Hoạch định chính sách Hoạt động lập pháp:

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính phủ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (Trang 74)

Công việc hoạch định chính sách ngày càng trở nên quan trọng bậc nhất của hoạt động Chính phủ hiện nay, một Ban thư ký mạnh làm việc có hiệu quả là điều kiện tiên quyết đối với công tác điều phối và soạn thảo chính sách. Ngoài ra, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ ở mọi cấp quản lý nhà nước, sự hợp tác này đòi hỏi không có những thiết chế chính thức như các ủy ban, các nhóm làm việc liên ngành và những mạng lưới liên lạc phi chính thức với tinh

thần hợp tác giữa các viên chức nhà nước. Chính phủ cần phải có những biện pháp nhằm duy trì và phát triển những mối quan hệ hợp tác nói trên. Hoạch định chính sách quốc gia là công việc rất khó, người hoạch định chính sách trước hết phải biết lường trước được những vấn đề có thể xảy ra, trong cơ cấu tổ chức nhà nước, chỉ có Chính phủ có nhân lực, vật lực và có cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ tài sản vì vậy hơn bất cứ một chủ thể nào khác, Chính phủ phải đảm nhiệm chức năng quản lý chức năng quan trọng này.

Việc hoạch định chính sách cũng như việc ra các quyết định được ban hành một cách tùy tiện, ép buộc, độc đoán và không minh bạch sẽ làm tăng chi phí quản lý nền kinh tế, làm phát sinh những rủi ro và cả tham nhũng, vì vậy cần tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản: thứ nhất, tính kỷ luật, nhằm loại bỏ những quyết định chính sách không có khả năng bảo đảm về tài chính và không có khả năng thực thi; thứ hai, tính công khai, minh bạch của quá trình đưa ra quyết định, đồng thời vẫn bảo đảm bí mật cần thiết cho quá trình thảo luận thẳng thắn; thứ ba, tính dự đoán được định hướng của chính sách; thứ tư,

lựa chọn cấu trúc hay nói một cách khác là một quá trình có trình tự chặt chẽ mà nhờ đó, chỉ có những vấn đề quan trọng mới được trình lên các nhà hoạch định chính sách, phải loại bỏ những vấn đề tầm thường và ít quan trọng.

Tính kỷ luật thể hiện ở chỗ các quyết định cần phải nhất quán, không được mâu thuẫn với các quyết định hiện hành, có khả năng chi trả về mặt tài chính và có khả năng thực hiện. Tính ổn định thể hiện ở chỗ các quyết định phải có hiệu lực lâu dài, không phải là những quyết định nông nổi, các quyết định nông nổi không chín chắn thường là những cản trở lớn cho việc xúc tiến đầu tư và các hoạt động kinh tế. Tính minh bạch trong quá trình Chính phủ ra quyết định cũng là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quyết định. Thông thường nội dung các cuộc họp của Chính phủ có tính bảo mật cao, chỉ có Bộ trưởng và những người được ủy quyền mới có quyền tham dự

cuộc họp, biên bản họp Chính phủ là những kết luận của cuộc họp mà không có bất kỳ một giải thích, một thông tin nào của các cuộc họp đã bàn luận làm cơ sở cho những kết luận đó, bản thân kết luận cũng chỉ được cung cấp một cách hạn chế cho các đối tượng có liên quan. Vì vậy, cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình đưa các vấn đề ra trước Chính phủ, nếu không như vậy, các Bộ trưởng sẽ dễ có thể thao túng hệ thống này để mưu lợi cho các chương trình chính trị của mình hay của Bộ, làm thiệt hại đến quyền lợi chung, cần áp dụng một quy trình thống nhất để tất cả các Bộ trưởng đều yên tâm rằng các vấn đề mà họ quan tâm sẽ được Chính phủ chú ý, nếu họ nghiêm túc tuân thủ các quy định của quy trình. Tính lựa chọn cấu trúc thể hiện ở chỗ các quyết định được lựa chọn phải thể hiện được sự quan trọng của vấn đề quyết định. Nhiều quyết định được đệ trình lên Chính phủ chỉ là những vấn đề thường nhật như những thay đổi nhân sự của Bộ … Chính phủ phải xây dựng các quy định về thủ tục làm việc của Chính phủ, sao cho Chính phủ không bị những sự vụ nhỏ nhặt quấy rầy, làm ảnh hưởng đến những công việc quan trọng.

Trong một hệ thống tốt, quá trình lập chính sách phải có sự tham gia của cả Bộ, ngành cụ thể có liên quan. Chính sách thì do chính khách, Bộ trưởng những nhà hoạt động chính trị phải có trách nhiệm soạn thảo. Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước ở lĩnh vực nào thì phải có trách nhiệm hoạch định chính sách ở lĩnh vực đó. Bộ trưởng phải có trách nhiệm nghĩ ra các chính sách, sau đó phải tổ chức cho các công chức tập trung sức lực của Bộ cho việc thực thi chính sách đó theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, trách nhiệm của chức danh nào, phải làm tốt chức danh ấy, quan trọng nhất vẫn là người Bộ trưởng phải biết tạo ra chính sách.

Trong hoạt động lập pháp, cần phải tạo điều kiện để Chính phủ có thể chủ động hơn. Việc lập pháp theo kế hoạch, theo chương trình chỉ tiêu, có lẽ đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay khi mà những thay đổi trong

xã hội diễn ra liên tục và Chính phủ phải đối mặt nhiều hơn với những nhu cầu điều chỉnh chính sách kịp thời cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Còn để các dự án luật trở nên khách quan hơn hay để hạn chế việc gài lợi ích cục bộ của các cơ quan soạn thảo như lâu nay nhiều người lo ngại thì cần bảo đảm minh bạch hóa quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, việc minh bạch hóa quá trình xây dựng pháp luật sẽ tạo điều kiện để công chúng dễ dàng tiếp cận nội dung các dự thảo luật, phát hiện những nội dung còn hạn chế và có thể tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo.

Ngoài ra còn một loại văn bản pháp luật hết sức quan trọng góp phần ổn định hoạt động của hệ thống hành chính, đó là loại văn bản pháp luật quy định về ủy quyền trong hoạt động hành chính, loại văn bản này đặc biệt sẽ nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính và người thay mặt họ trong hoạt động chấp hành, điều hành. Để phương thức hoạt động của Chính phủ đi vào nề nếp, Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ quốc hội cần sớm ban hành một đạo luật hoặc pháp lệnh về ủy quyền, trong đó cần quy định thật cụ thể từ phạm vi ủy quyền, tính chất công việc được ủy quyền, hình thức, giá trị pháp lý của ủy quyền đến chủ thể ủy quyền hoặc được ủy quyền, trách nhiệm trước pháp luật của các chủ thể này. Như vậy, về lâu dài sẽ góp phần thiết thực vào việc cải tiến và đổi mới phương thức hoạt động của Chính phủ.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính phủ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (Trang 74)