Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là bài toán khó với mọi nền kinh tế và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Theo lý thuyết và kinh nghiệm thực tế ở nhiều nước cho thấy, tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tỷ lệ lạm phát cao có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh. Ngược lại, lạm phát vừa phải và ổn định có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bối cảnh kinh tế quốc tế và bối cảnh kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Bài toán khó nhất hiện nay đối với Việt Nam là kiềm chế lạm phát trong khi vẫn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Trong thời gian vừa qua lạm phát ở Việt Nam đã tăng cao và lên tới hai con số. Lạm phát cao không chỉ là thách thức về kinh tế mà còn là mối quan ngại của Chính phủ bởi ảnh hưởng của nó lan tỏa đến mọi thành phần trong nền kinh tế, và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao là tiền đề cho việc tạo nhiều công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác trong khu vực nhưng trong bối cảnh lạm phát cao trong những năm gần đây, và ở mức hai con số 12,63% năm 2007, thì một trong những giải pháp nên được cân nhắc về mặt chính sách phát triển kinh tế bền vững đó là lựa chọn mục tiêu chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thay vì tăng trưởng kinh tế cao. Tại sao cần tập trung hơn cho ổn định kinh tế vĩ mô? Ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá quốc tế tăng cao và lạm phát trong nước cao chính là điều kiện cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trong trung và dài hạn, nhằm
duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã công bố mục tiêu ưu tiên hiện nay là kiềm chế lạm phát, và sẽ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn 9%, ở mức khoảng 7%. Với việc cam kết mạnh mẽ đối với việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, xác định rõ mục tiêu theo đuổi một sự tăng trưởng ổn định sẽ là tiền để xây dựng một khung chính sách để đạt được mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Đi liền với quyết tâm chống lạm phát và ổn định nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra một gói các giải pháp; trong đó bao gồm các giải pháp phía mặt cầu như thực hiện chính sách tiền tệ thu hẹp, chính sách tài khoá thắt chặt; cùng với các giải pháp mặt cung như khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thúc đẩy hoạt động sản xuất nhằm tăng cung hàng hoá cho nền kinh tế.