Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu Tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ của người chăm sóc bệnh nhân ung thư (Nghiên cứu trường hợp tại Bệnh viện K (Trang 32)

9. Phƣơng pháp nghiên cứu

1.3.Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

* Tổng quan đặc điểm địa bàn thành phố Hà Nội

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam hiện nay, là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích với 3328,9 km2, đồng thời cũng là địa phương đứng thứ nhì về dân số với 6.699.600 người (2011). Nằm giữađồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. [26]

Nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có vị trí tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc,

Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, thành phố có diện tích 3.324,92 km², nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn.

Các thống kê trong lịch sử cho thấy dân số Hà Nội tăng nhanh trong nửa thế kỷ gần đây.Trong suốt thập niên 1990, cùng việc các khu vực ngoại ô dần được đô thị hóa, dân số Hà Nội tăng đều đặn, đạt con số 2.672.122 người vào năm 1999.Sau đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào tháng 8 năm 2008, thành phố Hà Nội có 6,233 triệu dân và nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới [16]. Theo kết quả cuộc điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số Hà Nội là 6.451.909 người, dân số trung bình năm 2010 là 6.561.900 người. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 1.979 người/km². Mật độ dân số cao nhất là ở quận Đống Đa lên tới 35.341 người/km², trong khi đó, ở những huyện như ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, mật độ dưới 1.000 người/km². Năm 2009, dân số thành thị là 2.632.087 chiếm 41,1%, và 3.816.750 cư dân nông thôn chiếm 58,1%. [23]

Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn ở nước ta. Năm 2007, GDP bình quân đầu người của Hà Nội lên tới 31,8 triệu đồng, trong khi con số của cả Việt Nam là 13,4 triệu. Hà Nội là một trong những địa phương nhận được đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất, với 1.681,2 triệu USD và 290 dự án. Thành phố cũng là địa điểm của nhiều văn phòng đại diện nước ngoài, tập trung các khu công nghiệp và hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhưng đi đôi với sự phát triển kinh tế, những khu công nghiệp này đang khiến Hà Nội phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh những công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hà Nội. Năm 2003, với gần 300.000 lao động, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 77% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Ngoài ra, 15.500 hộ sản xuất công nghiệp cũng thu hút gần 500.000 lao động. Tổng cộng, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 22% tổng đầu tư xã hội, hơn 20% GDP, 22% ngân sách thành phố và 10% kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, với hơn 6 triệu dân, Hà Nội có 3,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động. [18] Mặc dù vậy, thành phố vẫn thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn phải đào tạo lại, cơ cấu và chất lượng nguồn lao động chưa dịch chuyển theo yêu cầu cơ cấu ngành kinh tế. Hà Nội còn phải đối đầu với nhiều vấn đề khó khăn khác.

Về Y tế: Theo con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì năm 2010, thành phố Hà Nội có 650 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc sở Y tế thành phố, trong đó có 40 bệnh viện, 29 phòng khám khu vực và 575 trạm y tế. Số giường bệnh trực thuộc sở Y tế Hà Nội là 11.536 giường, chiếm khoảng 1/20 số giường bệnh toàn quốc; tính trung bình ở Hà Nội 569 người/giường bệnh so với 310 người/giường bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện 1 giường bệnh có đến 2-3 bệnh nhân nằm điều trị là thường xuyên gặp.[26]

Cũng theo thống kê năm 2010, thành phố Hà Nội có 2.974 bác sĩ, 2.584 y sĩ và 3.970 y tá. Do sự phát triển không đồng đều, những bệnh viện lớn của Hà Nội, cũng là của cả miền Bắc, chỉ tập trung trong khu vực nội ô thành phố. Các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Thụy Điển và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Cùng với hệ thống y tế của nhà nước, Hà Nội cũng có một hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân đang dần phát triển. Năm 2007, toàn thành phố có 8 bệnh viện tư nhân với khoảng 300 giường bệnh. Theo đề án đang được triển khai, đến năm 2010, Hà Nội sẽ có thêm 8 đến 10 bệnh viện tư nhân. Khi đó, tổng số giường bệnh tư nhân sẽ lên tới khoảng 2.500 giường.[26]

Hà Nội cũng được coi là nơi tập trung nhiều bệnh viện có chức năng thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Có thể kể đến những bệnh viện tiêu biểu như: Bệnh viện K (hiện nay đã và đang được mở rộng thành 3 cơ sở để giảm tải tình trạng quá tải bệnh nhân tập trung vào một địa điểm), Bệnh viện ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Nhi TW … Những cơ sở này đang không ngừng hoạt động hết sức lực để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ riêng lĩnh vực y tế, mà trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng đều cần đến sự tham gia của đội ngũ những người làm Công tác xã hội. Hiện nay, ở miền Bắc nước ta, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất các trung tâm cung ứng dịch vụ Công tác xã hội của cả trong và ngoài nhà nước. Thành phố cho đến nay đã thành lập được hơn 26 trung tâm liên quan đến Công tác xã hội, bao gồm: 13 trung tâm nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, 5 trung tâm điều dưỡng người có công và 9 trung tâm giáo dục, cái nghiện, chữa trị bệnh cho những người nhiễm HIV. Ngoài ra còn có nhiều những trung tâm, tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân hoạt động trợ giúp cá nhân và nhóm. Dù mới phát triển, nhưng ngành nghề Công tác xã hội của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nhất định.

* Tổng quan đặc điểm Bệnh viện K.

Lịch sử hình thành và phát triển

Bệnh viện K (tiền thân là Viện Radium Đông Dương từ năm 1923) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao về chuyên môn của ngành Ung thư, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 17/7/1969, Bộ Y tế ra Quyết định số 711/BYT-QĐ thành lập Bệnh viện K và được xác định lại theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.Từ đây, ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư Việt Nam cũng đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, góp phần đắc lực trong việc phục vụ sức khoẻ cho các tầng lớp nhân dân. [25]

Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện K là bác sĩ Phạm Thụy Liên, Phó giám đốc là bác sỹ Lương Tấn Trường với tổng số cán bộ nhân viên gồm 68 người. Tuy điều kiện làm việc khó khăn, y cụ thiếu thốn, các y bác sỹ, cán bộ Bệnh viện K đã cố gắng hết mình, tận tâm, tận lực với nghề, sáng tạo ra nhiều phương pháp để khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân, góp phần chi viện cho tiền tuyến, đào tạo các khóa y sĩ, bác sỹ đầu tiên về chuyên khoa Ung thư. Giám đốc hiện tại của Bệnh viện K là PGS.TS. Bùi Diệu.

Chức năng của bệnh viện

Bệnh viện K là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về phòng chống ung thư, có chức năng:

 Tiếp nhận khám, phát hiện, điều trị bệnh ung bướu, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho nhân dân khu vực Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Tham gia đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, làm công tác chỉ đạo tuyến theo nhiệm vụ được phân công.

 Nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại để phục vụ sức khoẻ nhân dân.

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức nhân lực đủ mạnh gồm: 646 cán bộ nhân viên (trong đó: 1 giáo sư; 3 phó giáo sư; 17 tiến sĩ y học; 14 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 90 thạc sĩ; 26 Bác sĩ chuyên khoa 1; 36 bác sĩ, dược sĩ đại học; 49 đại học khác; 24 cử nhân điều dưỡng ;237 điều dưỡng trung cấp; 53 kĩ thuật viên y; 10 dược sĩ trung học; 18 trung học khác và 65 nhân viên phục vụ, hộ lý) và cơ cấu tổ chức là 39 khoa, phòng, bộ phận (21 khoa lâm sàng, 10 khoa, bộ phận cận lâm sàng, 8 phòng chức năng và 1 trung tâm nghiên cứu vật lý trị liệu) đáp ứng tốt nhiệm vụ của một bệnh viện ung thư đầu ngành tại Việt Nam. Bệnh viện hiện có 2 cơ sở là Quán Sứ và Tam Hiệp.

(Nguồn: Bệnh viện K)

Định hướng phát triển

Cho đến nay, bệnh viện đã có hơn 1000 giường bệnh, song tình trạng quá tải bệnh nhân vẫn còn là một vấn đề. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đồng thời giảm tải cho hai cơ sở đang hoạt động, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng cơ sở 3 của Bệnh viện K tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích 6,6 ha tại xã Tân Triều với mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh ung thư, thực hiện chức năng là bệnh viện chuyên khoa ung thư ở tuyến Trung ương với trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực. Dự án có quy mô

1.000 giường bệnh, được thực hiện trong 2 giai đoạn, gồm các công trình chính như: nhà khám kỹ thuật nghiệp vụ cao (5 tầng với diện tích sàn 23.000 m2), nhà điều trị nội trú cao (7 tầng với diện tích sàn 27.000 m2), nhà xạ trị hậu cần (diện tích sàn 9.000 m2), các công trình phụ trợ, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng và hiện đang phấn đấu hoàn thành vào năm 2013. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện K khám và điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Vì vậy, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K giai đoạn I đưa 300 giường bệnh vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khám và điều trị cho các bệnh nhân ung bướu, góp phần giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương. Cơ sở 3 Tân Triều đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 19/8/2012. [25]. Đồng thời, tại các cơ sở đang hoạt động, Bệnh viện K cũng liên tục bổ sung các trang thiết bị máy móc hiện đại và không ngừng cập nhật những phương pháp điều trị mới nhằm giúp cho công tác điều trị bệnh được tốt hơn.

Một vài nét về cơ sở 2 Tam Hiệp

Bệnh viện K Tam Hiệp, hay còn gọi là K2, được thành lập năm 2000, gồm các khoa: Khoa chống đau, Khoa Ung bướu trẻ em, Khoa Ngoại, Dược - Xét nghiệm, Nội, Xạ... với hơn 100 giường bệnh. Mục đích thành lập ban đầu là giảm tải cho cở sở 1 Quán Sứ.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi triển khai khảo sát chủ yếu ở Khoa Chống đau và Khoa Ung bướu trẻ em. Khoa Chống đau có 40 giường bệnh với 50-55 bệnh nhân nội trú và khoảng 600 bệnh nhân ngoại trú. Đội ngũ nhân viên y tế có 26 người. Khoa Ung bướu trẻ em có 270 bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Đội ngũ nhân viên y tế có 14 người. Số lượng bệnh nhân thường xuyên thay đổi do có những bệnh nhân ra viện, bệnh nhân qua đời và bệnh nhân mới nhập viện điều trị. Cũng như những khoa điều trị khác, hai khoa này cũng đang chịu sự quá tải về bệnh nhân. Số giường bệnh không đủ để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, khắp dọc hành lang và ngòai sân, bồn cây cũng trở thành nơi để bệnh nhân nằm truyền và nghỉ ngơi. Điều đó cho thấy cơ sở vật chất của bệnh viện hiện tại còn rất eo hẹp và thiếu thốn.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ của người chăm sóc bệnh nhân ung thư (Nghiên cứu trường hợp tại Bệnh viện K (Trang 32)