Trên đây là những nghiên cứu, đánh giá bước đầu, có thể thấy việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện là một khâu đột phá trong tiến trình thực hiện cải cách hành chính của Nhà nước ta. Mục tiêu cơ bản của việc thí điểm là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Qua giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá để có cơ sở xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương. Theo chúng tôi, để quá trình thực hiện thí điểm đạt kết quả tốt, cần phải đổi mới một cách đồng bộ những vấn đề sau đây:
Một là, việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
huyện là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, do đó, cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp trên cơ sở xây dựng các quy định pháp lý đầy đủ làm căn cứ cho việc thực hiện thí điểm; quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp; sớm hoàn thiện các quy định, quy chế hoạt động của Ủy ban nhân dân huyện nơi thí điểm không có Hội đồng nhân dân; sớm ban hành chính sách cán bộ và quy chế hoạt động mẫu đối với chức danh Bí thư, Chủ tịch, Ủy ban nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện nơi không có Hội đồng nhân dân; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể Ủy ban nhân dân huyện mới và cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính; điều hòa tốt mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân huyện mới với tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Hai là, cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các cơ quan
thông tin, truyền thông, tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt để cán bộ, công chức, nhân dân nắm bắt được chính xác chủ trương cải cách hành chính của
Đảng và Nhà nước. Đồng thời, qua việc tuyên truyền, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của nhân dân để báo cáo các cấp có thẩm quyền tiếp thu nhằm tổ chức tốt việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện và hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Ba là, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho việc triển khai và tổ chức chỉ đạo việc thực hiện thí điểm; chuẩn bị sẵn phương án, kế hoạch, nội dung cho sơ kết, tổng kết và đánh giá việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện.
Bốn là, coi trọng việc lựa chọn và giới thiệu những người thực sự tiêu
biểu, có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân huyện nơi không có Hội đồng nhân dân. Thực hiện công khai, dân chủ việc sắp xếp, bố trí cán bộ hiện đang giữ các chức vụ tại Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện nơi thực hiện thí điểm. Trường hợp bố trí cán bộ vào vị trí thấp hơn hoặc không thể bố trí giữ các chức vụ thì cần phải xem xét giải quyết chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ này.
Năm là, quá trình triển khai thí điểm phải đảm bảo sự hoạt động liên
tục, thông suốt của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự trị an và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo cung cấp tốt các dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Sáu là, trong quá trình thực hiện thí điểm, các cơ quan trung ương
được giao nhiệm vụ và các địa phương thí điểm cần phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo và định kỳ sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm sau từng giai đoạn triển khai.
Bảy là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Quán
triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động của cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ý thức phục vụ dân, gần dân, giúp dân, học dân.
KẾT LUẬN
Trong công cuộc đổi mới bộ máy nhà nước phục vụ yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vấn đề đổi mới mô hình tổ chức chính quyền huyện phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, một nội dung cải cách quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương về cải cách hành chính và luôn xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước. Các cơ quan nhà nước, trong đó Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch đã triển khai cải cách hành chính theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010. Trong đó, đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương nói chung và đổi mới mô hình tổ chức chính quyền huyện nói riêng là một phần quan trọng, gắn bó hữu cơ với toàn bộ chiến lược và chương trình cải cách bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần chủ động cải cách về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc và trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả, tác động của cải cách, để có chủ trương phù hợp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Hội nghị Ban chấp hành trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đề ra chủ trương cho phép thí điểm: (i) đối với chính quyền nông thôn: không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện; (ii) đối với chính quyền đô thị: ở huyện, quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Bỏ bớt Hội đồng nhân dân huyện, tập trung tự quản cho cấp cơ sở, nâng cao trách nhiệm tự quản của Hội đồng nhân dân tỉnh, không chỉ làm gọn nhẹ tổ chức tự quản ở địa phương mà còn là một trong những điều kiện gắn Nhà nước với dân làm cho bản chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trở nên hiện thực.
Đây có thể coi là một định hướng đổi mới rất cơ bản về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nước ta của thời kỳ đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường, phù hợp mục tiêu cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là kết quả của sự tìm tòi nghiên cứu lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp với những thay đổi về vai trò, chức năng của bộ máy nhà nước nói chung, của từng cấp chính quyền địa phương nói riêng trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, để cải cách một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm giải quyết những bất cập hiện nay thì sẽ đụng nhiều đến các quy định của Hiến pháp năm 1992, đòi hỏi phải tính đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong khi, việc sửa đổi Hiến pháp luôn là một vấn đề hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải có thời gian để đánh giá, tổng kết thực tiễn hơn 20 năm đổi mới, thực tiễn thực hiện cương lĩnh của Đảng một cách toàn diện, sâu sắc nhằm nghiên cứu lý giải những vấn đề về cơ sở lý luận một cách thuyết phục. Do đó, việc tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện trong giai đoạn này là rất cần thiết.
Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện có thành công hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện. Qua giai đoạn thí điểm, nếu đạt kết quả tốt thì sẽ triển khai rộng rãi mô hình tổ chức chính quyền huyện không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Có thể thấy, không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện là chính sách đổi mới của Đảng trong giai đoạn cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền huyện trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân mới ở bước đầu trên cơ sở kế thừa, học hỏi những kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả ở trong nước. Do đó, luận văn này sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót.
Tôi hy vọng trong thời gian tới, đề tài này tiếp tục được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền huyện trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước.