Các giai đoạn rèn.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 35)

Để có một sản phẩm như ý, người thợ làng rèn phải tiến hành rất nhiều thao tác. Người thợ phải có đủ tầm hiểu biết để nhận diện được sức nóng của phôi, độ mạnh của lửa…có như vậy mới tạo ra được thương hiệu. Người thợ làng rèn ở Lý Nhân có những bí quyết riêng của làng nghề mà không phải nơi đâu cũng có. Đồ dùng do Lý Nhân làm ra, khi dùng mòn lưỡi vẫn cảm nhận được độ sắc của dụng cụ. Đó chính là điểm riêng mà người dùng cảm nhận được khi sử dụng sản phẩm của Lý Nhân

Để có được sản phẩm rèn hoàn chỉnh đều phải trải qua hai giai đoạn:

2.3.4.1 Giai đoạn làm thô.

Khi đã chuẩn bị được phôi, các công đoạn trong giai đoạn này có thể được gọi là giai đoạn rèn nóng. Nó được bắt đầu từ lúc đốt nóng phôi thô cho đến khi kim loại chuyển sang trạng thái dẻo, đỏ rực rồi đặt lên đe và dùng búa đập để có hình dạng cần thiết của sản phẩm.

Công đoạn thứ nhất là nung phôi. Đây là một khâu quan trọng bởi có nung đúng quy định mới không làm hỏng phôi rèn. Rèn đúng quy cách vừa đảm bảo chất lượng của sản phẩm, vừa giảm hao phí kim loại, vừa giảm hao mòn dụng cụ. Nó cũng đảm bảo an toàn trong quá trình nung, góp phần nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Chính vì vậy khi nung sắt, thợ rèn phải điều chỉnh độ mạnh của quạt sao cho lượng gió làm đủ nhiệt trong lò để sắt mềm đến độ chứ không để cho sắt chảy.

Tùy vào chất thép mà nung cho phù hợp. Tuy nhiên, muốn biết được độ thép ra sao, lượng nhiệt đã vừa chưa…người thợ lành nghề chỉ cần nhìn

vào ngọn lửa cũng như màu của thép là có thể nhận biết được. Tất cả điều đó phải nhờ vào kinh nghiệm vì đối với nghề rèn không có một phương tiện nào hỗ trợ trong việc nhìn nhận ra chất thép. Ví như nhiệt độ bắt đầu rèn thì thép có màu vàng rơm, gần đến nhiệt độ cháy thì thép có màu vàng trắng…

Người thợ nung sắt bằng cách cho than vào lò, kéo bể, thổi lửa, cho than thật hồng, đưa thanh sắt cần nung vào lò. Người thợ phụ luôn phải kéo bể để thổi lửa giữ cho lò lửa rực đều, có đủ nhiệt đủ để làm mềm sắt. Trước kia dùng kéo đẩy hai ống bể, sau này dùng quay tay nên lượng nhiệt nhiều khi không được đều. Trong những năm trở lại đây, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, người thợ làng rèn đã dùng mô tơ điện để thổi lò hoặc cao hơn nưa là dùng lò điện với tần suất lớn đã đảm bảo lượng nhiệt đều và rộng khắp gian lò.

Sau khi nung nóng phôi, người thợ cho phôi ra ngoài và tiến hành thao tác rũ vẩy. Miếng sắt được nung trong lò than đỏ rực, đến độ mềm vừa phải, vừa rút ra khỏi lò, vừa gạt hết vảy sắt thì người thợ dùng búa nện hết sức cho miếng sắt dẹt ra. Thao tác rũ vẩy là một công việc quan trọng trong cho quá trình rèn tiếp theo. Vẩy là một lớp ôxít sắt rất cứng và dòn. Khi để vẩy dính trên mặt của vật rèn, sau này sẽ trở thành một lớp chai rất khó gọt cho sản phẩm được nhẵn như ý muốn. Gặp trường hợp bị vẩy đóng còn sót lại, người làng rèn Lý Nhân cho vào nung hơ lại lửa và nhúng nhanh vào nước, sau đó dùng búa đập mạnh vào bề mặt có vẩy. Với cách làm như vậy thì những mảnh vẩy còn sót lại sẽ bị bung ra khi dùng búa đập mạnh vào. Đây chính là kinh nghiệm của người thợ lành nghề truyền dạy cho con cháu trong gia đình trong mỗi lần sản xuất.

Công đoạn thứ hai là tiến hành rèn nóng. Trong các lò rèn gia đình, công việc rèn nóng này thường được giao cho các thợ phụ làm. Đây là một công đoạn cần nhiều sức khỏe và sự dẻo dai. Thông thường ở Lý Nhân sẽ có hai người thợ phụ và một người thợ cả cùng làm công việc này. Một tay cầm búa, một tay cầm phôi, người thợ cả hết nện búa lại lật sắt, bàn tay khéo léo

tài tình. Thông thường chỉ có hai người quai búa nhưng đôi khi công việc bận rộn thì có đến ba người cùng tham gia làm. Luân phiên theo vòng tròn, hết người này đến người khác. Tuy quai búa cùng lúc mà tiếng nện đe nghe đều chan chát, không bao giờ sai nhịp. Điều đó chứng tỏ sự phối hợp nhịp nhàng của những người thợ đã đạt đến mức độ thuần thục và chuẩn xác cao độ. Hiện nay, với sự xuất hiện của búa máy thì công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Ngay cả công đoạn rũ vẩy cũng được tiến hành trên mặt đe của búa. Như vậy là công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Với những nhát búa lớn với cường độ mạnh và đều đặn đã khiến những miếng thép dẹt ra đều đặn giống như mong muốn của người thợ.

Đây là công đoạn tiêu tốn nhiều sức lực nhất nên thường dành cho những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh trong gia đình đảm nhận. Cũng chính vì thế mà thanh niên làng rèn thường vạm vỡ và có sức vóc hơn người. Sự tập trung tinh thần cao độ, sự khéo léo trong công việc đã rèn luyện cho con người làng rèn những phẩm chất đáng quý, đó là tính cẩn thận, tính cần cù chịu khó và tinh thần trách nhiệm cao.

Sau công đoạn rèn nóng, người thợ Bàn Mạch lại tiến hành cho thanh sắt vào lò nung đỏ. Sau khi nung đỏ xong, người thợ dùng kéo to kẹp thanh sắt để ra ngoài để tiến hành khâu tạo dáng cho sản phẩm.

Công đoạn thứ ba, người thợ tiến hành một số thao tác để tạo hình cho sản phẩm. Công việc tạo dáng sản phẩm chủ yếu do người thợ cả đảm nhiệm. Việc tạo dáng sản phẩm là khâu khá quan trọng, vừa phải đập, nắn tạo hình dáng sản phẩm vừa đảm bảo tính mĩ thuật cho sản phẩm. Ví dụ như khi rèn kéo, người thợ phải gõ đập sao cho ra hình thù cái kéo, phần lưỡi kéo, phần tay cầm sao cho hai mặt kéo phẳng; khi lắp và đóng đinh chốt xong phải xí nhưng không bị dít khi đóng mở; cắt dễ dàng, sắc ngọt, phần tay cầm phải uốn thon vừa tay, dễ cầm, dễ điều khiển đồng thời phải đảm bảo tính kỹ thuật và đẹp mắt. Người thợ cả ngồi tay trái cầm kìm kẹp sắt, tay phải cầm búa tay,

lúc nung sắt cho đỏ thì đưa lên đe đập, dồn, dàn, nắn cho thanh sắt chuyển dần thành hình dáng của sản phẩm với kích thước gần tương đương.

Sau công việc tạo dáng, người thợ tiến hành bào nhẵn sản phẩm. Người thợ dùng bào thép bào hết các vết sờn, lồi, lõm của vết búa đập lúc rèn nóng. Khi bào xong, người thợ chuyển sang khâu tiếp theo.

Khâu dũa sản phẩm: Đầu tiên dùng dũa phá, dũa để phá đi những vết lồi lõm trên sản phẩm làm nhẵn và sạch các bụi sắt còn sót lại sau công đoạn rũ vẩy. Sau đó, người thợ dùng dũa mịn, dũa cho phẳng và mịn để không còn gợn sóng trên sản phẩm.

Đến khâu mài sản phẩm: Ngày trước, khi chưa có máy móc hiện đại người thợ phải dùng bằng tay nên công đoạn mài cũng vất vả không kém. Người thợ dùng đá mài thô mài xong một lượt rồi dùng đá mài mịn để làm nhẵn, làm bóng sản phẩm, chỉnh mĩ thuật cho sản phẩm. Nhưng ngày nay, nhờ có các công cụ kĩ thuật hiện đại hỗ trợ nên người thợ làng rèn không những tiết kiệm được công sức, thời gian mà năng suất lao động và hiệu quả công việc cũng được tăng lên một cách đáng kể. Chiếc máy mài được gắn mô tơ, người thợ chỉ cần cầm chắc dao và đưa đúng chiều là lưỡi dao đã dần được thành hình. Cái khó của người thợ là phải đưa đều tay và ước chừng độ dày mỏng của lưỡi dao để mài cho đúng quy cách. Nếu lưỡi quá dày thì dao không sắc, nếu mỏng quá thì lưỡi sẽ thủng và rất dễ sứt mẻ. Để thành một sản phẩm quả thực đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm cũng như độ khéo léo nếu không sản phẩm sẽ không đẹp cũng như không tạo được độ bền.

Công đoạn thứ tư được tiến hành là công đoạn tôi. Mục đích của công đoạn tôi này là để thau trở về bản chất thép ban đầu. Độ bền của các sản phẩm Lý Nhân nổi tiếng cũng nhờ vào kỹ thuật tôi đó. Đây là bí quyết của từng gia đình và thường là công việc của người thợ cả. Họ là người có tay nghề, có kinh nghiệm lâu năm và kĩ xảo khéo léo. Công việc tôi sản phẩm nhìn tưởng đơn giản chỉ là nung lửa rồi nhúng vào nước nhưng thực ra lại

khá là phức tạp. Phương pháp tôi đúng là làm cho sản phẩm cứng mà lại không gãy giòn, không có vết dạn, nó liên quan đến nhiều yếu tố khác trong quy trình chế tác như: kĩ thuật rèn – khi rèn đập búa trên đe phải đều, đúng kĩ thuật sao cho sản phẩm dẻo phẳng, đều đặn thì khi tôi không bị vênh, nứt… Thép sau khi đã nung qua lửa sẽ mềm hơn để dễ chỉnh sửa, nên khi sửa xong phải trải qua một lần tôi lại để cho thép trở về bản chất ban đầu. Kĩ thuật tôi được truyền từ đời này sang đời khác và đúc rút qua nhiều thế hệ. Thông tin kĩ thuật chủ yếu cần nắm như: khi tiến hành tôi lại, tùy chất thép nóng già, độ đen khác nhau mà thời gian tôi khác nhau để tạo độ cứng. Ví dụ như chất thép CT 45, nhìn thấy chất thép chuyển sang độ đỏ rực mà biết độ ngừng để mang ra ủ. Khi tôi xong, người thợ cho ngâm vào nước lạnh bên cạnh với mục đích để cho sản phẩm không bị nẻ và sắt sẽ để được rất lâu. Người thợ Bàn Mạch biết cách chọn thép cũng như độ tôi rèn qua lửa nên sản phẩm đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng tin tưởng.

Bên cạnh những am hiểu về nguyên liệu để rèn, người thợ Bàn Mạch còn luôn chú ý đến nhiệt độ nung thép tôi. Cách nung thép tôi, làm thế nào để tránh cho thép khỏi bị oxi hóa nhiều, vật tôi nóng đều không bị nứt hoặc bị biến dạng sau khi tôi. Kinh nghiệm trong quá trình tôi là thép càng nhiều cacbon nhiệt độ nung thép để tôi càng thấp. Xoay trở vật tôi trong lò cho nóng đều khắp. Các vật nhỏ nên bỏ vào các hộp hay ống thép non mà nung thì nhiệt độ sẽ đều hơn.

Nước để tôi sản phẩm cũng có nhiều loại khác nhau do nó phải phù hợp với các chất thép. Nước tôi thường được sử dụng là nước giếng – thứ nước làm nguội nhanh. Nước tôi loại này phù hợp cho loại sắt thông dụng từ CT 45 trở xuống. Nước tôi vừa (tốc độ làm nguội vừa) là dầu luyn dùng để cho thép từ CT 60 trở lên bởi đây là thép già nên khi thôi như vậy sẽ hãm bớt cho sản phẩm không bị bị nổ.

Với các thao tác trên phần làm thô gần như đã hoàn thiện, người thợ lại căn chỉnh, ngắm nghía sao cho thật cân đối và dùng đe búa dặm lại sao cho thật phẳng phiu đến khi nào thật đúng ý người chế tạo ra nó. Người thợ Bàn Mạch quan niệm, một con dao phải được chau chuốt từng li, từng tý trong từng công đoạn để khi đến tay người tiêu dùng, nó phải phát huy hết tác dụng, không có bất kỳ một sai sót nào. Qua đó ta thấy người thợ làng rèn muốn làm ra một sản phẩm cũng thật cầu kỳ và lắm công phu.

2.3.4.2 Giai đoạn hoàn thiện.

Trong giai đoạn hoàn thiện này có công đoạn mài bóng lấy màu cho sản phẩm và bôi dầu là rất quan trọng.

Đây là công đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất một sản phẩm. Sau khi tôi, người thợ mài nhẵn, bóng một lần nữa. Trong công đoạn này, đá mài mà người thợ sử dụng là loại đá mài nước. Công dụng của loại đá mài này là làm cho sản phẩm trở lên sáng và sắc. Trong khi mài, việc xác định non, già là rất rõ thông qua cách gạt màu. Khi mài người ta gạt sang hai bên, nếu thấy thép gợn lên như sợi tóc thì vừa; nếu gợn to và dài là non, nếu mẻ dăm là già…gặp những trường hợp trên cần làm lại theo đúng kỹ thuật. Mài xong sản phẩm nào thì ngâm sản phẩm đó vào nước vôi trong để hạn chế bị hoen gỉ khi sử dụng. Sau đó, người thợ đem vớt ra, lau bằng vải bông rồi hơ sản phẩm trên lửa cho thật khô, hơ cho đến khi sản phẩm có màu xanh đen bóng, sáng là hoàn thành.

Khi sản phẩm có màu xanh đến bóng và sáng, người thợ làng rèn đã tiến hành một khâu cuối cùng để bảo vệ sắc màu ấy của sản phẩm bằng cách bôi dầu. Người thợ sẽ pha một lượng dầu bóng và dầu luyn vừa phải để bôi bên ngoài sản phẩm sau khi đã mài bóng lại. Với công đoạn này, cách làm như vậy để sản phẩm bóng đẹp và bảo quản được lâu hơn, không bị hoen rỉ trong trường hợp đi vận chuyển xa.

Trong quá trình rèn thủ công, một sản phẩm bắt đầu từ chọn sắt thép, định hình, định lượng sản phẩm cho đến khi rèn đập, tôi, mài, lấy màu sản phẩm là một quy trình khép kín.

Sự thuần thục, giỏi giang của người thợ rèn Lý Nhân chính là ở chỗ dưới bàn tay của họ, sắt thép phế liệu trở thành sản phẩm, đồ dùng trong các gia đình. Người dân Lý Nhân vẫn luôn tự hào:

“Sắt kia dù có cứng đầu

Cho vào bể thổi nung lâu phải mềm”. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(ca dao làng rèn Lý Nhân) Hay”

Khi nằm dưới búa trên đe Sắt to sắt bé phải ra đồ dùng Sắt bé thì thành dao con

Sắt to dao lớn, sắt tròn xà beng”.

(ca dao làng rèn Lý Nhân)

Trải qua hai giai đoạn với nhiều công đoạn thì một sản phẩm đã được hoàn thiện. Để có được những thành phẩm ưng ý và đạt chất lượng thực sự phải trải qua quá trình lâu dài và đòi hỏi tinh thần bền bỉ. Phần khéo léo là do tài năng và nhận thức của nghệ nhân. Sự nhận thức ấy chính là sự hiểu biết để nâng cao tay nghề. Muốn vậy người thợ phải có kỹ thuật, đó là sự hiểu biết về kim loại, biết phân biệt sắt thép cũng như là biết thế nào là tốt – xấu, làm thế nào cho bền và chặt.

Qua các giai đoạn trên đây ta thấy được các bước cơ bản để hoàn chỉnh một sản phẩm. Mỗi một nghề là mỗi nỗi gian truân nhưng nghề rèn thực sự là một nghề đòi hỏi người thợ phải nỗ lực hết mình và yêu nghề. Có như thế, ngọn lửa làng nghề mới được thắp sáng; sản phẩm làng rèn mới len lỏi sâu vào sinh hoạt người dân ở mọi miền tổ quốc.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 35)