6. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Bạo lực giữa vợ và chồng là bạo lực trên cơ sở giới
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1993 đã định nghĩa Bạo lực trên cơ sở Giới (BLG) như sau:
Bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến, những tổn thất về thân thể, tình dục, tâm lý hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư đều gọi là bạo lực trên cơ sở giới.
Bạo lực trên cơ sở Giới được miêu tả tiếp trong Báo cáo Dân số Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ (1999), như sau:
“Nó thường được biết đến như là bạo lực “trên cơ sở giới” bởi vì xuất phát một phần từ vị trí thấp kém hơn của người phụ nữ trong xã hội. Phần khác, nhiều nền văn hóa có các niềm tin, chuẩn mực và thể chế xã hội làm chính đáng hóa bạo lực đối với phụ nữ và bởi vậy gây ra bạo lực đối với phụ nữ. Cùng là những hành động như nhau nhưng nếu chúng xảy ra với người chủ lao động, người hàng xóm hoặc người quen thì sẽ bị trừng phạt, nhưng lại không có vấn đề gì nếu nam giới có các hành động đó đối với phụ nữ, đặc biệt trong phạm vi gia đình.” [9].
Bạo lực giữa vợ và chồng là bạo lực trên cơ sở giới vì những lý do sau:
+ Quan hệ giới là một trong những quan hệ cơ bản tạo nên sự tồn tại
của một gia đình. Về thực chất, nó là mối quan hệ giữa giới nam và giới nữ trong gia đình mà trung tâm là mối quan hệ giữa vợ và chồng. Quan hệ giữa vợ và chồng là quan hệ đặc biệt giữa hai người khác giới tính, ràng buộc, liên kết chặt chẽ với nhau lâu dài, thậm chí là suốt đời cả về thể xác và tâm hồn. Bạo lực giới trong gia đình thường diễn ra dưới dạng bạo lực giữa vợ và chồng. Vợ chồng dùng sức mạnh và bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ giữa họ với nhau. Trong xã hội còn tồn tại sự bất BĐG thì bạo lực trong gia đình thường là bạo lực của người chồng đối với người vợ, trường hợp bạo lực của người vợ đối với người chồng có diễn ra nhưng không phổ biến.
Ở Việt Nam, theo kết quả của Cuộc điều tra quốc gia về gia đình lần đầu tiên do Ủy ban dân số, gia đình, trẻ em (trước đây), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện được công bố ngày 26/6/2008 cho biết có 21,2% cặp vợ chồng kết hôn đã trải qua một trong những hình thức BLGĐ như: đánh, mắng, nhục mạ... Cuộc điều tra cũng cho thấy hành vi bạo lực vẫn tồn
tại ở 1/5 các cặp vợ chồng [33]. Dù số liệu thống kê có khác nhau nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ là nạn nhân của trên 95% các vụ BLGĐ [4], nạn nhân là nam giới chỉ chiếm khoảng 5%.
+ Bạo lực giữa vợ và chồng thường nảy sinh và bị chi phối bởi định
kiến giới và sự phân công lao động truyền thống. Xuất phát từ tư tưởng quyền lực đàn ông, “chồng chúa vợ tôi” mà người chồng coi vợ thuộc sở hữu của mình, cho mình có quyền được “dạy” vợ, chồng có quyền quyết định mọi việc trong gia đình, kiểm soát hoàn toàn thu nhập và chi tiêu của gia đình; mọi tài sản của gia đình đều đứng tên của chồng; xem vợ chỉ là “cỗ máy sinh sản”, có nghĩa vụ phải sinh được con trai cho nhà chồng... Hay từ quan niệm phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, người phụ nữ chỉ phù hợp với công việc nội trợ, người đàn ông mới có các tố chất phù hợp cho các công việc xã hội. Vì thế mà người chồng không cho người vợ đi làm, học tập, tham gia vào các quan hệ xã hội, khiến người vợ thường ở vị trí yếu thế, phụ thuộc vào chồng về kinh tế, văn hóa, giáo dục... Người chồng luôn muốn thể hiện sức mạnh và quyền lực của mình bằng cách buộc vợ phải phục tùng. Khi những đòi hỏi, những nhu cầu của họ không được người vợ đáp ứng, hoặc khi người chồng cảm thấy thua kém vợ thì họ dùng vũ lực để xâm phạm thể xác, nhục mạ, đe dọa về tinh thần, kiểm soát tài chính... nhằm trừng phạt vợ.
Ở góc độ khác của vấn đề này, chính người chồng lại là nạn nhân của tình trạng bạo lực, với quan niệm người chồng là trụ cột của gia đình nên người chồng phải lăn lộn tìm kiếm mưu sinh để chăm sóc gia đình. Khi người chồng không đáp ứng được những nhu cầu chi tiêu của gia đình người vợ thường chì chiết, chê bai, so sánh chồng với người đàn ông khác.
+ Bạo lực giữa vợ và chồng xâm phạm đến quyền BĐG, dẫn đến tình
trạng bất BĐG giữa vợ và chồng, những mục tiêu BĐG trong gia đình theo quy định tại Điều 4 Luật BĐG không đạt được. Để thực hiện BĐG trong gia
đình nói chung và BĐG giữa vợ chồng nói riêng, trước hết cần xoá bỏ hiện tượng bạo lực giữa vợ và chồng, thiết lập quan hệ tôn trọng, thương yêu lẫn nhau, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, giữa vợ và chồng. Khi BĐG giữa vợ và chồng được thực hiện, bạo lực giữa vợ và chồng sẽ không còn xảy ra. Vậy, muốn xoá bỏ bạo lực giữa vợ và chồng phải xoá bỏ tình trạng bất bình đẳng giới giữa vợ và chồng trong gia đình.