Các sản phẩm.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 45)

Lúc đầu cư dân nơi đây chỉ chỉ rèn các nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Về sau, các nghệ nhân của thôn Bàn Mạch đã kiêm luôn cả việc rèn vũ khí phục vụ các cuộc chiến tranh phong kiến.

Bước sang thời kỳ mới, với việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại các sản phẩm ngày càng phong phú về chủng loại và đa dạng về kiểu dáng mẫu mã. Từ các mặt hàng nhỏ bé như: đinh khuy, bản lề, cửa cho đến các loại như: dao, liềm, quốc, xẻng, cao hơn là dao găm, súng kíp, sản xuất mặt hàng cơ khí lớn để phục vụ kinh doanh hay các mặt hàng y tế khác... Tuy phong phú và đa dạng như vậy nhưng chủ yếu nhất là dụng cụ cầm tay phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và phục vụ cho đời sống sinh hoạt vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

2.4.1.1 Hàng phục vụ đời sống sinh hoạt.

Khi nhắc đến các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt không thể không nhắc đến các sản phẩm liên quan đến dao, kéo. Đây là những dụng cụ thiết yếu nhất trong đời sống của cư dân. Sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân đều do chính người thợ ở đây làm ra. Tại vùng quê này không sản phẩm rèn ở nơi đâu có thể du nhập được bởi với người dân, sản phẩm họ làm ra là sản phẩm tuyệt vời nhất cả về hình dáng và chất lượng.

Vượt ra khỏi lũy tre làng, sản phẩm rèn Lý Nhân đã đi khắp các miền của Tổ quốc. Tại đây, mặc dù bị cạnh tranh bởi những sản phẩm ở các địa phương khác cũng như của nước ngoài như dao Trung Quốc, dao Thái Lan… nhưng những sản phẩm của Lý Nhân vẫn được ưa chuộng. Sở dĩ có điều đó là do sản phẩm của Lý Nhân không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn có chất lượng tốt. Người dân nơi đây vẫn thường tự hào bởi dao Lý Nhân dùng mòn lưỡi mà vẫn sắc bén. Đặc biệt, sản phẩm trước khi mang đi tiêu thụ đã được những người thợ khéo tay, tỉ mỉ quét lên đó một lớp dầu chống oxi hóa nên sản phẩm bền lâu. Sau một thời gian không dùng, sản phẩm có phần bị hoen gỉ nhưng chỉ cần được mài lại với đá mài nước là sản phẩm lại trở lại màu sắc như ban đầu. Sản phẩm dao phát nương rẫy của Lý Nhân đặc biệt chiếm lĩnh tại một số địa phương miền ngược như Tuyên Quang và một số tỉnh ở Tây Nguyên.

Nói đến dao, kéo Lý Nhân ta nhiều loại dao, kéo nên cùng làm nghề rèn mà không có nhà nào giống nhà nào. Mỗi nhà lại có một cách làm khác nhau góp phần làm phong phú và đa dạng các chủng loại mẫu mã mặt hàng và làm giảm tính cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm

Dao có các loại dao: dao tông, dao thái, dao quắm, dao con, dao nhọn, dao găm, dao phát rẫy, dao xén giấy, dao bài thái, dao díp, dao phay…

Kinh tế thị trường với đầy biến động, người sản xuất có xu hướng chạy theo lợi nhuận mà quên đi chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm dao chỉ dùng được vài lần là gẫy lưỡi, tuột chuôi và để lâu lại bị hoen gỉ. Như vậy là vi phạm đạo đức của người làm nghề. Với những người thợ chân chính ở làng rèn Lý Nhân, một sản phẩm được tạo thành đòi hỏi phải được chau chuốt và tỉ mỉ đến từng công đoạn. Một con dao đạt tiêu chuẩn là con dao ấy phải có dáng đẹp, lưỡi và mặt phẳng, màu của dao phải bóng và đen, chuôi không bị tuột…Quan trọng hơn cả là có độ bền lâu với thời gian sử dụng.

Mặt hàng kéo: Kéo gồm kéo các loại như kéo cắt vải, kéo cắt tóc, kéo cắt tôn, kéo cắt sắt…Trong mặt hàng này ta thấy được sự tinh tế trong quá trình làm ra các công cụ đó. Những cây kéo với lưỡi sắc và nhọn đầu là dụng cụ không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt là kéo cắt nhôm, kính. Kéo cắt nhôm, kính đang ngày càng chiếm ưu thế bởi độ sắc lịm, cắt được những thanh sắt dày và dễ dàng sử dụng. Loại kéo này của Lý Nhân phục vụ đắc lực cho nghề làm khung nhôm kính ở địa phương. Chỉ cần một đường rạch mạnh là những tấm kính dày và dễ vỡ kia được cắt ra một cách nhẹ nhàng.

Sự xuất hiện của những sản phẩm sinh hoạt này đã chứng tỏ sản phẩm đa dạng nghề rèn. Mặt khác, nó cũng chứng minh nhu cầu đời sống nhân dân ngày càng cao. Cuộc sống không chỉ là những dụng cụ đơn giản và thiết yếu nữa mà là phục vụ đầy đủ nhu cầu trên tất cả các phương diện: nông nghiệp, thủ công nghiệp…

2.4.1.2 Hàng phục vụ đời sống lâm- nông- ngư nghiệp.

Trong quá trình phát triển nghề rèn, trọng tâm của nghề là phát triển các mặt hàng phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp. Những sản phẩm thuộc nhóm hàng này rất phong phú và đa dạng như: cuốc gồm các loại: cuốc bàn, cuốc cánh bướm, cuốc chim…; cày bừa các loại: cày chìa vôi, cày 51, cày bừa cải tiến…; rìu các loại: rìu chặt, rìu bổ…; búa các loại như: búa tạ, búa tay, búa đinh, búa chặt cây, búa bổ củi…; liềm các loại như: liềm gặt lúa nước, liềm gặt lúa nương, liềm cắt cỏ tranh…Ngoài ra còn có xẻng, xà beng, chòng, thuổng các loại.

Trong hàng số các mặt hàng như vậy, các nông cụ phục vụ nông nghiệp là phong phú nhất. Điều đó chứng tỏ nghề nông ở Lý Nhân nói riêng và ở các miền quê khác nói chung là động lực cho nghề rèn ra đời và phát triển.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các nông cụ bằng tay dần được thay thế bằng những máy móc hiện đại như: cỗ máy gặt, những cỗ máy cắt cỏ, máy bừa xuất hiện trên

những cánh đồng. Sự phát triển mạnh mẽ ấy đã thúc đẩy người dân làng rèn phải hăng say trong sản xuất, tư duy và sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm mới để phục vụ cho cuộc sống ngày một tốt hơn.

2.4.1.3 Hàng phục vụ nghề mộc.

Trên địa bàn xã Lý Nhân, tồn tại song song với nghề rèn là nghề mộc truyền thống. Nghề mộc không nổi tiếng như nghề mộc ở An Tường nhưng cũng có những khởi sắc và đóng góp lớn vào cuộc sống của người dân nơi đây. Những mặt hàng thuộc nhóm phục vụ nghề mộc nay gồm rất nhiều loại như: các loại đục, cưa, đinh, khuy, vít các loại, lưỡi bào…Trong tất cả các dụng cụ trên thì lưỡi bào là đặc biệt hơn cả. Lưỡi bào gỗ được người dân làm mỏng hơn so với lưỡi bào sắt. Lưỡi bào được mài rất công phu sao cho đầu lưỡi mang một màu trắng bạc và mỏng bay, đảm bảo độ sắc.

Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của máy móc nên các sản phẩm ngày càng phong phú về chủng loại. Những sản phẩm làm với kỹ thuật khó cũng dần dần được chú trọng phát triển. Với quá trình lấy nghề nuôi nghề đã đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt của người dân ở Lý Nhân. Với những chuyển mình của đất nước, nghề rèn nơi đây cũng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn để có thể vươn cao, vươn xa ra các vùng lân cận và cả các nước anh em.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w