Nhìn lại những năm gần đây, hoạt động của Chính phủ nổi lên hai vấn đề rất đáng quan tâm, đó là tính chịu trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên của Chính phủ; hai hoạt động của Chính phủ chưa thực sự là một tập thể thống nhất; ngoài ra vấn đề trách nhiệm phải đề ra đường lối chủ trương chính sách cho Nhà nước và trách nhiệm phải từ chức của các vị Bộ trưởng cũng như của tập thể Chính phủ đang nổi lên là một vấn đề sôi động.
Trong nhiều phiên trả lời chất vấn, các thành viên của Chính phủ hầu như muốn đổ lỗi cho cơ chế mà không nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc phải thay đổi cơ chế cũng như con người. Chưa thấy được con người với cơ chế là một. Văn hóa từ chức chưa được nhận thức rõ trong hàng ngũ các vị Bộ trưởng và chính khách ở Việt Nam. Họ chỉ muốn làm quan để được hưởng mọi thứ từ bổng lộc đến cả những vinh hoa mà không muốn thay đổi một thực tại, tạo nên sự kém cỏi và đang có nguy cơ hủy hoại cả một quốc gia.
Trong các quy định của Hiến pháp và nhất là thực tế, nhận thức của chúng ta vẫn còn không ít khó khăn cho việc thực hiện bản tính chịu trách nhiệm của Chính phủ - hành pháp:
Thứ nhất, mặc dù theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tức là về nguyên tắc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thành công cũng như thất bại của hành pháp nhưng trên thực tế với quyền hành pháp về cơ bản được giao cho nhiều người đảm nhiệm, cộng với tư duy nhận thức của nền văn hóa tư tưởng Việt Nam, trách nhiệm cá nhân vẫn còn lu mờ, nằm xen lẫn trong trách nhiệm của tập thể bao gồm tất cả các thành viên họp thành Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Thứ hai, có quá nhiều chức danh Phó Thủ tướng, đặc biệt còn có cả chức danh Phó Thủ tướng thường trực. Việc giảm đi các chức danh Phó Thủ tướng
là một trong những tinh thần của Hiến pháp năm 1992, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tinh thần trên không được thực hiện một cách triệt để. Sự hiện diện của các Phó Thủ tướng phụ trách các khối Bộ và liên Bộ, vô tình hay cố ý đã làm giảm đi trách nhiệm của các Bộ trưởng phụ trách các ngành, các lĩnh vực trên toàn vẹn lãnh thổ đất nước theo quy định của Hiến pháp mà đáng lý ra theo quy định của Hiến pháp họ phải chịu trách nhiệm;
Thứ ba, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ không rõ ràng, nhất là không thấy vị trí vai trò của các Bộ trưởng, với tư cách là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Quốc hội về một lĩnh vực hoặc một ngành trên toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trên thực tế mọi vấn đề đều có mối liên quan mật thiết với nhau, việc tham gia của các Bộ trưởng khác nhau để giải quyết vấn đề trở nên hết sức quan trọng của hoạt động hành pháp; các thành viên của Chính phủ chưa thấy được tính chất thống nhất trong hoạt động của Chính phủ như là một tổ chức chặt chẽ, giữa các Bộ còn có rất nhiều quyết định mâu thuẫn chồng chéo lên nhau; các vấn đề phát sinh có liên quan đến các bộ không được giải quyết một cách kịp thời đã nảy sinh ra nhiều vấn đề thiếu sự thống nhất giữa các Bộ. Phiên họp Chính phủ sẽ giúp cho hành pháp giải quyết tốt vấn đề này nhưng thay vì như vậy các phiên họp của Chính phủ họp quá ít một tháng một trừ những phiên họp bất thường. Trong khi đó ở các nước khác, trung bình cứ một tuần Chính phủ họp một lần. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử phiên họp Chính phủ chính là phiên thiết triều của các triều đại phong kiến. Thiết triều hàng ngày, mà không phải hàng tháng một lần như chúng ta hiện nay, các quan Thượng thư ngày nào cũng phải thiết triều, không có vấn đề gì của mình thì cũng phải đến để cùng tham gia với các quan Thượng thư khác tư vấn cho Nhà vua các vấn đề của quan Thượng thư khác. Không có vấn đề gì được tấu trình nữa thì bãi triều. Thiết triều trong một chế độ chính trị mà Nhà nước với những chức năng rất đơn giản của các triều đại phong kiến xưa kia mà còn
như vậy, thì thử hỏi trong một Nhà nước phức tạp và đang chuyển đổi như hiện nay, một tháng có một phiên họp thường kỳ thì sao đảm bảo? Trong chế độ chính trị phong kiến, mọi thứ chúng ta có thể quy kết cho Nhà Vua, trong chế độ Tổng thống Mỹ hiện nay, họ có thể quy kết cho Tổng thống và ngay cả chế độ Nội các của Anh quốc ngày nay cũng có xu hướng quy về cho Thủ tướng Chính phủ. Quy phạm quy định về phiên họp Chính phủ của chúng ta hiện nay mang nhiều âm hưởng của cách thức làm việc của cơ quan lập pháp, với tính bàn bạc mà không mang tính hành pháp của một cơ quan điều hành. Phiên họp bất thường của Chính phủ chỉ được tổ chức khi có ý kiến đồng ý của trên 1/3 các thành viên;
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm tức là Chính phủ phải biết hoạch định chính sách để cải thiện đời sống của nhân dân. Và trong trường hợp ngược lại không biết hoạch định chính sách thì phải có trách nhiệm từ chức, theo thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm của Quốc hội. Điều này cho đến hiện nay vẫn còn là một vướng mắc lớn. Trách nhiệm phải hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam không được quy định một cách rõ ràng trong các quy định của Hiến pháp và luật. Vì Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp cho nên trên thực tế cũng như nhận thức của mọi người hiện nay hoạch định chính sách vẫn được mọi người thừa nhận là công việc của Đảng, các cấp chính quyền chỉ là cấp triển khai các chủ trương chính sách của Đảng vào cuộc sống, kể cả Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội và Chính phủ có trách nhiệm thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng thành pháp luật và các quyết định của nhà nước.
Cho đến nay vấn đề sáng kiến luật của Chính phủ - hành pháp vẫn chưa được làm sáng tỏ trong lý luận cũng như trong thực tế việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ và cơ cấu của Chính phủ vẫn chưa nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình
trong việc trình các dự án luật trước Quốc hội. Gần đây câu chuyện “ai nên soạn luật” đang được dư luận rất quan tâm. Đáng lưu ý là không chỉ có sự đòi hỏi “xã hội hóa” hoạt động lập pháp từ phía này, phía kia mà ngay cả các Bộ của Chính phủ dường như cũng không mặn mà lắm với hoạt động lập pháp. Trong phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI, cũng đã có nhiều ý kiến từ phía Chính phủ cho rằng Quốc hội cần phải tích cực soạn luật hơn nữa chứ không nên đặt gánh nặng lập pháp lên vai Chính phủ. Việc Chính phủ không hào hứng lắm với công tác lập pháp là một hiện tượng khá hiếm trên thế giới, thực tế cho thấy ở hầu hết các nước cơ quan hành pháp luôn tìm mọi cách để tác động đến quá trình lập pháp cho dù pháp luật có quy định cho mình quyền được trực tiếp trình dự án luật ra trước Quốc hội hay không.
Một số cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa nhất quán, chưa sát với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa thay thế, sửa đổi những quy định về quản lý nhà nước không còn phù hợp; có những loại quyết định dễ dàng bị coi là kém chất lượng, đó là những quyết định bất hợp pháp, phi thực tế và rõ ràng bất khả thi hoặc chứa đựng những sai lầm và không được ủng hộ đến mức bị sửa đổi triệt để hoặc bị hủy bỏ ngay sau khi vừa được công bố; có những chính sách đang bị biến dạng qua nhiều tầng nấc hành chính quan liêu; việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật rất chậm. Liên quan đến quy trình ban hành Quyết định hành chính, còn tồn tại một số hạn chế trong việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Quyết định là một biểu hiện của tính công khai trong hoạt động công vụ. Việc tổ chức lấy ý kiến hiện nay còn hạn chế về phạm vi, quy mô, đôi khi mang nặng tính hình thức và thậm chí có trường hợp né tránh công đoạn này, kết quả là Quyết định hoặc không được đưa vào cuộc sống hoặc gây ra phản ứng của đối tượng thi hành.
Trách nhiệm từ chức chưa phổ biến, có lẽ trong quy định và nhất là cung cách làm việc của Chính phủ chúng ta còn rất nặng nề cơ chế tập thể lãnh đạo,
làm cho chúng ta bị bỏ lỡ bao nhiêu vận hội. Và cộng với việc không quy kết được sự chịu trách nhiệm cá nhân, đáng lý ra phải có trong một cơ chế vận hành của mọi chế độ chính trị dân chủ. Trong khi đó cơ quan hành pháp của thế giới ngày càng đi vào cơ chế thủ trưởng, và dân chủ là sự quy kết trách nhiệm và không có khả năng chịu trách nhiệm thì phải từ chức.
Tình trạng tham nhũng, quan liêu, cửa quyền và lãng phí rất nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, không ít cán bộ, công chức vừa kém về đạo đức, phẩm chất vừa yếu về năng lực trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ.
Chương 3