Mối quan hệ giữa chính quyền huyện mới với cơ quan nhà nước

Một phần của tài liệu Mô hình tổ chức chính quyền huyện trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 75)

Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện có mối quan hệ khăng khít với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã, là mối quan hệ trên dưới, quan hệ phục tùng và quan hệ hành chính Nhà nước. Mối quan hệ này thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước bảo đảm sự tập trung thống nhất của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở nhằm chống lại mọi biểu hiện cục bộ, địa phương, tăng

cường kỷ luật phép nước. Đồng thời tạo thế chủ động, sáng tạo của cơ quan hành chính Nhà nước địa phương, để cấp dưới phát huy được mọi khả năng của mình bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước có hiệu quả, hiệu lực.

Vậy trong giai đoạn thực hiện thí điểm không có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện mới có mối quan hệ như thế nào với cơ quan nhà nước, mà thực chất là mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân huyện với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã.

Điều 9, Nghị quyết số 275/2009/UBTVQH12 xác định rõ: Ủy ban nhân dân huyện nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp trên; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Như vậy, Ủy ban nhân dân huyện nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và theo sự phân cấp của cấp trên.

Mối quan hệ với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều từ Điều 11 đến Điều 18 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các quy định khác của pháp luật có liên quan, còn thực hiện giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân huyện mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều từ Điều 82 đến

Điều 95 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các quy định khác của pháp luật có liên quan, còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn: Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân huyện, Quyết định quy hoạch chung xây dựng các đô thị trên địa bàn huyện; Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo đảm đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Điều 4, Điều 5 Nghị quyết số 275/2009/UBTVQH12.

Không có Hội đồng nhân dân huyện, ở huyện có Ủy ban nhân dân với tính chất là đại diện của cơ quan chính quyền cấp tỉnh để giải quyết các nhiệm vụ về hành chính và các công việc liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên. Cơ chế giám sát đối với tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân huyện được thực hiện thông qua hoạt động giám sát của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và giám sát trực tiếp của nhân dân.

Vì vậy, để phát huy được thế mạnh, Ủy ban nhân dân huyện nơi không có Hội đồng nhân dân cần phải đổi mới phương thức làm việc, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp trên để triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo với cấp trên giải quyết những vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có Hội đồng nhân dân cần phải làm tốt chức năng giám sát, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời đối với chính quyền huyện, tăng quyền chủ động, sáng tạo cho Ủy ban nhân dân huyện thì mới phát huy được sức mạnh tổng hợp trên địa bàn.

Mối quan hệ với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã

Ủy ban nhân dân huyện nơi không có Hội đồng nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nơi không có Hội đồng nhân dân là người lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân xã, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban nhân dân cấp trên về việc thực hiện quyền hạn của Ủy ban nhân dân. Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ.

- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương; hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng và thực hiện ngân sách và kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn về thực hiện ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật;

- Phê chuẩn kế hoạch kinh tế - xã hội của xã, thị trấn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác lâm sản, phát triển ngành, nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản;

- Thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với cá nhân và hộ gia đình, giải quyết các tranh chấp đất đai, thanh tra đất đai theo quy định của pháp luật;

- Xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn;

- Xây dựng quy hoạch thủy lợi; tổ chức bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; quản lý mạng lưới thủy nông trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Trong các lĩnh vực như: xây dựng, giao thông vận tải; lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch; lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin và thể dục thể thao; lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường; lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo; trong việc thi hành pháp luật; tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án theo quy định của pháp luật; tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước; tổ chức tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; hướng dẫn, chỉ đạo công tác hòa giải ở xã, thị trấn; trong việc xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính.

Trong giai đoạn thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân, chính quyền huyện mới cần phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước cấp trên và cấp dưới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một phần của tài liệu Mô hình tổ chức chính quyền huyện trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)