Mục đích của nghiên cứu này là đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt – Đức Nghệ An, thông qua đó đưa ra một số kiến nghị nhằm mục tiêu ngày một nâng cao mức độ hài lòng của sinh viên. Để giải quyết mục tiêu này, tác giả đã tham khảo các mô hình nghiên cứu về mức độ hài lòng với công việc và các kết quả nghiên cứu của những tác giả trong và ngoài nước, nghiên cứu nêu ra những yếu tố tác động đến sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động đào tạo. Dựa trên một số mô hình của các nghiên cứu về sự hài lòng của sinh viên đã được công bố, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu lý thuyết đề xuất để thực hiện đo lường tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Việt Đức Nghệ An gồm các nhân tố tác động đó là: Cơ sở vật chất; Mức độ tin cậy; Mức độ đáp ứng; Đội ngũ giảng viên; Mức độ cảm thông. Mô hình được xây dựng với 5 giả thuyết chính (H1 đến H5) là các nhân tố trên tác động thuận chiều tới “Mức độ hài lòng” của sinh viên và 3 giả thuyết phụ (H6,H7,H8) nhằm kiểm định có hay không sự khác biệt trong sự ảnh hưởng của các yếu tố giới tính, năm theo học và ngành theo học của sinh viên tới “Mức độ hài lòng” của họ. Để kiểm định mô hình lý thuyết đã xây dựng, tác giả đã sử dụng cả phương pháp định tính và định lượng: Phương pháp nghiên cứu sử dụng để xây dựng và kiểm định mô hình lý thuyết gồm hai bước: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được dùng để khám phá, điều chỉnh và xây dựng mô hình thang đo sự hài lòng của sinh viên với dịch vụ đào tạo tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức Nghệ An; Nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng bảng câu hỏi và tiến hành điều tra chọn mẫu 207 sinh viên đang theo học các ngành tại trường.
Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo, tác giả tiến hành phân tích thống kê mô tả các biến chỉ báo trong mô hình. Tiếp theo, tác giả tiến hành phân tích nhân tố của các thang đo. Sau đó, tác giả tiến hành phân tích hồi quy sự tác động của các nhân tố tới mức độ hài lòng của sinh viên đang theo học tại trường. Sau khi loại ra các biến nhân tố độc lập không có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, kết quả tác giả đã xây dựng được phương trình hồi quy như sau:
Hài lòng SV = 2,234 + 0,316 x ( Cơ sở vật chất) + 0,134 x (Mức độ tin cậy) + 0,291 x (Mức độ đáp ứng) + 0,179 x (Đội ngũ giảng viên)
Kết quả đạt được từ phân tích hồi quy cho thấy: (1) Các nhân tố tác động thuận chiều tới mức độ hài lòng của sinh viên; (2) Có 4 nhân tố tác động tới mức độ hài lòng của sinh viên tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức Nghệ An gồm: Cơ sở vật chất, mức độ tin cậy, mức độ đáp ứng và đội ngũ giáo viên. Trong đó, nhân tố “Cơ sở vật chất” tác động mạnh nhất, tiếp theo là nhân tố “Mức độ đáp ứng”, tiếp theo là nhân tố “Đội ngũ giảng viên và cuối cùng là nhân tố “Mức độ tin cậy” có tác động thấp nhất tới mức độ hài lòng của sinh viên, riêng nhân tố “Mức độ cảm thông” không có tác động có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa thống kê 5%.
Cuối cùng, tác giả tiến hành phân tích ANOVA để kiểm định 3 giả thuyết phụ (H6,H7,H8) là liệu có hay không sự ảnh hưởng khác biệt của giới tính, năm theo học và ngành theo học của sinh viên tới “Mức độ hài lòng” của họ. Kết quả phân tích ANOVA cho thấy: yếu tố “giới tính” và “năm theo học” không có sự ảnh hưởng khác biệt có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95% tới mức độ hài lòng của sinh viên. Chỉ có yếu tố “ngành học” của sinh viên có ảnh hưởng khác biệt có ý nghĩa thống kê tới mức độ hài lòng của sinh viên tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức Nghệ An, trong đó sinh viên ngành cơ khí là ngành có mức độ hài lòng thấp nhất so với sinh viên các ngành học khác. Như tác giả đã đề cập trong chương 1, ngành cơ khí là ngành có số lượng sinh viên theo học tại trường trong những năm gần đây khá ít, cộng với kết quả phân tích ANOVA ở trên đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ban lãnh đạo Nhà trường phải có giải pháp khả thi để thu hút thêm sinh viên ngành học này cũng như có các giải pháp hữu hiệu để tăng mức độ hài lòng của sinh viên học ngành này trong sự phát triển của trường.