Nội dung về phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 31)

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có định hướng tài nguyên rõ rệt, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Chính vì vậy, sự phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung và đồng bộ toàn xã hội. Theo kinh nghiệm phát triển du lịch ở một số nước trên thế giới (Malaysia, Nêpan, Úc..) và thực tiễn phát triển trong nước thì phát triển du lịch cần phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau :

Khai thác, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu các chất thải môi trường: Nguồn tài nguyên không phải là vô tận, hơn nữa nhiều loại tài nguyên không có khả năng phục hồi, hoặc phục hồi rất chậm. Do vậy trong quá trình phát triển các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, việc khai thác sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên là nguyên tắc quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho quá trình phát triển hiệu quả. Nếu các nguồn tài nguyên du lịch được khai thác hợp lý, có kế hoạch bảo tồn và sử dụng đúng thì sự tồn tại của các tài nguyên đó sẽ lâu dài, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch qua nhiều thế hệ. Việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch cần dựa trên cơ sở các nghiên cứu kiểm kê đánh giá, quy hoạch sử dụng cho mục tiêu phát triển cụ thể.

Việc khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải ra môi trường để phát triển du lịch đảm bảo cho việc bảo tồn những gì mà các thế hệ hiện tại đang có cho thế hệ mai sau. Điều này có nghĩa là trong quá trình khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên để phát triển du lịch cần phải có các giải pháp nhằm ngăn chặn sự mất đi tính đa dạng sinh học, sự suy giảm những chức năng

thiết yếu của các hệ sinh thái có giá trị du lịch như các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước, các rạn san hô…và khả năng bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Ngoài ra, giá trị của các nguồn tài nguyên và môi trường du lịch cần phải được tính vào chi phí đầu vào của sản phẩm du lịch để từ đó có những nguồn đầu tư cần thiết cho việc bảo tồn và tái tạo tài nguyên, kiểm soát và ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường.

Phát triển phải gắn liền với việc bảo tồn tính đa dạng sinh học, đa dạng tính nhân văn: Tính đa dạng sinh học, đa dạng về văn hóa - xã hội là những nhân tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của du lịch, làm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng (nhu cầu về tham quan, nghiên cứu) của khách du lịch, đồng thời tăng cường sự phong phú về sản phẩm du lịch. Trên thực tế cho thấy, nơi nào có tính đa dạng cao về tự nhiên, văn hóa - xã hội, thì nơi đó sẽ có khả năng cạnh tranh cao về các sản phẩm du lịch và có sức hấp dẫn lớn, đảm bảo cho sự phát triển du lịch tốt. Chính vì vậy, việc bảo tồn và tăng cường tính đa dạng sinh học, đa dạng về văn hóa - xã hội là rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài của du lịch.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, bên cạnh những đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn tính đa dạng sinh học, đa dạng tính nhân văn, các hoạt động du lịch cũng là một trong những nguyên nhân dễ làm tổn hại đến tính đa dạng đó nếu không được quản lý và giám sát chặt chẽ, có hiệu quả.

Phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội:

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Vì vậy mọi phương án khai thác tài nguyên để phát triển du lịch, trước hết phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các quy hoạch chuyên ngành nói riêng. Ngoài ra, đối với mỗi dự án phát triển, mỗi phương án phát triển cần phải đánh giá các tác động đến môi trường do hoạt động du lịch gây ra nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường. Điều này góp phần đảm bảo cho sự phát triển du lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác và với việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với cộng đồng địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động du lịch: Trong quá trình phát triển nền kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng, việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên là điều tất yếu. Thực tiễn cho thấy, trên cùng một địa bàn lãnh thổ nếu mỗi ngành kinh tế chỉ biết đến lợi ích của riêng mình mà không chú trọng hỗ trợ đến sự phát triển chung và chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư địa phương (nơi có nguồn tài nguyên) thì sẽ làm cho kinh tế và cuộc sống vật chất của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, kém phát triển. Điều này sẽ dẫn đến việc cộng đồng dân cư địa phương phải khai thác tối đa các nguồn tài nguyên phục vụ cho cuộc sống của mình, do vậy sẽ đẩy nhanh quá trình cạn kiệt nguồn tài nguyên và làm tổn hại đến môi trường sinh thái. Hậu quả của quá trình này là sẽ gây những tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển du lịch, việc chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với cộng đồng dân cư địa phương là một nguyên tắc quan trọng đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư địa phương còn được thể hiện thông qua những đóng góp từ nguồn thu của các hoạt động du lịch cho việc bảo tồn, tôn tạo nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Vấn đề này góp phần quan trọng, đảm bảo sự phát triển du lịch của nền kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng trên địa bàn lãnh thổ.

Việc khuyến khích và hỗ trợ cho cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch một mặt giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, tăng khả năng hiểu biết..., mặt khác làm tăng thêm ý thức trách nhiệm của họ đối với nguồn tài nguyên và môi trường du lịch; khuyến khích họ cùng ngành du lịch quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch... Việc tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động du lịch còn giúp giữ được các bản sắc văn hóa, môi trường, lối sống và truyền thống, đó là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch.

Việc phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương sẽ mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa và môi trường cho chính họ. Bên cạnh đó, sự

tham gia thực sự của cộng đồng sẽ làm phong phú thêm tài nguyên và sản phẩm du lịch. Mặt khác khi cộng đồng địa phương được trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển du lịch sẽ tạo ra những yếu tố thuận lợi cho du lịch bởi vì chính họ là chủ nhân thực sự và là người có trách nhiệm đối với tài nguyên và môi trường du lịch.

Chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức về tài nguyên - môi trường cho mọi đối tượng liên quan: Yếu tố con người chiếm vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của ngành Du lịch - một ngành đòi hỏi rất cao nhu cầu về "lao động sống". Trong phát triển du lịch, ngoài các nguyên tắc cơ bản trên, đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý, đội ngũ lao động trực tiếp được đào tạo cơ bản về mọi mặt (chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường). Một đội ngũ lao động, một đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo sẽ đem lại lợi ích về kinh tế cho ngành và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

Nếu được trang bị tốt những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và những kiến thức về bảo vệ tài nguyên môi trường..., thì một nhân viên phục vụ có thể truyền đạt và làm cho du khách có ý thức trách nhiệm và nhận thức đúng về việc bảo vệ tài nguyên - môi trường, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc đảm bảo cho sự phát triển tốt của du lịch.

Trong xu thế hội nhập với sự phát triển của du lịch khu vực và thế giới, việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường là rất quan trọng, cần phải có đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ nghiệp vụ cao, có hiểu biết về văn hóa, về bảo vệ tài nguyên - môi trường. Chính vì vậy, việc chú trọng đào tạo phát triển nhân lực du lịch là một trong những nguyên tắc then chốt đối với phát triển du lịch.

Nâng cao trách nhiệm trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: Trong quá trình phát triển, khi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để phục vụ du khách, thì việc tuyên truyền, xúc tiến và quảng bá luôn là một hoạt động rất quan trọng. Hoạt động

xúc tiến, quảng bá sẽ đảm bảo cho khả năng thu hút khách du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch. Do vậy cần phải có một chiến lược về xúc tiến, quảng cáo và tiếp thị đối với du lịch.

Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến, quảng cáo, tiếp thị cần phải đảm bảo tính trung thực, đầy đủ và có trách nhiệm. Nếu không sẽ tạo cho du khách những hy vọng không thực tế do thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác dẫn đến sự thất vọng của du khách về các sản phẩm du lịch được quảng cáo, từ đó sẽ dẫn đến thái độ tẩy chay của du khách đối với cộng đồng và những sản phẩm du lịch của địa phương và làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch. Việc xúc tiến, quảng cáo, tiếp thị và cung cấp cho khách du lịch những thông tin đầy đủ và có trách nhiệm sẽ nâng cao sự tôn trọng của du khách đối với môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội và các giá trị nhân văn khác, đồng thời sẽ tăng khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách đối với các sản phẩm du lịch. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hoạt động du lịch, đảm bảo cho du lịch phát triển.

Coi trọng việc thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu: Công tác nghiêu cứu là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ ngành kinh tế nào, đặc biệt là những ngành có nhiều mối quan hệ trong phát triển và phụ thuộc vào nhiều điều kiện về tự nhiên, môi trường, văn hóa - xã hội như ngành du lịch.

Để đảm bảo cho sự phát triển cần có những căn cứ khoa học vững chắc dựa trên việc nghiên cứu các vấn đề có liên quan. Hơn nữa, trong quá trình phát triển nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nảy sinh sẽ có những tác động cần phải nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp nhằm điều chỉnh sự phát triển. Như vậy, việc thường xuyên cập nhật các thông tin, nghiên cứu và phân tích chúng là cần thiết, không chỉ đảm bảo cho hiệu quả của hoạt động kinh doanh mà còn đảm bảo cho sự phát triển trong mối quan hệ với cơ chế chính sách, với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường...

Những nguyên tắc cơ bản trên đây được thực hiện đầy đủ sẽ đảm bảo tốt cho sự phát triển của hoạt động du lịch, là chìa khóa cho sự thành công lâu dài của ngành Du lịch.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 31)