Sự hình thành và phát triển của những hình thức tổ chức

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới mô hình hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa (Trang 66)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3.Sự hình thành và phát triển của những hình thức tổ chức

tế hợp tác mới

Trong quá trình đổi mới, mặc dù hộ nông dân đã trở thành đơn vị kinh tế tự chủ nhưng phần lớn vẫn là nhưng hộ tiểu nông, điểm xuất phát kinh tế thấp (quy mô sản xuất nhỏ, cơ cấu sản xuất thuần nông theo kiểu tự cung tự cấp) lại mới thoát ra từ cơ chế tập trung bao cấp, phải tự bươn chải trong cơ chế thị trường đầy biến động nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Chính vì vậy, hợp tác sẽ giúp cho các hộ phần nào những hạn chế đó, lấp đi những khoảng trống công việc mà HTX vừa chuyển giao nhưng bản thân từng hộ không thể đảm đương được. Đối với những hộ nông dân sản xuất tự cung tự cấp cần có sự hợp tác để vay vốn, đổi công lao động, sức kéo để đảm bảo phát triển sản xuất. Với hộ nông dân có tiềm lực khá, trình độ sản xuất cao, vươn lên sản xuất hàng hóa hợp tác là cách thức để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức canh tranh trên thị trường, hạn chế những rủi ro trong sản xuất kinh doanh và sự chèn ép, thao túng của tư thương và các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, các hộ nông dân với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ đã tự tìm đến với nhau, hình thành các loại hình hợp tác mới.

Ở những nơi HTX yếu kém hoặc giải thể, ở những nơi kinh tế hộ phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa thì các hình thức hợp tác giản đơn

này giữa các hộ nông dân phát triển mạnh và ngày càng đa dạng. Các hình thức hợp tác mới hình thành ngay trong lòng HTXNN kiểu cũ, do các hộ tự nguyện tập hợp với nhau để hình thành tổ hợp tác giản đơn, trao đổi với nhau từng công việc theo thời vụ cây trồng hoặc các hộ góp vốn lao động để sản xuất kinh doanh một lĩnh vực nào đó, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sẽ phân phối theo cổ phần và công sức đóng góp. Các hình thức này phần lớn là hình thành theo dòng họ, anh em thân quen nhưng chưa có tư cách pháp nhân. Bao gồm có hình thức hợp tác tiêu biểu:

- Hợp tác trong dồn ô đổi thửa, cải tạo đồng ruộng: Với khoán 10, việc chuyển giao ruộng đất tới hộ nông nghiệp rất manh mún, phân tán, trong khi đó nhu cầu sản xuất nông sản hàng hóa cần có quy mô ruộng đất rộng lớn và tập trung. Do vậy, các hộ nông dân Thanh Hóa hợp tác nhau lại để chuyển đổi ruộng đất cho nhau nhằm giảm bớt số ô thửa và tạo ra những mảnh ruộng lớn hơn, tạo điêu kiện cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới và sản xuất, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chăm sóc, bảo vệ và nâng cao khối lượng nông sản hàng hóa. Hình thức hợp tác này diễn ra ở tất cả các HTXNN, đặc biệt sau chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước.

- Hợp tác trong việc làm thủy lợi: Hình thành nhiều tổ hợp tác đường nước giữa các hộ nông dân, cùng xây dựng và quản lý sử dụng chung mương máng dẫn nước, máy bơm tưới tiêu cho cùng một khu ruộng.

- Hợp tác trong vay vốn: Các hộ nông dân trong thôn, xóm lập ra các tổ liên gia vay vốn ngân hàng để giúp đỡ nhau vay vốn, cử người đại diện cho tổ để giao dịch với ngân hàng và sử dụng tài sản của thành viên trong tổ để thế chấp vay vốn của ngân hàng, phát triển sản xuất kinh doanh.

- Hợp tác trong mua sắm công cụ lao động để sử dụng sản xuất và kinh doanh dịch vụ: Do hạn hẹp về vốn, lao động để đầu tư mua sắm công cụ, hơn nữa với bình quân ruộng đất thấp nên một hộ không phát huy hết công suất máy, nên các hộ nông dân đã hợp tác với nhau để chung vốn đầu tư mua sắm máy móc, nông cụ để phục vụ cho sản xuất của các hộ và kinh doanh dịch vụ

với các hộ nông dân khác như các tổ cơ khí xay xát, tổ làm đất, tổ vận chuyển, tổ vò đập lúa

- Hợp tác trong sản xuất: Do các thành viên góp vốn và lao động xây dựng thành những tổ sản xuất với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.

- Hợp tác liên kết giữa sản xuất với cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm: Phổ biến trong các ngành chăn nuôi lợn xuất khẩu, gà công nghiệp, các ngành nghề TTCN.

- Hợp tác trong lưu thông: Mộ số hộ hợp tác với nhau thu gom và chế biến sản phẩm, nhất là ở những hộ nuôi trồng các loại đặc sản thường hợp tác thống nhất với nhau trong nuôi trồng và thu hoạch để tạo khối lượng sản phẩm lớn để bán cho các đại lý hoặc mua, thuê phương tiện để chuyên chở tiêu thụ ở các địa bàn xa.

- Hợp tác trong ứng dụng khoa học kỹ thuật như: Các hộ hợp tác với nhau về vốn, kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng rau sạch, mô hình lúa – cá, lúa đặc sản, rau quả xuất khẩu, nuôi cá lồng… Do đó, chỉ có thể hợp tác với nhau mới phát huy được hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra còn có các tổ, hội nghề nghiệp: Hội làm vườn, hộ nuôi tôm, hộ nuôi ong, hội nuôi cá cảnh… là các tổ chức hội cùng nghề nghiệp hợp tác trao đổi với nhau về khoa học công nghệ mới, kinh nghiệm làm ăn, cung ứng giống tốt, vật tư, giao dịch tiêu thụ sản phẩm, đấu tranh chống tư thương ép giá, đem lại lợi ích cho người sản xuất.

Toàn tỉnh năm 1996 có hơn 3.100 tổ hợp tác [73]. Các tổ hợp tác chưa có tư cách pháp nhân, hình thành một cách tự phát vì vậy còn khó kiểm soát, nhưng do ra đời từ nhu cầu chính đáng của hộ nông dân nên có tác động tích cực đến sản xuất. Một số tổ hợp tác tiêu biểu là: Đông Tiến, Minh Thu (Tĩnh Gia), Hải Đăng (Thọ Xuân), Tân Dương, Long Dương, Cường Thịnh, Chiến Thắng (Đông Sơn)…

Các hình thức hợp tác này khác về chất so với loại hình kinh tế hợp tác của các HTXNN kiểu cũ. Hoạt động chủ yếu của các hình thức hợp tác này

nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận cho các hộ nông dân thành viên. Đây là loại hình kinh tế hợp tác mới trong nông nghiệp ở Thanh Hóa, với tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, nhưng nội dung hoạt động thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho kinh tế hộ và được nông dân chấp nhận và hưởng ứng. Mặc dù mới ra đời, chưa được định hình, chưa được phân tích và đúc kết đầy đủ nhưng với hiệu quả kinh tế thiết thực của nó đã mở ra một hướng đi mới cho kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, nó cũng sớm bộc lộ những hạn chế: có nhiều tổ hợp tác vẫn mang tính hình thức. Một số cán bộ cho rằng tổ hợp tác giống như sự thay thế các đội sản xuất trong HTX cũ, cho nên tổ trưởng ở những tổ này đòi được hưởng thù lao theo chế độ như ở HTX cũ; trong chỉ đạo cũng đã có hiện tượng hành chính, quan liêu.

Ở vùng mía đường Lam Sơn do nhu cầu sản xuất mía hàng hóa, nhiều hộ đã tự nguyện lập các tổ hợp tác để vừa cung ứng đầu vào về giống, phân bón, vừa bán sản phẩm cho nhà máy, từ 29 tổ hợp tác năm 1991 đã tăng lên 333 tổ hợp tác năm 1994, riêng HTXNN Thọ Xương có 150 tổ hợp tác quy mô mỗi tổ từ 4 đến 5 hộ (các tổ hợp tác này hình thành ngay trong lòng HTX kiểu cũ) [73].

Ở xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) sau khi giao đất và chuyển đổi 22 ha đất nội đê cho một số hộ sản xuất nuôi trồng thủy sản đã hình thành 4 tổ hợp để góp vốn chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ sản phẩm. Ở 18 ha đất ngoại đê của xã, một tổ hợp tác gồm 5 hộ nhận đấu thầu, góp vốn 50 triệu đồng, vốn còn lại vay ngân hàng, số vốn góp được trả theo lãi xuất tiền vay ngân hàng. Vì vậy lúc phân phối thu nhập không phụ thuộc vào vốn nhiều hay ít mà chia đều cho các hộ.

Ở nghề cá đã hình thành 2 tổ hợp góp vốn để trang bị tàu khai thác hải sản. Tổ hợp tác của anh Lê Văn Tiến có 3 hộ góp 80 triệu đồng mua một tàu cá 33 mã lực (một hộ 40 triệu, mỗi hộ còn lại 20 triệu), kết quả sản xuất được phân phối thỏa thuận theo tỷ lệ; phần vốn hưởng 20%, lao động khai thác hưởng 70%, bộ phận điều hành và kỹ thuật hưởng 10% [73].

Trong vận tải cũng xuất hiện 6 tổ hợp tác vốn để trang bị phương tiện, trong đó 1 hộ gia đình góp vốn hoạt động ở cả 3 tổ.

Huyện Đông Sơn đã xây dựng các tổ hợp tác dịch vụ vốn cho các hộ nông dân vay sản xuất với định mức lãi thỏa thuận được hộ vay đồng tình chấp thuận, có tác động hỗ trợ cho các hộ nghèo trong HTXNN có vốn sản xuất.

Tuy nội dung, hình thức, quy mô hợp tác kiểu mới này còn khác nhau, song từ thực tế có thể rút ra những nhận xét sau:

- Do nhu cầu công việc phù hợp với mỗi hộ mà các hộ này tự nguyện hợp tác lại với nhau.

- Nội dung phương thức hoạt động có thể ở 1 khâu hay một số khâu, kết quả phân phối đều bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự quản, cùng có lợi.

- Mỗi hộ có thể tham gia một số các tổ chức khác nhau.

Có thể xem đây là sự khởi đầu cho quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và hình thức tổ chức hợp tác kiểu mới cần được khuyến khích hỗ trợ, hướng dẫn.

Như vậy, với sự tác động của cơ chế quản lý kinh tế mới đã xác lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ và tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Thanh Hóa phát triển, đưa đến nhu cầu hợp tác đa dạng giữa các hộ nông dân, đồng thời đòi hỏi các HTXNN kiểu cũ phải đổi mới tổ chức quản lý và hoạt động cho phù hợp với điều kiện mới.

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới mô hình hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa (Trang 66)