Chuẩn bị dụng cụ để rèn.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 28 - 35)

Dụng cụ có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra sản phẩm cũng như là tăng năng suất lao động. Nó là phương tiện quan trọng để giúp người thợ tài hoa tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa để phục vụ cuộc sống. Ý thức được vấn đề đó nên người thợ làng rèn Lý Nhân luôn luôn chú ý để tạo ra được nhiều đồ nghề, những dụng cụ thiết yếu giúp cho các thao tác nghề diễn ra nhanh, gọn và đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ.

Dụng cụ rèn được chia thành hai nhóm:

Dụng cụ rèn truyền thống này bao gồm rất nhiều loại, trong đó phải kể đến các dụng cụ cố định và không cố định.

* Các dụng cụ cố định gồm những bộ phận chính là lò rèn, bể thổi, dàn đe, bể chứa nước tôi.

- Lò rèn: là nơi để tiến hành sản xuất. Lò rèn một chiếc lán có diện tích khoảng 12m2. Lò rèn lợp bằng tấm tôn đảm bảo sức bền, có nền đất cứng, mịn, phẳng, nhẵn. Người dân Lý Nhân thường dùng lò rèn ở bãi đất rộng rãi, thoáng mắt trước sân cửa nhà. Trong lán người ta lắp một cái lò bằng đất sét mịn chịu lửa, cao chừng 80cm, cửa lò gắn một chiếc bể thổi.

- Bể thổi: là một mô hình dạng bơm khí sơ khai, nó vận hành theo nguyên tắc hoạt động của pittông trong ống xilanh. Bể được cấu tạo gồm hai bộ phận vỏ và pittông.

Ống bể được làm bằng thân cây gỗ tròn, dài 1.2m có đường kính khoảng 20cm, được khoét rỗng, bào kỹ đánh nhẵn làm cho thành trong ống bể trơn bóng để giảm ma sát đỡ tốn sức người kéo bể. Hai đầu ống bể được bịt kín bằng hai tấm gỗ tròn. Ở mỗi bánh xe đều có đục cửa lấy gió hình chữ nhật bằng hai ngón tay. Cửa lấy gió được khép bằng một miếng da, mỗi đầu của miếng da được gắn cố định vào nắp bể. Khi kéo hoặc đẩy pittông thì hai miếng da ở hai cửa lấy gió như hai van tự động lấy gió và chắn gió không cho gió ùa vào.

Pittông: phía trong ống bể có pittông là bánh xe gỗ tròn, có tiết diện gần khít với thành ống bể. Xung quanh bánh xe có gắn lông gà cho vừa khít, vừa êm trong quá trình chuyển động. Tâm của bánh xe gỗ được gắn với cán gỗ tròn chắc, dài 1.5m, có tay cầm để người kéo bể cầm vào kéo đẩy pittông, giữa ống bể có ống dẫn gió thông với đáy lò than.

- Dàn đe: là một khối thép hình tròn, đường kính chừng 0.1 đến 0.13m được chôn chặt, cố định tại lò rèn, gần bể lò than để khi rèn búa cái đập

xuống đe không bị xê dịch và làm cho vật rèn nhẵn. Dàn đe này cao khoảng 0.25m. Đây là loại dụng cụ chính được sử dụng trong quá trình rèn thủ công.

Đe có hai loại: loại to là đe rèn (đe rèn nóng): có mặt phẳng, dùng để kê đập phôi vừa nung đỏ từ lò đưa ra. Vì vậy đe này được làm từ sắt già và nặng hơn đe nguội.

Loại đe nhỏ có mặt hơi lồi lên gọi là đe dàn (đe làm nguội). Đe này dùng để kê đập những thanh sắt nhỏ dày cho dãn ra và kê đập sửa chữa hoàn thiện sản phẩm.

Mỗi hòn đe đều phải có ngôi làm bằng gốc nhãn hay gốc xà cừ được chôn cố định ở dưới đất, đặt xung quan lò rèn. Để đe sử dụng được, người thợ đục lỗ trên ngôi gỗ và đặt đe vào để đảm bảo độ an toàn cao trong lò rèn khi thợ phụ quai búa.

Nếu lò rèn nào sử dụng búa máy thì tương ứng với nó là dàn đe hình chữ nhật (chia làm ba loại: đe rèn tông, đe rèn nguội và đe đàn) cho phù hợp với thiết kế của búa máy theo các kích cỡ 5kg, 10kg, 30kg, 50kg tùy theo các mặt hàng định rèn. Phía dưới đe của búa máy có đe phụ và đế đe chịu lực.

Để sử dụng lâu bền, khi rèn xong phải tưới nước lạnh vào đe như tôi để giữ cho thép đe không bị non; khi rèn nhiều thì bộ mặt đe không bị lõm xuống, vẫn phẳng như ban đầu lại giúp cho vật rèn được chính xác.

- Bể chứa nước tôi: người ta thường xây bể nhỏ chìm bằng xi măng. Miệng bể bằng mặt nền lò rèn. Bể nằm ở vị trò gần lò than, bên tay trái chỗ ngồi của người thợ cả, bể dài khoảng 60cm, rộng 50cm, sâu 25cm, dùng để chứa nước tôi khi làm rèn. Trung bình bên mỗi lò rèn thường có 3 bể chứa nước tôi để chứa được nhiều dụng cụ rèn.

* Dụng cụ không cố định bao gồm hàng loạt các dụng cụ như: búa, kìm, chạm, đá mài…

Búa cái (búa tạ): Búa này nặng từ 4 đến 5kg. Loại búa này dành cho người thợ phụ hay là người học việc chuyên dùng để quai phần sắt thô ban đầu để tạo hình cho sản phẩm; rèn các loại phôi có kích thước lớn hoặc dùng để chặt sắt. Khi sử dụng búa cái, người thợ phụ dùng hai tay để quai búa. Mỗi lò rèn gia đình thường có hai chiếc búa cái để dập sắt tạo hình. Ở những khu sản xuất tập trung búa máy đã được đưa vào sử dụng thay thể cho búa tay.

Búa tay: búa tay có kích thước nhỏ hơn, nặng khoảng 1.5kg nên chỉ cần cầm bằng một tay. Đây là búa của thợ cả, người thợ cả dùng búa tay để rèn phôi vừa đưa từ lò nung ra rồi chỉnh lại cho hoàn thiện. Thợ cả dùng búa này vừa đập nhẹ nhưng chủ yếu là chỉ đạo cho búa tạ đập theo cho sắt dẹp và phác hình dáng sản phẩm định sản xuất. Sau đó, thợ cả dùng búa tay gõ vào, thợ phụ đập theo cho đến khi hoàn thành sản phẩm cần rèn.

Trong mỗi lò rèn thường có từ 3 – 5 chiếc búa tay và đây thực sự là dụng cụ quan trọng để tạo hình cho sản phẩm. Chiếc búa nhỏ, khéo léo là niềm mong ước của người thợ phụ bởi khi được cầm chiếc búa ấy chứng tỏ tay nghề của họ đã được nâng lên. Chỉ cần nhìn vào chiếc búa cầm tay là người ta sẽ nhận ra vai trò, vị trí của người thợ trong lò rèn.

- Kìm: Kìm là dụng cụ không thể thiếu trong quá trình rèn tay, kìm thông thường có ba loại: kìm đại, kìm chung, kìm tiểu.

Kìm đại: kìm mỏ dài, thẳng, thường dùng loại kìm này để kẹp cho chắc thanh sắt. Nó dùng búa đập khi bắt đầu tạo dáng sản phẩm và kẹp các sản phẩm rèn có kích cỡ lớn.

Kìm trung: mỏ kìm hơi cong xòe như mỏ vịt. Loại này thường dùng khi rèn dao, liềm, hái, kéo cắt và các sản phẩm có kích cỡ nhỏ vừa phải.

Kìm tiểu: loại này thường dùng khi rèn các sản phẩm có chi tiết nhỏ. Với mỗi loại như trên thì kìm to là dụng cụ được dùng nhiều nhất. Vật rèn nào cũng cần đến loại kìm này để kẹp cho chắc. Ngoài ra, để rèn hàng đặc biệt có kim loại kìm chuyên dụng như kìm tròn (rèn hàng tròn như xà

beng…), kìm dẹt có lưỡi hơi cong xòe như mỏ vịt để kẹp cho chắc nên loại kìm này còn có tên gọi khác là kìm mỏ vịt, dùng để rèn dao to.

- Chạm : chạm có nơi còn gọi là đục hoặc đột, dùng để chặt sắt. Chạm có lưỡi mỏng và thân ngắn, rất tiện cho quá trình đục những lỗ trên sản phẩm một cách nhẹ nhàng.

Chạm được chia thành ba loại:

Chạm to: được tôi cứng, dùng để cắt sắt theo định hình, định lượng sản phẩm. Chạm vừa: còn gọi là đột, dùng để đột lỗ trên các sản phẩm.

Chạm nhỏ: dùng để đục lỗ nhỏ như lỗ chốt kéo, cắt mở răng cưa… Những năm gần đây, khi nguyên liệu nhập về được pha chế sẵn nên chạm ít dùng để chặt sắt mà thường dùng để chặt phôi thô theo hình dáng đã định. Chạm được dùng để đột bỏ những phần sắt thừa tạo dáng cho sản phẩm trước khi đưa vào lò nung. Hiện nay, chạm được sử dụng phổ biến ở những lò làm hàng thô để rút ngắn công đoạn sản xuất.

- Bào sắt: lưỡi bào bằng thép cứng được tôi kỹ, cắm vào giữa một cán bào. Hai đầu cán bào có tay cầm chắc, dùng để bào nhẵn các sản phẩm đã rèn xong. Bào cũng có vài loại to nhỏ khác nhau cho tiện dùng vào các sản phẩm khác nhau.

- Dũa sắt: Có hai loại dũa thường dùng là:

Dũa phá: dũa dùng vào công đoạn sau khi bào. Khi bào xong, người thợ dùng dũa, dũa phá đi những chỗ lồi lõm trên sản phẩm để sản phẩm trở nên nhẵn bóng.

Dũa mịn: dùng để dũa cho các sản phẩm có mặt bằng được phẳng, không bị gợn sóng trên sản phẩm. Công đoạn này làm cho sản phẩm trở nên mịn, không bị gồ ghề, tạo điều kiện thuận tiện cho công đoạn mài được tiến hành dễ dàng và nhanh hơn.

- Đá mài: Đá mài là loại đá được làm bằng hỗn hợp xi măng nhưng mịn và có công dụng mài sắc. Đã mài có nhiều loại nhưng chủ yếu là có hai loại:

Đá mài thô: dùng dể mài sản phẩm sau khi đã bào và dũa để làm nhẵn, bóng cho sản phẩm.

Đá mài mịn: chuyên dùng để mài mịn, làm bóng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Ngoài các dụng cụ nói trên, trong mỗi lò rèn còn có các công cụ chuyên dùng phụ như: que thông lò, cào móc than, cân để cân sắt than, thước đo, bồ sọt đựng than…Nhìn chung, dụng cụ của nghề rèn đều là sản phẩm của nghề rèn đúc, hầu hết dụng cụ đó đều do người thợ rèn tự làm ra, tự sắm cho mình bộ đồ nghề. Điều này vừa thể hiện tay nghề của người thợ vừa là tiết kiệm nhiều trong việc trang bị đồ nghề cho nghề rèn.

2.3.3.2 Các dụng cụ hiện đại.

Cùng với quá trình đổi mới, nghề rèn đã có nhiều chuyển biến lớn trong việc áp dụng các khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Những dụng cụ hiện đại này không chỉ có mặt ở những khu sản xuất lớn mà còn hiện diện trong các lò rèn gia đình. Máy móc đã làm cho năng suất cũng như chất lượng của các sản phẩm được tăng lên rõ rệt. Dụng cụ hiện đại có các dụng cụ sau:

- Búa máy: Búa máy được chia thành hai loại: búa máy van 1 chiều và búa máy van hai chiều. Búa máy được chạy bằng hơi hay bằng dầu. Khi búa máy hoạt động, thợ cả phải nhanh tay, nhanh mắt đưa phôi nung từ lò ra đặt lên đe búa máy rồi dùng chân điều chỉnh cần hơi để có được lực đánh theo ý mình, lúc đó nhịp chân phối hợp nhịp nhàng với nhịp tay cầm kìm. Búa máy dùng để rèn nóng. Giá một búa máy khoảng năm triệu đồng. Tuy nhiên, trong các lò rèn ở gia đình, búa máy ít xuất hiện bởi các hộ gia đình này thiếu mặt bằng sản xuất nên không có chỗ để đặt búa máy. Trong toàn làng nghề, những cỗ máy búa hạng nặng 100 – 200 thay thế sức người đang ngày càng chiếm ưu thế.

- Máy mài: Máy mài là một loại máy được sử dụng phổ biến hơn bởi nó quan trọng, thiết yếu, nhỏ gọn và giá thành phải chăng; Nó có tác dụng rất lớn trong việc mài lưỡi các sản phẩm trở nên nhanh chóng và tạo độ sắc mạnh.

Bộ phận mài, sạt là đá quay với hai loại: Đá mài thô để sạt vỡ và đá mài mịn để làm nhẵn sản phẩm trước khi đưa ra mài bằng đá nước.

- Máy cán thép: toàn làng có 5 chiếc máy cán thép được tập trung chủ yếu ở khu sản xuất tập trung của làng. Máy cán thép là một loại máy cỡ lớn, kết cấu của máy khá phức tạp trong đó có một hình trụ tròn lớn. Đây là nơi đặt tấm thép vào để cán thép cho mỏng, cho dẹt, thuận lợi cho việc tạo phôi cho quá trình rèn.

- Máy dập phôi: chiếm số lượng là 4 chiếc nên chủ yếu do các gia đình có điều kiện mua và đặt ở khu sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, người thợ ở làng rèn Lý Nhân còn sử dụng hàng loạt các máy hiện đại như: máy gọt kim loại, máy cắt hiện đại, lò nung điện, búa tự động…

Đưa máy móc vào sản xuất đã làm cho năng suất lao động tăng cao. Điển hình như với sự xuất hiện của những búa máy tự động đã thay cho người thợ phụ rất nhiều trong quá trình làm dẹt phôi nung từ lò nóng. Tuy nhiên, việc sử dụng máy móc còn có rất nhiều hạn chế. Muốn truyền nghề cho người thợ phụ thì không thể để máy móc làm tất cả các công đoạn được mà người thợ phụ phải trực tiếp nắm các thao tác để có thể đứng ra thành lập một lò rèn riêng. Mặt khác, những người thợ làm việc với máy móc nhưng lại không được đào tạo qua lớp kĩ thuật nên chỉ biết sử dụng mà không biết bảo dưỡng nên tuổi thọ của máy móc rất hạn chế. Vì vậy, để các dụng cụ thực sự phát huy tác dụng trong quá trình rèn, người làm nghề và đặc biệt là người đang học nghề phải tìm hiểu cấu tạo, tác dụng, yêu cầu, cách sử dụng và bảo quản máy móc trong các cơ sở rèn.

Với việc từng bước cơ khí hóa, đổi mới nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động, giảm ngày công lao động là một hướng phát triển mới của nghề rèn Lý Nhân hiện nay. Đây cũng là bước phát triển lớn mạnh để tạo dựng thương hiệu cho nghề rèn Bàn Mạch trong vùng và hướng ra thị trường cả nước.

Một phần của tài liệu luân văn thạc sĩ Nghề rèn ở Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ năm 1990 đến năm 2010 (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w