Nguyên nhân của các hạn chế trong công tác quản lý DTNH

Một phần của tài liệu Quản lý dự trữ ngoại hối ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 50)

Những hạn chế trong công tác quản lý DTNHNN do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan và có cả những nguyên nhân xuất phát từ chính những hạn chế của công tác quản lý.

2.2.3.1. Nguyên nhân liên quan đến các qui định pháp lý

Không có sự đồng nhất giữa các văn bản về khái niệm, phạm vi quản lý DTNHNN, khó khăn cho việc thực hiện và làm giảm hiệu quả quản lý. Điển hình nhất là chưa quy định rõ ràng về nguyên tắc bảo toàn DTNHNN dẫn đến những cách hiểu, cách đánh giá không chính xác về hiệu quả quản lý DTNHNN; Quy định về dự báo quy mô DTNHN nhiều bước còn khó thực hiện; Quy định về các hình thức đầu tư DTNHNN còn hạn hẹp, chưa có tính mở theo hướng tạo sự chủ động cho NHNN để có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, hạn chế rủi ro,...

2.2.3.2. Những hạn chế trong việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ - Định hướng chiến lược đầu tư còn mang tính thụ động

Chiến lược đầu tư mới chỉ dừng ở chỗ nhằm đảm bảo cho việc thực hiện đầu tư tuân thủ đúng các quy định về quản lý DTNH, chưa có những bước tiến mới, đột phá nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư . Hạn chế này cũng do một số nguyên nhân, cụ thể:

+ Do năng lực quản lý còn hạn chế, do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chưa cao nên việc nghiên cứu, ứng dụng những giải pháp mới trong chiến lược đầu tư gặp khó khăn.

+ Do đầu tư luôn là lĩnh vực rủi ro, mạo hiểm trong khi đó NHNN chưa có các cơ chế phù hợp cho việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vì vậy xu hướng tìm kiếm những nơi lợi nhuận cao bị hạn chế.

+ Do cơ sở vật chất chưa tốt, chưa có đầy đủ các hệ thống phần mềm cần thiết hỗ trợ cho việc ứng dụng những nghiên cứu mới cũng như là hỗ trợ cho việc đánh giá, nhận diện và đo lường các rủi ro, vì vậy khó khăn trong việc chủ động quản lý rủi ro.

- Các hình thức đầu tư còn đơn điệu

Trong nhiều năm nay, các hình thức đầu tư DTNH chỉ gồm tiền gửi và giấy tờ có giá, là những hình thức đầu tư khá truyền thống, NHNN chưa bổ sung thêm hình thức đầu tư mới nào vào danh mục để đa dạng hóa danh mục nhằm phân tán rủi ro và tăng cơ hội kiếm lời. Đối với giấy tờ có giá, phạm vi đầu tư thực tế hiện nay cũng chỉ là trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức, Nhật và trái phiếu do Ngân hàng

Thanh toán quốc tế (BIS) phát hành, chưa sử dụng hết giới hạn được phép trong đầu tư giấy tờ có giá. Ngoài ra, theo khái niệm DTNHNN, vàng cũng là một bộ phận cấu thành nên DTNHNN. Tuy nhiên, hiện tại, lượng vàng trong dự trữ không được đầu tư sinh lời cũng khiến DTNHNN mất đi một phần lợi nhuận thu từ vàng.

- Chưa áp dụng cách thức quản lý chuyên nghiệp của thế giới nên không có cơ sở để so sánh, đánh giá hiệu quả quản lý

Cách thức quản lý DTNHNN hiện nay tương đối giống mô hình của bộ phận quản lý vốn (Treasury) tại các ngân hàng thương mại, không như mô hình phổ biến của NHTW các nước, tức quản lý tài sản chuyên nghiệp theo các chỉ số chuẩn (benchmark). Với cách thức quản lý theo chỉ số chuẩn, khi quản lý, các NHTW sẽ sử dụng một chỉ số chuẩn nào đó (ví dụ Libor, chỉ số trái phiếu CP,…) để làm tham chiếu đánh giá mức lợi tức thu được từ việc quản lý DTNH và hướng việc thực hiện theo chỉ số đó. Nếu kết quả đạt cao hơn hoặc bằng so với mức tham chiếu công tac quản lý được cho là có hiệu quả và ngược lại. Cách quản lý hiện tại của NHNN là không có chuẩn để so sánh, đối chiếu mà chỉ đánh giá căn cứ vào việc thực hiện các nguyên tắc bảo toàn, thanh khoản và sinh lời, trong khi đó nguyên tắc bảo toàn cũng chưa được quy định rõ ràng. Tuy vậy, hiện tại, NHNN cũng chưa thể áp dụng ngay cách thức quản lý của thế giới vì trước hết cần có những thay đổi về cơ chế quản lý, cơ chế đãi ngộ, về các quy định nghiệp vụ có liên quan như hạch toán, kế toán, cần có những hệ thống phần mềm hỗ trợ, cần có nhân lực với trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản.... Tuy nhiên, để nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước, nhất thiết phải đổi mới cách thức quản lý.

2.2.3.3. Do ảnh hưởng của một số nhân tố khách quan

Bên cạnh những hạn chế trong công tác quản lý DTNH, hiệu quả quản lý DTNHNN cũng chịu ảnh hưởng từ một số nhân tố khách quan, cụ thể:

- Xuất khẩu ròng và đầu tư của nước ngoài

Quy mô DTNHNN đạt mức cao nhất là 23,48 tỷ USD vào năm 2007. Từ năm 2007- 2010, quy mô DTNHNN giảm sút mạnh do NHNN đã phải chi dùng khá nhiều DTNH để can thiệp thị trường và đáp ứng các nhu cầu chi của Chính phủ, trong khi đó lại không có điều kiện để tăng DTNH. Khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mỹ và

châu Âu đã khiến cho xuất khẩu ròng của Việt Nam và đầu tư của nước ngoài vào Việt nam giảm sút. Chính sự sụt giảm về quy mô cũng ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý DTNHNN. Với quy mô lớn, DTNHNN được đầu tư đa dạng hơn và với số lượng lớn hơn đối với mỗi một loại hình đầu tư, từ đó đem lại mức lợi nhuận cao hơn. Như vậy, quy mô DTNHNN nhỏ bé cũng là một yếu tố làm giảm hiệu quả quản lý.

- Mức độ chi dùng DTNHNN

DTNHNN luôn được đầu tư vào các loại hình khác nhau để thu lợi nhuận, ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ được để trên tài khoản thanh toán để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Nếu chi dùng DTNHNN đột xuất, thường xuyên và với số lượng lớn sẽ khiến tài khoản thanh toán khó đáp ứng được nhu cầu dẫn tới việc phải chuyển đổi trước hạn các loại hình đầu tư về tài khoản thanh toán như vậy có thể khiến các khoản đầu tư không thu được đủ lãi do rút về trước hạn. Trường hợp không muốn phải rút khoản đầu tư trước hạn, sẽ phải dự phòng một lượng DTNHNN tương đối trên tài khoản thanh toán. Cách thức này cũng khiến cho lợi nhuận thu từ đầu tư bị suy giảm. Thực tế mức độ chi dùng DTNHNN trong các năm từ 2008 đến 2010 khá lớn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới đối với thị trường trong nước đã khiến NHNN phải bán can thiệp khá nhiều và chi tiêu cho Chính phủ cũng ở mức tương đối. Việc sử dụng DTNH bất thường như vậy đã ảnh hưởng phần nào tới quy mô DTNHNN, tới phương hướng đầu tư và từ đó cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh lời của DTNHNN.

- Những biến động bất lợi về tỷ giá và lãi suất của các đồng tiền có trong DTNHNN

Đây là nhân tố khách quan có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến hiệu quả quản lý DTNHNN. DTNHNN là một danh mục đầu tư bao gồm nhiều đồng tiền và nhiều loại hình tài sản có tỷ lệ quy đổi và tỷ lệ sinh lời biến động từng giờ theo thị trường. Những biến động bất lợi về tỷ giá và tình hình lãi suất ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của toàn bộ danh mục đầu tư DTNHNN. Trong những năm qua, thị trường tài chính thế giới biến động khó lường, lãi suất các loại ngoại tệ đầu tư thấp khiến cho thu nhập từ đầu tư DTNH không cao. Mức độ biến động giảm giá lớn như vậy đã là một trong những nguyên nhân căn bản góp phần vào sự suy giảm về giá trị của

DTNHNN. Vậy nên nhân tố tỷ giá và lãi suất đều là những nhân tố rất cần được kiểm soát bởi ảnh hưởng của chúng đối với hiệu quả quản lý DTNHNN là rất lớn. Tuy nhiên vì chúng là những nhân tố khách quan, đồng thời là những nhân tố thị trường nên việc kiểm soát chúng lại hết sức khó khăn.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Quản lý dự trữ ngoại hối ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w