Những “chi phí” của người đi xem bói

Một phần của tài liệu Hành động đi xem bói của người dân nội thành Hải Phòng hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại một địa điểm xem bói ở Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng (Trang 80)

7. Khung lý thuyết

3.2.1Những “chi phí” của người đi xem bói

3.2.1.1 Chi phí về thời gian

Khoảng thời gian thích hợp dành cho việc bói toán tính theo đơn vị năm là dịp đầu năm và cuối năm, tính theo đơn vị tháng là những ngày đầu tháng. Trong

khoảng thời gian này, một số người dành thời gian để tìm đến các địa điểm xem bói, mong muốn thầy phán một quẻ về sức khỏe, tiền tài, công việc, cơ hội thăng tiến… trong một tháng hay một năm.

Theo kết quả quan sát tại một số địa điểm xem bói ở thành phố Hải Phòng cho thấy, quá trình thầy phán cho một người trung bình là 15 phút, chưa kể thời gian chờ đợi, đi lại. Dịp đầu năm, người đi xem bói rất đông, có những địa điểm xem bói, người đi xem phải chờ khoảng 1-2h,thậm chí có ngày lên đến 4h. Thông thường người đi xem không ngại chờ đợi lâu vì họ cho rằng, những địa điểm xem bói có đông người đến đồng nghĩa với việc địa điểm đó có uy tín, nên họ sẵn sàng chờ đợi bằng mọi cách để được thầy xem cho.

Có những địa chỉ xem bói xa hơn 30 km, nhưng người đi xem vẫn bằng mọi cách để tìm đến. Hơn nữa, có những người phải đi 5 lần 7 lượt may ra mới xem được. Đặc biệt đối với các địa chỉ xem bói kết hợp gọi hồn. Theo những người đi xem, gọi hồn có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào sự cho phép của vong linh cần gặp mà điều này thực sự chỉ có thầy và trời mới biết được. Hơn nữa, còn xuất phát từ đặc điểm tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng”, nên người đi xem sẵn sàng tìm kiếm những địa chỉ xa, đi lại khó khăn nhưng có tiếng gọi hay để đến xem. Cũng chính vì điều này mà hoạt động bói toán thu hút phụ nữ nhiều hơn so với nam giới (37 nam giới, 74 nữ giới theo kết quả quan sát; 51 nam giới và 99 nữ giới theo phiếu trưng cầu ý kiến).

3.2.1.2 Chi phí về tiền bạc

Theo kết quả quan sát, hiện nay giá tiền cho một lần xem bói ở các địa điểm nội thành thay đổi theo thời gian. Năm 2010, giá thông thường từ 50.000-100.000đ, phổ biến là 50.000. Các địa điểm ở ngoại thành có mức giá bình dân hơn, phổ biến từ 10.000-50.000đ cho một lần xem.Năm 2011, giá tiền phổ biến ở mức 100.000 cho một lần xem ở các địa điểm ở khu vực nội thành, ở khu vực ngoại thành giá tiền cũng có tăng lên nhưng chủ yếu sự chi trả tùy tâm của người đi xem.Tuy nhiên, ngoài tiền đặt lễ xem bói, một số địa chỉ xem bói thường “kê đơn” để người đi xem cúng lễ vì rất nhiều lý do (muốn sinh con theo ý muốn, cầu tình duyên, muốn mua,

bán được nhà, con cái học hành, thuyên chuyển công tác…). Số tiền này không có một con số cụ thể, chi tiết vì tùy theo căn số của từng người, nội dung cầu khấn của từng người mà thầy “kê” cho phù hợp. Chẳng hạn như, cắt duyên âm có giá 1,7 triệu, giải hạn, xin được khai khẩu có giá 1,7 triệu đồng, cấp điệp cho người âm có giá từ 3-7 triệu, lập đàn giải hạn có giá từ 40 triệu trở lên (Thầy K, Quán Toan, Hải Phòng); cầu sinh con có giá 300.000, giải xung khắc vợ chồng có giá 1,5 triệu, giải căn cô Chín có giá 3,5 triệu (cô H, Bát Trang, An Lão, Hải Phòng)…

Dựa trên kết quả quan sát tại những địa điểm xem bói, chúng tôi nhận thấy xem bói thường là hoạt động khởi đầu cho hoạt động cúng lễ vì rõ ràng khi đi lễ chúng ta cần biết lễ vị thần nào? lễ ở đâu? sắm lễ ra sao? Muốn biết điều này người trần mắt thịt phải nhờ đến thầy bói. Theo điều tra bằng bảng hỏi, có đến 128/392 thầy bói kiêm dịch vụ cúng lễ chuyên nghiệp, số lượng các thầy cúng lễ “nghiệp dư” nghĩa là không hành nghề thường xuyên rất khó điều tra cụ thể nên không đủ thông tin chính xác nhưng có thể phán đoán số lượng đội ngũ này cũng không ít. Trong những dịp như đầu năm, Thanh minh, rằm tháng bẩy, cuối năm những gia đình buôn bán, kinh doanh, có điều kiện kinh tế dư dả thường mời thầy cúng về nhà làm lễ. Vào những dịp này, lịch làm việc của các thầy có khi được đặt trước khoảng một tháng.

Liên quan đến việc cúng lễ, chúng tôi nhận thấy có 3 trường hợp Thứ nhất, thầy nêu giá tiền và thực hiện cúng lễ tại các điện thờ tư gia.

Thứ hai, thầy “kê đơn”, người đến xem chuẩn bị đồ cúng và mời thầy về nhà. Thứ ba, thầy “kê đơn”, người đến xem tự chuẩn bị và tự cúng (thầy cung cấp văn khấn và những chỉ dẫn tuần tự cho quá trình cúng lễ).

Đối với mỗi trường hợp tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, tính cách, quan niệm của thân chủ mà họ có những chọn lựa khác nhau.

Mình rất dị ứng với những thầy ra giá thẳng, mình nghĩ rằng đã giúp đời thì nên tùy tâm người đi xem, tất nhiên thầy cũng phải ăn, phải sống nhưng như thế thì trần tục quá!” ( PVS 13, Nữ, 34 tuổi, thạc sỹ, giảng viên, đã kết hôn).

Ở các cửa điện giá cho lễ thường cao chỉ phù hợp với giới kinh doanh, quan chức.Càng các đại gia càng tín, họ thường có thầy riêng chứ ít lui tới các địa chỉ bình dân sợ gặp người này người kia mang tiếng. Mình thuộc giới trung bình gọi là cũng sắm lễ, có thờ có thiêng có kiêng có lành, chẳng biết thế nào là đủ( PVS 5, Nữ, 40 tuổi, đại học, nhân viên văn phòng, đã kết hôn).

Chúng ta có thể nhận thấy đối với hoạt động này không có giá cụ thể, giá chung mà tùy từng thầy sẽ đưa ra những giá tiền nhất định. Xu hướng thương mại hóa các hoạt động hành nghề tôn giáo và các cơ sở thờ tự khá rõ. Tang ma, cúng giỗ, cầu siêu, dặt bát hương, đặt ảnh, cúng sao giải hạn, cầu an, làm ở chùa hay thỉnh sư về nhà…việc nào có giá của việc đó” [49,2]. Thông thường đối với các hàng hóa, giá tiền phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, thương hiệu của sản phẩm. Còn đối với người đi xem, họ thường căn cứ trên điều kiện kinh tế của gia đình và quan trọng hơn cả họ là họ tin vào thầy nào thì thường nhờ người đó cúng lễ.

Đối với địa điểm xem bói ở đường Thiên Lôi, quận Lê Chân, Hải Phòng, thầy có một kiểu cúng lễ đặc biệt đó là Lễ Tam sinh: thầy sẽ hướng dẫn cụ thể chi tiết những đồ cúng cần chuẩn bị cho người đi xem bói. Thường thầy sẽ liệt kê vài chục loại đồ mã và yêu cầu cụ thể đồ lễ cho mâm lễ mặn. Số tiền trung bình chi cho việc chuẩn bị nghi lễ như vậy vào khoảng 2-2,5 triệu. Tuy nhiên, thầy không yêu cầu phải nhờ thầy cúng mà người đi xem tự chuẩn bị và tự làm ở nhà.

Người đi xem sẽ được thầy lập cho 1 danh mục các loại đồ mã cho từng người âm. Ví dụ như đối với bà tổ cô sẽ mua áo gấm tím, hài và đồ trang sức; cô bé đỏ thì mua quần áo cho trẻ em; ông Mãnh liệt sỹ sẽ mua súng, quần áo bộ đội. Ngoài ra còn sắm thuyền rồng, ông ngựa đủ màu. Về đồ cúng: người đi xem phải chuẩn bị nấu 1 nồi cháo gấc, lấy 1 can nước mưa, mua một số con vật phóng sinh gồm có ốc, lươn…và chuẩn bị 15 loại quả, tiền vàng, đỗ lễ mặn. Sau đó người đi xem sẽ làm tuần tự theo hướng dẫn của thầy. Đúng vào giờ đẹp ngày Thanh minh cả gia đình quần tụ trước ngôi mộ được cho là thiêng và phù hộ nhất đối với gia chủ để làm lễ. Thời gian làm lễ tại mộ diễn ra khoảng 3 giờ, làm lễ tại gia mất khoảng

1giờ. Như vậy, thời gian dành cho việc cúng lễ khoảng 4 giờ chưa kể thời gian chuẩn bị đồ lễ.

Hầu hết người đi xem đều sẵn sàng bỏ tiền ra để cúng lễ, vì theo họ đã không biết thì thôi chứ đã biết rồi mà không làm cảm thấy áy náy với lương tâm.

“Không đi xem thì không biết, đi xem rồi, biết rồi mà không làm thì thấy không yên tâm” (PVS 13, nữ, 34 tuổi, thạc sỹ, giảng viên, đã kết hôn).

Có thể thấy người đi xem khi quyết định đi xem bói cũng chấp nhận những chi phí hữu hình như tiền bạc, vật chất, thời gian và cả những chi phí vô hình như cơ hội để đến với hoạt động bói toán. Điều này gợi ra cho nhà nghiên cứu câu hỏi phải chăng hoạt động bói toán có sức thu hút, hấp dẫn nào đó đối với người đi xem? mang lại cho họ những “phần thưởng” nhất định nên nó mới có sức sống lâu bền và dai dẳng đến vậy.Từ khi đất nước Đổi mới cho đến nay chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hoạt động đi lễ, bói toán của người dân. Trong bối cảnh này không ít những trường hợp lợi dụng lòng tin của người dân để lừa gạt, buôn thần bán thánh ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, làm giảm tính thiêng của tôn giáo.

Một phần của tài liệu Hành động đi xem bói của người dân nội thành Hải Phòng hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại một địa điểm xem bói ở Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng (Trang 80)