Khi chế tạo một sản phẩm composite, người chế tạo phải am hiểu các công nghệ chế tạo để lựa chọn được phương pháp chế tạo cho phù hợp.
Mô hình xe thân vỏ bằng vật liệu composite, sử dụng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng điện phục vụ du lịch có kết cấu thân vỏ đơn giản, phần nhiều kết cấu có dạng tấm phẳng và một số nơi mang tính thẩm mỹ có biên dạng uống cong, nhưng với bán kính cong lớn và hình dạng không quá phức tạp, chính vì vậy việc chế tạo hệ thống thân vỏ bằng vật liệu composite có thể dễ dàng thực hiện bằng phương pháp thủ công. Chọn phương pháp chế tạo vật liệu composite bằng tay.
Đối với biên dạng tấm phẳng: ta có thể sử dụng nền xưởng làm bệ đỡ cho bề mặt khuôn.
Đối với biên dạng cong: sử dụng hệ thống khung xương hoàn thiện trên xe mô hình làm bệ đỡ và làm biên dạng cho hệ thống khuôn.
Quy trình công nghệ chế tạo: xem tại mục 2.3.3 và hình 2.16.
Dựa vào vị trí chịu lực của hệ thống thân vỏ trên xe mô hình mà ta chế tạo vật liệu composite với các đặc tính (số lượng lớp gia cường) khác nhau.
- Chuẩn bị khuôn: Mặt khuôn phải hoàn toàn sạch, không có bất cứ tạp chất nào như nước, dầu, mỡ, bụi,... trên mặt khuôn. Sau đó bôi chất chống dính và chất tách khuôn lên khuôn, rồi để khô hoàn toàn tự nhiên.
- Tạo lớp gelcoat: Sau khi pha trộn màu vào gelcoat thì gelcoat đó phải sử dụng ngay. Lớp gelcoat được quét bằng cọ mềm trên bề mặt khuôn. Khi quét chỉ sử dụng phần đầu chổi quét, quét nhẹ tay, liền một vệt thẳng theo một chiều nhất định, không quét tới quét lui chồng lên vệt vừa quét, không quét theo đường cong, đường tròn. Các vệt tiếp theo song song chỉ chớm mí vệt trước, không gối đầu quá nhiều, để đảm bảo độ đồng đều của lớp gelcoat.
- Tạo các lớp gia cường bằng tay: Trải vải thủy tinh và thấm ướt resin
Sau khi lớp gelcoat đóng rắn (khô hoàn toàn nhưng dính tay) thì tiến hành tạo các lớp gia cường.
Lớp gia cường tiếp giáp với lớp gelcoat là loại vải thủy tinh mỏng mềm (0,2 ÷ 0,3 kg/m2), các lớp tiếp theo là vải Roving dệt (0,36 kg/m2 ; 0,8 kg/m2)
Resin để tạo lớp là loại không pha màu. Chất xúc tác phải pha đúng tỷ lệ, khuấy đều nhẹ nhàng cùng resin trong thiết bị thùng chứa. Sau khi pha chất xúc tác vào thì resin phải được sử dụng ngay.
Quy trình tạo lớp theo phương pháp bằng tay như sau: Trải vải thủy tinh phủ kín bề mặt khuôn, trên lớp gelcoat. Tiếp theo dùng cọ mềm, con lăn bông thấm resin đã hòa xúc tác lên vải thủy tinh đồng thời ấn nhẹ hoặc ấn con lăn bông trong khi lăn ép. Quá trình lăn, ép nhằm làm cho resin thấm vào sợi thủy tinh, tạo sự liên kết các lớp và tránh bọt khí. Sau khi làm xong lớp này thì tiếp tục làm sang lớp khác cho đến khi đạt chiều dày sản phẩm mong muốn.
- Bọt khí sẽ làm yếu lớp gia cường, cho nên phải đảm bảo resin thấm ướt đều, lăn ép thật kỹ để tránh bọt khí.
- Các mối ghép gối đầu của vải thủy tinh nên sole nhau từ 3 ÷ 5 cm, nhưng các mối ghép của lớp sau phải cách xa mối ghép của lớp trước, tránh trùng lặp giữa các mối ghép.
- Với các sản phẩm có chiều dày lớn thì sau số lớp lớn nên để một thời gian cho nguội bớt rồi mới tiếp tục làm các lớp sau.
Chất lượng của lớp gia cường ở phương pháp này, ngoài phụ thuộc vào chất lượng sợi thủy tinh và nhựa resin thì còn phụ thuộc vào quá trình lăn ép thấm resin cũng như tỷ lệ hòa chất xúc tác.