Bạo lực tình dục

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 43)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2Bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục xâm phạm quyền được tôn trọng danh dự nhân phẩm của vợ - chồng, là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi xâm phạm đến đời sống tình dục vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không đồng ý, thậm chí ép buộc quan hệ tình dục với một người khác vì mục đích nào đó, kể cả việc cưỡng ép vợ sinh nhiều con hoặc đẻ con trai, không cho sử dụng các biện pháp tránh thai. Đây là dạng bạo lực khó nhận biết vì nó được ngụy trang một cách kín đáo dưới vỏ bọc là quan hệ tình cảm giữa hai vợ chồng, là vấn đề tế nhị nên nạn nhân thường giấu giếm. Hành vi bạo lực này không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ mà nó còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ.

Ngày 15/6/2007, vào khoảng 4h sáng do không ngủ được L.V.P (25 tuổi, trú An Ngãi Đông, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã sang giường vợ là chị N.T.H đòi quan hệ tình dục. Vì cả ngày mệt mỏi với công việc nội trợ, lại mới sinh con nên chị H đã không đồng ý và đẩy P ra. Tức giận P đã đè ngửa

chị H ra, dùng tay lột quần áo chị P, vừa quan hệ một cách thô bạo, vừa chửi: “mi không cho tao thì mi để dành cho thằng nào” và đánh chị H, khiến chị bị gãy răng, chảy máu, sa tử cung có nguy cơ bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. (Nữ, Cán bộ Hội phụ nữ Hòa Sơn, Hòa Vang tham gia ý kiến tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU, ngày 20/10/2009 của Thành ủy Đà Nẵng về “phòng, chống BLGĐ trên địa bàn thành phố”)

Vợ mới sinh con, sức khỏe còn yếu, chồng đã không giúp đỡ, chia sẻ công việc nhà, chăm sóc vợ con, P còn dùng vũ lực để cưỡng ép vợ quan hệ tình dục. Hành vi của P đã vi phạm Luật PCBLGĐ theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2; vi phạm pháp luật về BĐG, xâm phạm quyền bình đẳng giữa vợ, chồng trong gia đình được quy định tại Điều 18 Luật BĐG; không đảm bảo nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Khoản 1 và Khoản 6 Điều 2 Luật HN&GĐ 2000: “hôn nhân tự nguyện,…, vợ chồng bình đẳng”, “... gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ,…, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ”.

Hay như trường hợp V.Đ.T (34 tuổi, trú Mân Lập, Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng) làm nghề lái xe thuê, chuyên chở hải sản bỏ cho các nhà hàng, tuy đã có 4 con gái, nhưng vẫn ép vợ là P.T.M tiếp tục đẻ để kiếm đứa con trai. Vì nhà nghèo, con cái nheo nhóc, vất vả, sức khỏe kém, không muốn sinh thêm con nên chị M đã giấu chồng dùng thuốc tránh thai. Lâu không thấy vợ có bầu, T buộc chị M xem các loại phim ảnh đồi trụy và quan hệ nhiều hơn. Vào tháng 2/2012, do chị M sơ ý nên T nhìn thấy vỉ thuốc tránh thai, T đã đánh chửi vợ và đuổi chị về nhà mẹ đẻ (Theo lời kể của cán bộ Hội phụ nữ phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng). Hành vi của V.Đ.T đã vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, vợ chồng bình đẳng và nguyên tắc vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Luật

HN&GĐ 2000; đồng thời vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật BĐG: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp”. Vợ chồng có nghĩa vụ như nhau trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vợ chồng có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh, có quyền lựa chọn, sử dụng các biện pháp tránh thai [36, Điều 10], đồng thời có nghĩa vụ thực hiện mô hình gia đình ít con nhằm đảm bảo chức năng chăm sóc, giáo dục con cái. Vợ chồng có nghĩa vụ như nhau trong việc bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho bản thân cũng cho vợ hoặc chồng mình.

Những trường hợp trên cho thấy, bạo lực tình dục không những xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ mà còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ, khiến người phụ nữ luôn cảm thấy tủi nhục, xấu hổ. Vì, bạo lực tình dục cản trở quyền được tự do lựa chọn và thực hiện các hành vi tình dục phù hợp với tâm lý, tình cảm, sức khỏe của người vợ, biến họ thành công cụ tình dục của người chồng. Khi sử dụng bạo lực để buộc vợ phải quan hệ tình dục với mình, người chồng đã không chú ý và tôn trọng tình cảm, sự tự nguyện của vợ trong quan hệ tình dục, biến vợ thành nô lệ tình dục để phục vụ và thỏa mãn nhu cầu tình dục của người chồng.

Bạo lực tình dục giữa vợ và chồng vi phạm quy định của pháp luật về BĐG trong gia đình tại khoản 1 và khoản 3 Điều 18 Luật BĐG: vợ, chồng bình đẳng với nhau trong các quan hệ liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp. Vi phạm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng được quy định tại Điều 40 BLDS 2005: vợ, chồng phải cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; và quy định vợ, chồng bình đẳng, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đìnhtại Điều 19 Luật HN&GĐ 2000.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 43)