KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ QUỸ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM 1 Khái niệm pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (Trang 27)

1.2.1. Khái niệm pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội [33, tr. 288]. Pháp luật ở Việt Nam thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

"Pháp luật về Quỹ" được hiểu là những quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến việc thu hút, huy động, quản lý và phân phối, sử dụng các nguồn lực tài chính của một lĩnh vực nào đó. "Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý" là các quy định do các cơ quan có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh, quy định các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hình thành, phát triển Quỹ, về tổ chức và hoạt động

của Quỹ, việc huy động, thu hút, "nắm giữ", cấp phát, chi tiêu và kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính của Quỹ TGPL Việt Nam.

Pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam được xây dựng từ Luật TGPL năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật TGPL, chiến lược phát triển hệ thống TGPL ở Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, các văn bản điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Quỹ bao gồm: 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg ngày 30/6/2008 về việc thành lập Quỹ TGPL Việt Nam); 01 Thông tư của Bộ Tài chính (Thông tư số 174/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ TGPL Việt Nam); 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam). Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 28/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo đã có 01 Quyết định của Thủ tướng (Quyết đính số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020); 02 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp được ban hành có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam (Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 4103/QĐ-BTP về lập, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg).

Nhìn chung, công tác xây dựng thể chế về Quỹ TGPL Việt Nam nằm trong tổng thể công tác xây dựng pháp luật về TGPL nói chung, công tác xây dựng gắn với công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Các văn bản này đều gắn với việc bảo đảm quyền được TGPL của công dân, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ những đối tượng thuộc diện nghèo, yếu thế trong xã hội. Vì vậy, khi đi vào cuộc sống đã có tác động mạnh mẽ đến tầng lớp dân nghèo, đối tượng yếu thế, nhất

là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên đã nhận được sự ủng hộ tích cực, việc tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả trên thực tế.

Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó các văn bản về Quỹ TGPL được song song soạn thảo nên sớm được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và toàn diện để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy tổ chức thực hiện TGPL; xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa các hoạt động TGPL trong đó có hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam nhằm tạo cơ chế quản lý nhà nước về TGPL để hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền được TGPL của người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.

1.2.2. Đặc điểm pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

Thứ nhất, pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam là một bộ phận của hệ

thống pháp luật nói chung. Pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền ban hành dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật đặt trong sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là những quy tắc xử sự chung có tính chất bắt buộc đối với các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội có liên quan đến Quỹ TGPL, có phạm vi áp dụng rộng, áp dụng nhiều lần. Trong trường hợp các chủ thể vi phạm các quy định này có thể bị xử lý, bị áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam được thể hiện dưới các

hình thức văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý từ cao đến thấp tương ứng với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của văn bản, phạm vi điều chỉnh rộng khắp trong cả nước, đối tượng điều chỉnh đa dạng từ các đơn vị tiếp nhận hỗ trợ đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ cho Quỹ và các cơ quan quản lý về mọi mặt hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam.

Thứ ba, pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam ra đời sớm cùng với

chế tài chính bảo đảm cho hoạt động TGPL phát triển có hiệu quả. Xác định vấn đề này cho thấy việc hoàn thiện pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam quan trọng và phải luôn song hành với việc hoàn thiện pháp luật về TGPL nói chung.

Thứ tư, pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam quy định toàn diện các

vấn đề có liên quan đến Quỹ như vị trí pháp lý, nguyên tắc hoạt động, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, nguồn thu của Quỹ, nội dung chi và phạm vi hỗ trợ của quỹ, chính sách khuyến khích, huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, quy trình hỗ trợ tài chính của Quỹ, chế độ tài chính kế toán, trách nhiệm quản lý, điều hành Quỹ…

Thứ năm, pháp luật về Quỹ TGPL ở Việt Nam có đối tượng áp dụng

là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ xã hội có liên quan đến Quỹ TGPL ở Việt Nam từ việc thu hút, vận động tài trợ, cấp phát, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của Quỹ, sử dụng và quản lý các nguồn tài chính của Quỹ đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp

luật về Quỹ TGPL.

Một phần của tài liệu Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (Trang 27)