THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC CỦA QUỸ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (Trang 45 - 50)

PHÁP LÝ VIỆT NAM

2.2.1. Tổ chức bộ máy của Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam

Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam thì cơ cấu tổ chức của Quỹ được cấu thành như sau:

Quỹ có Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ, kế toán và bộ phận giúp việc thuộc biên chế của Cục Trợ giúp pháp lý. Cục trưởng Cục

Trợ giúp pháp lý bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Quỹ sau khi thống nhất ý kiến với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Giám đốc Quỹ, bố trí bộ phận giúp việc của Quỹ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ [9].

Tuy nhiên, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, về biên chế, cán bộ của Quỹ mới được Bộ Tư pháp phân bổ 10 cán bộ, gồm có Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 01 kế toán trưởng, 01 thủ quỹ và 04 cán bộ hợp đồng vụ việc. Tổ chức, bộ máy và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam còn sơ sài, chưa hình thành các bộ phận, phòng ban nghiệp vụ chuyên sâu.

Thực tế chứng minh rằng nhiệm vụ hỗ trợ, phân bổ, quản lý nguồn kinh phí của Quỹ TGPL Việt Nam ngày càng mở rộng và khá nặng nề, tuy nhiên nguồn lực con người tại Quỹ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên Cục TGPL vẫn phải kiêm nhiệm thêm một số hoạt động của Quỹ, điều này gây ra sức ép về công việc cho Cục, làm giảm sự tập trung nguồn lực của Cục trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác TGPL. Cục vừa là cơ quan quản lý vừa là cơ quan điều phối công tác hỗ trợ kinh phí từ Quỹ và các nguồn hỗ trợ khác cùng làm giảm tính chủ động của đơn vị tài chính và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cũng như chất lượng dịch vụ TGPL. Trong khi đó, hoạt động hỗ trợ từ Quỹ đòi hỏi người vừa phải có kiến thức về tài chính - kế toán vừa phải am hiểu về công tác chuyên môn để nghiên cứu hoàn thiện thể chế về Quỹ cũng như hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; giải đáp vướng mắc; theo dõi kiểm tra hoạt động hỗ trợ; thực hiện các nhiệm vụ nhằm thu hút nguồn lực tài chính hỗ trợ cho Quỹ. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 và văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo nhanh và bền vững thời kỳ 2011-2020, theo đó nhiệm vụ của Quỹ tăng lên

đáng kể không chỉ các hoạt động liên quan đến TGPL mà còn có các hoạt động hỗ trợ pháp lý như bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ tư pháp - hộ tịch, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên, tăng cường năng lực cho cán bộ trong ngành tư pháp, tuy nhiên đội ngũ cán bộ của Quỹ vẫn không được bổ sung.

Tổ chức, bộ máy cán bộ là yếu tố quan trọng để bảo đảm hiệu quả và mức độ hoàn thành công việc của một tổ chức. Mọi hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam do chính con người tại Quỹ thực hiện. Vì vậy, tổ chức phải thực sự vững mạnh, có đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực là yếu tố không thể thiếu đối với hoạt động của Quỹ. Yếu tố con người luôn giữ vai trò then chốt trong mỗi hoạt động, để Quỹ TGPL Việt Nam hoạt động năng động, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho công tác TGPL thì đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động làm việc tại Quỹ phải có đủ về số lượng, đồng thời có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải nắm vững các quy định của pháp luật đồng thời được trang bị nghiệp vụ công tác Quỹ. Ngoài ra, lòng nhiệt tình, tận tâm với nghề của họ cũng đóng vai trò quan trọng. Khối lượng công việc quá nhiều trong khi đội ngũ cán bộ, công chức của Quỹ lại quá mỏng dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Quỹ cũng cần phải đặt ra, do đội ngũ cán bộ chuyên môn pháp lý phần lớn còn rất trẻ, kinh nghiệm công tác chưa có, lại là các cán bộ hợp đồng vụ việc nên không yên tâm công tác tại Quỹ. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ không cao, lại thiếu cán bộ có trình độ về kinh tế, cán bộ có kỹ năng Marketting tương tự như các doanh nghiệp nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc của Quỹ. Ngoài ra đội ngũ cán bộ của Quỹ cũng thường xuyên biến động do cán bộ không yên tâm công tác hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp, không có chuyên môn sâu về công tác của Quỹ nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam.

Quy định pháp luật hiện hành về cơ cấu tổ chức bộ máy của Quỹ chưa bảo đảm đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Quỹ chưa hình thành

các phòng, ban, bộ phận mang tính chuyên nghiệp. Với 04 biên chế và 06 cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác của Quỹ. Quỹ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động TGPL miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa và người dân tộc thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ TGPL; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện TGPL ở những địa phương có khó khăn. Với số lượng biên chế ít như hiện nay, Quỹ không thể hoàn thành khối lượng công việc được giao.

Do thiếu nhiều cán bộ nên Quỹ chưa mở rộng được các Chi nhánh tại các địa phương trong toàn quốc hoặc tại các thành phố lớn để mở rộng địa bàn nhanh chóng hỗ trợ cho những địa phương có khó khăn đột xuất hoặc huy động được nguồn tài trợ tại các địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của Quỹ chưa hình thành các bộ phận trực thuộc do Quỹ vẫn là đơn vị trực thuộc Cục, tương đương với đơn vị cấp Phòng nên cơ cấu, tổ chức còn đơn giản, chưa có các bộ phận chuyên trách để tổ chức thực hiện công việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Quỹ TGPL Việt Nam chưa xây dựng được đội ngũ người thực hiện công tác truyền thông, huy động tài trợ cho Quỹ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc huy động tài trợ cho Quỹ TGPL Việt Nam nên các năm qua Quỹ đã thực hiện nhiều hoạt động mời tài trợ cho công tác TGPL, tuy nhiên chưa có hiệu quả bởi chưa xây dựng được người thực sự có kỹ năng và kinh nghiệm trong các hoạt động thu hút tài trợ cũng như người am hiểu nghiệp vụ công tác Quỹ. Với đặc thù là tổ chức tài chính hơn nữa lại có chức năng huy động sự đóng góp nên Quỹ rất cần người có trình độ kinh tế - marketing, vừa giỏi ngoại ngữ và am hiểu về công tác Quỹ để có thể tìm kiếm, thuyết phục đối tác tài trợ cho Quỹ.

Qua tham khảo một số Quỹ như Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao thì cơ cấu tổ chức bộ máy của Quỹ có Giám đốc, 02 Phó Giám

đốc, 04 bộ phận chuyên môn nghiệp vụ (kế toán, văn phòng, bộ phận thông tin, tuyên truyền và bộ phận quản lý Dự án) và Hội đồng bảo trợ; Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (có quy mô, tính chất hoạt động tương tự như Quỹ TGPL) nằm trong Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cũng có Giám đốc, 02 Phó Giám đốc và bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ - văn phòng Quỹ (gồm kế toán, nhân viên văn phòng, thông tin tuyên truyền, quản lý Quỹ); Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích trực thuộc Bộ Thông tin - truyền thông gồm có Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Giám đốc và 08 bộ phận trực thuộc.

2.2.2. Mối quan hệ công tác, phối hợp của Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam

Quỹ TGPL Việt Nam là đơn vị trực thuộc thuộc Cục TGPL nên Quỹ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục, Quỹ có trách nhiệm báo cáo, kiến nghị về kết quả thực hiện nhiệm vụ, về cơ chế, chính sách, chương trình có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quỹ. Quỹ là đầu mối giúp Cục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện quan hệ công tác với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức, cá nhân. Quỹ phối hợp với Văn phòng Cục tham mưu cho Cục trưởng Cục TGPL trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức, người lao động làm việc tại Quỹ.

Quỹ chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Cục tham mưu cho Cục trưởng Cục TGPL trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính - kế toán. Đối với quan hệ với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thì Quỹ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ. Đối với quan hệ với các cơ quan, tổ chức cá nhân tài trợ cho Quỹ thực hiện theo chương trình, kế hoạch ký kết và theo quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp nếu đối tác là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Do Quỹ TGPL Việt Nam là đơn vị trực thuộc Cục TGPL, địa vị pháp lý của Quỹ TGPL Việt Nam còn quá nhỏ bé nên không thể trực tiếp phối hợp

với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để kêu gọi các luật sư đóng góp nghĩa vụ đối với hoạt động TGPL bằng cách tham gia các vụ việc TGPL hoặc đóng góp kinh phí cho Quỹ TGPL Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước về TGPL chưa phát huy hết tiềm năng, vì thế chưa làm tốt việc khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL hoặc đóng góp, hỗ trợ cho Quỹ TGPL Việt Nam.

Hiện nay, dự thảo Luật luật sư đang được xây dựng, Bộ Tư pháp cũng đã kiến nghị xây dựng nghĩa vụ thực hiện TGPL của luật sư và coi đó là nghĩa vụ xã hội của luật sư. Hàng năm, các luật sư đều phải tham gia TGPL, nếu vì lý do nào đó luật sư không tham gia được thì có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho Quỹ TGPL để trả cho tổ chức TGPL thuê luật sư khác hoặc chi phí cho trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL.

Quỹ TGPL Việt Nam cũng chưa có cơ chế phối hợp với các cơ quan truyền thông để được hỗ trợ kinh phí truyền thông rộng rãi về hoạt động của Quỹ nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp trong xã hội, hàng năm Quỹ được cấp ngân sách khoảng 20-30 triệu đồng để thực hiện truyền thông về Quỹ, tuy nhiên với số kinh phí quá bé chỉ đủ để tổ chức Tọa đàm truyền thông về Quỹ mà chưa có kinh phí để thông tin về Quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình hoặc tổ chức các sự kiện nhằm gây quỹ.

Một phần của tài liệu Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (Trang 45 - 50)