Nhiều nhà khoa học dành cả cuộc đời mình để tìm cách trả lời cho câu hỏi: Bộ não làm việc như thế nào? Còn chúng ta, đơn giản chỉ dùng bộ não để học và sống. Bộ não là một cơ quan hữu cơ tổng hợp, một cỗ máy tư duy, tiếp thu và xử lý kiến thức. Hãy giúp cỗ máy của bạn hoạt động theo sáu bước học tập hiệu quả.
***
BƯỚC 1: TÂM TRẠNG THOẢI MÁI
Bạn cần tạo động lực cho chính bộ óc của mình, giúp nó luôn ở trạng thái tràn đầy sinh lực.
Câu chuyện trải nghiệm của một học sinh
“Hàng ngày, mỗi khi đến lớp, tôi thường ngồi phịch xuống ghế, trân trân nhìn lên bảng mà tâm trí để tận nơi đâu. Cuối buổi học, tôi trở về, đầu rỗng tuếch và tâm trạng chán chường vô tận. Có những môn học tôi không hiểu, tôi đã nổi loạn và được liệt vào dạng bướng bỉnh, ngang ngạnh. Càng về cuối học kỳ, tôi hay tự hỏi liệu mình cầm cự được bao lâu hay mình có qua được học kỳ này không? Nhưng rồi khóa học của Tomson đã giúp tôi thay đổi được cách nhìn nhận về học tập. Chúng tôi đã có thời gian thảo luận rất nhiều về mục đích học tập, về cơ chế hoạt động của bộ óc và tôi nhận ra rằng mình đâu có tệ như mọi người nghĩ. Trở về nhà, tôi như muốn bay lên, tâm trí tôi thăng hoa, tràn trề sức lực. Tôi học lại kiến thức cũ với một tâm trạng mới.” Bạn cần có một tâm thế thoải mái, tự tin và đầy hứng khởi trước khi bắt tay vào công việc gì đó và cũng cần phải biết điểm mạnh trong cơ chế làm việc của bộ óc để đầu tư thời gian, năng lượng hiệu quả cho việc học.
BƯỚC 2: THU NHẬN THÔNG TIN
Cần tạo dựng phong cách tiếp thu thông tin theo các kênh học bằng nghe, hình ảnh và vận động.
“Điều khó nhất đối với tôi là không thể nào học được môn Lịch sử. Tôi cần gì biết quá khứ vì quá khứ chẳng có tác dụng gì cả. Giáo viên môn Triết học dạy rất tẻ nhạt, đọc cho chép mỏi tay. Về nhà tôi chẳng biết học như thế nào. Cứ mỗi lần nhìn vào sách là tôi lại hoa hết cả mắt, còn bàn gì đến chuyện thuộc bài. Chỉ cho tới khi biết mình rất mạnh học bằng kênh hình ảnh và tìm ra những kỹ thuật tiếp thu bài và học bài, tôi mới biết cách tiếp nhận thông tin. Để học môn Lịch sử, tôi đã vẽ sơ đồ theo thời gian và sự kiện. Tôi học bằng biện pháp chụp lại toàn bộ sơ đồ. Lần thứ nhất, tôi đã hình dung ra các nhánh chính và các từ quan trọng. Lần thứ hai tôi thấy các từ nhánh phụ đã hiện ra như in trong đầu tôi. Thế là tôi có thể yên tâm nói ra vanh vách những gì tôi đã học. Sau khóa học, tôi có thể dễ dàng lập sơ đồ cho cả môn Lịch sử, môn Sinh học, môn Địa lý và thuộc hết tất cả ý chính. Giờ thì có thể yên tâm rồi. Tôi thấy thu nhận thông tin không khó nếu biết điểm mạnh của mình.”
BƯỚC 3: XỬ LÝ THÔNG TIN
Cần xác định được kiểu xử lý thông tin của mình và điều chỉnh cho hợp lý.
“Trước đây, tôi bị chê trách là một thằng lười, đầu bã đậu, học trước quên sau. Gần đây, tôi mới biết xử lý thông tin và tìm được những điểm mạnh của mình là tư duy tổng hợp – tư duy não phải. Tôi thử rèn luyện theo phương pháp tư duy này một hai
lần và thấy hiệu quả. Trí nhớ của tôi thật sự không tồi. Đúng như tôi thường nghĩ: mình không phải là đứa dốt mà chỉ vì không biết mình cần tư duy và ghi nhớ kiến thức đó như thế nào thôi. Cách tư duy của tôi hoàn toàn khác các bạn tư duy logic, tôi có cái nhìn tổng quát về một vấn đề, môn học. Tôi thích tìm ra nguyên tắc chung hơn là chi tiết tỉ mỉ. Các giải pháp tư duy đã giúp tôi ngày càng thấy mình thông minh.” BƯỚC 4: NHỚ THEO HỆ THỐNG
Hãy sử dụng các biện pháp ghi nhớ theo các kênh thông tin một cách triệt để.
“Học thuộc lòng ư? Làm sao tôi nhồi được cái môn quái quỉ này vào đầu. Tôi đã cố gắng đọc thử vài lần mà chẳng có chữ nào vào đầu. Trong đầu tôi luôn hiện ra các câu nhận xét của cô giáo dạy môn Lịch sử: cậu đó học chậm lắm. Nghĩ vậy, tôi thấy chắc là mình ngu thật rồi. Chỉ đến khi biết kênh tiếp thu của tôi là theo kênh hình ảnh, việc ghi nhớ không thể nào học bằng cách thuộc lòng. Vì ngôn từ phải được chuyển thành hình ảnh thì tôi mới nhớ được. Các thủ pháp của Tomson đã cho tôi biết cách nhớ sơ đồ tư duy và thẻ nhớ đã trở thành cứu tinh của tôi để chống trả lại đống sách dày cộp. Tôi đã mất một thời gian ban đầu kiên trì làm vài lần để lập các thẻ nhớ. Sau đó, tôi thành lập một nhóm bạn cũng có cách học giống mình, cùng làm thẻ nhớ và truy bài cùng nhau. Học bây giờ không giống bị tra tấn nữa, vì cứ hai ngày một lần tôi chỉ cần cầm sơ đồ liếc qua 5 phút. Đến kỳ thi, tôi lôi tập bảo bối ra xem lại, tôi đã thuộc như in và không bao giờ tôi quên ý chính.”
BƯỚC 5: THỂ HIỆN TRONG HỌC TẬP
Nếu bạn nhớ được và biết được các kỹ thuật học tập bạn sẽ tự tin thể hiện một cách sáng tạo. Đó là sản phẩm đáng quý nhất của bạn.
“Lần đầu tiên, chúng tôi được học nhóm theo phương pháp này. Có ba nhóm học theo các phong cách tiếp thu khác nhau và trình bày thuyết trình theo các phong cách khác nhau. Có nhóm trình bày bằng sơ đồ, nhóm trình bày bằng thuyết trình hùng biện và có nhóm trình bày bằng đóng kịch. Điều ngạc nhiên mà chúng tôi biết được là các nhóm trình bày đúng sở trường của mình sao mà sáng tạo thế. Nhóm học bằng kênh vận động đã đóng một vở kịch khiến mọi người trong khóa học đều ngạc nhiên vì sao các bạn có thể nhớ được tất cả bài học dài như vậy.”
BƯỚC 6: KẾT QUẢ HỌC TẬP
Nếu kết quả của bạn có tiến bộ hơn trước, đó là do bạn đang đi đúng hướng. Kết quả cao là do bạn áp dụng các kỹ thuật học tập thật nhuần nhuyễn, và nó phản ánh kinh nghiệm học tập mới của các bạn. Điều quan trọng trong việc học của bạn không chỉ thể hiện ở những gì bạn học được mà còn ở cách bạn học và tư duy như thế nào. Bạn cần tạo cho mình một phong cách học tập riêng, phù hợp với khả năng và sự ưu trội trong cách tư duy của bạn. Bạn có thể kiểm soát được các môn học. Bạn cũng cần tự truy vấn mình, chẳng hạn :
• Việc học của bạn đã tiến bộ đến đâu rồi? • Còn cách nào thực hiện tốt hơn không?
• Tầm quan trọng của phương pháp học tập đối với bạn là gì? PHẦN THAM KHẢO
CÁCH TƯ DUY NHANH Các bước: