Bạo lực tinh thần

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 46)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.3. Bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần là hành vi sỉ nhục, lăng mạ, nhạo báng, chỉ trích, đe dọa, ghen tuông, gây lo lắng, căng thẳng, sợ hãi diễn ra trong quan hệ vợ chồng; hoặc thực hiện hành vi gây áp lực thường xuyên về tâm lý cho vợ hoặc chồng như: buộc cắt đứt quan hệ với người thân, bạn bè; cô lập, cắt điện thoại, không cho đi đâu và giao tiếp với bất cứ ai; ngoại tình, cưỡng ép ly hôn, cản trở ly hôn; cản trở quyền học tập, tham gia các hoạt động xã hội của vợ hoặc chồng, hạn chế khả năng, cơ hội phát triển của mỗi bên…

Quay lại trường hợp đã đề cập ở mục 2.1.1 về việc bà H (sinh 1966) bị đâm bởi chồng là ông H.H.T (sinh 1965, trú tổ 40 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) vì ông T nghi ngờ vợ ngoại tình. Nguyên nhân sâu xa là trước đây do mâu thuẫn giữa vợ chồng nên ông T bỏ nhà lên Tây Nguyên lập nghiệp. Tại đây, ông đã chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác trong 8 năm. Vì vẫn còn yêu vợ, nên khi bà H cất công lặn lội lên Tây Nguyên tìm, ông T đã quay về sống với vợ. Là người có học vấn, từng giữ chức vụ quan trọng nhưng phải về hưu sớm, nên thu nhập của ông T không nhiều. Do kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vợ, lại thêm tính đa nghi nên dù bà H quanh năm suốt tháng quần quật làm việc kiếm tiền để mưu sinh, không đua đòi, chưng diện, nhưng hễ thấy vợ giao tiếp, nói chuyện với người khác giới là ông T lại nghĩ không hay về vợ. Thậm chí, ông không đồng ý cho vợ sử dụng điện thoại di động. Biết tính chồng, bà H cũng “chấp hành” để yên chuyện. Thế nhưng, ông T luôn nghi ngờ vợ đi làm sẽ có quan hệ này nọ… Khổ sở vì bị chồng ghen, bà H đã làm đơn xin về trước tuổi. Trong giai đoạn chờ nhận sổ hưu, bà xin đi giữ xe để kiếm thêm thu nhập. Ông T lại tiếp tục ghen vì cho rằng, nơi bà đang làm việc có nhân viên nam… Không chỉ có thế, ông T còn ngăn cản không cho vợ tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Mỗi khi thấy bà ngày đêm lo việc đoàn thể là ông lại tìm cách

chửi bới, gây gổ, cho rằng vợ đi gặp người tình… và đỉnh điểm là vào ngày 4/5/2012 ông T đã dùng dao đâm bà H [1].

Rõ ràng, hành vi thường xuyên ghen tuông, cô lập, kiểm soát không cho vợ giao tiếp, thực hiện quyền làm việc và tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh của ông T đã gây áp lực về tâm lý cho vợ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, vi phạm Điều 21 Luật HN&GĐ 2000: “Vợ, chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau”; cản trở vợ thực hiện các hoạt động tạo thu nhập cho gia đình, vi phạm Điều 23 Luật HN&GĐ 2000: “Vợ, chồng cùng bàn bạc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau… tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người” và Khoản 2 Điều 41 Luật BĐG: “Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới”, vi phạm những quy định về bình đẳng trong gia đình.

B.T.M (sinh 1968, tổ 14, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị chồng là L.T.M (sinh 1975) dùng vỏ chai bia ném vào mặt, dẫn đến bị hỏng mặt trái. Vốn hơn chồng 7 tuổi, lại sinh 2 con gái, giữa chị M và chồng nảy sinh mâu thuẫn do chồng chị có quan hệ ngoại tình với người phụ nữ khác. Ngày 04/6/2011, khi đi làm về, chị thấy chồng đang cùng người tình và con trai riêng ngồi ăn thịt vịt trong nhà mình. Bực tức vì chuyện chồng có nhân tình, có con riêng, lại còn ngang nhiên đến nhà chơi nên chị M đã la mắng, chửi bới chồng. Sau khi khuyên giải vợ vào nhà nói chuyện không được, anh T.M đã lấy chai bia ném vào mặt vợ [1].

Trong vụ việc này, từ hành vi bạo lực tinh thần (ngoại tình) của người chồng đối với vợ đã dẫn đến hành vi bạo lực tinh thần (xúc phạm danh dự,

nhân phẩm) của người vợ đối với chồng, và kết thúc bằng hành vi bạo lực thể chất. Chỉ vì vợ không sinh được con trai nên T.M đã cho mình quyền được có vợ bé, ngang nhiên dẫn người tình và con riêng về nhà ăn uống. Hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng chế độ “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”, vi phạm nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng, vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình được quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật BĐG.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)