Một hiện tượng đáng chú ý trong lịch sử Việt Nam giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đó chính là sự hoạt động nhộn nhịp của các tôn giáo. Những tôn giáo đã được truyền vào Việt Nam từ trước khi có công cuộc “khai sáng” của chủ nghĩa thực dân thì được củng cố địa vị, đẩy mạnh hoạt động. Trong khi đó, các tôn giáo mới, trong bối cảnh mới, lại nảy mầm và phát triển nhanh chóng như đạo Cao Đài, đạo Tin Lành. Điều này phản ánh tình trạng phân hóa gay gắt về giai cấp xã hội, về tư tưởng chính trị, dưới tác động của chính sách thuộc địa mới – chính sách Pháp – Việt đề huề, trong đó người Việt Nam được hưởng một số quyền tự do, trong trường hợp không phương hại đến lợi ích
của chế độ thuộc địa, cùng với những chuyển biến do hai cuộc khai thác thuộc địa gây ra trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, thời kỳ này cũng chứng kiến tình trạng các tôn giáo đua nhau cải cách, “chấn hưng”, mà điển hình là phong trào chấn hưng Phật giáo) nhằm chạy đua gây ảnh hưởng giữa các tôn giáo và các luồng tư tưởng lúc đó. Kèm theo đó là những tranh cãi về tôn giáo và các cuộc bút chiến giữa các tôn giáo trên báo chí để lôi kéo quần chúng. Về phong trào “chấn hưng Phật giáo”, ngay từ những năm 1923-1924, trên báo chí đã xuất hiện khuynh hướng muốn “cách tân Phật giáo” cho phù hợp với tình hình mới của xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ. Để tạo đà cho công cuộc “chấn hưng Phật giáo”, trên Đông Pháp thời báo có đăng mấy chục bài về Phật giáo lược khảo, trong đó các tác giả đặt ra cho giới trí thức nhiệm vụ “chỉnh đốn Phật giáo trong xứ”. Năm 1928, giới Phật tử thành lập Hội Nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Nam kỳ do Thượng tọa Khánh Hòa đứng đầu, có Thư viện nghiên cứu và truyền bá đặt tại chùa Linh Sơn. Tờ báo Phật học đầu tiên ra đời là Pháp âm (năm 1929). Thế nhưng, sau đó, tổ chức này dần dần nhận được sự bảo trợ của chính quyền thực dân. Từ ngày 20 đến ngày 22/12/1929, một cuộc “hội thảo Phật học” được tổ chức, dưới sự chủ tọa của Thống đốc Nam kỳ, nhằm bàn việc cải cách Phật giáo. Phong trào này tiếp tục những năm sau, dưới sự chi phối của chính quyền thực dân. Điều này đã được Nguyễn An Ninh chỉ rõ trong cuốn Phê bình Phật giáo, xuất bản năm 1937. Nhận định về phong trào “chấn hưng Phật giáo”, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935) đã viết: “Cuộc vận động phổ biến và mở rộng tôn giáo như: đại biểu hội nghị chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu để kéo quần chúng ra khỏi đường lối cách mạng tranh đấu” [50; 476].
Về chính trị, những chuyển biến về mặt kinh tế, xã hội, tư tưởng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự ra đời các đảng phái chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX theo những xu hướng chính trị khác nhau, như Tân Việt Cách mạng đảng, Việt Nam Quốc dân đảng, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên...