2.1.2.1. Đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chính sách BHXH tự nguyện ra đời đã tạo cơ hội cho một bộ phận lớn những NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (lao động có hợp đồng dưới 3 tháng, lao động tự tạo việc làm,...) được tham gia BHXH để hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất. Chính sách BHXH tự nguyện với cơ chế liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đã tạo cơ hội cho những NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH (còn thiếu tối đa 5 năm đóng BHXH) thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Chính sách trên của BHXH tự nguyện đã thu hút được một bộ phận lớn NLĐ
đã tham gia BHXH bắt buộc sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (theo số liệu thống kê thì hiện có trên 70% số người tham gia BHXH tự nguyện trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc).
Quy định về loại hình BHXH tự nguyện trong pháp luật nước ta đã mở ra cơ hội cho những NLĐ chưa tham gia quan hệ lao động hoặc tham gia quan hệ lao động dưới 3 tháng có cơ hội tham gia một loại hình BHXH tự nguyện, đảm bảo chế độ hưu trí và tử tuất khi về già. Quy định về mức đóng BHXH tự nguyện đã có sự lưu tâm đến thu nhập của NLĐ cũng như khả năng và nguyện vọng tham gia của họ: với mức đóng bằng 16% (từ năm 2010 tăng mức đóng 2 năm một lần cho đến khi đạt mức đóng là 22%) mức thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH. Pháp luật tạo điều kiện cho NLĐ lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, quy định như trên sẽ huy động được nhiều đối tượng tham gia, tạo khả năng tài chính cho quỹ bảo hiểm và phù hợp với tính chất của BHXH tự nguyện.
2.1.2.2. Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trên thực tế loại hình BHXH tự nguyện đã xuất hiện những quy định chưa phù hợp với đặc điểm của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tiễn kinh tế - xã hội, trong đó việc quy định các chế độ trợ cấp BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay còn chưa nhiều. Trong khi đó, tình trạng TNLĐ, BNN xảy ra ngày càng nhiều, việc quy định hai chế độ trợ cấp trong loại hình BHXH tự nguyện phần nào đã làm hạn chế đối tượng tham gia.
a. Chế độ hưu trí
Để được hưởng hưu trí hàng tháng, NLĐ phải đảm bảo điều kiện đóng
BHXH đủ 20 năm và đạt độ tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Trong trường hợp đủ tuổi nhưng còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian qui định thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm.
Tuy nhiên, quy định về điều kiện hưởng lương hưu trong chế độ BHXH tự nguyện vẫn chưa hợp lý, bởi lẽ thực tế NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện lần đầu hay những NLĐ đã tham gia BHXH bắt buộc nay chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện nhiều nhất đang ở độ tuổi 40 đối với nữ và 45 đối với nam cho đến thời điểm họ hưởng lương hưu thì lại quá tuổi mà pháp luật quy định. Ngoài ra trong trường hợp nếu người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ 20 năm công tác nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu, nay đóng BHXH tự nguyện một lần cho đủ số năm còn lại; tuy nhiên, họ phải chờ đến lúc đủ tuổi thì mới nhận lương hưu, quy định trên không tạo ra sự thu hút đối với các đối tượng tham gia.
b. Chế độ tử tuất
NLĐ tham gia BHXH tự nguyện khi chết thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tuất một lần. Tuy nhiên, quy định về điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí của NLĐ tham gia BHXH tự nguyện là phải đảm bảo thời gian tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu là 5 năm hoặc đang hưởng lương hưu.
NLĐ tham gia BHXH tự nguyện khi chết thì thân nhân chỉ được hưởng chế độ tiền tuất một lần và cách tính tùy thuộc vào số năm đóng bảo hiểm hoặc số năm đã hưởng trợ cấp và không quy định mức tối thiểu. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người có 15 năm tham gia BHXH bắt buộc, sau đó tham gia BHXH tự nguyện thì vẫn được áp dụng chế độ tử tuất theo quy định trong BHXH bắt buộc.
Pháp luật đã quy định điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất tương đối phù hợp với BHXH bắt buộc nhằm tạo ra sự liên thông giữa hai loại hình BHXH.
Theo quy định tại Nghị định 121/1998/NĐ-CP thay thế nghị định 09/1998/NĐ-CP có 4 chức danh của cán bộ xã, phường được công nhận là
công chức, có các chế độ đi kèm. Sẽ có một bộ phận cán bộ xã, phường theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP không được công nhận là công chức. Quãng thời gian tham gia của BHXH của họ không được bảo lưu, cộng nối khi chuyển sang BHXH tự nguyện mà chỉ được giải quyết chế độ một lần. Trên thực tế đối tượng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trong độ tuổi lao động, đang tiếp tục công tác tại xã là rất lớn. Họ có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu nhưng lại không được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó, như vậy sẽ có nhiều người đã đóng BHXH trên 10 năm không đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện 37.