Chuẩn bị lò rèn và tạo phôi rèn.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 26)

2.3.2.1 Chuẩn bị lò rèn.

Lò rèn là một dụng cụ không thể thiếu trong quá trình rèn của bất cứ làng rèn nào. Dù kích thước của lò rèn có sự chênh lệch nhưng về cơ bản lò rèn vẫn có những thông số kỹ thuật chung như: lò được đặt ở ngay gian bên cạnh nhà; được đặt ở nơi thoáng mát và thông gió. Với mái ngói lợp bằng những tấm tôn nên độ bền lâu hơn hẳn so với mái lá trước kia. Diện tích dùng để đặt một lò rèn ở Lý Nhân từ 5 – 6m2 nên rất thuận lợi cho việc sản xuất của mỗi hộ gia đình.

Lò rèn ở Lý Nhân được xây dựng theo hình vuông với kích thước 40cm. Lò rèn được xây đều ba mặt bằng gạch chịu lửa vừa tiện dụng lại sẵn có. Ở bên trong lò có khoảng 3 thanh sắt, mỗi thanh cách nhau 0.5cm để giữ than.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ở Lý Nhân những lò rèn truyền thống đang được thay thế bởi những lò rèn cao hơn hoặc là lò rèn điện. Chiếc lò mới cao khoảng 2m với kết cấu gồm ba phần: phần dưới cùng là vùng chất nguyên liệu và để các dụng cụ thiết yếu cho công việc rèn. Phần thứ hai ngăn cách với phần thứ nhất bằng một lớp gạch được tráng một lớp xi măng ở trên. Ở phần này, người chủ lò xây dựng khá thoáng để có thể chứa được than cũng như là những thác sắt dài. Ở đây còn được gắn một chiếc môtơ để quạt lò. Tùy thuộc vào quy mô của lò mà sử dụng loại môtơ nhỏ 100W hay 500W

cho phù hợp với công việc rèn. Mô tơ điện phải để cố định nên thường được gắn lên bệ gỗ và tùy từng lò rèn tự thiết kế cách điều chỉnh quạt gió cho phù hợp. Phần thứ ba là hệ thống ống khói dài vượt qua mái để làm nơi thoát khí than ra ngoài, làm giảm nhiệt độ của lò phả ra xung quanh, bảo vệ sức khỏe của người thợ rèn.

Những lò rèn kín này được phổ biến ở khu sản xuất tập trung và những hộ gia đình thường xuyên rèn những vật rèn to như dao, rựa…bởi việc xây dựng lò cũng tốn khá nhiều chi phí. Bên cạnh đó, kiểu lò nung bằng điện đang là một xu hướng được ưa dùng bởi nguồn nhiên liệu than đang ngày càng trở lên đắt đỏ và khan hiếm.

Tuổi thọ của lò phụ thuộc vào người thợ sử dụng và tần suất công việc của mỗi lò rèn. Số lần rèn càng nhiều thì nhiệt lượng trong lò cao sẽ làm cho tuổi thọ giảm và ngược lại. Để đảm bảo được tuổi thọ của lò rèn, người thợ càn có những điều đáng chú ý khi sử dụng:

Lò mới xây thì phải để khô mới được sử dụng để hạn chế những nứt nẻ đáng tiếc có thể xảy ra.

Khi làm xong công việc, không được dùng nước để tắt lò và phải lấy hết than ra khỏi lò để lò tự tắt.

Với cách sử dụng như trên, lò rèn sẽ có tuổi thọ lâu bền và phát huy được hiệu quả trong việc tạo ra những phôi nóng đủ độ để từ đó tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

2.3.2.2 Tạo phôi rèn.

Nguyên liệu mua về được người thợ chọn và phân chia thành các loại tương ứng với các loại sản phẩm rèn khác nhau. Việc xác định kích thước phôi ban đầu, trọng lượng thật của sản phẩm và lượng sắt hao trong quá trình rèn là một khâu quan trọng. Sau đó người thợ mới pha sắt để tạo phôi thô. Để đảm bảo chất lượng vật rèn, người thợ cả phải tính toán cụ thể trong từng sản phẩm.

Lượng sắt thép nhiều hay ít tùy thuộc vào chất lượng thép và thời gian rèn. Rèn lâu thì hao nhiều mà rèn nhanh thì hao ít. Sự chuyên hóa trong cung cấp nguyên liệu đã giúp cho các nhà sản xuất giảm được thời gian pha chế sắt. Nếu như trước đây, người thợ rèn phải pha chế sắt nguyên khối mất nửa ngày thì nay nguyên liệu đã được các nhà cung cấp các loại kích cỡ tùy theo yêu cầu của sản xuất. Khi tạo phôi đòi hỏi độ chính xác cao nên các động tác cắt của người thợ rèn phải mạnh và dứt khoát. Tùy theo sản phẩm định làm mà người thợ định hình độ dài, rộng và trọng lượng của sắt. Sau đó, người thợ dùng kéo dẻo để tạo phôi, cắt lựa tạo dáng sản phẩm. Công việc tạo phôi thô thường được làm trước khi rèn khoảng một tuần. Đến khi định rèn sản phẩm nào thì người thợ sắp lại phôi thô loại ấy từ chiều hôm trước, đồng thời chỉnh lại những phôi chưa đạt yêu cầu.

Hiện nay việc làm phôi đã có hẳn những cơ sở chuyên phụ trách. Chính vì vậy công đoạn làm ra một sản phẩm đã giảm bớt quy trình, tạo điều kiện làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa.

Tạo phôi là một quy trình vô cùng quan trọng quyết định đến hình dáng và chất lượng của sản phẩm. Phôi có đúng, có đủ và chất lượng phôi có tốt sẽ tạo ra được sản phẩm đúng kiểu dáng và đạt chất lượng.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 26)