Xử lý theo pháp luật dân sự

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 64)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.4. Xử lý theo pháp luật dân sự

Hình thức xử lý theo pháp luật dân sự được áp dụng khi hành vi bạo lực đã gây ra thiệt hại cụ thể. Điều 4, Luật PCBLGĐ quy định nghĩa vụ của người có hành vi BLGĐ là “Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân BLGĐ khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật” (Khoản 4). Điều 42 của Luật này cũng ghi nhận: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ... nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Khoản 1). Những quy định này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 604, BLDS:

“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”

Các nguyên tắc bồi thường, xác định thiệt hại… được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ nói chung, bạo lực giữa vợ, chồng nói riêng, người gây ra thiệt hại phải bồi thường và người được bồi thường lại là những thành viên trong cùng một gia đình với những mối liên hệ chặt chẽ về tình cảm cũng như về kinh tế, nên vấn đề bồi thường trở nên rất nhạy cảm và tế nhị, có thể đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào và khó có tính khả thi. Vì khi đã xảy ra hành vi bạo lực, vấn đề

mà mỗi cá nhân trong gia đình quan tâm không phải là được bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào mà quan trọng là họ bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần và điều này thì không một giá trị vật chất nào có thể bù đắp. Qua thực tiễn tại Đà Nẵng cho thấy, trong quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, rất ít bị hại của các vụ án bạo lực gia đình nói chung, bạo lực giữa vợ chồng nói riêng, có yêu cầu về phần bồi thường dân sự.

Thêm vào đó có những trường hợp người vợ hoặc người chồng không có thu nhập, không có tài sản riêng mà lại có hành vi BLGĐ và phải bồi thường cho chồng hoặc vợ mình. Về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất. Nên khi phát sinh nghĩa vụ bồi thường thì phải chia khối tài sản chung của vợ chồng, xác định phần tài sản riêng của mỗi người để thực hiện nghĩa vụ. Điều này có thể làm xáo trộn gia đình, ảnh hưởng tới kinh tế cũng như khả năng sản xuất kinh doanh của gia đình. Người được bồi thường lại phải gánh chịu những hậu quả bất lợi từ việc bồi thường gây ra, nên trong nhiều trường hợp họ cũng không muốn nhận, thậm chí còn phải thực hiện nghĩa vụ thay cho vợ, chồng mình để bảo toàn tài sản gia đình. Việc thi hành án trong những trường hợp này cũng rất lòng vòng và lãng phí. Đây là vấn đề vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Tóm lại, hành vi bạo lực giữa vợ và chồng thể hiện sự bất bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng, vi phạm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình. Vì thế, để đạt được mục tiêu BĐG thực chất cần phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi BLGĐ nói chung, bạo lực giữa vợ và chồng nói riêng. Tuy nhiên, nhiều hành vi bạo lực giữa vợ và chồng gắn liền với hành vi xã hội và các tập tục truyền thống nên bên cạnh áp dụng các biện pháp pháp lý cần có các biện pháp khác như: tuyên truyền, vận động, giải thích… nhằm nâng cao nhận thức để có cách cư xử, giải quyết đúng các vấn đề trong quan hệ vợ chồng.

Chương 3

THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIỮA VỢ CHỒNG VÀ VIỆC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIỮA VỢ CHỒNG NHẰM ĐẢM BẢO BÌNH

ĐẲNG GIỚI TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)