Xử lý theo pháp luật hình sự

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 60)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.3.Xử lý theo pháp luật hình sự

Bạo lực giữa vợ và chồng bị xử lý theo pháp luật hình sự khi hành vi bạo lực đã có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

BLHS năm 1999 đã quy định tại Chương XII các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như: Tội giết người (Điều 93), Tội bức tử (Điều 100), Tội cố ý gây thương tích (Điều 104), Tội

làm nhục người khác (Điều 121)… Đồng thời Chương XV cũng quy định riêng về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có tội liên quan tới BLGĐ: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151).

Vào khoảng 17h ngày 23/7/2011, trong khi đang nhậu tại nhà cha ruột của mình, Phạm Phú Lên (34 tuổi, trú tổ 2B phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) nghe cha phàn nàn về việc vợ của Lên không biết cách ăn ở với cha mẹ chồng. Đến khoảng 21h, khi về nhà, Lên trút mọi bực tức lên đầu vợ là chị Nguyễn Thị Yến (32 tuổi, trú cùng tổ) bằng những lời lẽ cay nghiệt. Sợ hàng xóm láng giềng chê cười, chị Nguyễn Thị Yến đã nín nhịn, chịu đựng những lời sỉ vả của chồng mà không nói lại một lời. Tuy vậy, Lên vẫn chưa hả cơn giận. Khi 2 con gái là Phạm Thị Diễm Quỳnh (11 tuổi) và Phạm Thị Diễm Ngân (10 tuổi) từ nhà ông bà nội trở về nhà, vào trong phòng ngủ với chị Yến và con gái út Phạm Thị Diễm Hằng (6 tuổi), Lên cũng vào theo và tiếp tục chửi mắng vợ. Với ý định thiêu chết cả nhà, Lên lẳng lặng chạy đi tìm một vỏ lon bia rồi chiết xăng từ xe máy. Sau đó Lên cầm lon xăng đi vào phòng ngủ chốt cửa lại, đổ xăng xuống nền nhà, vào nệm ngủ, và dùng điếu thuốc lá đang hút trên tay vứt xuống chỗ đổ xăng… Hậu quả, cháu Hằng bỏng nặng dẫn đến tử vong, cháu Ngân bị thương tích 8%, cháu Quỳnh bị thương tích 15%, chị Yến bị thương tích 64%.

Bản án số 01/2012/HSST, ngày 07/01/2012 của TAND thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt Phạm Phú Lên 20 năm tù về tội “giết người” theo điểm a, c khoản 1 Điều 93; điểm a, b, p khoản 1; khoản 2 Điều 46 BLHS. Hình phạt dành cho Lên là hoàn toàn đúng đắn, trừng trị nghiêm khắc hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và răn đe những hành vi bạo lực gia đình.

Lê Văn Thân (sinh 1983, trú Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) thường xuyên nhậu nhẹt rồi đánh đập hành hạ vợ con. Ngày 11/4/2011, trong lúc cả

nhà đang ngồi ăn cơm, nghe vợ tính toán không lấy mía ép của người khác, tức giận vì vợ không chịu nghe lời mình, Thân liền cầm chén cơm bằng sứ đang ăn ném thẳng vào mặt chị Kiêm gây thương tích 15%. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 56/2011/HSST, ngày 10/11/2011 của TAND huyện Hòa Vang đã áp dụng khoản 2 điều 104; điểm b, p khoản 1; khoản 2 điều 46; điều 47 BLHS xử phạt Lê Văn Thân 18 tháng tù về tội: “cố ý gây thương tích”. Vụ án đã phản ánh rõ nét bản chất của BLGĐ, thể hiện sự bất bình đẳng sâu sắc giữa người chồng và người vợ trong gia đình, chỉ xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ mà Thân đã dùng chén ăn cơm bằng sứ là hung khí nguy hiểm ném thẳng vào mặt vợ gây thương tích.

Tội bức tử theo quy định tại Điều 100, BLHS năm 1999 là hành vi “đối

xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát”. Tội bức tử trong trường hợp bạo lực giữa vợ và chồng là một bên vợ hoặc chồng thường xuyên có những hành vi: đánh đập, chửi rủa, lăng mạ, kiểm soát, gây áp lực… khiến nạn nhân đau đớn, tủi nhục, bức bách, không chịu được phải tự sát.

Trong 15 chung sống, chị Nguyễn Thị Lưu (34 tuổi, Hà Nội) liên tục bị chồng là Nguyễn Văn Doanh đánh đập bằng cán cuốc, đòn gánh, mũ cối… khiến nhiều lần phải cấp cứu. Ngày 31/5/2009, chị gái của Doanh bị ốm nên nhờ chị Lưu đến gặt lúa. Biết chồng không đồng ý nhưng chị Lưu vẫn đến giúp và nói dối chồng là đi cắt cỏ. Chị Lưu còn biếu chị gái chồng 200.000 đồng để bồi dưỡng. Biết chuyện, Doanh nhiếc móc rồi dùng dây cu roa máy xát lúa đánh và tát vào mặt vợ. Doanh còn bắt vợ cùng về bên ngoại để mách tội. Sau khi cùng chồng về nhà, khoảng 11 giờ đêm, hai người con phát hiện chị Lưu đã chết, nằm trên giường. Kết quả pháp y cho thấy trong người chị Lưu có độc tố bả chó. Ngày 03/8/2010, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Doanh 24 tháng tù treo về tội ngược đãi vợ [17, tr.25].

Bản án này chưa đúng với hành vi phạm tội, chưa thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật. Trong vụ án này, Chị Lưu vì quá uất ức do bị chồng đánh đập, hành hạ, xúc phạm (nhiếc móc, bắt về bên ngoại mách tội), lại phải chịu cảnh bị đối xử tàn ác trong một thời gian dài (15 năm) nên đã phải tìm đến cái chết; vì vậy, Doanh phải bị xử lý theo khoản 1 Điều 100, BLHS năm 1999 về tội bức tử đối với vợ, có khung hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu,

người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 151, BLHS 1999

như sau:

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm

Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt thường ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm tới thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.

Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý. Nếu làm chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.

BLHS đã có những quy định khá đầy đủ về việc xử lý trách nhiệm đối với hành vi BLGĐ, thể hiện sự quan tâm của nhà nước ta đối với vấn đề

BLGĐ, đồng thời là cơ sở pháp lý để ngăn chặn và phòng ngừa BLGĐ. Song trên thực tế, ngoài những hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, tỉ lệ thương tật cao…), thì các hành vi bạo lực khác rất ít khi được xử lý bằng pháp luật hình sự. Vì như đã phân tích ở trên, đa phần những người bị bạo hành đặc biệt là phụ nữ thường cam chịu chứ không muốn đứng ra tố cáo hoặc khi cơ quan pháp luật làm việc thì họ cũng không mấy khi hợp tác và không chịu đi giám định tỷ lệ thương tật nên các cơ quan chức năng rất khó khăn khi xử lý.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 60)