bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Tiếng súng của thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858 là điểm khởi đầu cho quá trình xâm lược mà kết quả là sự thất bại của triều Nguyễn.
Hai hiệp ước Harmand (1883) và Patenotre (1884) được triều đình Huế ký kết dưới áp lực quân sự của tư bản Pháp đã đánh dấu sự bại vong của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam và sự đầu hàng của triều Nguyễn trước chủ nghĩa tư bản Pháp. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp. Các vua triều Nguyễn còn tồn tại sau đó chủ yếu do thực dân Pháp lập nên như một con bài cần thiết cho sự vận hành guồng máy thống trị.
1.1.2.2. Hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và tác động của chúng đối với cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX ở Việt của chúng đối với cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam
1.1.2.2.1. Vài nét về hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam Việt Nam
Sau khi công cuộc bình định Việt Nam hoàn thành, thực dân Pháp bắt tay vào việc vơ vét, khai thác, bóc lột kinh tế thuộc địa để làm giàu cho “chính quốc”. Thế nhưng, cũng chính hai cuộc khai thác này đã làm xã hội Việt Nam thay đổi mạnh mẽ về tính chất, cơ cấu, tạo tiền đề cho cuộc tiếp biến văn hóa Đông Tây đầu thế kỷ XX.
Người thiết kế thực sự cho cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương lần thứ nhất là Toàn quyền Paul Doumer, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp. Ngày 22/3/1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp dự án chương trình hành động để khai thác thuộc địa với một số nội dung cơ bản như sau:
“1. Tổ chức một chính phủ chung cho toàn Đông Dương và tổ chức bộ máy cai trị hành chính riêng cho từng xứ thuộc Liên bang.
2. Sửa lại chế độ tài chính, thiết lập một hệ thống thuế khóa mới sao cho phù hợp với yêu cầu của ngân sách, nhưng phải dựa trên cơ sở xã hội cụ thể, và phải chú ý khai thác những phong tục, tập quán của dân Đông Dương.
3. Chú ý xây dựng thiết bị lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng... rất cần thiết cho công cuộc khai thác.
4. Đẩy mạnh nền sản xuất và thương mại bằng việc phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ.
5. Bảo đảm phòng thủ Đông Dương bằng việc thiết lập những căn cứ hải quân và phải tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh.
6. Hoàn thành công cuộc bình định xứ Bắc kỳ, bảo đảm an ninh vùng biên giới Bắc kỳ.
7. Khuếch trương ảnh hưởng của nước Pháp, mở rộng quyền lợi của nước Pháp ở vùng Viễn đông, nhất là ở các nước lân cận”
Theo đó, mục đích tối thượng của Paul Doumer là biến Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) thành một thuộc địa khai khẩn bậc nhất, bảo đảm đem lại siêu lợi nhuận cho đế quốc Pháp. Jean Chesneaux trong cuốn Đóng góp vào lịch sử dân tộc Việt Nam xuất bản tại Paris năm 1955 đã đánh giá cao Paul Doumer:
“Chính ông (Doumer) đã đưa chế độ thuộc địa từ giai đoạn kinh nghiệm chủ nghĩa hầu như “thủ công” sang giai đoạn tổ chức hệ thống. Chính ông đã tạo dựng bộ máy thống nhất về bóc lột tài chính và đàn áp chính trị trong thực tế sẽ được duy trì nguyên vẹn đến tận năm 1945” [55; 98].
Qua nhiều cuộc thăm dò, giới cầm quyền thực dân đã quyết định chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương với tinh thần cơ bản là: Thuộc địa Đông Dương phải được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Nền sản xuất ở thuộc địa này chỉ được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì mà nước Pháp không có. Do vậy, về bản chất, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất chủ yếu nhắm tới việc đầu tư thiết kế cơ sở hạ tầng, từng bước mở mang công thương nghiệp song song với việc cướp đoạt ruộng đất và tăng thuế khóa nặng nề để làm giàu ngân sách cho chính quốc. Cụ thể, về công nghiệp, nếu cần được khuyến khích thì cũng chỉ nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc, chứ không được làm ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp chính quốc. Về phương thức hoạt động, thực dân Pháp tận dụng tối đa nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng đến mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động cơ giới, kết hợp bóc lột tư bản chủ nghĩa với bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa, cốt để chi phí sản xuất giảm xuống mức thấp nhất nhằm thu được lợi nhuận cao nhất. Trong công nghiệp, ngành khai thác mỏ được thực dân Pháp tập trung đầu tư vì ngành này có thể giúp Pháp nhanh chóng thu được lợi nhuận. Trong ngành mỏ, khai thác than có vị trí quan trọng bậc nhất. Từ năm 1883, khi Rivie chiếm khu mỏ Hồng Gai và lập ra Công ty than Hồng Gai, tư bản Pháp đã lấn lướt các tư bản người Đức, Hoa kiều, người Việt để thu lợi lớn. Ngoài than, từ năm 1904, tư bản Pháp cũng khai thác các mỏ thiếc, kẽm, vàng, đá quý. Việc đầu tư vào giao thông và xây dựng đô thị cũng được thực dân Pháp quan tâm vì Pháp nhận thức được món lợi lớn cho nước Pháp từ sự đầu tư này. Tính đến năm 1919, đường sắt xuyên Đông Dương đã được khánh thành xong một số đoạn quan trọng. Thực dân Pháp cũng đã hoàn tất việc xây dựng 21 tuyến “đường thuộc địa” trong đó có đường xuyên Việt và đặc biệt là hệ thống cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vinh, Bến Thủy, và các cây cầu quan trọng Paul Doumer, Trường Tiền, Bình Lợi, cùng một số kênh như Hậu Giang, Thanh – Nghệ được mở thêm. Về nông nghiệp, ngày 28/9/1897, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định mở rộng diện áp dụng quyền sở hữu cá nhân ruộng đất trên toàn lãnh thổ. Theo đó, những công dân Pháp và những người được nước Pháp
bảo hộ có đất do được ban, tặng hoặc mua lại của những người có ruộng đất, thì đất đó sẽ thuộc toàn quyền sở hữu cá nhân của họ, miễn là họ phải tuân thủ những quy định do Toàn quyền ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, điều khoản pháp lý này đã mở đường cho tư bản thực dân Pháp chiếm hàng loạt ruộng đất của người Việt Nam.
Về thương mại, thuộc địa Đông Dương được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Ban đầu, những nhà tư bản Pháp kinh doanh thương mại vấp phải sự cạnh tranh của thương nhân Hoa kiều và ấn kiều. Thế nhưng đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã kiểm soát hầu hết các ngành xuất nhập khẩu ở Đông Dương, đưa cán cấn ngoại thương tăng nhanh chóng. Không những thế, Pháp còn thực hiện chính sách độc quyền thương mại. Để độc chiếm thị trường thuộc địa,Pháp công bố các đạo luật về thương mại năm 1887 và đến năm 1892 thì coi đông dương là thuộc địa đồng hóa về thương mại và giành vị trí độc quyền cho các công ty lớn của nước Pháp. Ngân hàng đông dương được độc quyền phát hành giấy bạc và kinh doanh tiền tệ. Hàng hóa của Việt Nam mà Pháp cần đều phải dành cho Pháp, không được xuất sang các nước khác. Những hàng hóa mà Pháp thừa ế hoặc kém phẩm chất so với hàng của các nước khác thì Việt Nam phải mua vào. Việt Nam giàu than đá và khoáng sản, những nguyên liệu này được xuất sang Pháp và một số nước khác, trong khi Việt Nam lại phải nhập từ cái kim khâu, chiếc đinh đóng guốc đến đường ray, đầu máy, toa xe từ Pháp sang. Sản lượng cao su Việt Nam phải xuất sang Pháp để rồi phải nhập các chế phẩm cao su từ Pháp vào. Cùng với việc phát triển công nghiệp bông, vải, sợi của Pháp ở Đông Dương, thực dân Pháp đã bóp chết các ngành dệt thủ công cổ truyền của Việt Nam. Các hàng mỹ nghệ xuất khẩu có giá trị như sơn mài, thêu, ren, đăng ten, khảm chạm, đan lát của Việt Nam cũng bị tư bản Pháp và Hoa kiều giữ độc quyền thu mua với giá rẻ mạt để xuất khẩu kiếm lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng sử dụng tư bản Hoa kiều để lũng đoạn thị trường vì Hoa kiều có đủ sức mua hàng hóa của Pháp để bán lại ở Việt Nam hòng kiếm lời.
Về nông nghiệp, thực dân Pháp đây là ngành đầu tư ít vốn mà dễ dàng thu lợi nhuận. Ngày 1/5/1900, Chính phủ Pháp ra Nghị định phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến để dễ bề cướp đoạt ruộng đất của nông dân. ở Nam kỳ, Pháp vét sông đào mương, thu hút nông dân đến khai thác, rồi chiếm đoạt làm của riêng bằng cách mua với giá rẻ mạt. ở Trung kỳ và Bắc kỳ, ruộng đất của nghĩa quân thời Cần Vương và Văn thân, của nông dân sơ tán đều bị coi là “vô chủ” và bị thực dân Pháp chiếm để lập đồn điền. Song, ngược lại, phương thức kinh doanh của thực dân Pháp ở các đồn điền nông nghiệp chủ yếu vẫn là phát canh thu tô theo lối bóc lột phong kiến. Để khai thác nhân công thuộc địa với giá rẻ mạt, người Pháp không quan tâm đến việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp (trừ một vài đồn điền ở Nam kỳ).
Và cũng để phục vụ kịp thời, đắc lực cho công cuộc khai thác và bóc lột kinh tế thuộc địa, Doumer đặc biệt chú ý tới hai yếu tố chính trị “chia để trị” và “dùng người Việt trị người Việt”. Một mặt, Doumer chia cắt Việt Nam thành 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) với 3 tính chất khác nhau (xứ bán bảo hộ, xứ bảo hộ và xứ trực trị) hòng phân tán lực lượng để dễ bề cai trị. Mặt khác, Doumer vẫn quan tâm đến sự thống nhất của bộ máy thuộc địa toàn Đông Dương.
Trong buổi đầu thiết lập chế độ thuộc địa và khai thác kinh tế, thực dân Pháp cũng đồng thời chú trọng xâm lăng văn hóa, trong đó tập trung chủ yếu vào việc nhập cơ sở vật chất kỹ thuật in ấn, tạo điều kiện để văn minh phương Tây chế ngự dần, loại bỏ dần Hán học và Nho học; đào tạo đội ngũ trí thức Tây học; cổ súy cho tư tưởng thân Pháp, vong bản.
Điều này thể hiện rõ trong báo cáo của Thống sứ Bắc kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 1/3/1899: “Kinh nghiệm của các dân tộc châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”. Rõ ràng ngu dân về mặt giáo dục, đầu độc về mặt văn hóa là một trong những biện pháp cai trị của thực dân Pháp. Và, mục đích chính của việc xây dựng một nền giáo dục, văn hóa thuộc địa là để duy trì vĩnh viễn ách thống trị
của thực dân Pháp, nên tuỳ theo yêu cầu chính của từng giai đoạn mà Pháp đưa ra những chủ trương cụ thể.
Đầu tiên, ý định của thực dân Pháp là muốn lợi dụng nền Nho học đã lỗi thời. Toàn quyền Paul Doumer nhận định: “Những nguyên tắc đã làm cho trong xã hội người bản xứ, gia đình được vững mạnh, cha mẹ được kính trọng, chính quyền được tuân thủ đều được rút ra từ các sách Hán học dạy ở các trường làng. Ngay từ khi học những chữ đầu tiên, họ đã được học ngay những nguyên tắc nền tảng của luân lý Nho giáo; họ khắc sâu vào lòng dạ những nguyên tắc sẽ hướng dẫn họ trong cả cuộc đời. Chính các trường làng đã đem lại cho họ nền học vấn đó” [95; 30]. Từ năm 1905, Toàn quyền Paul Beau chủ trương cải cách giáo dục, lập Hội đồng cải cách giáo dục toàn Liên bang và Nha học chính Đông Dương. Riêng đối với Trung và Bắc kỳ, Paul Beau mở rộng thêm bậc tiểu học Pháp – Việt, lại còn đặt thêm bậc tiểu học bổ túc và sửa lại nền Hán học cũ thành 3 bậc: ấu học, tiểu học, trung học. Chương trình khoa cử theo đó cũng được sửa đổi. Bên cạnh đó, Pháp còn mở thêm các trường sư phạm ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Gia Định; các trường chuyên nghiệp và xưởng học nghề; các trường Kỹ thuật thực hành, trường Mỹ thuật thực hành; trường Thợ máy ở Sài Gòn, Gia Định, v.v... Cuối năm 1907, nhằm giành ảnh hưởng với Đông Kinh Nghĩa Thục và ngăn chặn luồng thanh niên xuất dương sang Nhật cầu học, đồng thời để củng cố thế lực của nước Pháp ở Viễn đông và loại bỏ ảnh hưởng của Trung Hoa trên đất Việt Nam, Pháp quyết định mở trường Đại học Đông Dương không ngoài mục đích đào tạo một tầng lớp tân học, “thượng lưu trí thức” mới sẵn sàng cộng tác với người Pháp. Năm 1908 trường này bị đóng cửa nhưng năm 1917 thì được mở lại. Với nền Hán học, kỳ thi Hương bị bãi bỏ ở Nam kỳ vào năm 1867. ở Bắc kỳ, khoa thi hương cuối cùng ở trường thi Nam Định diễn ra vào năm 1915, ở Trung kỳ vào năm 1918. Kỳ thi Hội cũng chấm dứt vào năm 1919 ở Huế. Ngày 14/6/1919, Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các trường chữ Hán. Như vậy, chế độ khoa cử phong kiến sau gần 10 thế kỷ tồn tại đã chính thức kết thúc.
Về mặt văn hóa, thực dân Pháp thi hành chính sách “bần cùng hóa” và “ngu dân hóa”, dung dưỡng những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè. Thực dân Pháp còn mở các cơ quan thu mua và các ti bán thuốc phiện để lập quỹ cho Phủ Toàn quyền, cũng chính là khuyến khích nạn nghiện hút. ở nông thôn, hủ tục ma chay, cưới xin, tệ hương ẩm, hằn thù giữa các phe giáp, bói toán, đồng bóng, mê tín dị đoan tồn tại ngày càng nặng nề. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại” [60; 9].
Về mặt xã hội, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhấtđã dẫn đến sự thay đổi tính chất xã hội Việt Nam. Từ đây (từ 1897) xã hội Việt Nam đã thực sự là một xã hội thuộc địa (với cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gồm ba kỳ: Bắc kỳ là xứ “bán bảo hộ” của Pháp, Trung kỳ là xứ “bảo hộ”, Nam kỳ là xứ “trực trị”, và được giữ tới năm 1945). Xã hội Việt Nam cổ truyền với kết cấu truyền thống: Nước (vua) – Làng xã - Gia đình và cơ cấu xã hội “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) đã thay đổi đáng kể, kéo theo là hàng loạt những thay đổi to lớn khác.
* Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp (1919 - 1929)
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), tuy là nước thắng trận nhưng Pháp lại chịu nhiều tổn thất lớn. Những vùng giàu có nhất nước Pháp, đặc biệt là các vùng công nghiệp phát triển, bị tàn phá nặng nề; nhiều ngành công nghiệp bị đình trệ. Nước Pháp trở thành con nợ kếch xù. Thực trạng khủng hoảng này đã thôi thúc chính phủ Pháp phải tìm biện cách thúc đẩy nhanh nền sản xuất trong nước đồng thời đẩy mạnh khai thác thuộc địa, nhất là ở Đông Dương, nhằm nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế và khôi phục vị trí của nước Pháp trên trường quốc tế.
Năm 1918, Toàn quyền Albert Sarraut đã dự thảo chương trình “5 năm hoạt động chính trị và kinh tế” gồm 4 điểm cho toàn Liên bang Đông Dương, nhấn mạnh việc phát triển những công cụ kinh tế và nông nghiệp; giáo dục; y tế và sự nghiệp sức khỏe; cảnh sát và an ninh, nhất là ở những vùng xa trung tâm.
Giống như cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, mục tiêu của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai cũng vẫn là bòn rút thuộc địa để làm giàu cho chính quốc