Những “phần thưởng” nhận được từ xem bói

Một phần của tài liệu Hành động đi xem bói của người dân nội thành Hải Phòng hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại một địa điểm xem bói ở Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng (Trang 84)

7. Khung lý thuyết

3.2.2.Những “phần thưởng” nhận được từ xem bói

Nhà chức năng luận Thomas O’Dea cho rằng trong cuộc sống, con người luôn đối diện với những sự thất bại và mất mát và tôn giáo có thể đem lại một sự điều chỉnh cho con người. Vào những thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống, tôn giáo sẽ giúp con người lấy lại cân bằng.[29,23]

Theo quan niệm của người Việt, cuộc sống của con người là tổng hòa quan hệ giữa 3 yếu tố: Thiên, địa, nhân. Trong đó, con người là trung tâm của vũ trụ và tồn tại trong mối quan hệ hòa hợp với trời và đất. Mọi thời khắc đều là sự vận động tuân theo quy luật tương sinh, tương khắc của 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Do đó có ngày tốt, giờ tốt và mỗi một thời điểm lại tương ứng với một ý nghĩa nhất định về xuất hành, động thổ, khai trương, học hành…Tùy theo từng tính chất của công việc mà con người lựa chọn những ngày, giờ phù hợp để công việc được suôn sẻ.Từ ngàn xưa, đã phổ biến việc xem ngày, giờ tốt trong dân gian, hiện nay nhu

cầu đó của con người ngày càng gia tăng và có xu hướng đa dạng hóa loại hình công việc cần xem ngày, giờ tốt.

Xã hội Việt Nam từ ngày Đổi mới cho đến nay đã có những biến đổi sâu sắc cả về đời sống vật chất và tinh thần. Mức sống của người dân được tăng lên nhưng cùng với đó là những thử thách, sự bất ổn, phức tạp của đời sống kinh tế thị trường. Trong bối cảnh như vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có xu hướng gia tăng.

Trước khi thực hiện một công việc nào đó, con người thường vạch ra những kế hoạch và phán đoán về kết quả của sự việc đó. Có thể thấy, dự báo là nhu cầu thường xuyên, cấp thiết và nằm trong bản năng của con người. Đối với con người, nhu cầu lớn nhất là sinh tồn và an toàn: cho nên, mưu cầu sức khỏe, may mắn, bình an, thuận lợi, thành công; tránh tai hoạ, bệnh tật, thất bại... là một nhu cầu tâm lý vốn nằm trong bản tính của con người. Để đáp ứng nhu cầu này của con người từ hàng ngàn năm nay các hình thức bói toán đã xuất hiện và ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển.

Qua kết quả quan sát, chúng tôi nhận thấy người dân đến với các địa chỉ xem bói với mục đích muốn thầy giải đáp cho những vấn đề như: nhà cửa, gia đình, việc làm…(đã phân tích ở mục 2.3)

Mỗi người đều có những mục đích khác nhau khi đến với hoạt động bói toán. Bởi lẽ nhu cầu của con người chịu sự tác động của hoàn cảnh bên ngoài và trạng thái riêng của từng người. Có người mong muốn được biết về sự mách bảo của tổ tiên, ông bà nội ngoại để tránh mọi vận hạn, biết cách giải quyết những công việc cụ thể trong khoảng thời gian trước mắt hoặc những việc mang tính chất đột xuất, tìm nguyên nhân rủi ro và cách khắc phục hậu quả. Cụ thể như gia đình muốn chuyển đi làm ăn nơi khác, tìm cách chạy cho con đi du học, đi xuất khẩu lao động, những trục trặc trong kinh doanh, lâu không có con, sinh con nhưng cứ nay ốm mai đau, người trong gia đình ốm đau lâu ngày mà không chữa khỏi…có người muốn thay đổi nhà cửa, mặt hàng buôn bán...

“Hôm trước thầy xem cho em nói là em phải thay đổi chỗ ngồi, em đã chuyển sang phòng khác rồi, thầy nói em sẽ tìm được cháu đích tôn em cũng tìm

được rồi, nhưng có điều sang chỗ mới mãi mà chẳng thấy lên được gì cả. Ông trưởng phòng sắp về hưu rồi, bác xem hộ em có cơ hội không chứ nguy quá vì có nguy cơ mất chỗ đến nơi rồi.” (Biên bản quan sát ngày 21 tháng 2 năm 2010)

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy, hiện nay xuất hiện những nhu cầu mới: muốn hỏi về vấn đề học tập của con, ngoài việc hỏi thầy con học nghề gì? ngành gì phù hợp thì hiện nay họ còn hỏi về cơ hội cho con đi du học, hay đi nước ngoài theo nhiều con đường: hợp thức hóa gia đình, đi theo con đường kết hôn, đi xuất khẩu lao động…Ở địa bàn Hải Phòng, số người đi nước ngoài khá đông, có những khu phố có rất đông người đi nước ngoài, họ thường nhận tiền kiều hối từ những người ở nước ngoài gửi về nên đối với họ đưa con đi nước ngoài cũng là một trong những con đường để làm giàu, lập nghiệp.

Xem bói vẫn được xem là một hoạt động mang tính chất mê tín, tuy nhiên trong xã hội đương đại, bói toán lại đang trở thành một nghề “siêu lợi nhuận”, bởi khách hàng sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản phí không nhỏ để nghe vài ba phút thầy bói phán về vận hạn hay tương lai? Dưới góc độ xã hội học, chúng tôi không bàn tới hoạt động xem bói là đúng hay sai, mà chúng tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân cũng như xu hướng phát triển của hiện tượng này. Nhìn từ lý thuyết trao đổi xem xét hành động đi xem bói của người dân có thể thấy rằng con người luôn có xu hướng lý giải cho hành động của mình nhất là những lúc hoang mang, chưa có định hướng. Họ đến với bói toán, chấp nhận “chi phí” thời gian và tiền bạc, công sức để được nghe những lời thầy phán mà theo họ “có lợi” cho mình. Để hiểu được đầy đủ về hoạt động này cần có những nghiên cứu sâu hơn về mức độ niềm tin, những tác động xã hội của nó tới cá nhân, gia đình và xã hội.

KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Qua nghiên cứu trường hợp tại nhà thầy A về hành động đi xem bói của người dân nội thành Hải Phòng, cho phép chúng ta đi đến một số kết luận sau:

Thứ nhất, hoạt động bói toán hiện nay tại Hải Phòng khá phổ biến. Hoạt động này thu hút một lực lượng lao động xã hội đa dạng về nghề nghiệp, tuổi và phổ biến đôi với cả hai giới nam và nữ. Phần đông những người này có độ tuổi tập trung từ 48 tuổi cho đến 52 tuổi, có trình độ học vấn phổ thông (cấp 2 của hệ 10 năm). Ở nông thôn, phần lớn họ xuất phát là nông dân. Ở thành thị, những người hành nghề xuất phát từ nhiều ngành nghề như: công nhân, nghề tự do, nội trợ, buôn bán, bộ đội, giáo viên hay công chức đã nghỉ hưu hoặc nghỉ chế độ…Một bộ phận nhỏ là những người tàn tật hay trải qua những căn bệnh liên quan đến thần kinh.

Thứ hai, hoạt động này đang thu hút một bộ phận người dân. Người đi xem bói chủ yếu là nữ giới (chiếm hơn 3/5 tổng số người được điều tra). Họ có độ tuổi trung bình từ 30-45 tuổi; đa số có trình độ học vấn cấp 3; làm nhiều nghề khác nhau nhưng chủ yếu là kinh doanh, công chức. Phần lớn những người đi xem bói không đi thường xuyên nghĩa là tháng nào cũng đi xem mà chủ yếu họ thường đi xem theo quy luật mỗi năm xem một lần vào dịp đầu năm. Đối với những gia đình nào có việc quan trọng: như việc hiếu, việc hỷ, làm nhà…mới đi xem nhiều hơn.

Mức độ niềm tin đối với những lời phán của thầy về vận mệnh theo số đông chủ yếu vẫn là “ bán tín bán nghi”. Rất ít người sùng tín nhưng cũng ít người không tin gì cả. Điều đặc biệt, mức độ niềm tin của người đi xem đối với lời phán của thầy không phụ thuộc nhiều vào nghề nghiệp hay trình độ học vấn mà phụ thuộc vào sự trải nghiệm của họ hay những sự kiện họ gặp trong cuộc sống, tin hay không tùy thuộc vào sự cảm nhận của họ, vào những sự kiện mà họ được chứng kiến.

Thứ ba, hiện nay người dân đến với bói toán không chỉ để xem ngày tốt, xem giờ tốt cho việc kết hôn, tang ma, động thổ, cất nóc như trước đây mà động cơ đến với bói toán càng ngày càng trở nên phong phú. Nó bao gồm việc tư vấn, định hướng xung quanh vấn đề nhà cửa, đất cát (ở hướng nào, cách bố trí căn nhà ra sao, mồ mả đặt như thế nào…); các vấn đề liên quan đến gia đình, con cái (sinh con

năm nào hợp mệnh cha mẹ, sinh con trai hay gái, con nên làm nghề gì…); các vấn đề liên quan tới công việc (chủ yếu là di động xã hội vị trí, vị thế nghề nghiệp)…Có thể thấy rằng hoạt động bói toán không thuần túy là một hoạt động nhảm nhí, mê tín dị đoan như nhiều người đã từng suy nghĩ mà trong xã hội hiện đại nó cũng mang lại cho con người những chức năng nhất định như: an ủi, tư vấn, giáo dục về cội nguồn, nề nếp gia phong…bên cạnh đó cũng đan xen tính chất mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo của những người hành nghề đối với những người sùng tín. Thứ tư, hoạt động bói toán của người dân được đặt trong bối cảnh xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc sống của con người ngày càng nhiều bấp bênh và bất trắc, cùng với một số hiện tượng xã hội chưa thể lý giải được là những nguyên nhân tác động tới xu hướng gia tăng số người có mong muốn biết trước tương lai để có sự định hướng cho cuộc sống và gia đình của mình. Hơn nữa, những người hành nghề có những cách thức giao tiếp và cách thu hút người đến xem đã làm gia tăng sự hấp dẫn đối với hoạt động này. Hoạt động này trong tương lai có xu hướng tiếp tục gia tăng vì hiện nay bói toán kết hợp chặt chẽ với hoạt động cúng lễ, lễ Chùa, thờ cúng tổ tiên là những phong tục truyền thống có từ ngàn đời nay của người dân Việt.

Khuyến nghị

1. Cần có thái độ đúng mực khi đánh giá các hoạt động mê tín dị đoan

Trong thực tiễn, những hiện tượng mê tín khó có một ranh giới rõ ràng với những hành vi tôn giáo, bởi lẽ con người dễ áp đặt cái của mình để đánh giá cái của người khác, khi chưa thấu hiểu sâu sắc. Thái độ đối với mê tín cần thận trọng và chỉ nên trông vào hậu quả của hành vi mang tính tôn giáo này mà phán xét.

Trước đây, bói toán được cho là mê tín dị đoan. Điều này được ghi trong những văn bản pháp luật của nhà nước. Hiện nay, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có những diễn biến phức tạp. Các nhà khoa học đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo về việc nên hiểu như thế nào về “mê tín dị đoan”. Theo chúng tôi thuật ngữ mê tín dị đoan cần được thay thế bằng thuật ngữ mê tín, hủ tục.

Mặc dù chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng tạo điều kiện cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát triển nhưng sự bùng nổ các hoạt động này trong thời gian gần đây cũng khiến cho các cơ quan chức năng bối rối trong quản lý.

Hơn nữa, cần nâng cao kiến thức cho người dân về một số tín ngưỡng, nhằm tránh hiện tượng người dân thiếu hiểu biết dễ dẫn tới bị lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo lừa gạt để kiếm tiền.

Vận động nhân dân bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

2. Quan tâm nghiên cứu về tín ngƣỡng, tôn giáo dƣới góc độ xã hội học tôn giáo

Tôn giáo, tín ngưỡng vốn là vấn đề phức tạp, mê tín dị đoan lại càng phức tạp hơn nữa. Muốn định hướng dư luận, tháo gỡ những vướng mắc trong việc quản lý hoạt động này cần đi sâu, tìm hiểu các hiện tượng tín ngưỡng, mê tín, các tôn giáo mới để có thể phân loại, phổ biến kiến thức cho người dân. Từ đó có những đối sách thích hợp với từng hình thức.

3. Nâng cao công tác quản lý trong lĩnh vực tín ngƣỡng, tôn giáo

Trước hết phải khẳng định, tôn giáo, tín ngưỡng là văn hóa, thậm chí là một dạng văn hóa đặc biệt. Vì vậy ngành văn hóa phải quản lý về mặt văn hóa của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Ví dụ lễ hội trong tôn giáo, môi trường cảnh quan trong sinh hoạt tôn giáo …diễn ra trong không gian tôn giáo đều phải chịu sự quản lý Nhà nước của ngành văn hóa. Dĩ nhiên tôn giáo cũng như các hiện tượng xã hội khác đều có mặt trái, mặt hạn chế của nó cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý trong thời gian gần đây là các nhà quản lý tôn giáo thiếu hụt kiến thức về tôn giáo, chưa phân biệt rõ hiện tượng nào cần quản lý vì chưa thực sự hiểu rõ “quyền tự do tín ngưỡng”. Trước mỗi hiện tượng xã hội, các cơ quan văn hóa và nghiên cứu khoa học phải sớm xem xét và có kết luận để định hướng cho dư luận, cũng là định hướng cho xã hội.... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Giải pháp đúng đắn nhất là sự kiên trì giáo dục bằng nhiều hình thức: dư luận, báo chí, vận động, hành chính. Muốn vậy, cần có phân loại thông qua việc suy ngẫm về kết quả của các hành vi tôn giáo tín ngưỡng đối với cộng đồng, với bản thân người có tín ngưỡng

Một vấn đề nữa cần chú ý là thái độ đối với các hiện tượng tôn giáo mới, những người tự coi là tiên tri, có phép lạ, có “ ngoại cảm”. Ở các nước công nghiệp, xu hướng này đương phát triển. Trừ những ngoại lệ là đối tượng của một ngành khoa học đương định hình ở một số nước, nói chung các hiện tượng này thường thấy ở một số người không hòa nhập được vào xã hội, bị “tổn thương” về tinh thần. Cần có sự hướng dẫn dư luận, không nên buông thả như hiện nay, hoặc ngược lại, nhiều khi lại kích thích sự chú ý vào các hoạt động.

Hơn nữa cái gì đã ăn sâu vào tập quán, như xem ngày giờ trong đám cưới, đám tang, rắc vàng mã dọc đường, đốt mã, xin âm dương...cần vận động nhân dân bỏ dần : đưa vào các quy ước, quy chế của các tổ chức quần chúng. Một số loại hình như : tử vi, ngoại cảm, trường sinh học, chiêm tinh học, chữa bệnh bằng nhân điện, chữa bệnh qua truyền hình, chưa bệnh qua điện thoại, có người có khă năng nhìn rõ lục phủ ngũ tạng của người khác bằng mắt thường, có người có khả năng tìm mộ bằng linh cảm...Đó là những hiện tượng vẫn thường xẩy ra trong đời sống xã hội, nhưng một khi khoa học chưa chứng minh được thì nhất thiết không được tuyên truyền để tránh những hậu quả đáng tiếc. Sự ngộ nhận hay bác bỏ vội vã trước những hiện tượng mới của đời sống xã hội đều là những khuynh hướng tư tưởng cần khắc phục, bởi vì như Mác đã nói: Khoa học đang vươn tới để tiếp cận các hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa tiếp cận được. Rõ ràng tri thức của con người vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy. Khoảng trống đó do khoa học chưa giải đáp được, nên tín ngưỡng tôn giáo gánh lấy để làm cân bằng sinh thái con người và làm cân bằng sinh thái xã hội mà thôi. Nhưng nếu cường điệu một số hiện tượng bí ẩn nào đó có thực trong đời sống còn chưa được khoa học nghiên cứu, giải thích thành điều bí ẩn, thành mê tín dị đoan để rồi trượt theo nó bất chấp tinh thần khoa học thì đó lại là một sai lầm.

Mặt khác cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý hoạt động in và xuất bản trên địa bàn toàn quốc, có biện pháp truy tìm những cơ sở in chui các sách mê tín dị đoan, ấn phẩm bất hợp tác, kiên quyết xử lý thích đáng những tập thể cá nhân nào vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực này.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN

1. Phạm Hương Giang (viết chung với TS Hoàng Thu Hương), (2011), Hoạt động bói toán: tương tác xã hội giữa người hành nghề và người đi xem bói. Nghiên cứu trường hợp thành phố Hải Phòng, in trong cuốn “Những vấn đề xã hội học trong sự biến đổi xã hội”, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội

Một phần của tài liệu Hành động đi xem bói của người dân nội thành Hải Phòng hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại một địa điểm xem bói ở Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng (Trang 84)