1.4.1.1 Kinh nghiệm của Hà Lan.
- Ở Hà Lan, Luật Xây dựng nhà ở năm 1901 quy định nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Chính phủ, thông qua việc xây dựng nhà ở xã hội. Luật khẳng định quyền can thiệp của
Chính phủ vào lĩnh vực xây dựng nhà ở, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của
tất cả các cơ quan tham gia trong quá trình xây dựng nhà ở. Vì vậy, số lượng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động do các công ty nhà nước xây dựng luôn cao hơn so với các công ty còn lại. Từ năm 1947 đến năm 1992, quỹ nhà ở xã hội của Hà Lan tăng thêm 4 triệu nhà và về cơ bản đã thanh toán xong nạn thiếu nhà ở xã hội.
- Gần đây, Hà Lan đã chuyển đổi phương sách quản lý nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân. Nhà nước không bao cấp hay hoàn toàn kiểm soát thị trường như trước, mà để hoạt động trong sự quản lý và điều tiết của nhà nước. Luật nhà ở sửa đổi tập trung vào những điểm như: ưu tiên hơn nữa việc thoả mãn nhà ở cho người có thu nhập thấp; Đảm bảo sự tham gia bình đẳng của các nhà đầu tư trong việc tham gia vào xây dựng quỹ nhà ở xã hội.
Tóm lại, theo kinh nghiệm của Hà Lan để đáp ứng được nhu cầu về nhà
ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng phải tăng cường sự đóng góp của toàn dân và của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, Hà Lan là một trong những nước đi đầu trong giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.
1.4.1.2 Kinh nghiệm của Trung Quốc.
* Chính sách cải cách và thương mại hoá nhà ở, trong đó có nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh.
Chính phủ đã cung cấp một lượng vốn lớn cho việc phát triển nhà ở, từ năm 1949. Nhà nước chịu trách nhiệm cấp nhà ở, đặc biệt là đối với cán bộ công chức được tuyển dụng trực tiếp. Dân cư và lao động ngoại tỉnh hầu hết đều dựa vào nhà nước để được bao cấp về nhà ở, khiến cho việc phân phối không công bằng và tham nhũng trở thành phổ biến. Hậu quả dẫn đến công tác quản lý kém hiệu quả, nảy sinh những tiêu cực ( không đáp ứng được nhu cầu chính đáng, chất lượng nhà ở kém, tốc độ xuống cấp nhanh...).
Trung Quốc cũng đã từng bước tiến hành thương mại hoá toàn bộ quá trình xây dựng, phân phối và sử dụng nhà ở. Chính quyền địa phương được trao quyền chủ động phát triển “ nhà rẻ tiền “để phân phối không mất tiền cho người dân và chủ động việc đánh thuế. Từ năm 1993, luật lệ trung ương yêu cầu các công ty phát triển bất động sản phải có ít nhất 20% tỷ lệ “nhà rẻ tiền” trong kế hoạch phát triển hàng năm dành cho người thu nhập thấp, dưới hình thức thuê hoặc bán.
* Chính sách quản lý nhà ở khác.
Nhà nước thiết lập các quy định quản lý nhà cho thuê với giá thấp, thí điểm rút kinh nghiệm, sau đó áp dụng cho toàn quốc.Đảm bảo thực hiện công khai và tính minh bạch trong phân phối nhà ở cho các đối tượng là lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp với sự kiểm soát của nhà nước cùng với sự thực hiện chiến lược bao cấp tiền thuê nhà một cách linh hoạt và ít tốn kém hơn so với chiến lược xây dựng trực tiếp các nhà cho thuê với giá thấp. Tổ chức hợp tác giữa các công ty nhà đất theo hướng Nhà nước và tư nhân cùng làm.
Bên cạnh đó, Nhà nước đồng thời đi vào thực hiện thí điểm một số mô hình nhà ở hợp tác xã để bán và cho thuê với mức giá phù hợp với thu nhập của người lao động có thu nhập thấp. Các mô hình được xây dựng lên nhằm đáp ưng nhu cầu về ở lâu dài của công nhân, người lao động, được nhân rộng tại các địa phương có những nguồn lực và điều kiện tương đồng.