Tích cực huy động sự tham gia của các đoàn thể như Hội nông dân, Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ vào việc nâng cao nhận thức về các vấn đề bình đẳng giới nói chung cũng như vấn đề bạo lực trên cơ sở giới. Đối với Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng để loại trừ những tệ nạn lạc hậu ngược đãi phụ nữ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều phụ nữ vẫn bị đối xử thô bạo, bạo lực gia đình vẫn còn gia tăng, điều đó một phần do chúng ta đang thiếu những cơ chế giám sát của các tổ chức xã hội, mà chỉ mới có khung pháp lý. Những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và những tác động của quá trình đổi mới, dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình, cộng đồng, do đó, phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở nước ta, nhận thức về nghề công tác xã hội còn khá mới mẻ, sự phát triển và đào tạo cán bộ nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội về bình đẳng giới còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp.
Thực tế là, các vụ vi phạm nghiêm trọng về bình đẳng giới như bạo lực gia đình (phần lớn là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực) chủ yếu được biết đến do các cơ quan truyền thông phản ánh, sau đó, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội mới vào cuộc. Như thế, về quy trình là làm ngược, không có sự hỗ trợ kịp thời và đúng lúc cho nữ giới. Nếu có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp làm công tác xã hội biết tổ chức tập huấn cũng như thường xuyên quản lý đồng thời xã hội hóa các hoạt động về bình đẳng giới theo hướng khuyến khích các cá nhân tham gia thực hiện thì có thể sẽ thu được những kết quả tốt.