Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay (Trang 89)

3.3.1.1. Hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Hiện nay trên thực tế số lượng người tham gia BHXH tự nguyện mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng thực tế số lao động phi chính thức và một trong những hạn chế rào cản sự tham gia của NLĐ vào hệ thống BHXH tự nguyện là pháp luật với các quy định về mức đóng tương đối cao, mức hưởng trợ cấp với hai chế độ hưu trí và tử tuất chưa nhận được sự tham gia của đông đảo NLĐ. Ngoài những hạn chế trong các quy định pháp luật thì mức thu nhập và tâm lý của NLĐ cũng tác động đến việc tham gia loại hình BHXH tự nguyện ở nước ta thời gian qua: NLĐ ở khu vực phi chính thức ở Việt Nam có sự bất ổn về thu nhập lớn, với nguồn thu nhập đó, họ chỉ tập trung những mối quan tâm trước mắt mà không có đủ điều kiện để dự phòng với những rủi ro trong tương lai.

Với phương hướng mở rộng đối tượng BHXH trong tương lai thì việc hoàn thiện pháp luật nhằm thu hút sự tham gia của NLĐ là một giải pháp cần được tiến hành: không chỉ nên quy định NLĐ không là đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc mới được tham gia BHXH tự nguyện, mà nên quy định tất cả mọi NLĐ nếu có điều kiện đều có thể tham gia BHXH tự nguyện (kể cả những đối tượng đã tham gia BHXH bắt buộc). Mọi NLĐ trong các thành phần kinh tế đều có quyền hưởng BHXH tự nguyện nếu đóng phí BHXH, đối với những người đã tham gia BHXH, nếu có nhu cầu hưởng BHXH thêm có thể tham gia theo hình thức tự nguyện. Cần mở rộng hơn qui định chỉ cho phép những NLĐ nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có từ đủ 15 năm đóng BHXH trở lên mới được đóng tiếp cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Cần mở rộng cho cả những người có dưới 15 năm đóng BHXH mà có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu; những đối tượng chưa hết tuổi lao động theo qui định trên vẫn được tham gia.

Theo quy định của Luật BHXH thì NLĐ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, quy định trên trong điều kiện hiện nay là phù hợp với khả năng tổ chức quản lý và tài chính ở nước ta. Tuy nhiên trong tương lai phải tính đến việc mở rộng các chế độ trợ cấp trong loại hình bảo hiểm tự nguyện như ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN như trong loại hình BHXH bắt buộc để phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Lúc đó BHXH tự nguyện được thực hiện như một quá trình tiếp theo của BHXH bắt buộc, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng quyền lợi cao hơn của người tham gia khi gặp rủi ro, thực hiện được giải pháp trên sẽ phù hợp với giải pháp được các quốc gia trên thế giới đề ra.

Bên cạnh hoàn thiện pháp luật, thì để mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc hỗ trợ tài chính đối với một số đối tượng nhất định trong thời gian đầu. Cần xác định cụ

thể mức trợ cấp bao lâu, thời gian trợ cấp dài hay ngắn và triển khai vào thực tiễn tạo sự hấp dẫn đối với loại hình BHXH này.

3.3.1.2. Hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động

Trong quy định của pháp luật về đối tượng áp dụng BHTN, cần có sự thống nhất giữa đối tượng thuộc diện tham gia BHTN và BHXH bắt buộc, nghĩa là NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì cũng đồng thời thuộc đối tượng tham gia BHTN. Quy định như vậy vừa đảm bảo mở rộng đối tượng tham gia BHTN, vừa dễ quản lý và tránh tình trạng lợi dụng để trốn đóng BHTN cho NLĐ. Điều này sẽ đáp ứng cao hơn nhu cầu của nhóm lao động dễ mất việc làm trên thị trường lao động hiện nay.

Cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN như đối với BHXH bắt buộc đến mọi NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên cho mọi doanh nghiệp. Việc qui định mở rộng đối tượng như trên vừa đảm bảo quyền lợi của NLĐ, vừa tạo thuận lợi cho cơ quan BHXH trong việc tổ chức triển khai. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về các trường hợp không được trợ cấp thất nghiệp, tránh tình trạng gây khó khăn trong việc xác định các trường hợp hưởng trợ cấp và khó tránh khỏi hiện tượng tiêu cực. Cần có quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng mặc dù đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng BHTN tối thiểu và chưa tìm được việc làm nhưng NLĐ vẫn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp 39.

Hiện nay theo quy định của Luật BHXH thì mức hưởng BHTN căn cứ vào mức lương làm căn cứ đóng BHTN của NLĐ, chưa có quy định mức trần hưởng BHTN, từ đó dẫn tới sự ỷ lại và lạm dụng quỹ. Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu quy định mức trần hưởng hợp lí đối với NLĐ thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự điều chỉnh lại những trường hợp được trợ cấp một lần trong BHTN, cần bãi bỏ quy định hưởng trợ cấp một lần đối với NLĐ đi thực hiện nghĩa vụ quân sự và NLĐ đã có việc làm, nhằm hạn chế tình trạng lợi

dụng chính sách BHTN để trục lợi, vừa nhằm thực hiện đúng mục tiêu của chính sách thất nghiệp là bảo đảm thu nhập cho NLĐ khi họ bị mất việc làm, giúp họ thoát khỏi khó khăn và hỗ trợ cho họ tìm kiếm việc làm mới.

3.3.1.3. Hoàn thiện quy định về các chế độ BHXH bắt buộc

a. Chế độ ốm đau: Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHXH trong chế độ ốm đau, cần có quy định về điều kiện đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng trợ cấp ốm đau, đặc biệt với các trường hợp ốm đau mắc các bệnh cần điều trị dài ngày. Hầu hết các quốc gia đều coi việc bảo đảm thời gian đóng tối thiểu là điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo công bằng và hạn chế lạm dụng hưởng trợ cấp. Vấn đề này cũng được ILO khuyến cáo trong Điều 17, Công ước số 102 năm 1952 với thời gian đề xuất khoảng 3 tháng. Bổ sung điều kiện hưởng chế độ ốm đau vào trong pháp luật nước ta là hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới và khuyến nghị của ILO, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện hưởng của các chế độ khác trong hệ thống BHXH bắt buộc ở nước ta hiện nay, tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi từ quỹ ốm đau và thai sản.

Nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các đối tượng hưởng BHXH, đề nghị cần có quy định khống chế thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau đối với lực lượng vũ trang, nhằm đảm bảo công bằng, hạn chế phân biệt đối xử giữa những nhóm NLĐ khác nhau trong việc thụ hưởng quyền lợi. Những ưu đãi cho nhóm đối tượng này đã tính vào tiền lương và chế độ phụ cấp trên phương diện BHXH, mức hưởng trợ cấp trong trường hợp ốm đau, tai nạn rủi ro đã được tính bằng 100% tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ, cao hơn nhiều so với đối tượng khác (75%), vì vậy cần khống chế thời gian nghỉ hưởng trợ cấp của họ với mức tương đương như lao động bình thường.

Mức trợ cấp bảo hiểm ốm đau tối thiểu phải được quy định bằng mức tiền lương tối thiểu chung nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người thụ

hưởng. Hiện nay, việc đảm bảo mức trợ cấp tối thiểu chung chỉ áp dụng đối với đối tượng mắc bệnh cần chữa trị dài ngày mà không áp dụng với những trường hợp ốm đau thông thường, vì vậy cần có quy định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tối thiểu trong trường hợp mức hưởng của NLĐ bị ốm đau thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

b. Chế độ thai sản: Từ góc độ bảo vệ lao động nữ, chế độ thai sản trong pháp luật Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm trong việc thiết kế chế độ với phạm vi chi trả mở rộng, thời gian hưởng hợp lí. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, cần có sự bổ sung vào Luật BHXH những đối tượng phải thực hiện sinh con theo phương pháp khoa học được nghỉ hưởng chế độ thai sản ưu đãi hơn so với chế độ bình thường; đồng thời, cần có quy định chế độ đối với người cha nghỉ việc để phụ giúp người phụ nữ khi sinh con.

Để đảm bảo công bằng hơn đối với những người đã có quá trình tham gia BHXH dài nhưng vì lí do nào đó dẫn tới không đủ điều kiện đóng BHXH 6 tháng trong vòng 12 tháng để được hưởng chế độ thai sản, cần có qui định điều kiện tối thiểu về thời gian đã đóng BHXH trước đó. Thời gian đã đóng BHXH tối thiểu đối với trường hợp này có thể qui định bằng 36 tháng trước khi sinh con.

Bổ sung đối tượng hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nam tham gia BHXH mà có vợ không tham gia BHXH sinh con. Theo quy định tại Điều 43 Luật BHXH thì khi người cha tham gia BHXH mà có mẹ không tham gia BHXH bị chết khi sinh con thì được trợ cấp một lần. Tuy nhiên, cần có quy định mở rộng trợ cấp đối với trường hợp này theo hướng chỉ cần người cha có tham gia BHXH mà có vợ sinh con thì được hưởng trợ cấp. Bổ sung quy định trợ cấp trong trường hợp trên thể hiện mục tiêu an sinh xã hội của BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ nữ sinh con.

Quy định trên phù hợp với Công ước số 102, theo đó, Điều 51 của công ước này có ghi: “Trong trường hợp bảo vệ, trợ cấp nêu tại các Điều 49 và Điều 50 ít nhất phải bảo đảm cho người phụ nữ thuộc các loại được bảo vệ đã có thâm niên được coi là cần thiết, để tránh lạm dụng, trợ cấp nêu tại Điều 49 cũng phải đảm bảo cả cho vợ của người thuộc những loại được bảo vệ, nếu người này đã có thâm niên như quy định” 30.

Cần nghiên cứu tăng số lần khám thai đối với NLĐ mang thai có bệnh lý, thai không bình thường theo hướng tăng số lần khám thai lên chín lần. Quy định trên đảm bảo tốt hơn sức khỏe cho người mẹ trong quá trình mang thai cũng như tạo cơ hội cho thai nhi phát triển bình thường và an toàn.

c. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Để tránh tình trạng có những khó khăn trong quá trình thực thi Luật BHXH về chế độ TNLĐ-BNN cần có quy định cụ thể về các trường hợp bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động, trên cơ sở đó lại trừ những tai nạn không liên quan đến quan hệ lao động, đảm bảo công bằng và tránh lạm dụng quỹ BHXH, như những tai nạn không do chủ sử dụng lao động, chẳng hạn những tai nạn khi tự ý làm công việc không phải thuộc nghĩa vụ của mình, đùa nghịch, đánh nhau trong giờ làm việc, tai nạn do bệnh lý. Đồng thời, đối với những trường hợp để xác định cụ thể tuyến đường hợp lý từ nơi ở đến nơi làm việc và các trường hợp ở nơi giao thông khó khăn, ko có người lập biên bản thì phải có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Đồng thời, nên có sự điều chỉnh trong việc tính tiền trợ cấp TNLĐ, BNN theo mức độ suy giảm khả năng lao động được tính toán trên cơ sở tiền lương đóng BHXH của NLĐ, trên cơ sở có sự tính toán đến khả năng cân đối quỹ BHXH, trong thời gian đầu chúng ta phải giữ ổn định tổng mức chi của quỹ cho chế độ TNLĐ-BNN. Như vậy, chỉ xem xét điều chỉnh tỷ lệ trợ cấp của các mức suy giảm khả năng lao động sao cho khi tính toán lấy tỷ lệ trợ

cấp sau khi đã điều chỉnh nhân với mức lương đóng BHXH vẫn bằng số tiền trợ cấp thực tế mà NLĐ được hưởng 17.

d. Chế độ hưu trí

Chế độ hưu trí là chế độ quan trọng trong hệ thống BHXH ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, sự ổn định và hoàn thiện của chế độ hưu trí tác động không nhỏ đến hệ thống BHXH của quốc gia. Ở việt Nam trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chế độ hưu trí nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của hệ thống hưu trí ở nước ta, đảm bảo mục tiêu bù đắp thu nhập cho NLĐ khi về hưu, nhưng bên cạnh đó cũng phù hợp với các nguyên tắc do pháp luật định ra, bảo toàn và làm tăng trưởng quỹ BHXH.

Đặt trong tương quan chung của hệ thống pháp luật quốc gia khác, Việt Nam cần tiến hành điều chỉnh lại quy định độ tuổi nghỉ hưu: nghiên cứu xây dựng lộ trình quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ phù hợp với nam giới, đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia (Hàn quốc quy định 60 tuổi đối với cả hai giới và tăng dần tới 65 tuổi vào 2013) vừa nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, phù hợp với nguyện vọng của đối tượng lao động nữ. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của nước ta cần phù hợp với tình hình sức khỏe và khả năng làm việc của NLĐ, phù hợp với mức tăng của tuổi thọ trung bình của nước ta, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian chi trả lương hưu, hạn chế tình trạng thâm hụt quỹ. Bên cạnh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung, chúng ta cần tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ nữ nhằm đảm bảo bình đẳng trong việc đóng và hưởng BHXH. Việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ phải đảm bảo được nguyện vọng và sức khỏe của những nhóm đối tượng nữ khác nhau. Cần xác định về hưu là quyền của NLĐ nữ, họ có thể được quyền lựa chọn về nghỉ khi đạt độ tuổi 55, còn đối với những người có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì họ sẽ lựa chọn ở lại làm

việc và tiếp tục đóng góp vào quỹ BHXH. Đó cũng là một giải pháp nhằm phát huy chất xám của một số đối tượng nữ làm công tác khoa học.

Để đảm bảo nguyên tắc mức hưởng dựa trên mức đóng BHXH và không có sự phân biệt giữa những người thụ hưởng, chúng ta cần tiếp tục cải cách các quy định về công thức tính lương hưu chung cho cả hai đối tượng. Nghiên cứu điều chỉnh mức hưởng BHXH, quy định tỷ lệ hưởng lương hưu hợp lý, cần có quy định công thức tính lương hưu giữa nam và nữ bằng nhau, tăng thời gian đóng BHXH xã hội lên để đạt được tỷ lệ 75%. Hiện nay, theo quy định của pháp luật BHXH thì lao động nam đóng BHXH 30 năm thì đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75%; lao động nữ chỉ cần đóng BHXH 25 năm thì đạt mức đóng tối đa 75 năm. Nên quy định tăng thời gian đóng BHXH để đạt mức hưởng tối đa 75%, nhằm tạo động lực để NLĐ cống hiến và tăng thêm nguồn quỹ BHXH.

Nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những đối tượng tham gia BHXH trong các khu vực thì cần có một công thức chung thống nhất tính bình quân tiền lương để tính hưởng BHXH giữa NLĐ hưởng lương theo thang lương, bảng lương nhà nước và đối với NLĐ hưởng tiền lương, tiền công theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ quyết định.

e. Chế độ tử tuất (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Không ít trường hợp, thân nhân của NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng song thời gian được hưởng lại ngắn. Khi tính toàn bộ mức hưởng trợ cấp hàng tháng của họ lại có sự chênh lệnh với mức hưởng tuất một lần nên không đảm bảo công bằng về quyền lợi. Do vậy, cần có thêm quy định với những trường hợp này, thân nhân của họ được quyền lựa chọn chế độ hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay (Trang 89)