoát khỏi ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa cũng như ảnh hưởng của những luồng tư tưởng mới, tiến bộ từ bên ngoài và phong trào cách mạng đang lên; từ việc chính quyền thuộc địa phải lợi dụng những hoạt động của các tôn giáo để mê hoặc quần chúng làm họ quên đi những nỗi khổ do thực dân gây ra và xa rời đấu tranh cách mạng, một nền văn hóa mới đã có cơ sở ra đời và phát triển, bất chấp ý đồ chủ quan của người Pháp.
Sự tiếp thu có chọn lọc những ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, của Pháp từ một bộ phận trí thức dân tộc yêu nước, có bản lĩnh đã khiến cho mưu đồ nô dịch của người Pháp không thành công như họ mong muốn. Và ngay trong lòng xã hội thực dân một nền văn hóa mới – kết quả của cuộc giao thoa Đông – Tây đã ra đời, phát triển và có những thành tựu đáng kể. Và như vậy, cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây đã tạo ra một dấu mốc quan trọng, một bước ngoặt trong chiều dài tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, đưa nền văn hóa Việt Nam tiến lên thời kỳ hiện đại hóa, bởi về thực chất, cuộc tiếp biến văn hóa Đông – Tây chính là cuộc chuyển giao giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, bảo thủ, giữa thời đại phong kiến và thời đại mới – thời đại của những tư tưởng tư sản và cách mạng tiến bộ.
Qua diễn biến của cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây đầu thế kỷ XX, có thể khẳng định vai trò quan trọng của “công cụ văn hóa” trong sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội, và không tách rời mục đích chính trị.