Hiện nay, chúng ta đã có một bộ máy quốc gia từ trung ương đến địa phương để thúc đẩy bình đẳng giới, đây có thể coi là một cơ sở vững chắc để triển khai chính sách. Bộ máy quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam liên quan đến nhiều các cơ quan và đoàn thể như: Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ lao động, Thương binh và xã hội; Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ đặt ở tất cả các ngành, vụ Gia đình thuộc bộ Văn hóa thể dục Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ với ban thư ký đặt tại Vụ Bình đẳng giới, là một cơ quan liên ngành có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng chính phủ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mỗi bộ và tỉnh thành của Việt Nam cũng có một Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các ban này có nhiệm vụ phát triển kế hoạch hành động của Bộ và Tỉnh dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc gia. Hiện nay, có bốn bộ có Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 gồm có: Bộ lao động thương binh và xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Lao động thương binh và xã hội thì số lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu. Năm 2009 Cả nước chỉ có 7 sở Lao động - Thương binh và xã hội đã thành lập phòng bình đẳng giới (trong đó phòng bình đẳng giới riêng biệt thành lập ở Sóc Trăng, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh), 51 sở đặt bộ phận làm công tác bìnhđẳng giới trong Văn phòng Sở, ngoài ra, một số Sở giao cho các phòng lao động tiền lương, phòng tổ chức cán bộ kiêm công tác bình đẳng giới. Số cán bộ làm công tác bình đẳng giới cũng còn rất ít, cả nước hiện có 98 cán bộ làm công tác bình đẳng giới, trung bình mỗi sở có 1.5 cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Trong số cán bộ làm công tác bình đẳng giới thì tỷ lệ nam nhiều hơn (chiếm 58%) [17].
Như vậy, với đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng và yếu như hiện nay là một khó khăn, rào cản cho việc triển khai thực hiện pháp luật bình đẳng giới. Để thực hiện pháp luật bình đẳng giới có hiệu quả hơn nữa thì cần hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ Trung ương đến địa phương.